Một thời lừng lẫy, được tung hô như "quái kiệt" của sân khấu hài, nghệ sĩ Tùng Lâm khiến nhiều người xót xa khi quãng thời gian cuối đời sống trong cảnh sa sút, nợ nần.
Sân khấu hài kịch ở từng giai đoạn đều có những ngôi sao được khán giả tung hô và thần tượng. Họ nhanh chóng trở thành cái tên giúp các đêm diễn "cháy vé", được bầu show có phần ưu ái, nể trọng hơn các đồng nghiệp khác.
Giai đoạn từ thập niên 50 đến thập niên 70, thời điểm khán giả miền Nam bắt đầu làm quen với hài kịch và xem đó như một "món ăn tinh thần", Tùng Lâm là một trong số ít tên tuổi để lại dấu ấn khó trộn lẫn với công chúng. Từ chàng nghệ sĩ yêu âm nhạc, đi hát nhóm, Tùng Lâm chuyển dần sang kịch nói và sau đó là hài kịch. Có lẽ vì nét duyên ngầm, lối diễn tếu táo mà người nghệ sĩ này được khán giả yêu mến và thần tượng. Thậm chí, nhiều người còn gọi ông là "minh tinh quái kiệt" hay "tiểu quái kiệt" vào giai đoạn rực rỡ nhất trong sự nghiệp.
Hình ảnh tuổi xế chiều của danh hài Tùng Lâm khi chụp cùng bức tượng sáp mô phỏng mình.
Nghệ sĩ Tùng Lâm sinh năm 1934, là con út trong gia đình có 10 anh chị em sống ở gầm chợ Tân Định. Vì nhà đông con, lại khó khăn nên từ nhỏ ông đã kiếm tiền phụ giúp gia đình từ việc đi hát và biểu diễn cùng bạn bè, có lúc còn lang bạt qua tới Phnom Penh, Campuchia. Sau này, ông may mắn tìm được một người thầy dạy đàn mandolin và học ca tân nhạc.
Quãng thời gian từ năm 1948 đến 1952, Tùng Lâm tạo dấu ấn khi liên tục đạt giải cao nhất ở các cuộc thi âm nhạc. Đó cũng là thời điểm khán giả thấy hình ảnh của ông gắn liền với Lam Phương - Vân Hùng, trở thành bộ 3 ăn ý hát cùng nhau ở các tụ điểm sân khấu miền Nam. Tuy nhiên, họ chỉ gắn bó một khoảng thời gian rồi mỗi người lựa chọn một hướng đi riêng. Lam Phương chuyển sang lĩnh vực sáng tác, Vân Hùng làm kịch sĩ còn Tùng Lâm bám trụ sân khấu phòng trà, vũ trường trước khi rẽ hướng sang hài kịch kiêm bầu show tạp kỹ.
Hình ảnh trên sân khấu của cố nghệ sĩ Tùng Lâm khi theo đuổi âm nhạc.
Lúc mới nổi tiếng, ông vừa đi hát, vừa tấu hài trong nhiều chương trình ở các tỉnh miền Tây.
Bộ 3 Lam Phương - Vân Hùng - Tùng Lâm nổi tiếng một thời ở các sân khấu, vũ trường.
Thời gian đầu theo đuổi lĩnh vực diễn xuất, Tùng Lâm không có ngoại hình, chiều cao cũng chỉ 1m54 nhưng bù lại sở hữu nét duyên cùng với khiếu hài bẩm sinh nên nhanh chóng vụt sáng thành ngôi sao. Lúc đó, chính sự "dị biệt" của Tùng Lâm đã khiến khán giả yêu mến gọi ông bằng cái tên "tiểu quái kiệt", được các tuần báo khen ngợi, xếp vào hàng "thất hài đế Sài Gòn" (gồm Xuân Phát, Thanh Việt, Phi Thoàn, Khả Năng, La Thoại Tân, Tùng Lâm, Thanh Hoài). Hình ảnh nam nghệ sĩ cũng xuất hiện trên các biển quảng cáo, cờ phướn với cụm từ "tiểu quái kiệt Tùng Lâm".
Sau năm 1970, Tùng Lâm "nổi như cồn", trở thành ngôi sao tại khắp các tụ điểm sân khấu ở TP.HCM sau khi tham gia bộ phim Tứ quái Sài Gòn. Ông nổi tiếng đến mức liên tục được các hãng phim Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản… mời lồng tiếng. Sau này, nam nghệ sĩ bắt đầu dựa vào kinh nghiệm của bản thân để tổ chức các "đại hội tiếu lâm" quy tụ nhiều cây hài hàng đầu Việt Nam, tạo ra những cơn "sốt vé". Hồi đó, ông cùng Châu Kỳ và Duy Ngọc là 3 bầu show tạp kỹ "mát tay" nhất Sài Gòn.
Tùng Lâm từng nói đó là giai đoạn rực rỡ nhất trong nghề, kiếm được bộn tiền từ nhiều nguồn thu khác nhau bao gồm quảng cáo, biểu diễn, sáng tác kịch bản, đóng phim, dạy học, viết báo, biểu diễn kịch nói, hát cải lương, ca nhạc, dẫn chương trình, hoạt náo viên, và làm bầu show...
Phim "Tứ quái Sài Gòn" lúc bấy giờ được báo chí Philippines, Hong Kong, Nhật Bản nhắc đến như một hiện tượng.
Ông từng kể: "Tiền thu vào các suất không có giờ để đếm. Cứ đổ đầy tủ rồi cuối tháng mới đếm một lần, phần gửi vô ngân hàng, phần thì vợ tôi mua vàng, kim cương cất trong các lon sữa. Mà chỗ cất là những chiếc tủ gỗ gọi là gạc-măng-rê - tiếng Pháp là 'garde manger', hay còn gọi là chạn chén, để không ai để ý".
Nhưng nhiều tài cũng sinh lắm tật, của cải Tùng Lâm gây dựng sớm tiêu tan vì cờ bạc. "Vậy mà tiền của cũng đội nón ra đi vì tôi vướng vào cờ bạc, nợ nần chồng chất. Cho nên mới có tâm trạng mà viết bài hát 'Xập xám chướng' nhằm khuyên răn những người mê đánh bài hãy tránh xa thú vui nguy hiểm. Bởi dễ dàng tìm được nên ăn xài phung phí. Đánh bài thâu đêm. Nhà hàng sang trọng, xe hơi mới ra thì đổi, có năm đổi 3 chiếc. Vậy đó, tiền rừng bạc biển nhưng chính tôi đã xóa sổ nó từ cái máu đỏ đen của mình", ông bồi hồi kể lúc sinh thời.
Nghệ sĩ Tùng Lâm càng được khán giả biết đến nhiều hơn qua các vai hài trong những bộ phim như: "Năm hiệp sĩ bất đắc dĩ", "Năm vua hề về làng", "Tứ quái Sài Gòn", "Như hạt mưa sa", "Con ma nhà họ Hứa"...
Dù diễn ở lĩnh vực nào, từ hài kịch đến cải lương, phim truyện, hễ cứ có mặt ông là khán giả cười nghiêng ngả. Chính vì vậy, cái tên "Tùng Lâm quái kiệt" gắn liền với từng bước đường ông đi cho tới bây giờ.
Trong một lần tâm sự, nam nghệ sĩ nhắc về thời huy hoàng nhất của mình: "Khán giả thời đó cười nghiêng ngả khi tôi bước chân ra sân khấu. Chính cái tên 'Tùng Lâm quái kiệt' treo trên bảng quảng cáo đã giúp bầu show làm giàu, phim thắng lớn. Song, nó lại là rào cản, thử thách sự kiêu ngạo trong tôi. Không ít lần tôi háo thắng, cái tôi giống như virus chực chờ dìm chết danh tiếng. 'Tứ đổ tường' không thứ gì tôi không thử qua. Tình ái cũng nhiều và sự kiêu ngạo cũng ngang ngửa".
XEM VIDEO: "Quái kiệt" Tùng Lâm ca bài "Xập xám chướng".
Bước sang thập niên 90, các hoạt động của đoàn ca múa nhạc, hài kịch dần vắng khách. Thời điểm đó, sức khỏe hạn chế nên nghệ sĩ Tùng Lâm cũng ít hoạt động nghệ thuật, chỉ thi thoảng xuất hiện trong các talkshow. Từ sau năm 2005, khán giả hiếm khi thấy hình ảnh "tiểu quái kiệt" bởi ông đã từ giã sân khấu sau 4 lần đột quỵ. Khoảng thời gian ấy, nam nghệ sĩ sống cùng người vợ kém 20 tuổi trong một căn nhà nhỏ ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ông thường bồi hồi nhớ lại thời hoàng kim của chính mình, kiếm tiền nhiều khủng khiếp nhưng cũng sớm phá sản, nợ nần chồng chất bởi vướng vào đỏ đen. Ông cho rằng đó là quá khứ đen tối nhưng không muốn giấu giếm.
Nghệ sĩ Tùng Lâm trong một chương trình năm 2015.
Những năm cuối đời, sức khỏe của "quái kiệt" sa sút. Ông gặp khó khăn trong việc di chuyển và tâm tính có nhiều sự thay đổi.
Ở tuổi xế chiều, vì trải qua nhiều lần đột quỵ nên nghệ sĩ Tùng Lâm không còn minh mẫn, phải ngồi xe lăn, hay bị lẫn, lãng tai nhưng tính cách hài hước vẫn không thay đổi. Những lần đồng nghiệp hay các nghệ sĩ đàn em ghé thăm nhà, ông vẫn thường ôn lại kỷ niệm và trêu chọc họ. Không còn đủ sức biểu diễn nữa nên không có thu nhập, ông sống phụ thuộc vào tiền các con gửi mỗi tháng và đồng nghiệp cũng như học trò gửi tặng. Tất cả những người mà ông đã giúp đỡ và lăng xê, sau này đều trở thành những nghệ sĩ nổi tiếng như Trang Thanh Lan, Trang Mỹ Dung, Trang Kim Phụng, Trang Kim Yến, Giang Tử, Duy Phương, Phương Hoài Tâm, Phượng Mai...
"Quái kiệt" một thời từng chụp ảnh cùng Hoài Linh, Trấn Thành, Trường Giang.
Tháng 10/2023, "quái kiệt làng hài" một thời qua đời ở tuổi 89. Vào những năm cuối đời, cố nghệ sĩ từng nói dù "lửa nghề" vẫn còn nhiều, muốn lên sân khấu biểu diễn nhưng không thể tham gia vì bệnh tật. Vợ ông kể, thỉnh thoảng minh mẫn ông vẫn gọi tên những đồng nghiệp thân quen từng biểu diễn cùng, vào tủ lấy áo vest ra mặc vì nhớ sân khấu...
Trước lúc ra đi, nghệ sĩ Tùng Lâm từng tâm sự trong một chương trình: "Nếu cho tôi làm lại từ đầu, cái thời còn trai trẻ, tôi vẫn chọn làm diễn viên hài để được đem tiếng cười cống hiến cho bà con khán giả".