Khi mang thai, nhu cầu dinh dưỡng thường tăng lên để đảm bảo cho sức khoẻ bà mẹ và sự phát triển của em bé. Ngoài các bữa chính, phụ nữ mang thai cũng nên chuẩn bị các thực phẩm lành mạnh tốt cho sức khoẻ trong các bữa ăn nhẹ.
1. Sự thay đổi cảm giác ăn uống khi mang thai
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong giai đoạn mang thai. Điều này là do các chất dinh dưỡng từ thực phẩm người mẹ ăn góp phần vào sự tăng trưởng và phát triển của em bé.
Một trong những thay đổi thường thấy khi mang thai là thay đổi cảm giác ăn uống. Phụ nữ mang thai có thể có cảm giác thèm ăn hoặc không muốn ăn. Nguyên nhân có thể do thay đổi nội tiết tố, tăng nhu cầu dinh dưỡng hoặc thay đổi cảm giác.
Ngoài cảm giác thèm ăn, trong giai đoạn mang thai, người mẹ thường mệt mỏi. Vì vậy, để đảm bảo dinh dưỡng, phụ nữ mang thai nên chuẩn bị đầy đủ thực phẩm để chế biến các món ăn nhẹ dễ làm và tốt cho sức khỏe.
2. Phụ nữ mang thai nên ăn gì?
2.1. Sữa chua
Phụ nữ mang thai nên ăn sữa chua.
Sữa chua là món ăn nhẹ rất tốt được khuyến khích cho phụ nữ mang thai vì đây là nguồn cung cấp protein và canxi dồi dào đáp ứng nhu cầu protein và canxi gia tăng trong thai kỳ. Sữa chua cũng chứa nhiều men vi sinh thúc đẩy hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Nên kết hợp sữa chua với các loại quả mọng tươi để có một bữa ăn nhẹ bổ dưỡng, giàu chất chống oxy hóa, hoặc sử dụng sữa chua kiểu Hy Lạp với trái cây như: dâu tây, việt quất, chuối… để cung cấp protein, canxi, magiê và các loại vitamin tốt cho sự phát triển của em bé.
2.2. Các loại hạt
Hạnh nhân và các loại hạt cũng giàu protein, chất béo lành mạnh, vitamin và khoáng chất giúp thỏa mãn cơn thèm ăn. Chúng là những món ăn nhẹ rất tiện lợi, không cần phải chế biến, dễ mang theo khi di chuyển. Tuy nhiên, lượng ăn cũng cần được kiểm soát.
2.3. Sinh tố
Uống sinh tố khi mang thai có thể tối đa hóa dinh dưỡng và ngăn ngừa, giảm cơn ốm nghén. Vitamin B, đặc biệt là vitamin B6 có thể giúp giảm buồn nôn trong thời kỳ đầu mang thai. Sinh tố cũng cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của em bé.
Phụ nữ mang thai nên ăn các loại sinh tố từ rau và trái cây tươi như: rau bina, quả óc chó, xoài, chuối, dứa, dưa hấu, bơ…
2.4. Trứng
Trứng là thực phẩm chứa chất béo lành mạnh, vitamin và khoáng chất góp phần đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cả người mẹ và thai nhi trong suốt thai kỳ. Đặc biệt, lòng đỏ trứng là một nguồn cung cấp choline tuyệt vời cần thiết cho sự phát triển trí não của em bé.
2.5. Phô mai
Với gần 11g protein trong mỗi khẩu phần, phô mai tươi là một món ăn nhẹ bổ dưỡng cho thai kỳ. Nó cũng là một nguồn cung cấp canxi dồi dào giúp cho răng và xương chắc khỏe. Nên kết hợp phô mai với quả mọng tươi để tăng hương vị và chất dinh dưỡng.
2.6. Chuối
Chuối là món ăn nhẹ tiện lợi và tốt cho phụ nữ mang thai.
Chuối là một trong những món ăn nhẹ tuyệt vời và tiện lợi nhất cho phụ nữ mang thai. Chuối chứa nhiều carbohydrate có thể giúp bạn duy trì năng lượng, ngăn ngừa sự mệt mỏi trong thai kỳ. Đồng thời chuối cũng rất giàu kali, vitamin B6 và chất xơ tốt cho sức khoẻ.
2.7. Dưa hấu
Dưa hấu tốt cho sức khỏe vì chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể như: vitamin A, C, B5, kali, lycopene… Ngoài ra, hàm lượng nước và đường tự nhiên của nó cũng có thể giúp giảm cảm giác ốm nghén ở phụ nữ mang thai.
3. Các thực phẩm cần tránh
Có một số loại thực phẩm cần tránh khi mang thai vì do chúng có nguy cơ cao chứa vi khuẩn có thể gây bệnh như listeria, salmonella, Ecoli… bao gồm:
Thịt sống hoặc chưa nấu chín.
Thịt nguội.
Cá có chứa thuỷ ngân (cá mập, cá kiếm, cá thu…).
Hải sản hun khói (thường thấy trong đồ nguội).
Hàu sống.
Trứng sống.
Thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo bão hòa và muối.
Sữa chưa tiệt trùng.
Rượu, đồ uống nhiều caffeine…
Phụ nữ mang thai không nên ăn hàu sống.
Cách ăn uống giúp kiểm soát buồn nôn khi mang thai - Ăn các bữa nhỏ. - Tránh xa các loại thực phẩm gây kích thích. - Tránh thức ăn cay. - Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin B6. - Ăn nhẹ với bánh quy mặn. - Ăn đồ ăn thức uống có chút ít gừng (món ăn có gừng, trà gừng). |