Có dấu hiệu bị hủy vé hàng loạt, chưa rõ do cò vé hay hacker gây ra.
Sáng 2/12, cả trăm người đổ về ga Sài Gòn yêu cầu giải quyết việc đặt chỗ thành công nhưng không thanh toán được hoặc thanh toán rồi nhưng không có vé. Ngoài 2 nhân viên của ga, đại diện Bưu điện Việt Nam (VN Post), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) và FPT - đơn vị thiết kế các trang web - đều có mặt. Những câu hỏi liên tục được giải đáp đến 13 giờ, nhân viên nhà ga phải mang cơm hộp vào “tiếp tế”!
Rất nhiều người trực tiếp đến ga Sài Gòn yêu cầu xử lý sự cố
Thanh toán xong nhưng không có vé
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (ngụ quận Tân Bình) cho biết đã đặt 4 vé khứ hồi Sài Gòn - Diêu Trì và đã trả tiền tại bưu điện, đến ga lấy vé thì thiếu mất 1 vé từ Diêu Trì vào Sài Gòn ngày 23/2/2015. Nhân viên ga cho biết vé đó không còn. Em Nguyễn Mỹ Tiên (ngụ quận Thủ Đức) đặt vé cho vợ chồng người anh từ Sài Gòn đi Đà Nẵng ngày 14/2/2015. Khi Tiên đến bưu điện thanh toán thì nhân viên cho biết chỉ có 1 vé thành công còn vé kia không tồn tại. Nhân viên ga cho biết mã đặt vé của Tiên đã bị người khác “nhảy” vào hủy và giành chỗ. Nhiều trường hợp đặt vé thành công, chưa đầy 48 giờ, hành khách ra bưu điện, ngân hàng thanh toán nhưng không được vì mạng thông báo “quá thời hạn”.
Theo ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp ITS (Công ty Giải pháp Công nghệ FPT), rất nhiều trường hợp đặt chỗ thành công nhưng bị người khác “nhảy” vào hủy khiến khách mất chỗ. Trước mắt, FPT sẽ kiến nghị ngành đường sắt kéo dài thời hạn thanh toán từ 48 giờ lên 72 giờ...
Sau cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng ga Sài Gòn, xin lỗi người dân vì những rắc rối trên, đồng thời cam kết hành khách đặt chỗ thành công chắc chắn có vé. Nếu không có vé chặng đường ngắn, ga Sài Gòn sẽ dùng vé chặng đường dài để cấp cho người dân. Để người dân yên tâm, ông ký nháy ghi nhận sau 5 ngày giải quyết ngay trên phiếu đặt chỗ của từng hành khách. Song song đó, nhân viên ga ghi lại thông tin của 300 trường hợp như thế này để mời đến giải quyết sau.
Bị hủy mã đặt chỗ hàng loạt
Cũng từ 9 giờ 20 phút ngày 2/12, các trang web bán vé tàu Tết đều chập chờn, thường xuyên bị lỗi và nghẽn mạng. Nhiều hành khách vào trang web nhưng không đặt được vé hoặc nhiều hành khách đặt vé dư và muốn hủy vé nhưng không được. Tất cả trường hợp này ra ngân hàng hoặc bưu điện đều bị buộc thanh toán cả số tiền cho vé đặt dư khiến hành khách lo lắng sợ mất tiền.
Ông Nguyễn Hồng Hải cho biết FPT đã khắc phục những lỗi kỹ thuật trên nên hậu quả không nghiêm trọng. Theo ông Hải, FPT được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thuê xây dựng hệ thống website bán vé tàu Tết trong 120 ngày, thời gian không đủ để test theo quy trình. Hệ thống bán vé tàu qua mạng được FPT dựa trên hệ thống bán vé máy bay. Hành khách không cần tạo tài khoản, email nhưng chính thuận lợi này lại tạo ra nhiều điểm yếu. Khi mã booking bị đánh cắp, người ăn cắp có thể lên trang web hủy mã đặt chỗ. Trong ngày đầu bán vé, khoảng 200 trường hợp đặt vé thành công bị người khác “nhảy” vào hủy mã đặt chỗ, có trường hợp bị hủy một phần hoặc bị hủy hết.
Ghi nhận trong ngày thứ hai bán vé tàu điện tử, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết đã bán được 41.397 vé tàu.
Do hành khách tập trung thanh toán tiền và đặt vé tăng đột biến so với ngày 1/12 nên trong ngày 2/12, nhiều điểm giao dịch của VIB ở quận 1, 2, 3 và của VN Post tại quận Thủ Đức, Gò Vấp, Phú Nhuận... (TP HCM) đã rơi vào tình trạng quá tải. |