Bánh chưng còn thừa nhiều chưa kịp ăn cần bảo quản đúng cách.
Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền. Cứ trước Tết vài ngày, người người nhà nhà lại cùng nhau chuẩn bị, gạo nếp ngon, đậu xanh, thịt ba chỉ cùng lá dong để gói bánh. Gia nào cũng có tâm lý gói nhiều bánh chưng để hết Tết, con cái, người thân có thể mang theo. Do nguyên liệu có cả thịt, đỗ xanh... nên để lâu bánh chưng rất dễ bị thiu hỏng. Đặc biệt, khí hậu trong những ngày Tết thường nắng ấm, càng dễ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở, làm bánh chưng nhanh mốc.
Do đó, bạn cần bảo quản sớm bánh chưng theo các cách dưới đây:
Bảo quản trong tủ lạnh
Tủ lạnh là nơi bảo quản bánh chưng hợp lý trong dịp Tết mặc dù khi cho bánh vào tủ sẽ khiến hạt gạo bị cứng lại. Nhiệt độ thích hợp để bảo quản bánh chưng trong tủ lạnh lúc này là từ 5-10 độ C.
Khi ăn, bạn chỉ việc cho bánh chưng đồ lại hoặc cắt miếng và rán. Bánh chưng để tủ lạnh không bị ảnh hưởng đến hương vị sau khi chế biến lại. Bánh vẫn rất mềm thơm, hấp dẫn.
Bánh để tủ lạnh ăn đến đâu thì cắt đến đó. Phần chưa ăn đến bọc vào màng bọc thực phẩm lại bảo quản tiếp.
Bảo quản nơi thoáng mát trong nhà
Thông thường bánh chưng, bánh tét gói xong, đem luộc rồi vớt ra. Bánh chưng vuông cần dùng vật nặng để ép cho ra bớt nước. Bánh tét nên treo lên cao để ráo nước. Bánh không được ép thường nhão, nhanh thiu.
Đặc biệt lưu ý khi gói bánh, lá dong cần phải được rửa sạch để bánh không nhanh mốc. Sau khi bánh luộc và ép xong, đem cất nơi thoáng mát trong nhà. Tránh những nơi ẩm thấp càng tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở làm bánh thiu mốc.
Tuy nhiên nếu thời tiết mà quá ấm áp thì nên bảo quản bánh chưng trong tủ lạnh.
Lưu ý:
- Không nên gói quá nhiều bánh, để lâu mốc hỏng, rất lãng phí.
- Bánh đã bị mốc không nên ăn sẽ gây hại cho sức khỏe.