Trẻ bị nhiệt miệng thường rất khó chịu, quấy khóc, bỏ ăn, sụt cân. Nhiệt miệng là một trong những tình trạng xảy ra phổ biến ở mọi lứa tuổi và có thể tái đi tái lại nhiều lần khiến gia đình lo lắng.
Trẻ bị nhiệt miệng là gì?
Nhiệt miệng hay còn gọi với tên gọi khác là loét áp-tơ. Trong miệng xuất hiện những vết loét nhỏ và nông, thường xuất hiện ở khu vực bên trong má, môi, trên lưỡi hoặc lợi rải rác hoặc tập trung từng đám.
Trẻ bị nhiệt miệng phải làm sao? (Ảnh minh họa)
Hình dạng phổ biến nhất của những vết loét này chủ yếu là hình tròn, hình bầu dục, xám hoặc vàng nhạt tại trung tâm khiến cho trẻ vô cùng khó chịu, đau đớn, đặc biệt là khi ăn uống.
Nguyên nhân khiến trẻ bị nhiệt miệng
Có nhiều nguyên nhân gây xuất hiện nhiệt miệng ở trẻ em. Sau đây là một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng loét miệng ở trẻ em:
- Bé bị thủy đậu: Virus thủy đậu có thể sẽ gây nên các vết loét tại niêm mạc miệng làm cho bé bị khó chịu, đau đớn.
- Bé bị bệnh tay chân miệng: Nếu bị tay chân miệng cũng sẽ có dấu hiệu bị loét trong vòm miệng. Vì thế, nếu bé xuất hiện những vết đỏ trong miệng hoặc lòng bàn tay, lòng bàn chân.
- Bé bị suy dinh dưỡng: Khi ăn uống không đầy đủ hoặc bé bị suy dinh dưỡng cũng sẽ dẫn đến tình trạng bị thiếu hụt khoáng chất và vitamin như acid folic, vitamin B12, vitamin C cũng là nguyên nhân gây loét miệng.
- Bé bị nhiệt miệng: Nếu cơ thể của bị nóng, bé cũng sẽ dễ bị lở loét ở trong miệng.
- Bé bị tổn thương niêm mạc miệng: Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến, do bé vô tình cắn vào bên trong má và gây nhiễm trùng.
- Bé bị tổn thương do nhiệt: Nếu bé ăn và uống những loại thức ăn quá nóng sẽ gây bỏng tại niêm mạc miệng khiến lở loét.
Trẻ bị nhiệt miệng thường rất khó chịu. (Ảnh minh họa)
Trẻ bị nhiệt miệng bao lâu thì khỏi?
Nhiệt miệng thường sẽ gây nên cảm giác đau đớn và sưng trong khoảng một thời gian. Ngoài ra, nhiệt miệng có thể khiến bé khó nói chuyện hoặc ăn uống, vết loét thường sẽ kéo dài và đau từ 7-10 ngày. Vết loét nhỏ lành hoàn toàn từ sau 1-3 tuần, những vết loét lớn có thể mất khoảng 6 tuần để chữa lành.
Trẻ bị nhiệt miệng bôi thuốc gì?
Để biết được trẻ bị nhiệt miệng nên bôi thuốc gì, cha mẹ cần phải đưa bé đi khám để bác sĩ đánh giá được tình trạng vết loét của các bé và kê đơn phù hợp. Nếu vết loét của bẹ nhẹ chỉ cần vệ sinh răng miệng hàng ngày, kết hợp cùng một số loại thuốc kháng sinh, chống dị ứng, chống viêm.
Một số thuốc điều trị nhiệt miệng ở dạng gel, sử dụng để bôi cho trẻ em cũng rất hiệu quả, an toàn. Ngoài ra, bé cũng cần được bổ sung thêm các loại vitamin A, vitamin C liều cao để giúp nhanh chóng tái tạo niêm mạc miệng.
Nếu như trẻ bị nhiệt miệng và sốt cao kéo dài, lâu ngày chưa khỏi có thể sẽ bị áp xe vùng miệng, viêm tấy lan tỏa và khiến cho tình trạng nhiễm khuẩn trở nên nặng nề hơn cần phải dùng loại kháng sinh liều cao hoặc kiểm tra nhiễm khuẩn huyết. Tuy nhiên, nếu muốn dùng bất kỳ loại thuốc nào, cha mẹ cũng đều phải tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Khi bị nhiệt miệng trẻ thường quấy khóc liên tục. (Ảnh minh họa)
Trẻ bị nhiệt miệng nên ăn gì?
Khi bé bị nhiệt miệng, mẹ nên cho bé ăn các loại thức ăn lỏng (cháo, soup), thực phẩm có tính mát, dễ ăn, dễ hấp thụ. Mẹ nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày để giúp đảm bảo dinh dưỡng dành cho bé. Một số loại thực phẩm phù hợp cho bé khi bị nhiệt miệng, mẹ có thể tham khảo như:
- Đỗ đen, đỗ xanh, hạt sen: Những loại thực phẩm này có tính mát, giúp thanh nhiệt, giải độc dành cho cơ thể.
- Sữa chua: Sữa chua là loại thực phẩm có tính lợi khuẩn, giúp chống lại những vi khuẩn trong miệng và giảm vết loét. Mẹ có thể kết hợp sữa chua cùng với nha đam hoặc một số loại hoa quả có tính mát khác. Ngoài sữa chua, bé cũng có thể uống sữa tươi để đảm bảo dinh dưỡng.
- Ăn hoặc uống các loại rau củ quả để thanh nhiệt như: Rau diếp cá, rau má, cà rốt, rau mồng tơi, củ cải trắng, rau dền, quả dứa, đu đủ, táo, lê, cherry...
- Các loại nước ép trái cây: Nước ép cà chua, nước ép củ cải,...
Với những bé sơ sinh còn bú mẹ và chưa ăn dặm, mẹ nên tích cực cho bé bú nhiều hơn để giúp bé tăng đề kháng, tăng hệ miễn dịch. Ngoài ra, khi bé bị nhiệt miệng, mẹ không nên cho bé ăn các loại thức ăn cay nóng, các loại nước ngọt, thực phẩm có tính axit (cam, chanh, quýt, bưởi), hoa quả có tính nóng (vải, nhãn, đào, mận, vú sữa, sầu riêng, xoài, ổi, chôm chôm, na...).
Khi nào trẻ bị nhiệt miệng cần đưa đến bệnh viện?
Những vết loét miệng thường sẽ giảm dần và khỏi hẳn trong vòng 7-14 ngày nên nếu tình trạng này của trẻ kéo dài hơn 14 ngày. Đây cũng là thời điểm mẹ nên đưa bé đi khám chuyên khoa.
Trẻ bị nhiệt miệng nên ăn gì? (Ảnh minh họa)
Cách phòng nhiệt miệng ở trẻ em
Việc điều trị nhiệt miệng ở trẻ em không khó. Mặc dù vậy, đây là loại bệnh lý gây đau nhức, khó chịu và biếng ăn sẽ gây lo lắng dành cho phụ huynh. Nhiệt miệng có thể phòng tránh bằng các biện pháp dưới đây:
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh cho trẻ và đủ chất như trái cây, rau xanh, ngũ cốc.
- Thực hiện chế độ sinh hoạt điều độ, ăn ngủ và vui chơi đúng giờ giấc, giữ tinh thần thoải mái.
- Vệ sinh răng miệng hàng ngày cho trẻ, dạy bé súc miệng bằng nước muối loãng để sát trùng và làm sạch tại khoang miệng, họng. Hướng dẫn bé đánh răng đúng cách để không làm tổn thương tại niêm mạc miệng.
- Không cho bé ngậm những vật sắc nhọn hay cho đồ chơi, cho tay vào miệng.
- Không ép trẻ ăn, sẽ khiến cho trẻ sợ quấy, dễ ăn vào lưỡi gây tổn thương miệng.