Khác với mọi năm, giá cả Tết neo cao đến Rằm Giêng. Năm nay, giá cả hàng hóa ổn định trở lại sớm, giá giảm về mức bình thường song thị trường lại đang khá ế ẩm…
Tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, những thực phẩm bình dân như rau, củ, trái cây, thịt, cá thông thường đã dần giảm về với mức giá bình thường.
“Giá Tết” không còn!
Bà Đỗ Thị Nga (nhà ở Cổ Nhuế, Hà Nội) cho biết: Nếu mùng 7 Tết tôi phải mua thịt bò với mức 340.000 đồng/kg; sườn thăn 150.000 đồng/kg; thịt ba chỉ 130.000 đồng/kg; gà ta 180.000 đồng/kg… thì đến hôm nay (3.3), giá các thực phẩm này đã về mức bình thường.
Giá cả hàng hóa ổn định trở lại sớm, giá giảm về mức bình thường song thị trường lại đang khá ế ẩm…
Cụ thể giá thực phẩm ở chợ Cổ Nhuế ổn định: Giá thịt lợn thăn và sườn thăn có giá 100.000 đồng/kg, thịt ba chỉ và thịt mông sấn 80.000 đồng/kg, thịt nạc vai 90.000 đồng/kg; bò phi lê 270.000 đồng/kg, bắp bò 280.000 đồng/kg, gà ta sống 110.000 đồng/kg, cá trắm 75.000 đồng/kg, rô phi 60.000 đồng/kg, tôm lớp 250.000 đồng/kg, tôm sú 400.000 đồng/kg…
Giá hàng rau xanh ổn định, nguồn hàng nhiều. Cụ thể, rau muống 4.000 đồng/mớ, cải xanh 3.000 đồng/mớ, cải cúc 2.000 đồng/mớ, rau cần 3.000 đồng/mớ, cà chua 10.000 đồng/kg, su hào 2.000 đồng/củ… Với mức giá này thì đến Rằm Giêng, giá cũng sẽ giữ ổn định, bà Nga dự đoán.
Ở các chợ trung tâm của Hà Nội, giá hàng hóa cũng chỉ nhỉnh hơn 5.000-10.000 đồng/kg đối với thịt; 1.000-2.000 đồng/bó rau. So với 5 ngày trước, giá thực phẩm các chợ nội đô cũng đã giảm khoảng 20-50%. Tại chợ Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) đến sáng nay 3.3, giá thịt lợn sấn các loại dao động 85.000 - 90.000 đồng/kg, trong khi giá bình thường là 80.000- 85.000 đồng/kg; ngao có giá 20.000 đồng/kg, đắt hơn ngày thường 2.000 đồng/kg; cá trắm trắng trên 3kg/con có giá 80.000 đồng/kg, giá ngày thường khoảng 75.000 đồng/kg; cá chép có giá 75.000 đồng/kg, giá ngày thường khoảng 70.000 đồng/kg. Các loại rau xanh gần như không có biến động về giá.
Tại chợ Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), hoạt động kinh doanh cũng đã trở lại bình thường. Giá thực phẩm ở đây cũng chỉ nhỉnh hơn ngày thường chút ít và đã giảm rất nhiều so với mấy ngày trước. Hiện giá tôm sú loại 30 con/kg là 380 nghìn đồng/kg (giảm 70 nghìn đồng/kg so với 5 ngày trước); cá trắm to 80 nghìn đồng/kg (giảm 30 nghìn đồng); bắp cải 10 nghìn đồng/kg; su hào 10 nghìn đồng/3 củ…
Chị Loan-một tiểu thương ở chợ Dịch Vọng cho hay, năm nay, hàng hóa từ ngày mùng 8 Tết đã giảm dần và đến nay đã gần trở về mức giá ngày thường trong năm, trong khi mọi năm hàng hóa sau Tết thường giữ mức giá cao cho đến hết Rằm tháng Giêng. “Mọi người hầu hết chỉ đến mùng 6 Tết là đi bán hàng thay vì chơi đến hết Rằm. Hàng hóa nhiều, sức mua vẫn còn thấp nên giá nhanh chóng giảm”-chị Loan nói.
Chưa tăng giá xăng, điện thì chưa lo…
Giá cả giảm về mức bình thường sớm là tín hiệu tốt cho thị trường và người tiêu dùng. Tuy nhiên, sức mua bán tại các chợ năm nay lại không cao nếu không nói là ế ẩm. Tại chợ cóc Vũ Thạnh (Hà Nội) đã đến quá 12 giờ trưa mà các phản thịt của nhiều người vẫn ê hề. Nhiều người đi bán thịt từ mùng 2 Tết song đến mùng 8 lại nghỉ bán hàng vì ế. “Tôi bán thịt từ mùng 2 Tết vì lúc đó được giá, người bán ít, người mua nhiều, nay nghỉ vì ế quá, thịt “nhà quê” ra nhiều khó bán, chắc sau Rằm tôi mới bán hàng lại”-chị Khánh, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ cóc Vũ Thạnh cho biết.
Nguyên nhân chợ ế ẩm dù sát Rằm Giêng năm nay được ông Vũ Vinh Phú-Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, điều kiện kinh tế có sức ảnh hưởng lớn đến khả năng tiêu dùng của người dân, sức mua trên thị trường không cao nên giá cả bình ổn. Giá cả tăng cục bộ trong vài ngày giáp Tết và nhanh chóng trở lại mức giá như trước. Hơn nữa, một trong những yếu tố tác động tới giá thị trường hàng hóa giảm nhanh là giá xăng dầu vẫn đang ở mức thấp còn giá điện thì chưa tăng. “Giá Tết còn không tăng mạnh nên đến Rằm Giêng giá cũng sẽ ổn định. Chưa tăng giá xăng, điện nên người tiêu dùng còn yên tâm, chưa lo về việc giá cả sẽ nhảy múa”-ông Phú dự báo.
Theo đánh giá của người tiêu dùng, giá cả ổn định khiến khả năng mua sắm khá dễ. Nhưng thực tế, tại các chợ truyền thống tình hình mua bán chưa thực sự sôi động. Thời điểm hiện tại, nhiều gia đình vẫn còn thực phẩm dự trữ Tết. Hàng hóa được lựa chọn mua nhiều là rau xanh. Đối với nhóm thực phẩm tươi sống, lượng hàng có phần ít hơn do nhu cầu sử dụng của người dân giảm sau Tết. “Tết ăn quá nhiều thực phẩm béo, giàu đạm nên ăn uống đạm bạc lúc này cũng là nhu cầu tự nhiên của con người. Nhu cầu này đã tác động tới sức mua bán ở các chợ”-ông Vũ Vinh Phú nói.