Theo thống kê, có tới 60% - 70% mẹ bầu bị khó thở khi mang thai tháng đầu tiên, mặc dù cũng có một số mẹ không gặp phải tình trạng này. Nếu như đang bị khó thở khi mới bắt đầu mang thai, mẹ đừng vội lo lắng vì đó hoàn toàn là triệu chứng bình thường, không ảnh hưởng đến cả mẹ và bé.
Dù việc khó thở của bà bầu có vẻ nghiêm trọng và khiến mẹ bầu cảm thấy không thoải mái nhưng thực tế, việc này hoàn toàn có thể giải quyết bằng một số phương pháp hoặc các bài tập thở. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu khó thở khi nằm hoặc kèm theo một số triệu chứng khác, mẹ nên đi khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Nguyên nhân bị khó thở khi mang thai tháng đầu của mẹ bầu
Một số phụ nữ mang thai có thể cảm nhận rõ ràng những thay đổi trong hơi thở của họ gần như ngay lập tức khi mới bắt đầu mang thai, trong khi một số khác lại chỉ cảm nhận việc khó thở trong tam cá nguyệt thứ hai và tam cá nguyệt thứ ba. Theo đó, nguyên nhân khiến mẹ bầu bị khó thở khi mang thai tháng đầu chủ yếu bao gồm:
- Sự thay đổi của hormone: Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khó thở. Khi mới bắt đầu mang thai, nồng độ hormone proesterone tăng cao làm ảnh hưởng trực tiếp đến phổi, kích thích trung tâm hô hấp tại não khiến mẹ bầu khó thở hơn. Đặc biệt, cảm nhận rõ nhất là mẹ bầu khó thở khi nằm, rất khó ngủ.
Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khó thở. Ảnh minh họa
- Dung dịch phổi tăng: Khi mang thai, lồng ngực sẽ rộng hơn làm dung tích phổi bị tăng. Trong quá trình tăng dung tích phổi thì kích thước lồng ngực cũng sẽ bị đau nhẹ, khó chịu. Do vậy, khoảng 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu thường cảm thấy khó thở.
- Tim phải hoạt động và làm việc nhiều hơn: Lượng máu trong cơ thể thường tăng nhiều hơn bình thường khoảng 50% khi mang bầu. Điều này đồng nghĩa với việc thai phụ cần phải hít thở nhiều hơn, đặc biệt phải thở sâu hơn. Việc này sẽ khó khăn hơn bình thường và làm tình trạng khó thở tăng cao.
- Thói quen ăn uống sai cách: Chế độ ăn uống thiếu chất, ăn uống sai cách khiến cơ thể thiếu máu làm nồng độ hemoglobin bị thấp cũng là nguyên nhân làm mẹ bị khó thở khi mang thai tháng đầu.
- Hen suyễn: Một số mẹ bầu bị hen suyễn hoặc thiếu máu trước đó có thể là nguyên nhân dẫn đến khó thở.
Cách khắc phục tình trạng khó thở khi mang thai tháng đầu tiên
Tình trạng khó thở này có thể trở thành kinh niên tùy theo thể trạng của người mẹ và kéo dài tận 9 tháng 10 ngày. Do đó, chẳng còn cách nào khác ngoài việc chị em phải “sống chung với lũ”. Tuy vậy, vẫn có thể khắc phục tình trạng này thông qua một số cách sau:
- Uống nhiều nước: Mẹ nên uống các loại nước lọc, nước ép trái cây để chống lại cảm giác đuối sức, mệt mỏi, khó thở. Tuy nhiên, mẹ tuyệt đối không uống nước ngọt, nước có ga hoặc rượu bia, chất kích thích.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Cân bằng lối sống đầy đủ chất dinh dưỡng và lành mạnh sẽ làm hạn chế tình trạng khó thở. Thai phụ nên được ăn các loại thực phẩm đa dạng, giàu chất sắt, tăng cường vitamin C để ngừa thiếu máu. Tốt hơn hết nên hạn chế các loại đồ nhiều dầu mỡ, chiên rán, muối, đường…
Tình trạng khó thở này có thể trở thành kinh niên tùy theo thể trạng của người mẹ và kéo dài tận 9 tháng 10 ngày. Ảnh minh họa
- Tránh làm việc cường độ cao, mang vác nặng: Hạn chế những công việc nặng nhọc, mệt mỏi, cố gắng nghỉ ngơi, thư giãn nhiều hơn.
- Tập thể dục nhẹ nhàng: Tập hít thở sâu nhiều lần trong ngày kết hợp với nâng 2 cánh tay sẽ giúp cơ thể thích ứng tốt với sự thay đổi, tăng cường chức năng của phổi, ngăn ngừa triệu chứng khó thở.
Khi nào mẹ bầu cần đến bác sĩ ngay?
- Khó thở liên hồi kèm theo nhịp thở nhanh, đau ngực
- Khi hít thở sâu bị đau dữ dội
- Đầu ngón tay, môi miệng xanh xao
- Mẹ bầu khó thở khi nằm vào ban đêm với tần suất liên tục
- Khó thở kèm theo ho sốt
- Khó thở do bị viêm phổi hoặc hen suyễn mãn tính.
Mặc dù bị khó thở khi mang thai tháng đầu đa số không nguy hiểm nhưng nếu như gặp bất cứ triệu chứng nào nghiêm trọng, hãy đến ngay bác sĩ để được những lời khuyên tốt nhất.