Loại quả có hình dáng như bàn tay Phật thời điểm nào cũng hút khách, nhất là vào dịp Tết. Cũng nhờ đó, có những nhà vườn trồng giống cây này thu nhập lên đến hàng tỷ đồng.
Huyện Hoài Đức (Hà Nội) được coi là vựa Phật thủ lớn nhất miền Bắc. Những ngày cận Tết, người dân trồng Phật thủ lại tất bật thu hoạch để cung cấp cho người tiêu dùng.
Gần 1 tháng trước Tết Nguyên Đán, hầu hết những vườn phật thủ đều được thương lái mua buôn, giữ chỗ hết.
Theo chị Biên Hường – chủ một nhà vườn phật thủ rộng 7.200 m2 ở Hoài Đức (Hà Nội), khách lấy buôn ở khắp tỉnh thành trên cả nước. “Họ thường đặt trước và hẹn ngày lấy, chúng tôi sẽ hái và gửi theo đúng lịch hẹn”, chị cho hay.
Phật thủ đến năm thứ hai là cho ra quả và bắt đầu thu hoạch. Giống cây này chỉ có thể trồng một lần trên một diện tích đất trong vòng 5 năm.
Sau mỗi lứa phật thủ, các nhà vườn phải đi thuê đất ở các huyện kế bên như Đan Phượng, Phúc Thọ để tiếp tục canh tác. Hiện tại, chỉ còn một số nhà vườn trồng phật thủ ở Đắc Sở.
Chị Biên Hường cho biết cây phật thủ rất khó trồng nên chỉ có những người có kinh nghiệm mới dám trồng. Và không phải nhà nào trồng cũng có lãi.
Mỗi cây phật thủ thu hoạch được từ 50 – 70 quả, có những cây lên đến hàng trăm quả. Đặc biệt, loại quả này được ưa chuộng quanh năm nên nhà vườn không bao giờ sợ ế.
Một năm cây phật thủ sẽ cho thu hoạch hai vụ chính: vào tháng 7 và Tết Âm lịch. Những ngày cận Tết một nhà vườn thu hoạch và bán ra thị trường lên đến vài nghìn quả.
Theo chị, khách thường mua theo kg với giá dao động từ 50.000 – 70.000 đồng/kg. Một số khách buôn muốn mua theo quả, giá từ 20.000 – 3,5 triệu đồng/quả (tùy thuộc vào kích thước, mẫu mã, hình dáng của quả).
Một quả phật thủ đẹp là có nhiều ngón, to, đều.
Như quả phật thủ to, đẹp này, chị Hường bán với giá 3,5 triệu đồng. Chị tiết lộ đã có khách đặt mua nhưng đợi cận Tết mới lấy.
Vì loại quả này rất dễ thâm, người hái cũng phải biết cách để tránh làm mẫu mã của chúng bị xấu đi.
Hoa phật thủ sẽ ra quanh năm, có quả quanh năm. Tuy nhiên, số lượng thu hoạch được nhiều nhất chỉ có 2 mùa.
Chị Biên Hường tiết lộ mỗi năm thu được cả tỷ đồng nhờ bán phật thủ. Tuy nhiên, giống cây này khó trồng và hay mắc bệnh nên chi phí trồng cây đến khi thu hoạch quả khá cao.
“Thời điểm này giá quả phật thủ chưa phải là đắt nhất. Ra Tết, loại quả này hiếm hơn, giá sẽ cao hơn rất nhiều. Có những năm giá cao gấp đôi, gấp 3 so với những ngày cận Tết”, một chủ nhà vườn cho hay. Theo đó, không ít nhà vườn để lại những quả xanh, non để đợi ra Tết thu hoạch và bán với giá cao.
Từ năm 2016, những trái phật thủ đầu tiên đã có mặt tại thị trường Singapore, đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Ngoài ý nghĩa thờ cúng linh thiêng, quả phật thủ còn được điều chế làm các loại thuốc chữa ho, ngâm rượu hay mứt Tết…Phật thủ có kiểu dáng lạ, bắt mắt, có mùi thơm nhẹ được bày trong mâm ngũ quả vào ngày Tết.
Nhiều người quan niệm quả này mang lại điềm may mắn, giàu có, thịnh vượng và tốt lành cho gia chủ. Dù giá cao, nhiều gia đình vẫn lựa chọn về bày trên mâm ngũ quả vào dịp Tết Nguyên đán.
Ngoài việc bán quả, các nhà vườn còn bán phật thủ bonsai để kiếm thêm thu nhập dịp Tết.