Vị mặn ngọt, giòn giòn các loại rau củ từ dưa món sẽ đem lại cảm giác ngon miệng và khó quên.
Trong những ngày Tết, đi kèm với bánh chưng, bánh tét luôn là những món ăn chống ngán. Nếu như miền Bắc có dưa hành, miền Nam có củ kiệu tôm khô thì người miền Trung có dưa món, một món ăn giản dị, mộc mạc như chính con người nơi đây vậy.
Nguyên liệu làm dưa món:
- Củ cải: 5-6 củ
- Cà rốt: 1 củ
- Su hào: 1 củ
- Củ kiệu: 200g
- Dưa leo: 2 quả
- 6-7 trái ớt, 1 củ tỏi
- Nước mắm: 300 ml
- Đường: 250 -300 g
- Muối
Cách làm dưa món của người miền Trung:
Nguyên liệu làm dưa món thường là những loại rau củ có sẵn như củ cải, cà rốt, su hào, đu đủ xanh, củ kiệu, dưa leo,…Có thể sử dụng nguyên liệu tươi hoặc loại đã được sấy khô sẵn. Nếu dùng củ quả tươi cần sơ chế, đem phơi hoặc sấy khô.
Bước 1: Sơ chế
- Củ cải, cà rốt, gọt vỏ, thái lát. Su hào gọt vỏ, cắt khúc vuông, sau đó thái lát.
- Các nguyên liệu sau khi thái, ngâm ngay vào nước pha chút muối khoảng 20 phút, sau đó vớt ra để ráo.
- Dưa leo rửa sạch, bổ đôi, bỏ bớt ruột dưa, cắt xéo miếng dày tầm hơn đốt ngón tay. Củ kiệu, cắt bỏ rễ, bỏ lớp vỏ bên ngoài, rửa sạch. Ớt rửa sạch, bỏ cuống. Tỏi bóc vỏ, rửa sạch.
Bước 2: Sấy hoặc phơi
Xếp củ cải, su hào, cà rốt, dưa leo, củ kiệu, ớt vào mẹt hoặc khay rồi đem phơi nắng từ 1-2 nắng cho khô.
Nếu không phơi được có thể xếp vào khay, sấy ở 45-50 độ C đến khi khô.
Bước 3: Nước ngâm dưa món
Đun nước mắm ngâm dưa món: cho nước mắm vào nồi, thêm đường, khuấy tan, đun sôi, để nguội. Tỷ lệ nước mắm, đường có thể thay đổi tuỳ theo độ mặn của nước mắm nhưng người miền Trung thường dùng theo tỷ lệ 1:1, nước mắm dùng cho món này có vị mặn, ngọt, sánh. Nếu không muốn mặn quá, bạn có thể thêm chút nước lọc khi đun. Tuy nhiên, nếu pha thêm nước, sẽ không để được quá lâu.
Bước 4: Chần nguyên liệu
Bắc nồi nước sôi, khi nước sôi, tắt bếp, cho hỗn hợp các nguyên liệu vào trụng sơ, cho ra rổ cho nguội, sau đó vắt kiệt nước.
Bước 5: Ngâm dưa món
Hũ thuỷ tinh rửa sạch, tráng qua nước sôi, để khô. Cho củ các nguyên liệu đã trụng ở trên vào hũ, thêm vài lát tỏi. Đổ nước mắm ở trên vào, đậy nắp, để nơi thoáng mát, khoảng 4-5 ngày cho dưa nở, thấm nước mắm là được.
Vị mặn ngọt, giòn giòn các loại rau củ để cho mỗi người cảm giác khó quên, ăn kèm với bánh chưng hoặc bánh tét mang đến hương vị đặc trưng của ngày Tết.
Chúc các bạn thành công!