Đồng hành suốt gần chục năm với vợ chồng hiếm muộn này, bác sĩ đã được chứng kiến giọt nước mắt hạnh phúc nhưng bên cạnh đó là không ít khó khăn.
Khi nhắc tới hành trình dài đồng hành chữa vô sinh hiếm muộn cho các cặp vợ chồng, nam bác sĩ Thân Trọng Thạch, Giảng viên bộ môn Sản, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh nhớ mãi câu chuyện về vợ chồng chị Nguyễn Thị Phương (tên nhân vật đã được thay đổi) ở thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2014, do thấy bản thân bị vô kinh kéo dài nên chị Phương đã đi khám và phát hiện bị tăng prolactine máu. Sau đó chị được chỉ định chụp cộng hưởng từ thì phát hiện bị u tuyến yên vùng não gây ra tăng prolactine máu. Những ngày sau chị Phương đã được phẫu thuật lấy u tuyến yên nhưng sau đó tình trạng tăng prolactine máu vẫn kéo dài nên buộc phải uống thuốc nội tiết để giảm prolactine máu liên tục.
Tới năm 2015, chị Phương lập gia đình nhưng 1 năm vẫn chưa có bầu bởi tình trạng tăng prolactine máu vẫn còn, chị gần như hiếm khi rụng trứng. Kết quả chụp phim X-quang buồng tử cung và vòi trứng, chị Phương còn bị tắc ống dẫn trứng. Trong khi đó, sức khỏe sinh sản của anh xã chị hoàn toàn bình thường.
Trải qua quá trình tìm con với gần chục năm dài, vợ chồng hiếm muộn đã được đón nhận thiên thần nhỏ sau bao vất vả. (Ảnh: BSCC)
“Tôi khuyên chị nên làm thụ tinh ống nghiệm (IVF) nhưng cả 2 vợ chồng đều làm chung ngành, lại đều là viên chức nhà nước nên kinh tế khó khăn. Bản thân chị cũng mong muốn có thai tự nhiên chứ IVF chưa đủ khả năng. Vì thế, tôi tiến hành phẫu thuật nội soi tái tạo thông 2 ống dẫn trứng, sau đó sử dụng thuốc gây phóng noãn để chị giao hợp tự nhiên nhưng qua nhiều chu kỳ vẫn không có kết quả”, bác sĩ Thạch nhớ lại.
Năm 2017, chị Phương xin nghỉ 1 năm không điều trị để dành tiền làm IVF. 1 năm sau đó, vợ chồng chị bắt đầu làm IVF chu kỳ đầu tiên và được 6 phôi N3. Tuy nhiên, thử thách vẫn chưa hết với vợ chồng hiếm muộn khát con này.
Hai lần chuyển phôi đầu mỗi lần chuyển 2 phôi đều thất bại khiến vợ chồng chị Phương rơi vào tình trạng hoang mang và căng thẳng. Cùng với đó là số tiền dành dụm cả năm của vợ chồng gần như bị cạn kiệt sau 2 chu kỳ chuyển phôi.
“Em nghỉ ngơi vài tháng trước khi chuyển 2 phôi cuối cùng. Tôi nhớ như in ngày chị xét nghiệm máu là một ngày đẹp trời. Khi biết tin có bầu, cầm que thử thai cả 2 vợ chồng chị đã khóc trong hạnh phúc. Nhưng khi thai kỳ đến 9 tuần thì bị mất tim thai, mọi thứ trở nên tối sầm lại, vợ chồng chị im lặng trong tuyệt vọng với 2 dòng lệ rơi khác hẳn dòng lệ hạnh phúc của ngày thử thai”, bác sĩ Thạch thắt lòng kể.
Suốt thời gian dài sau đó, chị Phương quá ám ảnh lần mất con nên không điều trị gì thêm. Chị cũng ngưng uống thuốc tăng prolactine máu và không có kinh để thụ thai.
4 năm sau đó (năm 2022), vợ chồng chị mới lại liên hệ với bác sĩ đã nhờ giới thiệu tới bệnh viện lớn để làm IVF. Họ hy vọng, sự thay đổi bệnh viện sẽ đổi được vận điều trị cho họ thành công. Tuy nhiên sau khi tới bệnh viện thăm khám để chuẩn bị làm IVF lần 2, vợ chồng chị Phương lại quyết định chuyển sang bên bác sĩ Thạch.
“Lý do vì sao chị ấy quay lại thì tôi không tiện hỏi nhưng tôi vui vì chị vẫn còn tin tưởng. Lần IVF thứ 2 này tôi quyết định nuôi toàn bộ phôi N3 lên N5 cho chị. Ở lần chuyển phôi đầu tiên chị có thai nhưng lại nhanh chóng rơi vào cảm giác khủng hoảng với nỗi lo sợ, ám ảnh của kí ức 4 năm trước khi thai bị mất tim thai. Vì thế, tôi phải dành khá nhiều thời gian để trấn an tinh thần cho mẹ bầu, khi tại phòng khám, khi qua điện thoại và luôn trả lời tin nhắn cho chị rất nhanh”, nam bác sĩ hiếm muộn kể.
Lần này may mắn đã tới với vợ chồng chị Phương khi thai nhi phát triển khá tốt, đến 12 tuần xét nghiệm hoàn toàn bình thường. Nhưng niềm vui thai kỳ chưa được bao lâu thì lúc thai 16 tuần, tử cung của chị gò liên tục và ngắn dần dù đã được dự phòng sinh non nhưng tình hình vẫn không khả quan khiến bác sĩ phải sử dụng tất cả phương pháp dự phòng kể cả thuốc cắt cơn gò. Bản thân mẹ bầu phải nghỉ làm ở nhà dưỡng thai thay vì phải nằm viện thời gian dài.
Sau 24 tuần mọi thứ trở nên ổn hơn do chị Phương đáp ứng thuốc muộn hơn bình thường, tử cung bớt gò, tâm lý của chị cũng vững vàng dần lên.
Khi thai kỳ của chị kéo dài đến 37 tuần cũng là lúc bác sĩ quyết định ngưng tất cả các thuốc để chuẩn bị sinh và lên kế hoạch sẽ mổ lấy thai lúc 39 tuần.
“Nhưng đến 38 tuần tử cung của chị gò rất nhiều dù chỉ mở 1 cm nên quyết định mổ sớm hơn dự kiến. Là bác sĩ, tôi đã thức trắng đêm với những cơn đau tử cung của chị. Ngày đi đẻ của chị là đêm tôi bị mất ngủ nhưng đối với tôi đó là niềm vui và ý nghĩa của nghề y này", bác sĩ Thạch nói.
Từ trường hợp sản phụ trên, bác sĩ Thạch cũng cho biết Prolactin là một hormone có vai trò quan trọng đối với tạo sữa, chuyển hoá và đặc biệt là chức năng sinh sản của người phụ nữ. Tăng prolactin máu là một bệnh lý nội tiết thường gặp và cũng là một trong những nguyên nhân có thể gây vô sinh cho nữ giới.
Suốt thai kỳ đến tận ngày đi đẻ của sản phụ này khiến bác sĩ hiếm muộn Thạch mất ăn mất ngủ. (Ảnh: BSCC)
Nguyên nhân tăng prolactine máu là do những thủ phạm như: u tuyến yên, u vùng dưới đồi, suy thận, do sinh lý xuất hiện trong thai kỳ và cho con bú, do thuốc an thần, thuốc chống nôn và kháng histamin trong điều trị dạ dày….
Khi chị em bị tăng prolactin máu sẽ thường có triệu chứng phổ biến nhất là kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh nguyệt, bị tiết sữa mẹ dù không mang thai hay cho con bú.
Khi bị chứng tăng prolactin máu sẽ dẫn đến tình trạng không phóng noãn, hiếm muộn. Ngay cả khi có thai cũng dễ bị sảy thai.
Bởi thế, nếu bị tăng prolactine máu muốn có em bé, các chị em cần đi khám bác sĩ hiếm muộn để được khảo sát nội tiết và chức năng sinh sản khác cũng như cần điều trị để prolactine máu về bình thường.