Khảo sát một số chợ trên địa bàn Hà Nội, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm đang diễn ra thường ngày và nhiều tiểu thương thẳng thừng trả lời "muốn sạch thì vào siêu thị".
Có mặt tại chợ đầu mối phía nam, nơi cung cấp các hàng nông sản, thực phẩm lớn cho cả thành phố, theo quan sát của chúng tôi, ngay từ phía cổng chính, hàng đậu phụ bày những bìa đậu trắng nõn ngay sát rãnh nước, bùn đất, bụi bặm nơi xe cộ đi lại tấp nập.
Đặc biệt, đi vào khu bán thịt cá tươi sống, chúng tôi không khỏi rùng mình. Cá chết ươn được các chủ quầy hàng lóc xương bán cho nhà hàng, quán ăn làm món chả cá với giá chỉ 20.000 đồng/kg. Cá sau khi mổ xong, rác thải cũng đổ luôn ngay tại đó.
Cá được lọc thịt ngay dưới đất, cạnh chỗ nước thải
Thịt ươn sau khi tẩm ướp gia vị rán lên thơm lừng, không còn có thể phân biệt được độ tươi, ươn.
Mặt khác, hàng hóa đều bày bán thiếu quy củ, thực phẩm để ngay dưới nền đất. Tình trạng nước thải ứ đọng, bốc mùi hôi thối.
Hãi hùng với măng tươi tại chợ đầu mối.
Những mặt hàng như thịt lợn, thịt gà bị vứt bừa bãi, thịt vô tư “phơi” cạnh đống rác, cách rãnh nước thải chỉ chừng 20cm. Cách đó một đoạn, măng tươi được đặt trên tấm nilon mỏng dính ngay lối đi. An toàn thực phẩm tại chợ như đang thách thức người tiêu dùng.
Nói về vệ sinh an toàn thực phẩm, một tiểu thương tại chợ cho biết với giọng bất cần: "Bán hàng bao lâu nay có ai bị ngộ độc gì đâu. Muốn sạch thì vào siêu thị nhé!"
Với giá rẻ chỉ bằng một nửa so với chợ thường, người mua đều khó cưỡng lại, tặc lưỡi với việc mất vệ sinh bày ra trước mắt mà không lường trước ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình mình.
Chúng tôi di chuyển đến chợ Đại Từ, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm cũng diễn ra nghiêm trọng, nhất là khu giết mổ gia cầm. Một chậu nước đầy lông và máu, được người bán tận dụng làm thịt từ con này đến con khác.
Theo thống kê của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, chỉ trong 6 tháng đầu năm đã ghi nhận 87 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có trên 1.800 người mắc, hơn 1.600 người nhập viện và 18 trường hợp tử vong.
Thiết nghĩ các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nên tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đậu phụ bày bán ngay lối vào chợ, ngay cảnh nước thải.
Thịt lợn để cạnh rác thải, cách cống thoát nước thải 20cm
Cá mổ dưới nền đất... rồi bán cho nhà hàng với giá 20.000 đồng/kg
Khu giết mổ gia cầm ở chợ Đại Từ
Hai xô nước để làm thịt gà vô cùng bẩn thỉu được "quay vòng" rửa gà, vịt.