Thai bao nhiêu tuần thì quay đầu? Thai quay đầu còn được gọi là ngôi thai thuận, là điều kiện lý tưởng để giúp mẹ có quá trình sinh nở thuận lợi và dễ dàng.
Thai ngôi thuận tức là em bé quay đầu về đúng vị trí bình thường trong bụng mẹ, giúp mẹ sinh thoải mái, nhẹ nhàng hơn. Lúc này, đầu bé sẽ chúc xuống phía dưới, gáy quay về phía bụng mẹ. Nhiều chuyên gia đã đánh giá rằng, nếu em bé nằm ở vị trí đáy khung xương thì mẹ sẽ rất thuận lợi khi sinh.
Bao nhiêu tuần thì thai nhi quay đầu? (Ảnh minh họa)
Thai bao nhiêu tuần thì quay đầu?
Việc thai nhi bao nhiêu tuần thì quay đầu thường không giống nhau và chủ yếu phụ thuộc vào số lần mà mẹ mang thai:
- Trường hợp mẹ mang thai lần đầu: Thai nhi sẽ quay đầu vào khoảng tuần thứ 34 hoặc 35 của thai kỳ.
- Trường hợp mẹ mang thai lần thứ hai hoặc những lần sau: Thai nhi thường sẽ quay đầu muộn hơn, vào khoảng tuần 36 hoặc 37 của thai kỳ.
Tuy vậy, vẫn có một số trường hợp, thai nhi quay đầu khá sớm, từ tuần 28 trở đi. Vì thế, muốn biết bao nhiêu tuần thì thai nhi quay đầu, mẹ nên đi siêu âm. Ngoài ra, mẹ cũng có thể tự dự đoán thông qua một số yếu tố như cử động của tay chân em bé, vị trí thai máy.
Tùy theo từng trường hợp khác nhau mà thời điểm quay đầu của thai nhi khác nhau. (Ảnh minh họa)
Những rắc rối nếu thai nhi không quay đầu
Khi bước sang tuần thứ 32-34 của thai kỳ, các bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám để xác định tư thế của thai nhi. Tuy vậy, vị trí này vẫn có nhiều thay đổi trong các tuần mang thai tiếp.
Bước sang khoảng tuần thứ 34-36, do kích thước lớn hơn nên thai nhi sẽ có xu hướng tiến về một phía và ổn định tại một vị trí nên càng về cuối thai kỳ thì khả năng thai nhi quay đầu sẽ càng thấp.
Một số nguyên nhân khiến thai nhi không quay đầu phổ biến như: mẹ bị u xơ tử cung, dây rốn của bé quá dài, quá ít hoặc quá nhiều nước ối xung quanh bé, trường hợp đa thai (nếu hai bé sinh đôi thường sẽ ở vị trí đối nghịch nhau), tử cung của người mẹ bị dị dạng.
Trong trường hợp thai nhi không quay đầu hoặc có quay đầu nhưng phần gáy lại quay về cột sống của mẹ (bé ngửa mặt lên), được gọi là ngôi chẩm sau. Mẹ thường sẽ gặp phải một số rắc rối như: nguy cơ sinh mổ cao, thời gian chuyển dạ kéo dài, cảm giác bị đau lưng dữ dội (không liên quan đến cơn gò tử cung), có thể phải có sự can thiệp của thủ thuật lấy thai (gọi là sinh mổ).
Mẹ sẽ gặp phải một số rắc rối nếu như thai nhi không quay đầu. (Ảnh minh họa)
Phải làm sao nếu thai nhi không quay đầu?
Thay vì quan tâm quá nhiều đến vấn đề thai bao nhiêu tuần thì quay đầu, mẹ nên tìm hiểu những cách giúp thai nhi quay đầu kèm theo những lời khuyên của bác sĩ như:
- Tập thể dục nhẹ nhàng với quả bóng mềm thay vì sử dụng ghế.
- Đi bộ ít nhất mỗi ngày khoảng 20 phút để tạo ra những chuyển động trong khung xương chậu của mẹ bầu, kích thích thai nhi quay đầu xuống dưới.
- Không để đầu gối cao hơn mông khi ngồi trên ghế.
- Qùy bằng tứ chi giống như tư thế em bé tập bò và rướn người lên xuống trong vài phút.
- Không nên đặt chân lên cao khi nằm ngửa sẽ khiến cho bé dễ bị xoay tư thế sai, từ đó kéo dài quá trình chuyển dạ, gây nên những cơn đau dữ dội khi sinh.
- Mẹ bầu nên ngủ nghiêng về bên trái, không nên ngủ nghiêng về bên phải.
Ngoài ra, vào tam cá nguyệt thứ ba, bé bắt đầu có phản ứng với tiếng ồn từ bên ngoài. Do vậy, mẹ nên cho bé nghe một số bản nhạc du dương êm dịu, đặt tai nghe tại vùng xương chậu dưới, bé sẽ nghe thấy rồi dần dần di chuyển đến phía dưới, nơi phát ra tiếng động.
Nếu như mẹ đã thử tất cả những biện pháp nhưng thai nhi chưa quay đầu thì hãy đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.