Ths. Bs Lương Văn Chương – Phó trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết không chỉ vỏ tôm mà cả thịt tôm cũng là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị dị ứng.
Từ trước đến nay, tôm được biết đến là thực phẩm giàu dinh dưỡng. Không chỉ cung cấp protein dồi dào, sắt, vitamin B12, omega 3, tôm còn cung cấp một lượng canxi lớn - yếu tố thiết yếu trong cấu tạo mô xương, góp phần hệ xương khỏe mạnh.
Các nhà dinh dưỡng cũng đã từng đưa ra một bảng nhu cầu khuyến nghị về khẩu phần ăn cho người châu Á. Theo đó, nhu cầu canxi ở tuổi/ngày như sau: nhóm các đối tượng gồm phụ nữ nuôi con bú, phụ nữ có thai, người trên 50 tuổi, thiếu niên 10-18 tuổi là 1.000 mg/ngày; nhóm tiếp theo gồm người từ 19 - 50 tuổi, trẻ 7 - 9 tuổi là 700 mg; tiếp sau đó là trẻ 4 - 6 tuổi là 600 mg, trẻ 1 - 3 tuổi là 500 mg, trẻ 6 - 11 tháng là 400 mg và thấp nhất là trẻ 0 - 5 tháng là 300 mg.
Tôm là món không thể thiếu trong khẩu phần ăn hàng ngày cung cấp một lượng lớn canxi cho cơ thể. (Ảnh minh họa)
Được biết, trong 100g tôm, tép khô có đến 2000 mg canxi bởi vậy dù có đắt sánh ngang thịt bò, nhưng nó vẫn là món không thể thiếu trong khẩu phần ăn hàng ngày, đặc biệt đối với trẻ tuổi ăn tuổi lớn và thời kỳ tiền dậy thì vì đây là những giai đoạn tăng tốc về chiều cao.
Sẽ không có gì quá ngạc nhiên khi mọi người thường chọn tôm trong bữa ăn hàng ngày để bổ sung lượng canxi cần thiết cho cơ thể nhưng điều ngạc nhiên hiện nay là nhiều bà mẹ luôn nghĩ rằng vỏ tôm mới cung cấp canxi và bắt ép con ăn hết sạch chúng. Tuy nhiên, số khác lại cho rằng trẻ ăn tôm nhỏ bị dị ứng là do vỏ tôm gây ra. Vậy thực hư những quan niệm này là như thế nào?
Vỏ tôm rất ít giá trị dinh dưỡng, các bà mẹ không nên bắt ép con ăn cả vỏ tôm. (Ảnh minh họa)
Theo Ths.Bs Lương Văn Chương (Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cho biết, tôm là loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như đạm, canxi, nhưng thực tế dinh dưỡng và canxi chủ yếu là ở phần thịt tôm, còn vỏ tôm có rất ít giá trị vì chủ yếu là kitin.
Ngoài ra, quan niệm phụ nữ sau sinh ăn tôm gây lạnh bụng cũng không có căn cứ. Khi mới sinh, người mẹ cần ăn thức ăn giàu chất dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa và cả tôm.
- Lương Văn Chương -
”Chính bởi vậy nhiều bà mẹ bắt con ăn cả vỏ tôm để cung cấp nhiều canxi là không đúng. “Thành phần chính của vỏ tôm là kitin (Chitin) có công thức hoá học (C8H13O5N)n gồm nhiều phân tử Actylglucosamin liên kết với nhau tạo nên vỏ cứng cho tôm và các loài giáp xác. Như vậy cấu tạo kitin không có canxi nên khi cho trẻ ăn vỏ tôm sẽ gây khó tiêu hoá và có thể làm trẻ hóc vì vỏ tôm rất cứng và không có lợi ích gì.
Tôm là thức ăn giàu chất dinh dưỡng nên bố mẹ nên cho trẻ ăn nhưng chỉ nên ăn phần thịt tôm và nghiền nhỏ, không ăn vỏ tôm. Nếu trẻ bị dị ứng không được cho trẻ ăn”, bác sĩ Chương chia sẻ.
Giải thích về việc nhiều trẻ ăn tôm nhỏ bị dị ứng và phụ huynh thường cho rằng nguyên nhân do vỏ tôm gây ra, bác sĩ Chương cho biết, trẻ ăn tôm bị dị ứng không chỉ do vỏ tôm mà còn do phần thịt tôm bởi trong tôm và một số hải sản thường giàu protein. Nếu trẻ bị dị ứng, các bà mẹ phải ngừng ngay loại thức ăn này và sau đó là tránh ăn cho con.
Canxi là thành phần quan trọng tạo xương cho trẻ, ngoài tôm, các bà mẹ có thể bổ sung thực phẩm giàu canxi khác cho con như thịt, trứng, sữa, cá. Bên cạnh đó, các bà mẹ nên kết hợp tắm nắng cho trẻ để tăng lượng vitamin D tổng hợp qua da góp phần chuyển hoá canxi tốt hơn.
Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hàm lượng canxi trong 100g thực phẩm ăn được tính như sau: 1. Cua đồng: 5.040 mg 2. Rạm tươi: 3.520mg 3. Tép khô: 2.000mg 4. Ốc đá: 1.660mg 5. Sữa bột tách béo: 1.400mg 6. Ốc nhồi: 1.357mg 7. Ốc bươu: 1.310mg 8. Tôm đồng: 1.120mg 9. Sữa đặc có đường: 307mg 10. Tôm khô: 236mg 11. Lòng đỏ trứng vịt: 146mg 12. Hến: 144mg 13. Lòng đỏ trứng gà: 134mg 14. Sữa bò tươi: 120mg 15. Sữa chua: 120mg |
>> XEM TIẾP: Những thực phẩm giàu canxi hơn sữa giúp bé cao vút như siêu mẫu