Tất niên rồi, làm ngay 15 món lẩu cực ngon lại nóng hổi xì xụp cùng người thân cho ngày cuối năm thêm ấm áp

Minh Ngọc - Ngày 20/01/2023 06:00 AM (GMT+7)

Món lẩu nào cũng ngon và nóng hổi, cực thích hợp để thưởng thức trong dịp tất niên có đông đủ cả gia đình.

1. LẨU CÁ THÁC LÁC - KHỔ QUA

Nguyên liệu:

- 500g cá thác lác nạo sẵn - 500g xương ống - 1 củ cải trắng - 1/2 củ cải đỏ - 5 trái ớt sừng - 4 củ hành tím

- Hành lá - 1kg bún

- Rau ăn kèm: khổ qua, bông bí, tần ô (cải cúc), nấm kim châm, nấm rơm...

- Gia vị

Cách làm:

- Xương ngâm muối pha loãng, rửa sạch, chần sơ qua nước sôi lấy ra rửa lại lần nữa cho sạch. Cho khoảng 2 lít nước vào hầm, thêm xíu muối, 2 củ hành tím đập dập, ít rễ ngò rí, củ cải trắng thái khoanh.

- Đun sôi, thường xuyên vớt bọt cho nước dùng trong, hầm tầm 20 phút thì nêm 1/2 muỗng cang nước mắm, 1.5 muỗng canh hạt nêm, 1/2 muỗng canh bột canh, 1/3 muỗng canh bột ngọt.

- Cá thác lác nạo sẵn cho ra tô, nêm 1 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng cà phê nước mắm, 1/2 muỗng cà phê tiêu xay, 2 củ hành củ băm, hành lá cắt nhỏ. Quết đều tầm 15 phút, sau đó cho vào ngăn mát tủ lạnh để cá dai ngon hơn.

- Ớt sừng đỏ cắt dọc phần thân, bỏ hạt, nhồi chả cá vào ớt.

- Khổ qua bào mỏng, chừa lại 1-2 trái cắt khoanh tầm 0.5cm nhồi cá vào giữa.

- Phần chả cá còn lại cho ra đĩa phẳng, dàn đều. Thêm ớt khoanh trang trí.

- Nấm và các loại rau sơ chế rửa sạch bày ra đĩa.

- Khi ăn cho nước dùng ra nồi, thêm 1/2 củ cả rốt tỉa hoa, đầu hành lá, cho chả cá rồi lần lượt các loại rau vào. Ăn kèm bún và nước mắm mặn thêm ớt xắt nhỏ.

Tất niên rồi, làm ngay 15 món lẩu cực ngon lại nóng hổi xì xụp cùng người thân cho ngày cuối năm thêm ấm áp - 1

2. LẨU CÁ CHÉP MĂNG CHUA

Nguyên liệu:

- 1 con cá chép 2kg

- 1 lít nước dừa - 1kg bún - 6quả cà chua - 1 quả khóm (dứa) - 300g măng chua - 1 bịch nấm kim châm - 3 cây sả - Ớt - Ngò.

- Rau ăn kèm: Rau muống, bắp chuối, rau cần đước (nước), bông súng

- 2 muỗng canh tỏi băm - 1 muỗng canh sả băm - 1 muỗng canh hành tím băm - 4 muỗng canh nước sốt lẩu Thái

- Gia vị.

Cách làm:

Cá làm sạch, chà muối hột cho sạch nhớt, rửa sạch để ráo. Phần đầu cắt ra chẻ đôi, lọc phi lê phần thân, thái mỏng, xếp ra đĩa. Phần xương cá để riêng lát cho vào nồi nước dùng.

Ép 4 quả cà chua và 1/2 quả dứa, thu được 500ml nước. 2 quả cà chua bổ múi cau, 1/2 quả khóm thái khoanh tròn.

- Phi thơm 1 muỗng canh dầu ăn với 1 muỗng canh sả băm, 1 muỗng canh tỏi băm, 1 muông canh hành tím băm, 3 trái ớt đập dập, sau đó vớt ra bát.

- Cho sả cắt khúc đập dập vài xào sơ, thêm 1 lít nước dừa, 500ml nước ép, 1 lít nước lọc, xương cá. Đun sôi hạ bớt lửa, ninh tầm 30 phút, vớt bỏ xương. Cho cà chua và dứa vào, nêm 4 muỗng canh nước lẩu Thái, 1 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng canh nước mắm, 1/2 muỗng canh bột canh, 1/3 muông canh bột ngọt, 1 muỗng canh đường. Nêm nếm lại vừa khẩu vị là được.

- Măng chua rửa sạch, chẻ làm 4. Phi thơm 1 muỗng canh dầu ăn với 1 muỗng canh tỏi băm. Cho măng vào xào, nêm 1/2 muỗng canh hạt nêm, xào tầm 5 phút tắt bếp, cho măng ra đĩa.

- Các loại rau sơ chế, rửa sạch để ráo, cắt khúc vừa ăn bày ra đĩa.

- Cho nước lẩu ra nồi, cá ăn tới đâu mình nhúng vào nồi tới đó để giữ được độ tươi ngon, dùng kèm măng chua, rau, bún, nước mắm mặn thêm ớt xắt.

Tất niên rồi, làm ngay 15 món lẩu cực ngon lại nóng hổi xì xụp cùng người thân cho ngày cuối năm thêm ấm áp - 2

3. LẨU BÒ NHÚNG MẮM RUỐC

Nguyên liệu làm lẩu bò nhúng mắm ruốc

- Bắp bò (hoặc thăn bò, nhưng bắp bò sẽ ngon giòn hơn).

- Rau ăn kèm tuỳ thích (cải, nấm, rau muống, mồng tơi...).

- Mắm ruốc.

- 1/2 trái thơm (dứa).

- Hành tây.

- Nước dừa.

- Các loại gia vị: sả, hành tây, tỏi, ớt.

Cách làm lẩu bò nhúng mắm ruốc:

Bước 1: Sơ chế

-  Phi tỏi vàng, cho một ít vào thịt bò.

- Các loại rau ăn lẩu rửa sạch, để ráo.

Bước 2: Nấu nước dùng lẩu

Phần tỏi phi còn lại để trong nồi, cho tiếp sả và ớt băm nhuyễn vào phi thơm. Tiếp theo cho 1 muỗng canh sate, 2-3 muỗng canh mắm ruốc đảo đều, rồi cho nước dừa vào. Cho vào nồi 1 lít nước dừa hoặc 1/2 dừa + 1/2 nước lọc đun sôi. Nước dùng sôi thì cho thơm xắt lát, nêm thêm đường phèn cho đậm đà. Cho hành lá, hành tây vào là xong.

Bước 3: Thái thịt bò

Thái bắp bò thành lát mỏng, ướp với một muỗng canh nước mắm và dầu ăn rồi xếp ra dĩa. Rắc sả, hành tây, ớt và ít tỏi phi lên trên.

Bước 4: Pha nước chấm

- 1 muỗng canh mắm ruốc + 3 muỗng canh nước dùng + sả tỏi ớt băm nhuyễn, trộn đều trong 1 bát.

Dọn tất cả nguyên liệu ra mâm cùng nồi nước lẩu, nhúng các nguyên liệu và thưởng thức. Bạn có thể sử dụng phở, bún, mì ăn kèm đều ngon.

Đảm bảo hương vị hấp dẫn của lẩu bò nhúng mắm ruốc hấp dẫn chắc chắn bạn không thể nào quên.

Tất niên rồi, làm ngay 15 món lẩu cực ngon lại nóng hổi xì xụp cùng người thân cho ngày cuối năm thêm ấm áp - 3

4. LẨU GÀ THẬP CẨM

Nguyên liệu làm lẩu gà thập cẩm

(Cho 7 người ăn)

- Gà khoảng 2kg

- Lòng, dạ dày heo: 300 g

- Ngao hoa: 500 g

- Đậu phụ: 3 bìa; 500g xương heo hoặc nước dùng xương gà; 1 gói nấm kim châm; 200g nấm hương; 1 gói nấm rơm hoặc nấm sò, nấm đùi gà; 2 gói thuốc bắc

- Rau ngải, mùng tơi, đậu bắp, khoai lang, ngô ngọt (những loại rau bạn thích)

- 1-2 quả trứng vịt lộn

- Bánh đa, bún hoặc mì tôm ăn kèm

- Muối, hạt nêm, bột canh, sa tế, mì chính, hành khô, ớt, chanh

Cách làm lẩu gà thập cẩm ngon

Bước 1: Sơ chế gà

- Gà làm sạch, chặt miếng vừa ăn. Phần đầu, cổ gà, chân có thể cho vào nồi nước xương ninh lấy nước dùng làm nước lẩu. Xếp thịt gà lên đĩa

Lưu ý: Để chặt gà ngon, đẹp thì nên dùng dao sắc, nặng; thớt phải sạch, nặng gỗ tốt.

Bài 2: Sơ chế các nguyên liệu còn lại

- Nấm kim châm, nấm hương, đậu bắp, bí đỏ, cà chua, các loại rau cải, rau ngải, rau cần, hoa chuối, rau diếp rửa sạch và để ráo.

- Lòng, dạ dày heo rửa sạch cắt miếng vừa ăn.

- Ngao hoa, tôm rửa sạch bày lên đĩa

Bước 3: Nấu nước dùng lẩu

- Xương heo rửa sạch với muối hạt sau đó chần sơ rửa lại cho sạch rồi cho vào nồi hầm lấy nước.

- Sau khoảng 30-45 phút cho nước dùng ra nồi lẩu, đập 2 quả trứng vịt lộn vào đun nhỏ lửa thêm nấm hương, thuốc bắc, ngô ngọt, nấm hương vào đun, nêm nếm gia vị vừa miệng.

Bước 4: Trình bày

Xếp tất cả các lên bàn, bật bếp đun nhỏ lửa xếp đồ ăn xung quanh. Giờ thì chỉ việc thưởng thức ngay thôi. Ăn lẩu gà nóng hổi trong thời tiết sẽ lạnh sẽ là vô cùng hấp dẫn.

Tất niên rồi, làm ngay 15 món lẩu cực ngon lại nóng hổi xì xụp cùng người thân cho ngày cuối năm thêm ấm áp - 4

5. LẨU CÁ KÈO

Nguyên liệu làm lẩu cá kèo

- 500g cá kèo

- 300 g xương ống

- 200g măng chua

- Dứa (thơm), cà chua, hành tím, sả, ớt

- Rau ăn kèm: Rau muống, rau nhút, rau cù nèo, bông bí...

- Bún

Cách nấu lẩu cá kèo đơn giản

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

- Cá kèo làm sạch, sau đó cho vào thau nước dấm gạo và muối pha loãng ngâm 10 phút để khử mùi tanh và sạch nhớt của cá, rửa lại cho sạch và để ráo.

- Cà chua cắt múi cau, dứa cắt miếng vừa ăn. Hành tím, sả, ớt băm nhuyễn.

- Các loại rau, hoa ăn lẩu nhặt rồi rửa sạch, để ráo.

Bước 2: Nấu nước dùng lẩu

- Xương ống heo ngâm với nước muối và dấm loãng 15 phút rồi rửa sạch.

- Cho xương vào nồi với phần sả già đun để lấy nước dùng, vớt bọt thật kỹ để nước dùng trong.

- Phi hành, sả, ớt băm cho thơm lên rồi thêm cà chua vào xào sơ. Tiếp theo, cho dứa và măng chua vào. Nêm hạt nêm, đường, bột ngọt rồi trút hết vào nồi nước dùng.

- Khi nước lẩu sôi lại nêm theo khẩu vị rồi tắt bếp, nêm thêm một muỗng canh nước mắm ngon vào để tăng hương vị cho món lẩu.

Bước 3: Thưởng thức

- Khi ăn, cho nước dùng ra nồi lẩu, bật bếp cho sôi lên thì thả cá kèo vào. Khi cá chín, cho rau ăn kèm vào nhúng. Bạn cũng không nên quên một chén nước mắm ngon cùng ớt cắt lát để chấm cá nhé.

Thịt cá kèo ngọt chấm vào chén nước mắm mặn dầm ớt với nước lẩu chua chua cay cay bảo đảm là một gợi ý tuyệt vời.

Tất niên rồi, làm ngay 15 món lẩu cực ngon lại nóng hổi xì xụp cùng người thân cho ngày cuối năm thêm ấm áp - 5

6. LẨU BÒ NHÚNG GIẤM

Nguyên liệu:

- Thịt bò (bắp, thăn...)

- Giấm gạo

- Nước dừa

- Dứa, dưa chuột, cà rốt, chuối xanh, khế chua

- Rau thơm các loại

- Sả, gừng, tỏi, hành tây

- Bún, bánh tráng

- Gia vị: Đường, hạt nêm

- Mắm nêm

Cách làm:

Bước 1: Sơ chế

- Thịt bò chọn phần bắp hoặc thăn. Rửa sạch, cắt mỏng. Cho vào ngăn mát tủ lạnh bảo quản.

- Rau thơm rửa sạch, ngâm nước muối 15 phút vớt ra vảy sạch nước để ráo.

- Dưa chuột, cà rốt, dứa, chuối xanh, khế rửa sạch, ngâm nước muối, để ráo, thái sợi

- Hành tây rửa sạch, thái mỏng.

- Sả, gừng, tỏi: Rửa sạch thái lát to, tỏi băm nhỏ cho vào bát nước chấm

Bước 2: Nấu nước giấm nhúng bò

- Cho nước dừa tươi vào nồi, thêm 4 thìa giấm, 2 thìa đường, 1 thìa hạt nêm, thêm vài lát dứa, hành tây thái mỏng, sả, gừng thái lát vào đun sôi. Thành phẩm là nồi nước nhúng chua ngọt thanh dịu.

Bước 3: Pha mắm nêm để chấm

- Dứa băm nhuyễn, tỏi băm nhuyễn, thêm 3 thìa đường, 1 thìa nước dừa đánh tan, đổ từ từ mắm nêm vào, đến khi thấy vừa miệng là được. Nếu thích ăn cay cho thêm ớt tươi băm nhỏ.

Lưu ý: có thể cho thêm chanh để cân bằng lại vị, vì mắm nêm chính là linh hồn của món ăn này quyết định đến 80% độ ngon của món ăn

Thưởng thức:

- Nhúng thịt bò vào nước giấm đang sôi (đặt nồi nước dùng trên bếp lẩu), ăn kèm cùng bánh tráng cuốn rau sống, dưa chuột, cà rốt, dứa, chuối xanh, khế, hành tây... chấm cùng nước mắm nêm.

Bò nhúng giấm ăn kèm bánh tráng cuốn rau thơm chấm mắm nêm

- Bò nhúng giấm rất đưa miệng, thơm ngon, không bị ngán. 

- Bún có thể ăn kèm món cuốn hoặc ăn cùng nước giấm có vị chua dịu, ngọt vị thanh của nước dừa, thơm mùi dứa, mùi sả, gừng, cực kỳ ngon miệng.

Tất niên rồi, làm ngay 15 món lẩu cực ngon lại nóng hổi xì xụp cùng người thân cho ngày cuối năm thêm ấm áp - 6

7. LẨU CHÁO CÁ QUẢ

Nguyên liệu:

- 1 con cá quả khoảng 1kg

- Xương cục

- Gạo nếp 1 phần, gạo tẻ 2 phần đong cỡ ½ bát ăn cơm. Thêm nắm đậu xanh bóc vỏ.

- Rau cải cúc, cải ngọt, cải thảo, cà rốt, nấm kim châm, rấm rơm.

- Thì là, hánh lá, tía tô, rau mùi, hành khô, gừng, nước mắm, gia vị, hạt tiêu

Cách làm:

- Ninh xương cục để lấy nước hầm làm nước lẩu cho ngọt.

- Cá làm sạch, lọc phi lê rồi ướp với hành khô, gừng cùng gia vị trong khoảng 30 phút.

- Đầu và xương cá cho vào nồi ninh cùng xương.

- Gạo nếp, gạo tẻ và đỗ xanh ngâm trước khi nấu 1 tiếng, rồi vớt ra để ráo. Cho tất cả vào chảo rang để nấu cháo thơm hơn. Sau đó cho vào nồi áp cũng nước hầm xương.

- Các loại nấm, rau rửa sạch và bày ra đĩa để nhúng ăn cùng cháo.

- Bắc nồi cháo lên bếp lẩu, đun liu riu rồi nhúng dần rau, nấm, cá để ăn dần. Bạn có thể rắc thêm hạt tiêu, thì là, tía tô, hành lá để ăn cùng cho thơm.

Tất niên rồi, làm ngay 15 món lẩu cực ngon lại nóng hổi xì xụp cùng người thân cho ngày cuối năm thêm ấm áp - 7

8. LẨU RIÊU CUA BẮP BÒ SƯỜN SỤN

Nguyên liệu:

- Cua đồng: 500g

- 1kg (tùy theo số lượng người ăn)

- Sườn sụn: 500g

- Bắp bò: 500g

- Đậu phụ: 5 bìa - 10 bìa

- Mẻ, dấm bỗng hoặc me chua, quả dọc: tùy khẩu vị.

- Mắm tôm: 1 muỗng nhỏ (Có thể bỏ qua nếu bạn không thích), nhưng mắm tôm làm nên mùi vị rất đặc trưng cho món lẩu riêu cua, khiến cho nước lẩu đậm đà hơn. Nếu nêm mắm tôm thì phải nêm lúc chưa nấu, nếu không mắm tôm sẽ tỏa hương tưng bừng.

- Cà chua: 3-5 quả thái miếng cau.

- Rau sống: rau muống chẻ, hoa chuối, thân chuối non, xà lách, mùi tàu, hành lá, tía tô, kinh giới, giá đỗ, chanh, ớt… Thêm ít rau muống nhỏ ngọn nếu thích ăn nhiều rau.

- Bún sợi nhỏ.

- Gia vị chanh, ớt hoặc xì dầu, nước mắm để chấm thêm.

Cách làm:

- Sườn sụn chần qua nước sôi, ướp hành khô băm nhỏ, gia vị và một chút nước mắm xào sơ qua, cho nước vào ninh bằng nồi áp suất khoảng 10 phút cho mềm.

- Cua làm sạch, cho vào một chút muối giã nhuyễn hoặc xay bằng máy xay sinh tố rồi lọc lấy nước, gạch cua khều riêng ra một bát nhỏ. Nêm một muỗng nhỏ mắm tôm và gia vị vào nồi nước cua bắc lên bếp, khuấy nhẹ đều tay cho đến khi canh sôi và gạch cua nổi lên thì vặn nhỏ lửa. Dùng muôi gạt hết riêu cua vào cạnh nồi cho kết lại thảnh từng mảng rồi tắt bếp. Bạn có thể vớt riêu cua ra một cái bát rồi ăn đến đâu thả dần vào nồi nước lẩu đến đó để riêu khỏi bị vỡ.

- Cho dầu ăn vào chảo, phi hành khô băm nhỏ cho thơm vàng, cho gạch cua vào xào chín cùng một xíu nước mắm rồi trút ra bát. Tiếp tục cho cà chua thái miếng cau vào xào chín tới, không nên xào chín và nát quá.

- Đậu khuôn cắt miếng nhỏ rán vàng, bày ra đĩa.

- Bắp bò thái mỏng bày ra đĩa.

Trước khi thái cho thịt bò vào ngăn đá khoảng 15 phút thái sẽ dễ dàng hơn và trình bày cũng đẹp mắt hơn.

- Rau sống rửa sạch, ngâm qua nước muối loãng rồi vớt ra rổ để ráo nước, khi ăn bày ra đĩa. Hoa chuối thái nhỏ dùng để nhúng dần trong khi ăn.

- Mẻ đã ngấu lọc lấy nước để vào một bát con, có thể dùng quả dọc hoặc quả me, mẻ thay thế.  Mẻ, dấm bỗng, mắm tôm làm nên hương vị đặc trưng của món lẩu riêu cua.

- Chế nước dùng cua và nước ninh sườn sụn vào nồi lẩu, vớt sườn sụn thả vào cùng với cà chua đã xào chín. Cho mẻ vào, nêm thêm một chút dấm bỗng rồi đun sôi, nêm lại gia vị cho vừa ăn, tiếp tục thả riêu cua vào, rưới gạch cua lên riêu cua cho dậy màu.

Khi ăn  thả thêm chút hành lá, gốc hành hoặc củ hành tươi cắt lát mỏng, mấy lát đậu đã rán vàng, một nhúm hoa chuối sẽ được nổi nước lẩu thật sinh động.

Nhúng thịt bò ăn kèm với bún, sườn sụn giòn mềm cùng với rau sống, không còn gì tuyệt vời hơn.

Tất niên rồi, làm ngay 15 món lẩu cực ngon lại nóng hổi xì xụp cùng người thân cho ngày cuối năm thêm ấm áp - 8

9. LẨU CÁ CHÉP OM DƯA

- Cá chép làm sạch( đánh vảy hay không thì tuỳ thích), cắt khúc hoặc để nguyên.

- Dưa cải chua cắt khúc vừa ăn, xả qua nước lạnh, vắt ráo.

- Cà chua bổ múi cau, thìa là cắt khúc.

- Phi dầu và hành tím băm thơm, cho cà chua vào đảo đều, cho tiếp dưa cải chua.

- Thêm nước đun sôi, cho cá vào nấu chín, nêm gia vị.

- Cho cá ra nồi lẩu, nêm thìa là, hành lá ăn kèm bún và nước mắm mặn.

Lưu ý: Nếu thích bạn có thể cho thêm cả tóp mỡ vào nhé!

Tất niên rồi, làm ngay 15 món lẩu cực ngon lại nóng hổi xì xụp cùng người thân cho ngày cuối năm thêm ấm áp - 9

10. LẨU GÀ ỚT HIỂM MIỀN TÂY

Nguyên liệu:

- Khoảng từ 1,2kg - 1,5kg thịt gà ta

- Ớt hiểm xanh: tùy theo sở thích ăn cay, thông thường bạn có thể cho 100g, nhưng nếu không ăn được cay có thể dùng ít ớt hơn.

- 1 quả dừa tươi

- Rau húng quế để nhúng lẩu: 300g

- 500g-1kg bún, tùy số lượng người ăn

- 5-6 củ hành tím khô

- Vài nhánh sả

- Vài quả chanh

- Muối, đường vừa đủ.

- Rau nhúng lẩu thêm: Nếu thích bạn có thể cho thêm rau cải cúc, nấm... tuy nhiên dùng húng quế vẫn đúng vị nhất.

Cách nấu lẩu gà ớt hiểm ngon:

Bước 1: Sơ chế thịt gà

Trước tiên bạn nên chọn thịt gà ta ngon, nếu là gà tơ càng tốt, thịt ngọt và mềm vừa phải như vậy nhúng lẩu sẽ rất ngon. Không nên chọn gà non quá thịt nhanh nát, thậm chí tanh. Cũng nên không chọn gà già vì như vậy thịt dai, khô, kém ngọt, xương cứng.

Thịt gà bạn có thể nhờ người bán hàng làm lông rồi mổ luôn sau đó mang về nhà sơ chế lại. Dùng muối chà xát khắp mình gà để khử khuẩn sau đó rửa lại thật sạch dưới vòi nước và để ráo. 

Sau khi thịt gà đã ráo nước, dùng dao sắc chặt thịt gà thành những miếng vừa ăn. Không nên chặt miếng to quá làm gà lâu chín. Cũng không nên chặt miếng bé quá thịt sẽ vụn, quắt lại trong quá trình cho vào nồi lẩu để ninh. Xếp thịt gà lên đĩa rồi dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lại. Thịt gà vốn để cho vào nước lẩu nên không cần phải tẩm ướp gia vị để cảm nhận được vị thơm ngon nguyên bản của gà. Cho đĩa thịt gà vào ngăn mát tủ lạnh, chờ nấu nước dùng và sơ chế các nguyên liệu khác xong thì mang ra thưởng thức.

Riêng phần chân, cổ và xương sống thịt gà nên để riêng để lát sau ninh lấy nước dùng cho nước dùng thơm và ngọt vị gà hơn.

Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu khác

Hành khô bóc bỏ, đem rửa sạch bụi bẩn. Củ nào to thì bạn có thể bổ đôi cho thơm, củ nhỏ có thể để nguyên, không băm nhỏ. 

Những quả ớt hiểm xanh nên dùng kéo cắt bỏ cuống rồi rửa sạch. 

Củ sả bóc bỏ phần vỏ già bên ngoài rồi rửa sạch, cắt khúc và đập dập.

Chanh vắt lấy nước, bỏ hạt.

Rau húng quế nhặt bỏ những lá già, hỏng rồi đem ngâm nước muối loãng khoảng 15 phút sau đó rửa lại nhiều lần bằng nước sạch. Cuối cùng cho rau ra rổ để ráo, chờ để nhúng lẩu.

Những loại rau, nấm ăn kèm khác cũng đem rửa sạch, để ráo.

Dừa tươi bổ lấy nước.

Bước 3: Nấu nước lẩu gà ớt hiểm

Chuẩn bị một chiếc nồi để nấu lẩu. Lúc này bạn cho một lượng nước vừa phải vào nồi, có thể là một tô lớn. Đun sôi nồi nước. Khi nước sôi, cho sả dập dập, hành khô cùng nước dừa tươi vừa bổ vào nồi. Để nồi nước lẩu gà ớt hiểm ngon, cho ngay phần xương cổ, lưng, chân gà vào ninh cùng. Nên đun khoảng 20-25 phút cho xương mềm, thôi chất ngọt ra nước. Khi xương gà bắt đầu mềm, thì tắt bếp. Nêm nếm muối cho vừa miệng và cho 1/2 chỗ nước cốt chanh vừa vắt vào. Bạn có thể nếm lại xem độ chua vừa chua. 

Lưu ý, việc cho nước chanh vào nước lẩu gà ớt hiểm khiến nước lẩu thơm hơn, mùi vị có sự tươi mới đặc biệt.

Xong xuôi, cho nước dùng ra nồi lẩu để chuẩn bị ăn.

Bước 4: Làm nước chấm thịt gà

Tuy lẩu gà được nhúng với nước lẩu đã vừa miệng nhưng vẫn nên làm nước chấm riêng để tăng độ hấp dẫn cho món ăn. Trong khi hầm xương gà bạn nên tranh thủ làm nước chấm để tiết kiệm thời gian.

Cho 1 thìa muối hạt, 5 quả ớt hiểm xanh vào cối gã dập ra rồi cho ra bát. Lúc này hãy cho thêm vào bát 1 thìa đường, 1 thìa nước cốt chanh rồi khuấy cho tan đường và muối. Nước chấm hay thực chất là muối chấm rất đơn giản nhưng lại tăng hương vị cho gà lên rất nhiều lần.

Thành phẩm và thưởng thức

Cho nước dùng ra nồi lẩu. Lưu ý, bạn không nên cho nước dùng đầy quá vì còn cho gà vào và nhúng các loại rau vào. Nếu cho nước quá đầy nồi lẩu sôi sẽ bị tràn.

Bật bếp đun sôi lại nước lẩu, nước lẩu sôi, thả ớt hiểm vào. Có điều đặc biệt, khi cho ớt vào lẩu không cắt nhỏ nó mà để nguyên quả. Vì làm như vậy nước lẩu sẽ chỉ có vị cay nhẹ, không quá cay cũng không quá nồng để nhiều người có thể ăn được.

Nếu ai đó muốn ăn cay hơn thì chỉ nên cắt 1-2 quả ra thôi. Lúc này thả thịt gà vào nồi lẩu. Khi thịt gà chín, nước sôi lại thì nhúng rau húng quế cùng các loại rau, nấm khác mà bạn thích để thưởng thức.

Ăn lẩu gà ớt hiểm cùng với bún rất hợp. 

Nước lẩu gà thơm ngon, không quá cay hay quá nồng quyện với nước dừa tươi ngọt thanh vô cùng hấp dẫn. Thịt gà mềm thơm, chín tới, hơi cay cay rất ngon. 

Tất niên rồi, làm ngay 15 món lẩu cực ngon lại nóng hổi xì xụp cùng người thân cho ngày cuối năm thêm ấm áp - 10

11. LẨU MĂNG ẾCH

Nguyên liệu:

- 1kg ếch 

- 100g thịt mọc xay

- 100g mọc sống

- 400g măng muối chua

- 100g lá lốt

- 5 tép sả, ớt, hành tím, ngò gai (mùi tàu), rau ngò ôm, rau muống và bắp chuối bào

- Bún

- Lá tàu hũ ki tươi (váng đậu) chiên vàng, nấm hương

- Xương heo

Cách làm:

Ếch làm sạch, chặt phần đùi để riêng, ướp hành tím và hạt nêm. Phần thân trước băm nhuyễn trộn chung với thịt, mọc, hành tím băm và hạt nêm. Sau đó chia ra từng phần và ấn dẹt thành viên chả. Chiên áp chảo cho vàng 2 mặt.​

Chiên vàng phần đùi ếch đã ướp.

Sau khi ếch chín vàng, gắp ếch ra, cho phần tỏi, ớt, sả và hành tím vào. Phi thơm, rồi cho tiếp nấm hương vào.

Tiếp theo, cho măng chua vào xào, nêm ít hạt nêm và đường vào măng. Xương heo chần sơ, sau đó cho nước và sả cây vào nấu nước dùng cho đến khi nước dùng được, vớt sả ra.

Trút phần măng xào vào nồi nước dùng, nêm ít nước mắm ngon. Nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn.

Khi ăn lẩu măng ếch, cho tàu hũ ki (váng đậu), ếch và chả vào nồi, cho lá lốt và các loại rau mùi để tăng thêm hương vị món ăn.

Tất niên rồi, làm ngay 15 món lẩu cực ngon lại nóng hổi xì xụp cùng người thân cho ngày cuối năm thêm ấm áp - 11

12. LẨU NƯỚNG

Chuẩn bị:

- Thịt ba chỉ, sườn thăn non; Lòng non, dạ dày; Thịt bò; Các loại hải sản như tôm, mực trứng, ngao, sò; nấm sò, nấm kim châm…

- Các loại củ quả nướng kém: bí đỏ, hành tây, cà chua, đậu bắp, ngô…

- Gia vị: xì dầu(nước tương), gia vị chanh ớt.

- Rau thơm, dưa chuột để ăn kèm. Đồ nướng có thể ăn cùng với bánh mỳ; chảo gang, bếp cồn hoặc bếp ga. Bạn có thể dùng vỉ nướng nướng trên bếp than hoa.

Cách làm:

- Thịt ba chỉ làm sạch, cho vào ngăn đá khoảng 20 phút lấy ra thái lát mỏng vừa phải chừng 3x5cm đem ướp với sốt BBQ, Ketchup (sốt cà chua), hành, tỏi khô và sả băm nhỏ cùng với một chút đường. Đơn giản hơn có thể thay sốt cà chua và BBQ bằng nước hàng và mật ong.

- Sườn thăn chặt miếng ngắn từng rẻ một, ướp tương tự như sườn. Có thể hấp sườn cho chín rồi mới ướp để khi nướng nhanh chín hơn.

- Thịt bò mua phần thịt vai hoặc mông mềm, thái to bản, dần qua cho mềm rồi ướp với dầu hào, chút đường, mật ong cùng với tỏi, sả băm nhỏ.

- Các nguyên liệu trên nên ướp tối thiểu 1 giò trước khi ăn, lâu hơn có thể ướp và bảo quản trong ngăm mát tủ lạnh từ 4-8 tiếng, như vậy các nguyên liệu sẽ ngấm gia vị và mềm hơn.

- Hải sản rửa sạch để ráo nước. Các loại củ quả gọt vỏ, rửa sạch thái miếng mỏng

- Nấm cắt bỏ gốc, rửa bằng nướng muối loãng vớt ra để ráo. Bày tất cả các nguyên liệu trên ra đĩa.

Tất niên rồi, làm ngay 15 món lẩu cực ngon lại nóng hổi xì xụp cùng người thân cho ngày cuối năm thêm ấm áp - 12

13. LẨU MẮM

Nguyên liệu làm lẩu mắm: 

- 300gr mắm (mắm cá linh và mắm cá sặc)

- 200gr thịt heo quay hoặc thịt ba chỉ

- 500gr cá hú

- 200gr tôm

- 400gr mực

- 200gr chả cá

- 2 trái cà tím

- 50gr sả bằm

- Tỏi, ớt, chanh

- Nước hầm xương hoặc nước dừa

- Rau sống các loại (rau đắng, rau muống bào, giá hẹ, cọng súng, kèo nèo, bông điên điển... hoặc rau khác tùy khẩu vị)

Sơ chế nguyên liệu:

- Cá hú cạo sạch nhớt, rửa lần một với nước muối pha loãng và rửa lần hai với nước ấm pha dấm cho sạch nhớt. Sau đó cắt khoanh vừa ăn. Đầu, đuôi cho vào nấu trước, khúc giữa để ăn lẩu sau.

- Thịt ba chỉ/ heo quay cắt nhỏ vừa ăn.

- Tôm luộc xong bóc vỏ.

- Mực làm sạch, trụng sơ, cắt nhỏ.

- Chả cá cắt vừa ăn.

- Cà tím rửa sạch, cắt khúc rồi bổ làm tư.

- Rau sống các loại rửa sạch, để ráo nước.

Cách chế biến:

- Cho mắm vào nồi nhỏ, đổ nước ngập phần mắm rồi đem nấu sôi cho đến khi thấy thịt mắm rục ra thì tắt bếp. Lọc qua rây lấy nước mắm, bỏ xương.

- Phi tỏi, ớt rồi để riêng.

- Cho sả băm vào xào cùng thịt ba chỉ/ heo quay cho thịt săn vàng.

- Tiếp tục cho đầu và đuôi cá vào chiên sơ cho cá thật thơm cùng với vài trái ớt.

- Cho phần mắm đã lọc xương cùng 1,5 lít nước dừa hoặc nước hầm xương vào. Nấu vừa sôi thì hớt bọt, giảm nhỏ lửa. Vì mắm đã mặn nên chỉ nêm đường và bột ngọt cho vừa ăn là được. Cuối cùng là cho cà tím, tỏi ớt phi và rau nêm vào.

- Khi ăn lẩu thì cho thêm các nguyên liệu: tôm, mực, cá hú, chả cá, thịt quay vào.

- Món lẩu mắm gần như bắt buộc phải ăn kèm rau sống mới ngon.

Tất niên rồi, làm ngay 15 món lẩu cực ngon lại nóng hổi xì xụp cùng người thân cho ngày cuối năm thêm ấm áp - 13

14. LẨU THÁI

Nguyên liệu:

- 6 con tôm sú, những loại hải sản yêu thích (mực, bạch tuộc, ngao, cua, ghẹ...)

- 10 quả cà chua bi (cắt đôi)

- 6-8 cái nấm rơm

- Nước dùng: 15-20 con tôm cỡ vừa; 5-6 lá chanh; 2 quả chanh vắt nước; 20g rau mùi; 1 nhánh riềng thái lát; 3 cây sả; 2 tép tỏi; 2 quả ớt đỏ; 500ml nước

Cách làm:

Nấm rơm, cà chua rửa sạch, bổ đôi. Sả đập dập rồi băm nhỏ.

Sơ chế, làm sạch các loại hải sản rồi bày ra đĩa.

Chuẩn bị nước dùng tôm: Tôm rửa sạch cho vào trong chảo có chút dầu xào qua sau đó thêm 500ml nước vào. Đun sôi rồi nấu thêm 20 phút nữa.

Đun nóng một chảo, thêm ít dầu rồi cho tỏi, sốt Thái Tom Yum, tương ớt Thái, lá chanh, ớt đỏ, vào xào.

Sau đó đổ nước dùng tôm vào cùng nước cốt chanh, nước mắm, riềng, sả và rau mùi.

Đun sôi nồi nước lẩu, thêm cà chua, nấm vào nấu thêm 10-15 phút.

Cuối cùng thêm tôm sú vào, nếu thêm 7-10 phút cho tôm sú chín. Đổ nồi nước lẩu Tháu chua cay ra nồi lẩu chuyên dụng rồi thưởng thức nhé! Nếu thích ăn thịt bò có thể nhúng thêm. Lưu ý, bạn có thể điều chỉnh độ chua, cay sao cho phù hợp với khẩu vị gia đình.

Tất niên rồi, làm ngay 15 món lẩu cực ngon lại nóng hổi xì xụp cùng người thân cho ngày cuối năm thêm ấm áp - 14

15. LẨU CUA ĐỒNG

Chuẩn bị: 

- Cua đồng, thịt bò, đậu phụ, sườn sụn

- Hành khô, cà chua, mắm tôm

- Rau nhúng: hoa chuối, rau muống chẻ, nấm, các loại rau thơm 

- Ăn kèm: miến, mì tôm, bún...

Cách làm:

- Cua đồng ngâm và rửa sạch rồi tách mai ra khỏi phần thân. Phần thân thì bạn lại tiếp tục rửa qua nước cho sạch một lần nữa rồi cho vào cối giã hoặc máy xay xay nhuyễn. Phần mai thì khêu lấy gạch sau đó vứt bỏ.

- Khi xay hoặc giã cua cho thêm chút muối để cua giã được quyện, bông, dễ giã hơn. Sau khi giã xong, bạn lọc lấy nước và bỏ bã.

- Đậu phụ: Cắt miếng nhỏ và chiên vàng

- Thịt bò: Thịt bò rửa sạch, thái mỏng. Ướp thịt với xíu gừng, hạt nêm & dầu ăn khoảng 20 phút. Nên mua phần bắp hoặc lõi, nhúng sẽ ngon hơn.

- Sườn sụn, thái mỏng (hôm trước mình không mua được món này)

- Nấu nước dùng:

Cua sau khi đã lọc lấy nước, cho vào nồi đun và bật nhỏ lửa. Khuấy đều cho đến khi bánh cua nổi lên. Sau khi phần bánh cua đã nổi nhưng nước chưa sôi, nhanh tay vớt riêng phần này ra một chiếc bát và giữ lại phần nước cua.

Phi thơm hành khô, cà chua với một chút dầu ăn. Tiếp đến, cho phần gạch cua đã khêu từ mai và bánh thịt cua đã vớt từ nước cua vào xào chín rồi cho 500 ml nước ninh sườn sụn vào đun sôi. Tiếp đến bạn lại đổ tiếp 500 ml nước cua vào đun chung. Nêm gia vị cho vừa ăn.

 Mắm tôm mọi như cho vào theo sở thích nhé!

Tất niên rồi, làm ngay 15 món lẩu cực ngon lại nóng hổi xì xụp cùng người thân cho ngày cuối năm thêm ấm áp - 15

Chỉ 2 ngày nữa là Tết, hình ảnh gói bánh chưng ngập mạng xã hội, ai chưa kịp về quê chắc sẽ nao lòng!
Cận kề Tết Nguyên Đán, hình ảnh gói bánh chưng đang ngập tràn mạng xã hội như một tiếng chuông gõ nhẹ vào trái tim những người con xa quê một cách náo nức, hồi hộp, âm ỉ, thôi thúc trở về.

Tết nguyên đán

Theo Minh Ngọc (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Món ngon ngày Tết