“Chắc mai sau con ghét mình lắm. Mỗi lần giữ con để bác sĩ lấy ven, rồi giữ con để hút đờm, con nhìn mình với ánh mắt cầu cứu, khóc không thành tiếng vì đờm ở cổ nhiều quá", chị Lân nghẹn ngào.
Nhìn con yêu - bé Tuyết Mai bị bác sĩ cắt tóc cho tiện lấy ven, chị Đỗ Thị Lân (22 tuổi, Chợ Đường Cái, Văn Lâm, Hưng Yên) lại rơi nước mắt. Đặc biệt mỗi lần nhìn thấy bạn cùng phòng của con được ra viện, gương mặt chị lại chùng xuống và ngấn lệ.
Chị Đỗ Thị Lân và bé Tuyết Mai.
6 tháng sau sinh gặp con lần đầu, nhận ra con bằng xoáy ở lông mày
Kết hôn vào năm 2016, vợ chồng chị Lân hạnh phúc khi biết tin mình được lên chức bố mẹ sau đó không lâu. Thế nhưng niềm hạnh phúc của vợ chồng chị lại ngang chừng khi phát hiện con bị tim bẩm sinh, hẹp thanh quản và thoát vị qua khe thực quản sau sinh.
Chị Lân kể, khoảng thời gian mang thai 9 tháng 10 ngày chị như “ngồi trên đống lửa” bởi chị bị sốt khi thai được 3 tháng.
Mặc dù đã yên tâm với các xét nghiệm, sàng lọc kết quả bình thường nhưng đến khi thai tuần thứ 32, một lần nữa, vợ chồng chị “đứng ngồi không yên” khi nghe tin con bị teo thực quản.
Mấy hôm nay, bác sĩ trêu mẹ con cháu ở đây ăn cái Tết thứ 2 nữa. Mình nhớ năm đầu tiên ăn Tết ở viện phải đi mấy cây số mới mua được bát phở. Hai vợ chồng phải ăn bánh chưng trừ bữa rồi động viên nhau.
”Quyết định sinh con nhưng nào ngờ đâu ngày mà nhiều bà mẹ nở nụ cười hạnh phúc nhìn thấy con yêu cất tiếng khóc chào đời, chị Lân “chết lặng” với “tin trời đánh” con bị bệnh tim và nhiều bệnh khác, phải chuyển gấp sang Bệnh viện Tim Hà Nội.
“Sau sinh 1 ngày con được chuyển sang viện Tim Hà Nội luôn. Lúc đầu, bác sĩ phát hiện con bị bệnh thông liên thất - bệnh nhẹ nhất của tim nhưng khi chuẩn bị đi mổ, bác sĩ phát hiện bệnh nặng, gọi gia đình lên mổ gấp và nói cơ hội mổ chỉ 5%. Lúc đó vợ chồng mình như sụp đổ hoàn toàn. 20 ngày tuổi con phải mổ tim.
Từ lúc sinh con đến 6 tháng sau sinh, con phải nằm phòng cách ly nên mình chưa được gặp con lần nào. Mỗi lần nhìn các mẹ khác cho con bú mình lại chảy nước mắt và thèm được như vậy”, chị Lân chia sẻ.
Sau mổ tim, bé Tuyết Mai bị nhiễm trùng máu, nấm máu, sợ mang vi khuẩn cho con nên vợ chồng chị không dám vào gặp con, chỉ biết đứng từ xa nhìn về nơi con nằm điều trị.
6 tháng sau khi sinh, chị mới được gặp con lần đầu tiên.
Chị Lân nói, khoảng thời gian đó là khoảng thời gian dài đằng đẵng và đau đớn nhất trong cuộc đời chị bởi 2 mẹ con gần nhau nhưng không được nhìn thấy nhau.
Chính nỗi nhớ thương con trong suốt nửa năm trời khiến cho chị không thể quên được lần đầu tiên gặp con, cảm giác vừa run vừa sợ, vừa mừng sau bao ngày mong ngóng. Tuy sau sinh chưa được nhìn mặt con nhưng linh cảm của một người mẹ khiến chị nhận ra con sau 6 tháng trời xa cách.
“Bao nhiêu ngày bác sĩ đều nói con nguy hiểm, mình buồn lắm nhưng về sau quyết định vào thăm con lấy động lực. Lúc đó nhìn mặt con phù hết, người tím, gắn ống dây dợ khắp người, mình chỉ biết chảy nước mắt vì không nhận ra. Có lẽ, mình nhận ra bé là bởi xoáy ở đầu lông mày như linh tính của một người mẹ mách bảo”, chị Lân nghẹn ngào.
Con khóc không thành tiếng, đưa mắt cầu cứu mẹ mỗi lần lấy ven
Sau khi vào gặp con, chị mừng vì 1-2 tháng sau bé đã cai được máy, sức khỏe ổn định hơn. Những tưởng cả 2 mẹ con sẽ chóng được về nhà giống như những bạn cùng phòng khác nhưng nào ngờ 1 năm qua, chị và con chỉ được về nhà đúng 3 lần và lần lâu nhất là 3 tiếng đồng hồ.
Ngày nào cũng vậy, 2 mẹ con chị Lân cứ lủi thủi trong viện cùng nhau. Mặc dù bị bệnh nhưng Tuyết Mai rất ngoan, không quấy khóc nhiều.
“Lần đầu tiên được bác sĩ cho về nhà sau bao ngày mong ngóng nhưng 3 tiếng sau cháu bị sốt, 2 mẹ con lại phải nhanh chóng lên viện. 2 lần sau chưa kịp vào nhà nghỉ, mình lại phải bế con đi luôn lên viện.
Phát hiện con phải mổ lần thứ 2, vợ chồng mình sốc và buồn vì con nhỏ suốt ngày ở viện. Vợ chồng mình thèm cảm giác con khỏe mạnh, được đi chơi như các bạn lắm.
Mặc dù mình say xe nhưng mình vẫn cố gắng. Suốt ngày 2 mẹ con cứ ôm nhau đi từ viện Tim đến viện Nhi rồi sang viện Da liễu, có khi đi vòng quanh thế giới ý.
Lúc nào cũng chỉ có 2 mẹ con bồng bế, chăm nhau vì chồng mình phải đi làm cả tuần để đỡ phần nào hay phần đó. Nhiều lúc nhớ con cũng chỉ được nhìn qua màn hình điện thoại”, chị Lân ẵm con với đôi mắt đỏ hoe nói.
Nhìn con yêu nằm ngủ sau khi được tiêm xong, chị nghẹn ngào: “Chắc mai sau con ghét mình lắm. Mỗi lần giữ con để bác sĩ lấy ven, rồi giữ con để hút đờm, con nhìn mình với ánh mắt cầu cứu, khóc không thành tiếng vì đờm ở cổ nhiều quá.
Rồi mỗi lần nhìn bác sĩ lấy ven khắp cả người con 16-17 lần mới được, nhìn xuống con đau đớn, mình như đứt từng khúc ruột. Thế nhưng không làm vậy con làm sao khỏi được bệnh.
Chân tay con chỗ nào cũng bị lấy ven hết, bác sĩ cũng phải cạo đầu để lấy rồi lấy ven ở cả bụng nữa. Bây giờ các bác sĩ ai cũng sợ mỗi lần lấy ven cho con”.
Mặc dù đã được 1 tuổi nhưng bé Tuyết Mai chỉ nặng 4,5kg, việc ăn uống của em đều thông qua ống xông.
Mái tóc nữ tính của em đã bị bác sĩ cắt trụi để tiện cho việc lấy ven tiêm mỗi ngày.
Tháng 11 này, bé Tuyết Mai tròn 1 tuổi thế nhưng phải chiến đấu với bệnh tật từ khi sinh ra nên em chỉ nặng vỏn vẹn 4,5kg như những đứa trẻ 3-4 tháng tuổi. Thậm chí em chưa biết lẫy, biết bò, biết ngồi vững, mọi ăn uống đều phải thông qua đường xông suốt 1 năm. Mỗi ngày của em luôn phải đối mặt với mũi tiêm, những lần hút đờm đau đớn.
Không chỉ bị bệnh tim bẩm sinh, Tuyết Mai còn bị hẹp thanh quản và thoát vị qua khe thực quản sau sinh. Sắp tới em phải trải qua ca phẫu thuật thứ 2 để điều trị thoát vị qua khe thực quản.
Chị Lân kể, chị đã rất sốc khi biết tin con phải mổ lần 2 bởi gia đình chị không biết phải xoay xở ra sao nữa. Một năm qua, với đồng lương ít ỏi của chồng chăm con bị bệnh, gia đình chị dường như kiệt quệ hoàn toàn. Thế nhưng dù cuộc sống khó khăn thế nào, vợ chồng chị vẫn sẽ cố gắng đồng hành cùng con chiến đấu với bệnh tật.
“Con sẽ không phải chiến đấu với bệnh tật một mình. Bố mẹ sẽ dồn hết tình yêu thương, dành cho con những điều đẹp đẽ nhất để lấp đầy những đau đớn con phải chịu”, chị Lân nhắn nhủ.
>> XEM TIẾP: Tâm sự của người mẹ 15 năm đồng hành cùng 2 con chiến đấu với bạo bệnh
Hiện tại, gia đình chị Đỗ Thị Lân rất mong có thể thực hiện ca phẫu thuật thứ hai điều trị thoát vị qua khe thực quản cho bé Tuyết Mai nhưng do điều kiện khó khăn, gia đình chưa thể thực hiện ca phẫu thuật. Mọi sự giúp đỡ, xin vui lòng liên lạc với chị Lân theo số điện thoại: 01686330195 hoặc địa chỉ: Phòng 4, Khoa Nhi Bệnh viện Tim Hà Nội. |