Chuyên gia tâm lý Việt: Có sự khác biệt rõ rệt trong cách bố nuôi dạy con trai và con gái

Kiều Trang - Ngày 14/09/2023 12:05 PM (GMT+7)

Việc người bố tham gia vào quá trình nuôi dạy con cái sẽ tạo ra "hiệu ứng" rất tốt đối với sự phát triển lành mạnh và toàn diện của trẻ.

Để duy trì một cuộc sống hôn nhân bền vững và hạnh phúc, sự vun vén và nỗ lực từ cả vợ lẫn chồng luôn là điều cần thiết. Tương tự, khi chăm sóc con cái, trách nhiệm này không chỉ nên thuộc về người mẹ, mà người bố cũng cần phải đồng hành và hỗ trợ.

Trước đây, đa phần người bố chịu trách nhiệm kiếm sống và hỗ trợ kinh tế gia đình, trong khi người mẹ giữ vai trò chăm sóc tổ ấm và con cái. Tuy nhiên ngày nay, hầu hết các người vợ đã cùng chồng chia sẻ gánh nặng tài chính, vì vậy, các ông bố có thời gian tham gia nhiều hơn vào việc chăm sóc con cái.

Điều này không chỉ giúp phụ nữ giảm bớt lượng công việc, áp lực trong quá trình nuôi dạy con, mà còn tạo dựng được mối quan hệ gắn kết, gần gũi giữa bố và con. 

Người bố có ảnh hưởng lớn đối với con trẻ trong quá trình khôn lớn (Ảnh minh hoạ).

Người bố có ảnh hưởng lớn đối với con trẻ trong quá trình khôn lớn (Ảnh minh hoạ).

Theo một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Nhi khoa của Pháp, đã nhấn mạnh tầm quan trọng về sự hiện diện của người bố đối với sự phát triển toàn diện, tối ưu về thể chất lẫn tâm lý ở trẻ. Điều này đã được chứng minh rằng, tình yêu thương và giáo dục từ người bố có thể làm giảm nguy cơ trầm cảm, và các vấn đề về hành vi của trẻ trong quá trình trưởng thành.

Chuyên gia tâm lý Lưu Thị Hường cũng khẳng định, sự tham gia, đồng hành của người bố trên hành trình khôn lớn là yếu tố quan trọng, giúp cho tâm lý và cảm xúc của trẻ phát triển một cách bình thường và lành mạnh. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để hình thành nhân cách tốt đẹp ở trẻ trong tương lai.

Thạc sĩ Tâm lý Lưu Thị Hường.

Thạc sĩ Tâm lý Lưu Thị Hường.

Chuyên gia tâm lý Việt: Có sự khác biệt rõ rệt trong cách bố nuôi dạy con trai và con gái - 4

Trong gia đình thiếu đi sự hiện diện của người bố, đứa trẻ lớn lên chỉ với sự chăm sóc từ người mẹ đơn thân, điều này sẽ gây ra những ảnh hưởng như thế nào đến quá trình hình thành nhân cách và tâm sinh lý của trẻ?

Vạn vật trong vũ trụ được vận hành theo nguyên lý hai mặt đối lập: ví dụ như âm – dương; nóng – lạnh; trong – ngoài; đen – trắng; sáng – tối; ngắn – dài; cao – thấp,... hai mặt này bổ trợ cho nhau trong quá trình phát triển, chứ không hề có mặt nào tốt hay mặt nào xấu. 

Vậy trong gia đình, bố – mẹ cũng tương tự như vậy. Người bố chính là đại diện cho tính dương, người mẹ chính là đại diện cho tính âm, và nếu gia đình thiếu đi một trong 2 thì rõ ràng là khập khiễng (cả về tính cách của trẻ và tình cảm mà trẻ dành cho bố và mẹ).

Do ảnh hưởng của quan niệm truyền thống Phương Đông: Đàn ông mưu sinh, ngoại giao, trụ cột gia đình; đàn bà nuôi dạy con, nội trợ, bếp núc…, nên trong nhiều gia đình thì người bố chỉ lo làm ăn, kiếm tiền, còn mẹ nuôi và dạy con. Như vậy có khác gì đứa trẻ thiếu hẳn sự giáo dục của bố, thiếu hẳn tính dương.

Nhưng trên thực tế vai trò, trách nhiệm của bố và trong gia đình là như nhau, con trẻ không thể thiếu được sự dạy dỗ và tình thương yêu bố hay mẹ. Hơn nữa, sự khác biệt về tính cách bố và mẹ ảnh hưởng tới trẻ rất rõ ràng. Đàn ông thường mạo hiểm, quyết đoán, mạnh mẽ, kiên cường, dũng cảm, nóng nảy, dễ thô bạo... Phụ nữ thường ôn hòa, nhu mì, nhẫn nại, chịu thương chịu khó, dễ phục tùng, hay lo lắng…

Trong gia đình, phẩm chất của bố và mẹ sẽ bổ sung cho con. Con cái cần có sự kiên định, chín chắn, mạnh mẽ, dũng cảm của bố, có sự dịu dàng nhu thuận của mẹ, cho nên cả bố mẹ đều có vai trò quan trọng như nhau.

Nếu thiếu đi sự quan tâm, giáo dục và chăm sóc của bố, sẽ là sự thiệt thòi đối với trẻ, đặc biệt là các bé trai. Các con hoàn toàn sẽ không có một tấm gương để mô phỏng, không biết đàn ông xử lý vấn đề và giao tiếp như thế nào?

Chuyên gia tâm lý Việt: Có sự khác biệt rõ rệt trong cách bố nuôi dạy con trai và con gái - 5

Người bố sẽ có những ảnh hưởng khác nhau như thế nào trong quá trình nuôi dạy con trai và con gái?

Đặc điểm chung ở đây là bố tạo ra hình mẫu. Với bé trai, bố tạo ra hình mẫu về người chồng, người bố, cách xử lý công việc, giải quyết vấn đề, đối nhân xử thế, hình mẫu về trụ cột trong gia đình, nam tính, mạnh mẽ, cương nhu thế nào...

Với bé gái, bố là hình mẫu về sự khác giới, thông qua hình mẫu của bố mà đứa trẻ có suy nghĩ về cuộc hôn nhân, đa phần đứa trẻ sẽ thu hút người chồng giống với bố của mình. Ví dụ, khi đứa trẻ có một gia đình hạnh phúc với bố mẹ, thì ngay từ nhỏ, con đã có ý niệm mình sau này sẽ lấy một người chồng giống bố.

Còn nếu đứa trẻ chứng kiến bố bạo hành mẹ, hung dữ thì con sẽ có thiên hướng yêu mẹ, thương mẹ, bênh mẹ, mà ghét bố. Trong tiềm thức sẽ hình thành quyết định rằng, mình sẽ không bao giờ lấy người giống như bố. Cảm xúc đó càng mạnh mẽ và kéo dài trong nhiều năm tuổi thơ, thì lớn lên đứa trẻ thu hút người chồng bạo hành giống với bố mình.

Đối với trẻ trai cũng tương tự. Khi trẻ trai chứng kiến cuộc sống của bố mẹ mình, thì trẻ trai sau này thường có xu hướng bắt chước, mô phỏng bố mình khi trưởng thành, đặc biệt là trong hôn nhân. Nếu bố gia trưởng, bạo lực, thì con trai cũng có xu hướng đó. Nếu bố lười biếng, ích kỷ, cáu gắt... thì con trai cũng vậy.

Cho nên có một sự khác nhau nhỏ giữa việc bố nuôi dạy con trai và con gái, còn lại thì mô thức giống nhau, bố sẽ tạo nên hình mẫu cho cả 2 con.

Chuyên gia tâm lý Việt: Có sự khác biệt rõ rệt trong cách bố nuôi dạy con trai và con gái - 6

Ở góc độ tâm lý, vì sao lâu nay trong các gia đình, người chồng lại gán trách nhiệm chăm con cho vợ, mà không phải là ngược lại hoặc cùng nhau làm nghĩa vụ đó?

Tạo hóa tạo ra 2 người nam và nữ với 2 đặc trưng thiên bẩm khác nhau. Người nam đóng vai trò trụ cột trong gia đình, gánh vác việc lớn, làm việc nuôi gia đình. Người nữ nội trợ, sinh nở, chăm sóc con cái.

Trong thời chiến tranh, nam giới ra trận, nữ giới ở nhà. Người nữ ở nhà thì sẽ gánh vác việc quán xuyến trong gia đình từ bố mẹ, con cái, việc nội ngoại, nhà cửa, bếp núc, nên đã tạo ra thói quen trong tính cách của 2 giới thêm lần nữa.

Hai đặc điểm trên rất đúng trong bối cảnh chiến tranh, phần công việc của cha và mẹ khác nhau. Khi thời đại thay đổi, đến thời kỳ hòa bình, người phụ nữ và nam giới gần như làm các công việc xã hội như nhau, nhưng do thói quen và sự giáo dục từ thời đại còn chiến tranh, nên đã tạo thành luống tư tưởng như trên. Tuy nhiên chúng ta cần hiểu rằng, dù không có chiến tranh thì tạo hóa vốn đã tạo ra 2 giới với 2 vai trò khác nhau trong gia đình.

Việc người vợ gán trách nhiệm nuôi dạy con cho người chồng (ngược lại) thì sẽ rất khó. Bởi vì bản chất con cái và người mẹ đã có sự kết nối bẩm sinh hơn so với người bố, được gọi là thiên chức, điều duy nhất chỉ phụ nữ làm được, do quá trình mang thai, cho em bé bú, chăm bẵm. Cho nên nếu làm ngược lại thì sẽ rất bất ổn, vì đi ngược quy luật.

Thời đại ngày nay đã hoàn toàn thay đổi, vì thế mọi việc cũng cần thay đổi theo cho phù hợp. Thay vì giao toàn quyền chăm con cho vợ, thì người chồng cần được hiểu rõ về tầm quan trọng của mình trong việc giáo dục con cái, từ đó có trách nhiệm, niềm vui trong việc giáo dục con.

Người chồng có thể đưa con đi chơi; hướng dẫn con làm các công việc nam giới như thiết kế, sửa chữa; cùng vợ chăm con khi con quấy khóc đêm... Nhưng nếu bảo người bố làm các công việc tỉ mẩn như người mẹ thì không. Bởi đặc trưng giới tính của họ, khiến họ không kiên nhẫn với những việc đó.

Cho nên tư tưởng muốn người chồng cùng chăm con, trước tiên người vợ cần hiểu rõ đặc trưng giới tính này để hiểu chồng, và muốn chồng đồng hành trong việc chăm con thế nào thì người vợ cần nói rõ. Giả sử, người vợ có thể nhờ chồng "anh giúp em hàng ngày pha sữa cho con, phơi chỗ quần áo đã giặt trong máy...."

Đừng trông chờ người chồng chu toàn trong việc nuôi dạy con, bởi đó vốn là thiên bẩm của người phụ nữ. Người chồng sẽ chỉ đồng hành và hỗ trợ. Trong khi con nhỏ, người mẹ hiểu rằng mình sẽ vất vả hơn, nên công việc xã hội hãy giảm bớt lại để cân bằng.

Nếu mẹ vừa làm công việc xã hội với cường độ cao, về nhà lại chăm con thì chắc chắn sẽ chịu không nổi. Dù cho người chồng có kiếm tiền ít hơn vợ, địa vị không bằng vợ ở ngoài xã hội, nhưng nếu kỳ vọng rằng chồng sẽ chăm con tốt cho mình là điều rất khó.

Tất nhiên là cũng có những trường hợp ngoại lệ, có những ông bố chăm con, dạy con rất tốt. Nhưng tỉ lệ này không nhiều. Phần lớn sẽ rơi vào tỉ lệ như tôi nói ở trên. Hiểu điều này thì những người phụ nữ sẽ hạnh phúc với quá trình làm mẹ của mình.

Chuyên gia tâm lý Việt: Có sự khác biệt rõ rệt trong cách bố nuôi dạy con trai và con gái - 7

Chuyên gia có lời khuyên, phương pháp gì để người bố có thể chủ động hơn trong việc chăm sóc và nuôi dạy con cái?

Đầu tiên, 2 vợ chồng phải kết nối, yêu nhau, hiểu nhau, nếu không có sự kết nối, thông hiểu thì làm gì cũng khó. Người vợ hãy chủ động nói ra, chia sẻ những khó khăn, cảm xúc của mình khi đối diện với việc một mình chăm con, chứ không phải là phàn nàn và kể công. Ví dụ, người vợ có thể nói "Hôm nay, con nôn trớ, một mình em ở nhà, em sợ quá, không biết phải làm thế nào, con khóc nhiều lắm chồng ạ!"

Hãy chia sẻ, kể chuyện để người chồng hiểu được 1 ngày của vợ ở nhà trải qua thế nào? Tất nhiên là nên chọn thời điểm vui vẻ để chia sẻ, chứ không phải là cằn nhằn cả ngày rằng mình vất vả thế nào khi ở nhà với con. Hãy nói rõ mong muốn, nguyện vọng của mình muốn được chồng giúp đỡ ra sao? Ví dụ, "Anh ơi! giờ này hàng ngày em bận cho con ăn, cho con học, nên anh phụ phơi quần áo giúp em, quấy bột cho con (nhớ hướng dẫn), lau giúp em cái bếp... nhé!"

Người mẹ cần nhớ rằng, thái độ của bản thân sẽ quyết định rằng người chồng có tham gia cùng với vợ trong việc chăm con không? Nếu người mẹ nói với thái độ rằng "Đây là việc chung, không phải của riêng tôi, ai cũng đi làm mà về tôi cứ phải quần quật với cái nhà này...", thì sẽ dẫn đến tác dụng ngược, người vợ sẽ nhận được phản ứng của ông chồng là, "Muốn làm gì thì làm đi, tôi cũng mệt rồi".

Nhưng nếu người vợ tinh tế, khéo léo, nói chuyện với chồng bằng một thái độ nhẹ nhàng, hoà nhã và vui vẻ thì người chồng sẽ hiểu rằng, vợ rất tôn trọng mình và rồi họ sẽ vui vẻ cùng phụ vợ chăm con.

Nhiều bà vợ mắc lỗi là khi nói việc gì đó thì trong đầu có suy nghĩ là, con chung, nhà chung mà cứ như nhà hoang, việc gì cũng tới tay mình, trách nhiệm chồng phải làm cái đó. Thì khi người vợ nói ra điều mình đang nghĩ, ít nhiều sẽ mang màu sắc suy nghĩ bên trong của chính bản thân, dù họ có khéo léo tới đâu.

Cho nên điều mấu chốt ở đây là sự gắn bó, tình yêu của 2 vợ chồng. Có tình yêu, kết nối, thấu hiểu, người chồng sẽ biết bản thân cần làm gì tốt nhất cho tổ ấm của mình.  

Trẻ hướng nội hay hướng ngoại sẽ có tương lai hơn? Câu trả lời của chuyên gia càng ngẫm càng thấm
Chúng ta dễ dàng nhận thấy, có những khác biệt trong tính cách giữa đứa trẻ hướng nội và trẻ hướng ngoại.

Phương pháp giáo dục sớm

Theo Kiều Trang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dạy con tình cảm