Sau tết, số lượng người đổ về TP.HCM tăng cao. Thời điểm này luôn được coi là mùa của các dịch vụ ăn uống tại các điểm vui chơi, lễ hội, bến tàu xe...
Tình trạng hàng quán ven đường nhếch nhác, thức ăn sống, chín bầy bán lẫn lộn. Thậm chí các cửa hàng ăn uống còn chế biến đồ ăn ngay ven đường đầy khó bụi.
Quán cơm B4 tại Bến xe Miền Đông chỗ nấu ăn cũng được tận dụng làm chỗ ngủ cho nhân viên.
Tại Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), lượng khách ra vào đông nghẹt. Khu ăn uống bày bán dọc các lối đi, xe tấp nập vào ra. Cơm, bún, phở... không được che đậy. Khu hàng ăn nằm đan xen với những nhà vệ sinh công cộng bốc mùi hôi thối cùng mùi khói xe thải ra.
Tại quán ăn số B4, chỗ nấu ăn cũng là chỗ ngủ của nhân viên. Chúng tôi băn khoăn về vấn đề vệ sinh của quán, chủ quán tên Thìn phán: "Ở bến xe lại đòi sạch thì ra nhà hàng mà ăn".
Cùng trong Bến xe Miền Đông, hầu hết các quán ăn đều nhếch nhác, nhân viên phục vụ và nấu ăn không đeo găng tay, vừa chế biến đồ ăn sống vừa lấy thức ăn chín cho khách.
Tại khu vui chơi Suối Tiên (quận Thủ Đức), hàng quán, đồ ăn bao quanh cổng chính và quanh khu vui chơi. Nằm sát quốc lộ 1A, những quán ăn không được che chắn nên người mua chấp nhận ăn chung với bụi bẩn.
"Sáng đi vội không kịp ăn, tới nơi thì cả nhà đói quá đành vào ăn vì ở những quán này vừa rẻ lại không mất thời gian đi xa. Tìm những quán đảm bảo vệ sinh khó lắm nên đành vào ăn tạm" - anh Trần Văn Minh đưa vợ và con từ Long An lên chơi nói.
"Không có ai kiểm tra chất lượng vệ sinh hay bất cứ gì hết", ông chủ quán phở Hà Nội bên hông khu vui chơi Suối Tiên cho biết khi được hỏi về việc có đơn vị nào đi kiểm tra an toàn thực phẩm tại khu vui chơi hay không.
Thức ăn đường phố bán trước cổng chùa Bà Thiên Hậu, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương.
Tại khu du lịch Đầm Sen (quận 11) có khá nhiều cơ sở ăn uống trong và ngoài khu vui chơi và mỗi ngày đón khoảng 3 ngàn khách tham quan trong dịp tết năm nay.
Sau khi ghé quán ăn không có biển hiệu kêu tô phở ăn, chúng tôi hỏi khu vệ sinh thì được chỉ vào gian bếp chuyên chế biến đồ ăn. Vào trong mới biết đây là khu rửa chén bát, cũng là khu chế biến đồ ăn kiêm khu vệ sinh.
Theo quan sát cứ mỗi khi khách ăn xong tô dơ bẩn được chất đống dưới nền đất nơi bà chủ nấu ăn, sau đó bà chủ tranh thủ rửa bằng cái bùi nhùi dầu mỡ đen kịt mồi lèo cho hết đống tô dơ, sau đó nhúng lại tô vào một chậu nước bên cạnh đã đen ngòm rồi vớt ra lau khô và tiếp tục phục vụ thực khách.
May nhờ, rủi chịu
Tại Bình Dương, ngay từ đêm giao thừa đến nay, đông đảo khách thập phương đã đến viếng chùa Bà Thiên Hậu, chùa Ông, Tây Tạng, Hội Khánh... Trên lề đường Cách mạng tháng Tám, Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Thích Quảng Đức, Yersin... ở Thủ Dầu Một các quán ăn "chồm hổm" mọc lên như nấm. Bên cạnh đó là nhiều thức ăn đường phố di động trên những chiếc xe đẩy cũng sẵn sàng phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách.
Nhiều dạng thức ăn đường phố này không được bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bằng chứng là không có giấy chứng nhận của cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Minh Hòa, một khách hành hương đến từ Biên Hòa, Đồng Nai nói: Dù vẫn biết thức ăn đường phố không đảm bảo nhưng vẫn phải vội ăn tô hủ tiếu dằn lòng. Theo ông Hòa, với thực phẩm đường phố hiện nay thì "may nhờ, rủi chịu chứ biết làm sao". Chúng tôi và nhiều khách hành hương khác đến từ nơi xa, ai cũng đói, khát và đều phải ăn, uống...
Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù nhiều khách thập phương đã đến viếng chùa Bà ở Bình Dương nhưng con số vẫn chưa đông như những năm trước đây.
Do vậy, một số người kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ mới đăng ký chỗ vỉa hè chứ chưa tung ra hết, bởi cao điểm vẫn là những ngày từ 10 đến 14 tháng giêng.
Còn theo ông Lý Thiên Kỳ, trưởng ban tổ chức Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu năm 2013, từ đêm giao thừa Tết Quý Tỵ 2013 đến nay mỗi ngày có hơn 10.000 khách đến viếng chùa.