Series “phim cung đấu đầu tiên của Việt Nam” đã bước sang tập 2. Và tình hình vẫn không có gì sáng sủa hơn.
Lựa chọn lồng tiếng chưa hiệu quả
Khán giả từ lâu đã quen với giọng thật của Hồng Đào nên bị khớp khi nghe lồng tiếng nhân vật Hiệu Nguyệt.
Ngay từ tập đầu tiên của Phượng Khấu, khán giả đã mơ hồ nhận ra sự không đồng nhất trong phần tiếng thoại của nhân vật ở phần đầu và cuối phim.
Biểu hiện rõ nhất của sự thay đổi này có thể nhận ra qua giọng của nhân vật Hiệu Nguyệt. Phim càng dài, thì phần lồng tiếng của nhân vật này càng trở nên thiếu tự nhiên. Âm thanh giọng nói gượng gạo, còn tốc độ của tiếng nói thì không khớp với khẩu hình nhân vật.
Khâu lồng tiếng ở tập 2 đã thất bại.
Bởi thế sang tập 2 Phượng Khấu, thất bại trong khâu lồng tiếng là điều đương nhiên. Khán giả đã quen với giọng thật của nghệ sĩ Hồng Đào – diễn viên đóng vai Hiệu Nguyệt. Còn giọng lồng tiếng cho Hiệu Nguyệt, dù có đến từ studio lồng tiếng phim chuyên nghiệp, lại quá khác biệt về âm điệu.
Kết quả, cùng với sự thiếu sót về kĩ thuật, khán giả sẽ luôn xem phim trong tâm thế “đây là người khác lồng tiếng, không phải giọng thật” mỗi khi Hiệu Nguyệt lên tiếng. Khán giả chỉ có thể đắm mình vào bộ phim khi họ đồng hành được cùng nhân vật.
Khán giả của Phượng Khấu sẽ thưởng thức bộ phim bằng cách nào khi họ luôn bị phân tâm mỗi khi nhân vật chính cất lời?
Nhạc phim khiến khán giả bị phân tâm khỏi bộ phim
Bên cạnh phần lồng tiếng thất bại của nhân vật chính, tập 2 của Phượng Khấu vẫn tiếp tục để sót những hạt sạn khiến khán giả phải cau mày.
Nhạc phim Phượng Khấu vẫn bị sử dụng một cách tràn lan, nhưng không thực sự mang lại hiệu quả. Trước, trong hoặc sau các tình tiết gay cấn luôn được lồng những đoạn nhạc tạo cảm giác gay cấn hồi hộp.
Đặc biệt, trong tập 2, cảnh lễ đăng quang của Thiệu Trị cũng là một cảnh phim dài và khó hiểu trong tổng thể cả tập phim. Tuy cảnh hoàng đế đăng quang chỉ được thể hiện trên phim bằng vài chục giây ngắn ngủi, nhưng cảnh này vẫn được lồng một đoạn nhạc dài hơn một phút. Phần lớn thời gian của phân đoạn này được thực hiện hoàn toàn bằng đồ hoạ vi tính – mà một nửa thời gian là cảnh kinh thành từng được sử dụng ở tập 1.
Cách sử dụng nhạc phim trong Phượng Khấu khiến phim giống một vở kịch.
Phượng Khấu là một sản phẩm nghệ thuật của những năm 2020. Cần phải nhấn mạnh điều ấy. Bởi cái cách mà nhạc phim đang được sử dụng khiến bộ phim trở nên giống với một vở kịch tình huống, hoặc một phim cổ trang cũ kĩ từ những năm 80.
Đồ hoạ vi tính – con dao đã lộ lưỡi trái
Độ hoành tráng nhờ công nghệ CGI ở tập 2 không còn giữ được phong độ như tập 1.
Trong tập đầu tiên, công nghệ CGI đã phát huy tác dụng của nó khi tạo ra cho Phượng khấu những đại cảnh kinh thành hoành tráng. Nhưng sang đến tập 2, phong độ này đã không còn được duy trì.
Ngoài việc sử dụng lại một cảnh của tập 1, Phượng Khấu đã dùng CGI để dựng cảnh triều thần đứng trước sân rồng quỳ lại thánh thượng dài khoảng 30 giây. Cảnh phim này sau cùng không hề khiến người xen ngỡ ngàng về độ hoành tráng. Thay vào đó, nó khiến họ cảm thấy “rờn rợn” và buồn cười.
Đội ngũ hoạ sĩ đã nhân bản hàng loạt các nhân vật, khiến cho từng vị “đại thần CGI” – vốn đứng riêng lẻ đã thiếu tự nhiên vì chuyển động còn thô cứng, trở thành một làn sóng hàng trăm nhân vật cử động kì quặc. Thậm chí, trong một góc quay gần, khán giả còn có thể chỉ ra một vài nhân vật đã bị... thiếu mất đầu.
Xử lí đồ họa không tốt khiến một vài vị "đại thần CGI" mất đầu.
Tập 2 của bộ phim cũng cho thấy nó có tiềm năng trở thành hố đen CGI của cả phim khi liên tiếp phạm phải các lỗi kĩ thuật nghiêm trọng. Khi tập 2 của bộ phim mới lên sóng, ở phút 37:53, trong cảnh một vị đại thân tâu bẩm với nhà vua, phần bối cảnh cung điện được dựng bằng đồ hoạ sau lưng nhân vật này đột ngột biến mất.
Kết quả, hình ảnh khán giả thấy trên phim chỉ còn là nhân vật này đang đứng trước một tấm màn xanh lè. Lỗi kĩ thuật này sau đó đã được cắt bỏ khỏi bản phim cuối và đăng tải thay thế cho bản phim trước đó.
Cảnh lỗi đã bị xóa khỏi bản phim hiện tại.
Phim càng dài, khán giả càng nhận ra sự thiếu tự nhiên trong các đại cảnh được dàn dựng bằng đồ hoạ vi tính. Cùng với đó, việc sử dụng lặp đi lặp lại một nhóm cảnh cố định cũng khiến bộ phim trở nên nhàm chán.
Ngoài ra, chất lượng kĩ thuật của Phượng Khấu cũng không ổn định khi hình ảnh bị giật, chuyển động không mượt mà. Độ sáng của các thước phim cũng không ổn định khi có nhiều phân cảnh đột ngột tối sầm, trong khi phần còn lại vẫn giữ được độ tươi sáng như tập đầu tiên.
Ngay trong tập thứ hai, chất lượng kĩ thuật - một phần rất quan trọng của tổng thể bộ phim, đã để lộ ra rất nhiều khuyết điểm.
Nội dung phim – gây hoang mang, nhưng cũng tạm ổn
Tập 2 là pha "bẻ lái" cực gắt từ mâu thuẫn chị em chung chồng sang mẹ chồng - nàng dâu
Đề tài cung đấu vốn đã quen thuộc với khán giả bằng đặc trưng là những âm mưu tranh giành sự sủng ái và tước vị giữa các phi tần. Nhưng trong “bộ phim cung đấu đầu tiên của Việt Nam”, khái niệm này vừa được mở rộng theo một hướng không ngờ.
Sau tập 1 với mâu thuẫn giữa Hiệu Nguyệt và Phương Nhậm được hé lộ, thì sang tập 2, bộ phim lập tức “bẻ lái”. Bộ phim chuyển hướng khai thác một cuộc tranh quyền đoạt vị khác, nhưng là giữa Phi Hiền – vợ của tiên đế, với mẹ chồng của bà là thái hoàng thái hậu. Phượng Khấu đến đây đã từ chỗ chị em chung chồng đấu đá nhau thành mâu thuẫn nàng dâu – mẹ chồng.
Con dâu khôn khéo Phi Hiền bị Thái hoàng thái hậu ghét bỏ
Khi việc xét phong Phi Hiền làm Hoàng thái phi được đưa ra, Thái hoàng thái hậu chính là người ra mặt phản đối mạnh mẽ nhất. Trong khi Hoàng đế Thiệu Trị muốn giữ bà lại trong cung để tri ân công sức bao năm bà chăm lo cho hậu cung, thì Thái hoàng thái hậu lại muốn đuổi Phi Hiền ra lăng chăm lo nhang khói cho tiên đế.
Chẳng khó để nhận ra sự ghét bỏ của bà mẹ chồng Thái hoàng thái hậu lắm tâm cơ dành cho cô con dâu khôn khéo hơn người Phi Hiền. Lại càng dễ dàng nhận ra sự thù địch và chống đối của Phi Hiền dành cho mẹ chồng. Nhận thấy sự việc sớm sẽ không theo ý mình, Phi Hiền quyết định sẽ tự đấu tranh để giành lại những gì thuộc về bà và người con trai kém ý chí.
Phi Hiền quyết định sẽ tự đấu tranh để giành lại những gì thuộc về bà và người con trai kém ý chí.
Xung quanh sự việc đòi xét phong của Phi Hiền, khán giả cũng được biết những thông tin quan trọng. Phi Hiền đặt ra nghi vấn liệu thái hoàng thái hậu có sửa đổi nội dung của di chiếu.
Hiệu Nguyệt dường như đã về phe của Phi Hiền sau khi được bà phi này nhắc khéo chuyện ngày xưa đã sắp đặt để cô trở thành người được hoàng tử Miên Tông sủng ái nhất. Phi Hiền cũng kết nối được với Diệp Bửu – một người cũng chung số phận bị Thái hoàng thái hậu chèn ép tới độ phải vào lãnh cung.
Thái hoàng thái hậu lắm tâm cơ không thuận mắt con dâu Phi Hiền
Nhưng Thái hoàng thái hậu với “kinh nghiệm" chinh chiến bao năm trong chốn cung đình cũng tỏ ra không vừa. Bà đã ngay lập tức bắt thóp được Phi Hiền khi gửi tới cho Diệp Bửu một món quà “dằn mặt" ngay ngày đầu tiên vị cung phi này được tha bổng.
Điều gây tò mò cho khán giả bây giờ, là trong tập 3 sắp tới, bộ phim sẽ tiếp tục phát triển theo hướng nào? Cung đấu truyền thống? Xung đột mẹ chồng – nàng dâu theo phong cách cổ trang? Và quan trọng hơn cả, liệu chất lượng của Phượng Khấu có được cải thiện?