Để sầu riêng nhanh chín, người trồng và các thương lái nhúng vào thùng nước đã pha sẵn thuốc, có nguy cơ gây bệnh cho người sử dụng
Sau nhiều lần thuyết phục, những ngày đầu tháng 10-2013, chúng tôi được anh N.V.D (kinh doanh trái cây) đồng ý đưa đi về huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk - nơi được mệnh danh là thủ phủ sầu riêng của Tây Nguyên - để thu mua hàng.
Từ lâu, sầu riêng Krông Pắk đã có thương hiệu trên thị trường không chỉ vì diện tích trồng lớn mà sản phẩm vốn thơm ngon, ít trái lép… Chính vì vậy, anh D. dù kinh doanh sầu riêng ở tận Hải Phòng nhưng vẫn thường xuyên vào đây gom hàng về bỏ lại cho những cửa hàng bán lẻ ở các tỉnh phía Bắc.
Sầu riêng được nhúng vào thùng nước đã pha sẵn thuốc
Khi chúng tôi tới, gia đình ông H.T.N (xã Ea Yông, huyện Krông Pắk) đang tất bật nhúng từng trái sầu riêng vào một thùng nước đã pha sẵn thuốc. Tháo vội đôi găng tay, ông N. mời chúng tôi vào nhà rồi mang một trái sầu riêng ra mời, kèm lời trấn an: “Mấy chú yên tâm, trái này tôi vừa mang ngoài vườn vào, nó chín cây chứ không nhúng thuốc đâu”.
Sau khi thưởng thức vài múi sầu riêng, chúng tôi ra sân phụ giúp gia đình ông N. chuyển hàng lên xe. Ông N. lấy thêm một chiếc thùng (loại dùng đựng sơn nước) đổ nước quá nửa rồi cho vào một loại thuốc có màu trắng đục. Theo quan sát của chúng tôi, thuốc này được đựng trong một chai nhựa có nhãn hiệu “Trái chín”. Sau khi nhúng vào thùng nước, sầu riêng được xếp lên xe, dùng bạt phủ kín. Tôi với tay loại ra 2 trái sầu riêng còn xanh và hỏi: “Trái này làm sao chín mà sắp lên xe?”. Ông N. cười bảo: “Đúng là nhân viên mới, chú không biết đó thôi. Sầu riêng đã nhúng vào nước có pha “Trái chín” thì dù xanh cỡ nào, khoảng 3-4 ngày sau đều chín đồng loạt. Chú yên tâm đi!”.
Theo ông N., ở Krông Pắk, hầu như nhà nào cũng trồng sầu riêng nên không tiêu thụ tại đây mà bán cho thương lái chở đi các tỉnh phía Bắc hoặc TP HCM. Trong khi sầu riêng chín lác đác thì thương lái lại muốn mua đầy xe tại một vài nhà vườn để tiết kiệm chi phí. Điều này dẫn đến tình trạng người trồng thu hái ồ ạt rồi ngâm thuốc cho chín đồng loạt. Nếu người trồng không kịp xử lý, thương lái vẫn gom hàng, sau đó thuê kho bãi tại chỗ để ép cho chín rồi vận chuyển đi khắp nơi tiêu thụ.
Ông Lê Văn Thành, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, cho biết “Trái chín” không có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật, đồng nghĩa không được phép lưu hành sử dụng. Còn về nguy cơ của chất này gây bệnh tật cho người sử dụng ở mức độ nào, cần phải chờ kết quả kiểm định thành phần hóa chất mới biết.
Theo một cán bộ chi cục, ngoài “Trái chín”, nhiều nhà vườn và thương lái còn sử dụng thuốc có tên Carbendazim và Tebuconazole để ép sầu riêng mau chín. Đây là loại hóa chất diệt nấm theo phương thức lưu dẫn thuộc nhóm cực độc. Chúng phân hủy chậm và có nguy cơ gây bệnh cho người sử dụng.
“Bằng mắt thường, người mua không thể phân biệt được sầu riêng đã qua xử lý thuốc. Người nào tinh ý cũng chỉ phân biệt được khi đã mua về và tách ra ăn. Sầu riêng có nhúng thuốc “lạ” sẽ khó tách rời từng múi, cơm hơi sượng, màu nhạt…” - anh D. cho biết.