Trẻ sơ sinh bị táo bón có thể hết sau vài ngày nếu mẹ biết cách xử trí đúng, ngược lại, bệnh tình kéo dài sẽ khiến sức khỏe bé suy giảm.
1. Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị táo bón
- Sữa công thức: Trẻ sơ sinh bú mẹ rất hiếm khi bị táo bón. Sữa mẹ có sự cân bằng hoàn hảo giữa chất béo và chất đạm vì vậy thường các bé bú mẹ sẽ luôn đi phân mềm ngay cả khi bé không đi ngoài trong vài ngày.
Nếu bé đang dùng sữa công thức, có thể một thành phần nào đó trong sữa sẽ khiến bé bị táo bón. Bởi vậy, mẹ hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa về việc thay đổi loại sữa cho con.
Trẻ bú sữa mẹ ít bị táo bón hơn. Ảnh minh họa.
- Mất nước: Nếu bé không uống đủ sữa mẹ thì cơ thể sẽ bị mất nước. Điều này dẫn đến việc bé sẽ bị táo bón, khó đi ngoài. Vì vậy mẹ cần bổ sung đủ nước cho con thường xuyên.
- Ốm: Thỉnh thoảng, táo bón có thể là triệu chứng dị ứng thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, hoặc rối loạn tiêu hóa.
- Các loại thuốc: Một số loại thuốc bổ sung chất sắt có liều cao hoặc thuốc giảm đau có thể dẫn đến việc trẻ sơ sinh bị táo bón.
- Sinh non: Vì hệ thống tiêu hóa của bé chưa phát triển hoàn toàn nên trẻ sinh non thường hay gặp vấn đề về táo bón hơn trẻ sinh đủ tháng.
2. Triệu chứng, dấu hiệu trẻ bị táo bón
Độ cứng hay mềm của phân phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng của bé. Nó cũng thay đổi dần theo thời gian khi hệ tiêu hóa của bé phát triển hơn.
Trẻ uống sữa công thức sẽ thường đi ngoài phân cứng hơn so với bé bú sữa mẹ. Dấu hiệu quan trọng nhất nhận biết táo bón là phân trẻ thường cứng, khô và vón cục giống như viên bi. Sau đây là các triệu chứng trẻ sơ sinh bị táo bón mẹ cần biết:
- Bé đi vệ sinh ít hơn bình thường. Đặc biệt nếu quá 3 ngày chưa đi ngoài thì khả năng bé bị táo bón rất cao.
- Bé khóc và không thoải mái khi đi vệ sinh
- Phân có mùi
- Bé không ăn nhiều
- Bé bị đau bụng
3. Cách xử lý khi trẻ sơ sinh bị táo bón
- Nếu bé đang uống sữa công thức, mẹ hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để đổi sang loại sữa khác. Quan trọng nhất khi pha sữa cho bé, mẹ phải pha theo đúng hướng dẫn để đảm bảo bé được cung cấp đủ nước.
- Đối với bé bú sữa mẹ thì mẹ nên thay đổi chế độ ăn uống của mình. Bởi vì một số loại thực phẩm mẹ nạp vào cơ thể có thể gây ra tình trạng táo bón ở con. Đồng thời mẹ cũng nên cho bé bú nhiều hơn.
- Áp dụng bài tập kiểu "đạp xe" sẽ giúp bé dễ đi ngoài hơn. Mẹ để bé nằm trên giường, sau đó nhẹ nhàng nâng chân của con lên rồi di chuyển theo vòng tròn như đang đạp xe đạp. Bài tập này giúp bé cảm thấy dễ chịu cũng như giúp bé nhanh chóng đi vệ sinh bình thường.
- Massage bụng cho bé cũng là cách chữa trị táo bón hiệu quả. Mẹ hãy đặt ba ngón tay phía bên trái dưới rốn của con. Sau đó massage nhẹ nhàng phần bụng trong khoảng ba phút.
Xem video: Cách bấm huyệt bàn chân giúp điều trị táo bón ở trẻ sơ sinh. Nguồn Youtube
4. Những lưu ý khi trị táo bón cho trẻ
Các trường hợp sau đây mẹ cần đưa con đến bác sĩ nhi khoa khám:
- Bé bỏ bữa, không muốn ăn
- Bé sụt cân
- Trong phân có máu
- Phân của bé rất cứng và bé không đi ngoài quá 3 ngày
- Mẹ đã thay đổi chế độ ăn mà tình trạng táo bón ở trẻ vẫn không thuyên giảm
Lưu ý mẹ không nên cho bé uống bất cứ loại thuốc nào nếu không có hướng dẫn của bác sĩ.
>>> 5 thực phẩm dễ khiến trẻ bị táo bón mẹ nên hạn chế cho con ăn
Chuyên mục Làm mẹ - Nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về chăm, nuôi và dạy con, các căn bệnh liên quan đến trẻ nhỏ. Mời độc giả gửi những thắc mắc, tâm sự, chia sẻ liên quan đến chủ đề này về địa chỉ lamme@eva.vn để được sẻ chia, nhận tư vấn từ chuyên gia. |