Hóa ra, không phải quả mướp đắng nào cũng đắng như nhau, chỉ cần biết cách bạn sẽ mua được những trái hợp khẩu vị.
Mướp đắng tuy có vẻ ngoài hơi sần nhưng lại có công dụng tuyệt vời đối với cơ thể con người, ưu điểm lớn nhất là thanh nhiệt, giải hỏa, làm dịu cơn khát. Nếu bạn thường làm việc nhiều và đi ngoài trời nhiều thì mùa hè rất dễ bị say nắng, ăn thêm mướp đắng có thể chống say nắng rất hiệu quả.
Mặc dù mướp đắng rất tốt nhưng hầu hết mọi người, đặc biệt là trẻ em đều sợ vị đắng của nó và không thích ăn. Những người nông dân bật mí rằng, thực ra có thể chọn loại mướp có vị ít đắng hơn và có thể sơ chế, giúp chúng giảm thêm vi đắng, giúp hầu hết mọi người có thể ăn được.
Dưới đây là bí quyết chọn mướp đắng ít đắng và cách sơ chế để mướp bớt đắng hơn, các bạn có thể tham khảo:
1. Cách chọn mướp đắng ít đắng?
Nhìn vào kết cấu bề mặt
Trên bề mặt của mướp đắng có nhiều đường vân, đó là những vết sần nhỏ. Thật ra chúng ta có thể dùng những đường vân này để phân biệt mướp đắng có đắng hay không.
Do đó, khi mua chúng ta cần quan sát, những quả có đường vân rộng, có ít hoặc không có những vết sần nhỏ trên bề mặt thì thịt chúng thường dày và ít vị đắng hơn.
Ngược lại, những quả bề mặt có nhiều vết sần nhỏ, các vết sần hay đường vân dày đặc, thịt mỏng thì thường đắng hơn và cứng hơn.
Những quả có đường vân rộng, có ít hoặc không có những vết sần nhỏ trên bề mặt thì thịt chúng thường dày và ít vị đắng hơn.
Nhìn vào kích thước quả mướp đắng
Những quả có phần đầu nhìn mảnh mai, nhỏ thường có vị đắng hơn những quả có đầu to. Những quả đầu to thường vị đắng không gắt, ăn nhẹ nhàng, có thể ăn sống với ruốc và đá lạnh hoặc xào đều ngon.
Nhìn vào màu sắc
Khi chọn mướp đắng, chúng ta cũng có thể nhìn vào màu sắc của mướp đắng. Mướp đắng tươi có màu xanh ngọc bích. Mướp đắng có màu càng nhạt thì vị đắng càng nhạt và dễ ăn. Ngược lại, mướp đắng càng sẫm màu thì vị đắng của nó càng nặng, nếu mướp đắng ngả sang màu vàng hoặc đỏ thì có nghĩa là mướp đắng đã già hoặc để lâu, ăn không có độ giòn, tốt nhất là bạn không nên mua.
2. Mẹo khử vị đắng của mướp đắng
Loại bỏ phần màng trắng bên trong lõi
Sau khi rửa sạch mướp đắng, bổ đôi, moi bỏ hạt bên trong và cạo sạch lớp màng trắng bên trong quả. Phần lớn vị đắng của mướp đắng tập trung ở chỗ này, bạn phải dùng thìa nạo bỏ để bớt đắng.
Ướp muối
Chúng ta cũng có thể dùng muối để khử bớt vị đắng của mướp. Cho nửa thìa nhỏ muối vào trộn đều với mướp đắng đã thái lát, để 20 phút, sau khi mướp đắng ra nước thì rửa lại bằng nước sạch rồi đổ bỏ nước. Cách này có thể làm giảm phần lớn vị đắng của mướp đắng.
Chần qua nước sôi
Chúng ta cũng có thể dùng nước sôi để chần để giảm vị đắng. Cho mướp đắng vào nước sôi chần khoảng 2 - 3 phút, thời gian chần vừa phải, không quá lâu, có thể cho thêm một chút muối và dầu ăn để giảm bớt vị đắng của mướp. Nhờ cách này mướp không những có màu xanh đẹp mắt mà vị đắng cũng giảm đi nhiều.
3. Vài món ngon từ mướp đắng
Mướp đắng nhồi thịt
Nguyên liệu:
- 2 quả mướp đắng, thịt lợn vừa đủ, 1 quả trứng, 2 thìa nước tương (xì dầu), 1 thìa dầu hào, 1 thìa muối, 1/2 thìa đường, 1 thìa nhỏ tinh bột.
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế thịt
Thịt lợn rửa sạch, thái miếng rồi cho vào máy xay, xay nhỏ. Không nên xay nhuyễn thịt sẽ không ngon.
Bước 2: Trộn nhân
Cho trứng vào thit xay rồi đảo đều. Thêm tinh bột, muối, đường, nước tương, dầu hào, đảo đều tay theo một chiều cho đến khi thấy hỗn hợp sệt lại, càng dẻo thì càng dễ nhồi vào mướp đắng và thịt không bị bung ra. Tinh bột là để làm cho thịt tươi và mềm hơn, còn trứng là để giữ cho thịt không bị vón thành cục sau khi chín.
Bước 3: Sơ chế mướp đắng
Mướp đắng cắt thành từng khoanh tròn chừng 3cm, moi bỏ ruột. Lưu ý, bạn nên chọn loại quả thon và không dày quá, khi nhồi thịt sẽ dễ rơi ra ngoài. Moi lấy ruột mướp đắng càng nhiều càng tốt, cạo sạch phần trắng bên trong lõi để mướp bớt đắng.
Cho một chút dầu và muối vào nồi nước rồi đun sôi. Sau đó cho phần mướp đắng vào chần, đun lửa nhỏ khoảng 2 phút, vớt mướp đắng ra. Lúc này mướp vừa giữ được màu xanh và cũng bớt đắng hơn.
Bước 4: Nhồi thịt
Nhồi thịt vào quả mướp đắng làm lần lượt cho đến hết.
Bước 5: Hấp
Cho vào nồi một lượng nước vừa đủ, đun lửa lớn cho đến khi sôi. Sau đó cho đĩa mướp đắng nhồi thịt vào hấp khoảng 15-20 phút là chín.
Sau khi hấp sẽ có nhiều nước trong đĩa. Đổ nước hấp vào nồi nhỏ, sau đó cho tinh bột và dầu hào vào trộn đều, đun cho nước sốt sệt lại, sau khi sốt sôi thì đổ nước sốt vào đĩa mướp đắng đã hấp.
Mướp đắng nhồi thịt có mùi thơm nhẹ nhàng, vừa có sự kết hợp giữa thịt và rau xanh, ăn vô cùng ngon miệng lại không sợ tăng cân.
Lưu ý:
- Mướp đắng nhồi thịt kiểu này sẽ hơi nhạt vì thế bạn nên ăn chúng với nước chấm pha từ nước mắm, tỏi ớt.
- Bạn có thể thêm mộc nhĩ, nấm hương vào nhân cho thơm, nếu thích.
Bánh mướp đắng
Nguyên liệu:
- 1 quả mướp đắng, nửa củ cà rốt, 4 quả trứng, 2 thìa tinh bột, 1 thìa muối
Cách làm:
Rửa sạch bề mặt của mướp đắng rồi cắt đôi theo chiều dọc, dùng thìa nạo hết phần thịt và hạt trong mướp đắng, chú ý cạo bỏ được nhiều phần trắng bên trong càng tốt vì chính phần trắng này khiến mướp trở nên đắng.
Cà rốt gọt vỏ, cắt thành từng lát mỏng.
Đun sôi một nồi nước, cho cà rốt và mướp đắng vào chần qua một lúc để giảm đi độ đắng của mướp.
Sau khi chần xong, vớt ra, cho mướp đắng và cà rốt vào máy xay, xay nhỏ.
Cho mướp đắng và cà rốt ra bát, đập trứng vào, đánh đều, nêm chút muối cho vừa ăn, thêm 1 thìa cà phê tinh bột trộn đều, thêm tinh bột có thể làm cho trứng tráng không dễ bị vỡ.
Chuẩn bị một chảo chống dính đáy phẳng, quét dầu (không cần quá nhiều dầu, chỉ cần quét một lớp), đổ dung dịch trứng vào tráng đều mặt chảo, chiên từ từ trên lửa vừa và nhỏ. Đừng vội lật mặt bánh, hãy đợi hỗn hợp bánh đông đặc lại, rìa của chiếc bánh hơi vàng thì bắt đầu dùng phới lật lại, chiên cho mặt kia chín sém vàng là xong.
Cho bánh ra đĩa, cắt miếng vừa ăn. Món bánh trứng mướp đắng này đặc biệt không hề có vị đắng nào cả. Cắn một miếng vào miệng, ngoài hương vị đặc trưng của trứng là hương thơm của mướp đắng, giòn giòn, phù hợp với mọi lứa tuổi. Nhiều người ăn còn không biết trong bánh có mướp vì không còn vị đắng!
Chúc các bạn thành công!