Việc tắm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong những ngày rét đậm nếu không cẩn thận rất dễ khiến bé mắc bệnh nặng về đường hô hấp.
Nhiệt độ toàn miền Bắc nước ta trong những ngày gần đây đang giảm sâu, thời tiết chuyển lạnh rõ rệt và mọi người đang phải đón chịu những đợt không khí lạnh vô cùng lớn. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chính là đối tượng chịu ảnh hưởng và khó thích nghi với thời tiết này nhất nên rất dễ bị nhiễm lạnh, ảnh hưởng đến đường hô hấp.
Một vấn đề được nhiều bậc cha mẹ quan tâm hơn nữa chính là có nên tắm hàng ngày cho bé trong những ngày này và nếu có thì cách tắm ra sao?
Những ngày rét đậm có nên tắm cho bé? (Ảnh minh họa)
Câu trả lời là chắc chắn là có. Bởi nếu duy trì việc không tắm cho trẻ kéo dài cũng rất dễ nảy sinh vi khuẩn có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc tắm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vào mùa đông cần đảm bảo các nguyên tắc sau:
1. Thời gian tắm bé phù hợp
Mẹ cần sắp xếp thời gian tắm cho bé thích hợp. Tránh tắm bé quá sớm hoặc quá muộn. Đặc biệt không nên tắm cho bé trong khoảng thời gian từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều.
Thời gian tắm hoàn hảo nhất cho bé là từ 10h - 10h30 sáng hoặc 13h - 16h chiều. Mẹ không nên tắm cho bé quá 5 phút để đảm bảo bé không nhiễm lạnh. Đặc biệt, không nên tắm khi bé đang bị bệnh hoặc thời tiết quá lạnh.
Mỗi lần tắm chỉ khoảng 5 phút. (Ảnh minh họa)
2. Nên tắm cho bé vào ngày rét đậm như thế nào?
Mẹ nên tắm cho bé vào ngày rét đậm theo các hướng dẫn sau đây:
- Chuẩn bị máy sưởi hoặc bật điều hoà để đảm bảo nhiệt độ phòng tắm ấm áp. Đóng kín cửa để tránh gió cho bé.
- Mẹ sử dụng nước ấm vừa phải để tắm cho bé bằng cách đổ nước ra chậu để thử nhiệt độ thích hợp rồi mới tắm cho bé (khoảng 36-38 độ C). Tránh tắm bằng nước quá lạnh hoặc quá nóng.
- Đầu tiên mẹ dùng khăn mềm nhúng nước ấm để rửa mặt mũi sạch sẽ cho bé.
- Sau đó tắm từ dưới lên trên. Tắm nửa người trên, chú ý các nếp gấp cổ, nách, sau gáy, rồi lau khô. Tắm tiếp phần dưới cơ thể, chú ý nếp bẹn, vùng hậu môn, sinh dục.
- Sau khi bé tắm xong mẹ dùng khăn tắm to choàng kín để lau người và giữ ấm cho bé. Lau thật khô người, đặc biệt là chân và đầu. Cuối cùng mẹ mặc quần áo ấm và cho bé ở trong phòng kín gió.
Nên quấn khăn ấm trùm người cho bé sau khi tắm. (Ảnh minh họa)
3. Bao lâu thì tắm một lần?
Đối với những trẻ sơ sinh thông thường, tắm từ 2 – 3 lần/ tuần là phù hợp. Đối với những bé đã bắt đầu bước vào độ tuổi ăn dặm có thể tắm nhiều lần hơn bởi lúc này thức ăn có thể dính vào người làm bẩn một số bộ phận, thậm chí là toàn cơ thể.
Tuy nhiên, việc rửa tay, chân, mặt và vệ sinh bộ phận sinh dục cho bé thì cần được thực hiện hàng ngày.
4. Lưu ý khi tắm cho trẻ vào mùa đông
- Không nên cởi hết quần áo: Với trẻ sơ sinh, mẹ nên tắm đến chỗ nào thì cởi chỗ đó, không nên cởi hết quần áo con ra một lúc. Khi mặc quần áo cho con, mẹ cũng mặc quần áo đến đâu cho con thì bỏ khăn ra đến đó.
- Cần phải chọn sữa tắm đúng cách: Vào mùa đông, mẹ nên chọn cho bé loại sữa tắm có thành phần dưỡng ẩm dịu nhẹ.
- Lau người bé xong mới gội đầu: Gội đầu sau khi tắm giúp não bộ kịp tiếp nhận và thích ứng với những tín hiệu thay đổi của cơ thể. Làm như vậy có tác dụng bảo vệ bộ não trẻ.
- Đừng bao giờ tắm gội, lau người vào lúc trẻ đói bụng và cũng không nên lau người khi mới vừa cho ăn no xong, bởi vì những cử động mạnh sẽ dễ làm trẻ bị ọc thức ăn.
Theo bác sĩ Lê Anh cho biết trên báo Sức khỏe và Đời sống, trời lạnh cũng phải tắm nắng cho bé. Trong mùa đông, suốt thời gian trong ngày, trẻ ở trong phòng kín. Có bé vài ngày không ra ngoài trời. Việc ở trong phòng lâu ngày sẽ khiến trẻ dễ ốm hơn. Trẻ cần được vận động ngoài trời để tăng khả năng thích nghi với các yếu tố thời tiết, tăng sức đề kháng, phòng tránh được nhiều bệnh dễ lây nhiễm. Đối với trẻ dưới 5 tuổi, cần được ra ngoài trời tắm nắng hàng ngày để hấp thụ vitamin D, rất có lợi cho quá trình phát triển của trẻ. Thời điểm lí tưởng để mẹ cho trẻ ra ngoài đón nhận ánh nắng mặt trời vào mùa đông là vào khoảng 8 - 9h30 và buổi chiều từ 15 -17h. Tuy nhiên, khi cho trẻ chơi ngoài trời, cần lưu ý mặc quần áo đủ ấm nhưng vẫn thoáng để khi trẻ ra mồ hôi không thấy quá nóng, thường xuyên kiểm tra mồ hôi lưng để kịp thay áo cho trẻ. |