Hóa ra việc cho mì thả vào nồi nước sôi mà chúng ta vẫn thường làm là không đúng, điều này làm mì không dai lại nhanh nát.
Mì nước là món ăn quen thuộc, thường xuyên của nhiều gia đình. Ngoài mì ăn liền thì các loại mì gạo cần phải luộc qua rồi mới chế biến như vậy mì vừa mềm, dai, không nát hoặc không bị cứng.
Nhiều người có thói quen đun sôi nồi nước rồi thả mì vào luộc vài phút sau đó vớt ra. Tuy nhiên, đầu bếp cho rằng, luộc mì với nước sôi là điều tối kỵ. Vậy phải luộc mì với nước như thế nào thì đúng, các bạn có thể tham khảo những mẹo dưới đây.
Không luộc với nước sôi hay nước lạnh
Đầu bếp chia sẻ, khi nấu mì không được dùng nước sôi và nước lạnh mà chỉ khi nhiệt độ của nước nóng đến mức đáy bắt đầu xuất hiện bọt nhỏ. Lúc này nhiệt độ nước khoảng 80 độ C thì có thể cho mì vào nồi.
Nếu thả mì vào nồi nước sôi, mì sẽ không dai do nhiệt độ cao, còn nếu để trong nồi nước lạnh thì sợi mì sẽ dính vào nhau. Tốt nhất nên dùng nước ấm 80 độ C để nấu mì, đây là nhiệt độ thích hợp nhất.
Thêm muối
Sau khi cho mì vào nồi, dùng đũa đảo nhẹ mì cho mì nóng đều. Sau đó cho một thìa muối vào nước để các sợi mì đậm đà hơn. Ngoài ra việc cho thêm muối có thể làm tăng độ dai của mì.
Không chỉ vậy, cho một thìa muối ăn vào nồi còn có thể ngăn nước trong nồi tràn ra ngoài nồi và làm cho mì có vị thơm, đậm đà.
Thêm nước lạnh
Sau khi luộc mì được nửa phút, chúng ta vẫn cần cho thêm một ít nước lạnh vào nồi và đậy vung lại để tiếp tục nấu mì. Sau khi nước trong nồi sôi lần 2 thì có thể tắt bếp. Vớt mì ra và cho ngay vào bát nước lạnh hoặc tráng với nước lạnh. Bước này rất quan trọng, nếu không mì sẽ bị vón cục, bết lại với nhau, làm ảnh hưởng tới hương vị của món mì.
Mì sau khi luộc xong có thể trộn với các loại gia vị, nguyên liệu làm thành món mì trộn hoặc chuẩn bị một nồi nước dùng, đun sôi, thả mì vào, nước sôi lại là tắt bếp. Khi ăn, cho thêm các loại thịt, rau đã luộc chín vào ăn cùng đều ngon.
Chúc các bạn thành công!