Trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở cổ là bị bệnh gì?

Ngày 10/01/2018 15:37 PM (GMT+7)

Hầu hết các trường hợp trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở cổ sẽ tự biến mất mà không cần điều trị nhưng cha mẹ vẫn cần lưu ý kĩ.

Làn da của trẻ sơ sinh rất mỏng manh vì vậy nếu mẹ không chăm sóc cẩn thận, da của bé dễ bị nổi mẩn đỏ đặc biệt là ở nếp gấp vùng đùi, khuỷu tay và cổ. Trong tất cả các loại thì nổi mẩn đỏ ở cổ là phổ biến nhất.

1. Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở cổ

Có rất nhiều yếu tố khiến trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở cổ. Một số loại mẩn đỏ có thể chỉ xuất hiện ở cổ, trong khi một số khác cũng có thể xuất hiện ở vùng tã, nách… Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra hiện tượng nổi mẩn đỏ ở cổ bé sơ sinh:

- Vết cò mổ

Đây là những đốm màu hồng nhỏ xuất hiện trên cổ bé từ khi sinh. Những vết này sẽ biến mất mà không cần điều trị trong vòng vài tháng sau sinh.

Trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở cổ là bị bệnh gì? - 1

Mùa hè nóng bức bé thường bị rôm sẩy. (Ảnh minh họa)

- Rôm sẩy

Vào mùa hè bé sẽ thường bị nổi rôm trên cổ và các vùng khác của cơ thể. Thời tiết khô hanh, nóng bức làm cho da bé trở nên nhạy cảm hơn nên bé dễ bị nổi rôm sẩy.

- Kích ứng da

Bé sơ sinh hay bị nổi ban trong vài tháng đầu vì vùng cổ của bé có các nếp gấp da chồng lên nhau. Hơi ẩm quá mức và ma sát liên tục sẽ dẫn đến tình trạng nổi mẩn đỏ ở cổ bé. Khi bé có thể nhấc đầu thì các vết nổi mẩn này sẽ biến mất.

- Nấm da

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hay bị mắc nấm da. Sự dư thừa độ ẩm và mồ hôi ở cổ sẽ tạo môi trường thuận lợi cho Candida phát triển. Ở trẻ sơ sinh, nhiễm nấm men là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây nổi mẩn đỏ ở cổ.

2. Cách xử lý trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở cổ

Hầu hết các trường hợp nổi mẩn đỏ sẽ tự biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên khi mẩn đỏ ở cổ bé sẽ rất ngứa ngáy khó chịu. Vì vậy mẹ có thể thực hiện các biện pháp sau để làm dịu da cho bé:

- Mặc đồ thoáng mát

Không bao giờ cho bé mặc quần áo với chất liệu vải cứng vì nó sẽ khiến da bé bị kích ứng. Hãy chọn những trang phục vải mềm mại, thoáng mát. Mẹ cũng nên tránh giặt quần áo cho bé bằng những loại xà phòng tẩy rửa quá mạnh.

Trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở cổ là bị bệnh gì? - 2

Sử dụng các loại quần áo có chất liệu vải cotton thiên nhiên, mềm mịn, thoáng mát và hút ẩm tốt cho bé. (Ảnh minh họa)

- Bột yến mạch

Mẹ có thể cho bé tắm với nước ấm có pha bột yến mạch để làm dịu các nốt mẩn đỏ trên cổ bé.

- Tắm cho bé đúng giờ

Mẹ nên chọn giờ tắm hợp lý cho bé. Tránh tắm cho bé ngay sau khi ăn. Để bé nghỉ ngơi khoảng vài tiếng để tránh bé nôn trớ.

- Vệ sinh da sạch sẽ

Tắm cho bé thường xuyên và giữ vệ sinh da sạch sẽ giúp làm giảm các vết mẩn đỏ trên cổ bé.

- Dùng nước đã đun sôi để ấm tắm cho bé

Mẹ nên tắm cho bé bằng nước đã đun sôi hoặc nước chưng cất để tắm cho bé. Như vậy nước tắm sẽ không có vi khuẩn gây hại cho làn da mong manh của bé.

3. Các trường hợp cần phải đưa bé đi khám

Thông thường các vết nổi mẩn đỏ trên cổ bé sẽ biến mất. Tuy nhiên, nếu bé có các dấu hiệu sau thì mẹ cần đưa con đi khám bác sĩ:

- Trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở cổ có mủ kèm theo sốt.

- Bé quấy khóc, mệt mỏi bỏ ăn.

- Các vết mẩn đỏ không biến mất khi mẹ dùng tay ấn vào da bé. Nó có thể là dấu hiệu của việc bé bị xuất huyết dưới da.

Theo bác sĩ Lê Anh cho biết trên báo Sức khỏe và Đời sống, da bé sơ sinh vốn non nớt nên những vết mẩn đỏ, vết chàm, những hạt mụn li ti trên da là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra với bất kỳ em bé nào dưới 1 tuổi. Cha mẹ cần:

- Giữ gìn không gian sống xung quanh trẻ luôn sạch sẽ.

- Ngăn không cho trẻ gãi cào vùng da bị rôm sảy mẩn ngứa.

- Sử dụng các loại quần áo có chất liệu vải cotton thiên nhiên, mềm mịn, thoáng mát và hút ẩm tốt.

- Ngưng tất cả các sản phẩm vệ sinh hàng ngày cho trẻ có chứa thành phần hoá chất kích ứng như chất diệt khuẩn, chất tẩy rửa, chất tạo mùi, chất bảo quản,… để không làm trầm trọng thêm bệnh.

- Cẩn thận với phương pháp tắm bằng lá dân gian, vì hiện nay môi trường đang ngày càng ô nhiễm bởi khói bụi, tàn dư thuốc bảo vệ thực vật, vi khuẩn, vi trùng, nấm có hại tồn tại trên lá.

- Các mẹ lưu ý là không được sử dụng lung tung các loại thuốc bôi ngoài da hay thuốc uống kháng sinh cho trẻ khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.

Lê Ánh (Dịch từ Momjunction)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh thường gặp