5 lưu ý mẹ bầu phải biết khi đối mặt với những cơn chuyển dạ giả

Thảo Nguyên - Ngày 05/03/2024 16:01 PM (GMT+7)

Trước khi đón nhận những cơn chuyển dạ thật, nhiều mẹ bầu sẽ phải đối mặt với những cơn chuyển dạ giả khiến nhiều chị em có thể bị nhầm lẫn.

Cơn chuyển dạ giả xuất hiện từ tam cá nguyệt thứ 2 hoặc 3 của thai kỳ

Mang bầu, nhiều chị em đã từng nghe đến về cơn co thắt Braxton Hicks, hay còn gọi là cơn chuyển dạ giả (cơn gò sinh lý). Đây là những cơn gò chuyển dạ giả thường xuất hiện trong tam cá nguyệt thứ hai và ba của thai kỳ.

Trong thời gian này tử cung của nhiều mẹ bầu xuất hiện hiện tượng co thắt. Do là những cơn gò nhẹ nên không xuất hiện thường xuyên, không đều đặn và không gây ra những thay đổi ở cổ tử cung của mẹ. Ngược lại chúng được xem là cách để cơ thể mẹ bầu tập luyện các cơ tử cung cho việc sinh nở sau này.

Trong thời kỳ mang thai, tử cung của nhiều mẹ bầu xuất hiện hiện tượng co thắt. (Ảnh minh họa)

Trong thời kỳ mang thai, tử cung của nhiều mẹ bầu xuất hiện hiện tượng co thắt. (Ảnh minh họa)

Cơn chuyển dạ giả không gây đau đớn nhiều như chuyển dạ thật

Theo các bác sĩ sản khoa, cơn chuyển dạ giả nếu so sánh về mức độ đau sẽ ít đau hơn và không khó chịu bằng các cơn chuyển dạ thật. Vùng bị đau cũng chỉ tập trung ở vùng bụng dưới mà không lan sang bụng trên và sau lưng như cơn đau chuyển dạ thật.

Đặc biệt, những cơn đau giả sẽ giảm đi đáng kể hoặc biến mất khi mẹ chuyển từ ngồi sang nằm hay ngược lại.

Vẫn có cách làm giảm khó chịu của những cơn đau chuyển dạ giả

Mặc dù những cơn đau chuyển dạ giả không quá đau đớn nhưng có thể khiến nhiều mẹ bầu cảm thấy khó chịu, không thoải mái.

Dù vậy có rất nhiều cách có thể giúp mẹ bầu làm giảm sự khó chịu do những cơn đau chuyển dạ giả gây nên như: uống đủ nước, vận động nhẹ nhàng, thay đổi tư thế ngồi, chườm ấm, ngâm mình trong nước ấm… để các cơ xương chậu được thư giãn làm giảm cơn gò, từ đó giúp làm giảm khó chịu của những cơn đau chuyển dạ giả.

Chuyển dạ giả kèm các dấu hiệu bất thường vẫn cần thăm khám bác sĩ sớm

Các bác sĩ sản khoa đánh giá, tình trạng chuyển dạ giả là hoàn toàn bình thường và không hề nguy hiểm. Nhưng nếu thấy cơn gò giả xuất hiện đi kèm với các dấu hiệu dưới đây, mẹ bầu cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức:

- Đau bụng nhiều, có hơn 4 cơn gò trong 1 giờ.

- Vùng kín bị chảy máu bất thường.

- Vỡ ối và rò rỉ liên tục.

- Vùng chậu bị tăng áp lực, có cảm giác em bé đòi ra hoặc tuột ra.

- Các cơn co thắt đau dữ dội không thể chịu nổi.

- Đau lưng dưới theo nhịp - điều mà trước đây mẹ bầu chưa từng bị.

Cứ có cơn chuyển dạ giả là dấu hiệu báo sắp sinh nở?

Với nhiều mẹ bầu, từ tuần thai 37 trở đi, các cơn co thắt sinh lý giả thường xuyên xuất hiện và tăng cường độ dần cho đến sát ngày sinh. Ngoài cơn co chuyển dạ giả, nhiều mẹ bầu còn xuất hiện nhiều dấu hiệu sắp sinh khác như dịch nhầy màu hồng, sự tụt xuống của thai nhi… Đây là dấu hiệu để tạo áp lực cho cổ tử cung mở nhanh hơn và thường sau 1-2 tuần, các mẹ bầu sẽ có chuyển dạ thật.

Với nhiều mẹ bầu, từ tuần thai 37 trở đi, các cơn co thắt sinh lý giả thường xuyên xuất hiện và tăng cường độ dần cho đến sát ngày sinh. (Ảnh minh họa)

Với nhiều mẹ bầu, từ tuần thai 37 trở đi, các cơn co thắt sinh lý giả thường xuyên xuất hiện và tăng cường độ dần cho đến sát ngày sinh. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên khi xuất hiện chuyển dạ giả bao lâu thì sinh không có câu trả lời chính xác. Như đã đề cập, những cơn gò chuyển dạ giả thường xuất hiện trong tam cá nguyệt thứ hai và ba, nhưng nhiều mẹ khi mang thai đến tháng thứ 4 đã bắt đầu cảm thấy tử cung mình xuất hiện hiện tượng co thắt.

Vì thế mẹ bầu chỉ nên dựa vào các biểu hiện của chuyển dạ giả, quan sát cơ thể mình, cảm nhận những cơn đau về mức độ đau và tần suất cơn đau, đặc biệt phân biệt rõ chuyển dạ thật với chuyển dạ giả để chủ động nhập viện sinh con khỏe mạnh.

Mẹ bầu chia sẻ kinh nghiệm đặt bóng sinh thường chỉ tốn 1,5 triệu đồng, giúp chuyển dạ nhanh và ít đau
Rút kinh nghiệm lần sinh con đầu lòng không đặt bóng nên cơn đau chuyển dạ lâu khiến mệt mỏi, mất sức, mẹ bỉm khi sinh lần 2 đã quyết định đặt bóng kích chuyển dạ.

Cẩm nang đi đẻ

Theo Thảo Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bà bầu cần biết