Nếu thấy trẻ thường xuyên nói những lời sau đây, bố mẹ hãy uốn nắn cho con ngay.
Hầu hết phụ huynh nào cũng kỳ vọng con mình có tính cách hoạt bát, vui vẻ, năng động. Trên thực tế, mỗi đứa trẻ sinh ra có nền tảng tính cách bẩm sinh khác nhau. Một số trẻ sinh ra thực sự đã có tính cách trầm lặng và ít nói, lớn lên cũng thường lặng lẽ và điềm đạm hơn.
Tuy nhiên, đôi khi trẻ tỏ ra thờ ơ, ít nói, thậm chí thường xuyên thể hiện bản chất lạnh lùng, vô cảm đối với ngay cả các vấn đề trong gia đình thì bố mẹ cần lưu ý uốn nắn kịp thời.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, nếu trẻ thường xuyên nói 3 câu này, lớn lên có nguy cơ trở thành người lạnh lùng, không muốn giúp đỡ người khác. Bố mẹ cần lưu ý để có phương pháp giáo dục con phù hợp.
"Đây là của con, không ai được lấy"
Đây là câu nói thể hiện rõ sự ích kỷ, trẻ coi mình là trung tâm để nhìn nhận mọi thứ, thậm chí còn đặt ra ranh giới giữa mình và người thân trong gia đình.
Trẻ thường chỉ quan tâm đến cảm xúc của mình, hành động theo ý thích mà không cần biết tâm trạng mọi người xung quanh, thờ ơ với người khác.
Những đứa trẻ ích kỷ như vậy khi lớn lên cũng sẽ không muốn dùng tiền bạc, tâm sức của riêng mình để hiếu kính bố mẹ. Đồng thời, trẻ khó xây dựng được các mối quan hệ tốt, khả năng đồng cảm kém, dễ gặp các vấn đề giao tiếp xã hội.
Theo chuyên gia, bố mẹ cần tạo ra nhiều tình huống giúp con đặt mình vào vị trí của người khác để biết đồng cảm và chia sẻ. Ví dụ, nếu muốn anh em giúp đỡ và quan tâm nhau, trong lúc cùng các con nấu ăn hay dọn dẹp nhà cửa, bố mẹ có thể khuyến khích trẻ giúp đỡ anh chị em.
"Sao con phải làm điều này? Mẹ tự mình làm đi"
Thực tế, nếu chú ý quan sát xung quanh, không ít lần trong công việc và cuộc sống, chúng ta sẽ chứng kiến những người trẻ vô cảm, không biết nhận lỗi và thiếu trách nhiệm với lời nói của mình.
"Sao con phải làm điều này? Mẹ tự mình làm đi" là câu nói thể hiện rõ sự thiếu trách nhiệm, hay đùn đẩy trách nhiệm từ việc mình làm cho người khác. Điều này liên quan đến cách giáo dục của bố mẹ ngay từ khi con còn nhỏ.
Nhiều đứa trẻ quen với sự nuông chiều, nên dần hình thành sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm với các vấn đề xảy ra trong gia đình mình.
Trẻ với bản tính thiếu trách nhiệm, khi lớn lên sẽ khó đặt ra định hướng, mục đích sống nghiêm túc, tự do cho mình hưởng thụ vật chất, không quan tâm tới tương lai. Những người thiếu trách nhiệm với chính bản thân mình thì thường đi kèm thiếu trách nhiệm với những người xung quanh.
Để trẻ học được tính trách nhiệm khi trưởng thành, bố mẹ cần phải bắt đầu giúp con gầy dựng từ khi con còn nhỏ, thông qua những việc làm cụ thể, vừa sức và mang tính liên tục. Hãy dạy trẻ biết nhận lỗi, biết chịu trách nhiệm với những lời nói và việc làm của mình.
"Chuyện đó không liên quan gì đến con"
Thờ ơ là một căn bệnh tâm lý, là sự suy giảm cảm xúc. Một số chuyên gia tâm lý chỉ ra rằng tình trạng này xuất hiện ở nhóm thanh thiếu niên thường chịu áp lực học tập nặng nề, đặt quá nhiều kỳ vọng vào bản thân.
Những đứa trẻ với bản tính thờ ơ thường không có bất cứ cảm xúc nào trước nỗi đau của người khác, thiếu sự đồng cảm, sẻ chia, không cảm thấy phẫn uất trước những bất công trong xã hội. Khi lớn lên, trẻ dần trở nên cô lập về mặt cảm xúc.
Tính cách này lâu dần vô tình tàn phá tâm hồn của con người, làm mất đi ý nghĩa thực sự của cuộc sống và về lâu dài còn có thể nguy hại đến gia đình, xã hội.
Vì vậy, ngay từ khi con còn nhỏ, bố mẹ cần biết bồi dưỡng nhân cách và hướng đến những giá trị đạo đức bền vững. Trước hết, các thành viên trong gia đình nên quan tâm, từ đó giáo dục, xây dựng lối sống yêu thương đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau.
Đồng thời, bố mẹ khi dạy bảo cũng cần lắng nghe, thấu hiểu cảm xúc của con, không chỉ dạy con nhận biết cảm xúc của người khác mà còn hướng dẫn trẻ hiểu biết nguồn gốc của cảm xúc đó. Giáo dục trẻ lối sống đẹp, biết nhận và cũng biết cho, trở thành người có trách nhiệm và tình cảm