Nghĩ mình chỉ chạy ra chợ một lát, chị Quỳnh yên tâm để con trai ở nhà, không ngờ khi về tới nơi, chị đã thấy nhà mình đang cháy, con trai không còn tỉnh táo.
Bé Phạm Minh Quân (7 tuổi, ở Hậu Giang) là con trai của vợ chồng chị Trần Vi Quỳnh. Ngày 5/2 là chủ nhật, bé Quân không đi học. Chiều hôm đó, chị Quỳnh để con trai ở nhà một một rồi đi chợ. 10 phút sau, chị Quỳnh về đến đầu ngõ thì thấy nhà mình đang cháy dữ dội, gọi con trai không thấy trả lời. Ngay sau đó, chị kêu cứu, cùng người thân đưa con trai ra khỏi đám cháy.
Bác sĩ Trọng Nghĩa, Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ cho biết, bé Quân được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ trong tình trạng còn tỉnh táo, môi hồng nhợt, toàn thân có nhiều bụi tro, ho khan, khàn giọng và có vết bỏng ở mặt. Sau khi thăm khám, các bác sĩ của bệnh viện chẩn đoán, bé bị viêm phổi do ngạt khí CO, bỏng hô hấp, bỏng độ II, III bàn tay trái diện tích bỏng 6%.
Bệnh nhi đang năm thở máy. Ảnh: BVCC.
Bệnh nhi được cấp cứu thở oxy mask với nồng độ oxy 100% để loại khí CO ra khỏi cơ thể, ổn định hô hấp, truyền dịch, giảm đau, sử dụng kháng viêm chống phù nề ở đường hô hấp, chăm sóc vết bỏng và theo dõi sát tình trạng hô hấp. Sau 30 phút điều trị, bé bứt rứt, xuất hiện triệu chứng thở rít, khàn giọng nhiều hơn, thở co kéo tăng dần lên. Các bác sĩ nhận định, có khả năng bé bỏng nặng ở đường hô hấp kèm viêm phổi do hít khói bụi. Bệnh nhi được đặt nội khí quản kiểm soát hô hấp, nội soi rửa phế quản và chuyển lên tuyến trên.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), bé Quân được tiếp tục thở máy, kháng sinh, nuôi ăn tĩnh mạch, giảm đau. Tuy nhiên do tình trạng bỏng nặng ở đường hô hấp nên tiên lượng của bé rất nặng.
Theo bác sĩ Trọng Nghĩa, bỏng là một trong những tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em. Có nhiều nguyên nhân làm trẻ bị bỏng như nước sôi, tiếp xúc hóa chất, bỏng điện hay bỏng trong các đám cháy. Trong đó, bỏng hô hấp là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ cũng như để lại những di chứng nặng nề ở đường hô hấp.
Hình ảnh phim chụp đường thở của bé Quân. Ảnh: BVCC.
Bác sĩ Trọng Nghĩa cảnh báo, hiện nay các tỉnh phía Nam đang bước vào mùa nắng nóng nên rất dễ xảy ra cháy nổ. Tuy nhiên, lâu nay, rất nhiều gia đình có con nhỏ thường có thói quen để trẻ ở nhà một mình để đi chợ, đi mua đồ... vì nghĩ rằng, người lớn chỉ đi một lúc sẽ về, con ở nhà sẽ không sao. Điều này là hoàn toàn sai, có thể vô tình làm trẻ gặp tai nạn.
Từ trường hợp của bé Quân, bác sĩ Trọng Nghĩa khuyến cáo, các phụ huynh có con nhỏ cần lưu ý những điều sau:
- Các gia đình có trẻ nhỏ, tuyệt đối không nên để con ở nhà một mình, vì trẻ em là đối tượng rất dễ tổn thương và luôn hiếu động, vì vậy phải luôn có người lớn trông coi.
- Hướng dẫn và dạy trẻ kỹ năng thoát khỏi đám cháy: Khi phát hiện có khói cháy thì phải hạ thấp người, kiếm khăn ướt che mũi, miệng và di chuyển đến cửa để thoát khỏi đám cháy.
- Không cho trẻ chơi với lửa như đốt củi, đốt rơm rạ ở vùng nông thôn.
- Cần để xa các vật dụng đựng nước sôi, ổ cắm điện, các đồ dùng sạc điện hóa chất, đầu thắp xa khỏi tầm với của trẻ.
Trẻ nhỏ cần luôn được giám sát và trông nom. (Ảnh minh họa)
Theo bác sĩ Trọng Nghĩa, khi trẻ bị bỏng phải nhanh chóng sơ cứu ban đầu theo các bước sau:
- Làm mát vết bỏng, tránh cho da khỏi bị rộp bằng cách mở vòi nước cho chảy chầm chậm lên vết bỏng khoảng 15 - 20 phút. Nước sạch vừa có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương. Không dùng nước lạnh, nước đá (trong tủ lạnh) để làm mát da cho trẻ.
- Nhẹ nhàng tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giầy, dép, vòng trước khi vết bỏng sưng nề.
- Che phủ vùng bỏng bằng gạc vô khuẩn. Nếu không có gạc có thể dùng vải sạch.
- An ủi trẻ, cho uống nước và đặt trẻ ở tư thế nằm.
- Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, tổn thương có thể tự liền nhờ quá trình biểu mô hóa, thì sau khi sơ cứu có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu nặng hơn thì ngay sau khi sơ cứu cần chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ điều trị kịp thời.
* Tên bé trai và người mẹ đã thay đổi
(Nguồn: Phụ Nữ Pháp Luật)
Bé gái đang đi du lịch bỗng thở mệt rồi nguy kịch, bác sĩ chỉ dấu hiệu nguy hiểm tuyệt đối không chủ quan
BSCK2 Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết các bác sĩ vừa tiến hành cấp cứu thành công cho bé gái 4 tuổi bị viêm cơ tim cấp khi đang đi du lịch cùng gia đình.
Trước khi nhập viện vài ngày, bé gái này thường kêu mệt và sốt. Tuy nhiên, khi đưa bé đến bệnh viện địa phương thăm khám thì không phát hiện bất thường. Trong lúc cùng gia đình đi du lịch, bệnh tình của bé bắt đầu trở nặng, hai mắt sưng, thở mệt và được cấp cứu tại gần điểm du lịch. Tại đây, bé được chẩn đoán viêm cơ tim cấp, cần chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 để kịp thời cứu chữa.
Thời điểm chuyển đến bệnh viện, bé gái đã ở trong tình trạng sốc tim, hạ huyết áp nặng nên nhanh chóng được các bác sĩ hỗ trợ hô hấp, truyền vận mạch và đặt máy tạo nhịp tim tạm thời. Sau gần một tuần điều trị, bé đã tự thở được, giảm dần và ngưng thuốc vận mạch, rút máy tạo nhịp tim tạm thời, sức khỏe dần hồi phục.
Hiện bé gái đã thoát được cơn nguy kịch và đang điều trị phục hồi.
Bác sĩ Ngọc Phượng cho biết, viêm cơ tim là bệnh lý diễn tiến nhanh, dễ gây nguy hiểm tính mạng nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời. “Nguyên nhân của bệnh thường do siêu vi và thường chia thành ba dạng: tối cấp, cấp tính và mãn tính. Với trường hợp tối cấp, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 24 tiếng. Trong trường hợp cấp tính, người bệnh có thể rơi vào tình trạng suy tim cấp, sốc hoặc rối loạn nhịp tim, nếu không can thiệp kịp thời thì bệnh nhân có thể không qua khỏi. Đối với trường hợp mãn tính, đây là tình trạng nhiễm siêu vi âm thầm, lâu dần làm tổn thương cơ tim, bệnh nhân diễn tiến thành bệnh cơ tim giãn”.
Được biết, viêm cơ tim cấp thường không điển hình, khởi đầu bệnh nhân thường có các triệu chứng giống cảm cúm như sốt nhẹ, mệt mỏi, ho, sổ mũi hoặc có triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn, nôn. Trong trường hợp viêm cơ tim cấp nặng sẽ xuất hiện các triệu chứng mệt, ngất, khó thở, đau ngực, tím tái, tay chân lạnh, rối loạn nhịp tim, trụy tim mạch. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ viêm cơ tim cần nhanh chóng đến ngay bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Với trẻ bị viêm cơ tim nhẹ thường chỉ theo dõi, điều trị triệu chứng, sẽ khỏi bệnh sau 1-2 tuần. Tuy nhiên, trẻ viêm cơ tim nặng sẽ được hỗ trợ hô hấp, dùng thuốc trợ tim, thuốc vận mạch duy trì chức năng tim. Nếu có rối loạn nhịp thì dùng thêm thuốc chống loạn nhịp tim, đặt máy tạo nhịp điều chỉnh tần số tim. Tỉ lệ tử vong do viêm cơ tim cấp nặng còn rất cao, khoảng 30-40%, nhất là trong trường hợp viêm cơ tim tối cấp, tỉ lệ tử vong gần 100% trước khi có kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo).
Để phòng ngừa viêm cơ tim cấp ở trẻ cũng như những biến chứng nguy hiểm, cha mẹ cần chú ý tăng cường miễn dịch, bảo vệ trẻ hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh từ môi trường.
Dưới đây là những điều cha mẹ cần lưu ý khi chăm sóc trẻ nhỏ:
- Cho trẻ ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng: Với trẻ sơ sinh, nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu tiên, sau đó kết hợp với ăn dặm trong 18 tháng tiếp theo. Trẻ được bú sữa mẹ sẽ có miễn dịch tốt hơn và nguy cơ mắc bệnh cũng thấp hơn.
Với trẻ lớn hơn, chế độ dinh dưỡng cho trẻ cần chú ý cung cấp đầy đủ các nhóm chất, đặc biệt là vitamin và khoáng chất giúp trẻ khỏe mạnh, sức đề kháng tốt.
- Hạn chế trẻ tiếp xúc với người bệnh: Trẻ nên tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người có triệu chứng mắc các bệnh như: rubella, quai bị, cảm cúm... Điều này khiến tác nhân gây bệnh không xâm nhập được vào cơ thể trẻ để gây viêm cơ tim cấp cũng như các bệnh truyền nhiễm khác.
- Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ: Trẻ nhỏ nên được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus hoặc vi khuẩn như: cúm, quai bị, bạch hầu, rubella,...
- Hướng dẫn trẻ thói quen rửa tay, vệ sinh thân thể sạch sẽ: Nên dạy cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa lây nhiễm virus, vi khuẩn gây bệnh.