Khi mẹ bầu mắc đái tháo đường thai kỳ, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân mà để lại nhiều hậu quả trên thai nhi, thậm chí kéo dài đến khi đứa bé trưởng thành.
Khi nhắc tới chế độ ăn uống lành mạnh dành riêng cho mẹ bầu dịp Tết Nguyên Đán, Thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành, Chánh Văn phòng Trung tâm đào tạo, Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhớ rất rõ về trường hợp mẹ bầu Trần Thanh Hằng, 28 tuổi ở Chương Mỹ, Hà Nội đã từng phải vào viện cấp cứu mấy năm trước.
Bác sĩ Thành kể, ngay sau Tết Nguyên Đán, chị Hằng đã được người thân đưa tới viện Phụ sản Trung ương: “Hôm ấy là mùng 4 Tết, chị Hằng nhập viện trong tình trạng sắp hôn mê vì đái tháo đường. Trước đó bệnh nhân đã bị tiểu đường thai kỳ. Sau khi làm các xét nghiệm tổng thể, thấy lượng đường của thai phụ đã tăng lên gấp 10 lần bình thường mà không biết. Đặc biệt thai nhi 36 tuần khi chạy máy đo nhịp tim thai thì gần như đã bị suy thai”.
May mắn cuộc mổ đẻ đã mẹ tròn con vuông, tuy nhiên cháu bé sơ sinh ngay khi ra đời đã phải cấp cứu ngay vì bị tụt đường huyết. (Ảnh minh họa)
Trước tình thế nguy cấp cho cả mẹ lẫn con của thai phụ trên, một cuộc họp hội chẩn cấp cứu cho thai phụ đã được tiến hành khẩn giữa ekip của các bác sĩ phụ sản trung ương phối hợp với ekip bác sĩ chuyên ngành nội khoa tiểu đường bệnh viện Bạch Mai. May mắn cuộc mổ đẻ đã mẹ tròn con vuông, tuy nhiên cháu bé sơ sinh ngay khi ra đời đã phải cấp cứu ngay vì bị tụt đường huyết do thói quen ăn nhiều đường từ ngay trong bụng mẹ.
Nguyên nhân khiến 2 mẹ con sản phụ Hằng phải đối mặt với rủi ro trên là do thói quen ăn nhiều đồ ngọt trong thai kỳ, nhất là trong mấy ngày Tết: “Sản phụ Hằng kể, mấy hôm Tết do thèm đồ ngọt và thấy khát nước nên uống rất nhiều nước dừa. Cô cũng ăn nhiều bánh ngọt, mứt và các loại kẹo hấp dẫn ngày Tết. Càng ăn càng thấy đói và thèm nên ăn uống liên tục mấy ngày Tết. Do ăn quá nhiều đồ ngọt mà thai phụ đã bị đái tháo đường nghiêm trọng nhưu vậy”.
Chia sẻ về trường hợp trên, nam bác sĩ sản khoa còn cho biết, đái tháo đường thai kỳ là bệnh lý thường gặp trong quá trình mang thai của các mẹ bầu với tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 16% các thai phụ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và em bé.
Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường thai kỳ là do tác động của các hormone kích thích được sản xuất ra từ bánh nhau trong giai đoạn hình thành bào thai. Những hormone này chính là tín hiệu kích thích chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ truyền sang thai nhi và làm cho bà bầu thèm ăn thực phẩm chứa nhiều đường. Do đó, nhiều người tuy có lối sống lành mạnh và ăn uống hợp lý trước khi mang thai, nhưng khi bầu bí lại đột nhiên muốn ăn nhiều đồ ngọt hoặc các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe.
Những mẹ bầu này nếu không kiểm soát được cảm giác thèm ngọt trong giai đoạn mang thai hoặc trong những ngày Tết ăn uống đồ ngọt vô tội vạ thì nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ rất cao.
Khi mẹ bầu mắc đái tháo đường thai kỳ, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân mà để lại nhiều hậu quả trên thai nhi, thậm chí kéo dài đến khi đứa bé trưởng thành.
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành đang tư vấn cho các cặp vợ chồng.
“Mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ dễ bị đa ối, sảy thai, sinh non, cao huyết áp, tiền sản giật, sản giật, nhiễm trùng thận, quá trình chuyển dạ kéo dài, sinh khó, sang chấn và băng huyết sau sinh, rối loạn đường huyết dẫn tới hôn mê. Đã vậy, bệnh còn làm gia tăng tỷ lệ dị tật thai, rối loạn tăng trưởng (thai quá to hoặc quá nhỏ). Thai quá to có thể gặp phải các sang chấn lúc sinh như trật khớp vai, gãy xương đòn, liệt đám rối thần kinh cánh tay, có thể chết lưu đột ngột do đường huyết tăng quá cao mà không có dấu hiệu báo trước.
Sau sinh, em bé có mẹ bị đái tháo đường thai kỳ dễ bị suy hô hấp, hạ đường huyết, hạ canxi, vàng da. Các bé có nguy cơ cao mắc bệnh béo phì, cao huyết áp, tim mạch khi trưởng thành”, bác sĩ Thành cảnh báo.
Để phòng tránh nguy cơ mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ trong những ngày Tết Nguyên Đán, bác sĩ Phan Chí Thành khuyên các thai phụ nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều thịt, cá, trứng, sữa, rau quả tươi, các loại hạt… Hạn chế ăn nhiều đường, tinh bột, bánh mứt kẹo, các món chiên rán, chất béo, nước ngọt có gas để giảm nguy cơ mắc tiểu đường.