Bố mẹ rất coi trọng việc chăm sóc sức khỏe cho con, dù là trai hay gái thì vùng kín cũng cần được chăm sóc cẩn thận.
Khi nhắc đến bệnh phụ khoa, hầu hết mọi người sẽ theo bản năng nghĩ rằng đây là bệnh “độc quyền” của phụ nữ trong độ tuổi trưởng thành hoặc đã có gia đình, và khó có thể liên kết bệnh này với những đứa trẻ còn nhỏ. Tuy nhiên, trên thực tế bệnh phụ khoa không phân biệt lứa tuổi.
Như câu chuyện con gái lớn 5 tuổi của bà Vương (sống ở Trung Quốc). Thời gian gần đây, con gái liên tục kêu đau buốt mỗi khi đi tiểu, khiến gia đình bà Vương rất lo lắng. Bà Vương liền đưa con gái đến bệnh viện khám, và bác sĩ cho biết đó là viêm âm đạo. Bà Vương cảm thấy rất hoang mang, gương mặt tái xanh khi nghe kết luận từ bác sĩ.
Bởi vì bình thường bà rất chú ý đến việc vệ sinh vùng kín cho con gái, làm sao có thể bị viêm âm đạo? Sau khi nghe bà Vương chia sẻ cách chăm sóc hàng ngày của bà dành cho con gái, bác sĩ cho biết: "Đó là do cô vệ sinh quá nhiều".
Nghe bác sĩ giải thích, bà Vương chợt nhận ra rằng mỗi lần con gái đi tiểu, bà sẽ thường dùng khăn ướt lau cho bé, và đôi khi bà còn sử dụng kem dưỡng da của người lớn để làm sạch cho con gái mình. Tuy nhiên việc làm này lại phản tác dụng, với làn da rất mềm mại và việc lau quá nhiều như khăn ướt hay thuốc, sẽ khiến trẻ bị nhiễm trùng bên ngoài ở các mức độ khác nhau.
Việc chăm sóc hàng ngày cho bé trai và bé gái rất khác nhau, quá chú ý đến vệ sinh cũng sẽ gây hại cho trẻ. Để chăm sóc vùng kín cho trẻ đúng cách, bố mẹ phải có kiến thức vững về vấn đề này, đặc biệt là nguyên nhân và lựa chọn phương pháp phù hợp.
Nguyên nhân vì sao trẻ nhỏ dễ gặp các vấn đề về vùng kín?
Sức đề kháng âm đạo thấp
Âm đạo của phụ nữ trưởng thành có tác dụng tự làm sạch, nhưng cơ quan sinh dục bên trong của em bé (chủ yếu là buồng trứng) chưa trưởng thành. Nồng độ estrogen trong cơ thể thấp dẫn đến biểu mô âm đạo mỏng, chỉ số pH cao, ít glycogen trong biểu mô âm đạo, và lactobacillus âm đạo chưa chiếm ưu thế. Đó là lý do vì sao sức đề kháng tổng thể của âm đạo trẻ nhỏ rất kém, dễ bị nhiễm trùng.
Hơn nữa, cơ quan sinh sản của bé còn non nớt, âm hộ chưa phát triển hoàn thiện, da và niêm mạc của âm hộ và âm đạo mỏng, không có nếp nhăn, kém đàn hồi, môi lớn không che phủ được môi âm hộ và cửa âm đạo, làm lộ lớp da và niêm mạc mỏng manh của cơ quan sinh dục ngoài, dẫn đến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập.
Thói quen vệ sinh kém
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, dùng bỉm trong thời gian dài dễ làm âm hộ bị nhiễm khuẩn. Nếu trẻ không được vệ sinh kỹ lưỡng và kịp thời, khiến cho nước tiểu và phân tiếp xúc với vùng da nhạy cảm lâu, sẽ rất dễ gây nhiễm trùng.
Ngoài ra, nếu bé có những thói quen vệ sinh không tốt như lau hậu môn từ sau ra trước sau khi đi vệ sinh, dùng tay bẩn sờ vào âm hộ sẽ dễ dàng đưa các chất bẩn, vi khuẩn, mầm bệnh,… xung quanh vào vùng kín, dẫn đến nhiễm trùng.
Vì vậy bố mẹ cần phải đặc biệt chú ý đến việc giúp con vệ sinh vùng kín sạch sẽ. Đồng thời bố mẹ cũng nên dạy con biết cách vệ sinh âm hộ đúng cách, rèn luyện cho con thói quen sinh hoạt lành mạnh để tự bảo vệ cơ thể của mình.
Nếu không thường xuyên vệ sinh vùng kín cho trẻ đúng cách, rất dễ khiến trẻ bị viêm nhiễm.
Lây nhiễm chéo
Trong trường hợp, mẹ hoặc những người khác trong gia đình bị viêm âm đạo, mà bé sử dụng chung đồ vệ sinh cá nhân của gia đình thì bé cũng sẽ có nguy cơ bị viêm nhiễm âm đạo rất cao. Lây nhiễm chéo cũng dễ gây ra các đợt viêm âm đạo lặp đi lặp lại, lâu ngày không thể chữa khỏi.
Ngoài ra, các bệnh ngoài da, bệnh toàn thân, béo phì, dị ứng,… cũng có thể khiến viêm âm đạo tái phát. Hơn nữa, trẻ em hiếu động hơn người lớn, ý thức tự bảo vệ kém, do còn nhỏ nên thường khó mô tả và biểu hiện rõ ràng các triệu chứng, dễ gãi gây xước âm hộ khiến nhiễm trùng càng lây lan.
Cho trẻ mặc quần áo quá chật
Một số bố mẹ quá theo đuổi việc mặc quần áo đẹp cho bé, quan trọng vẻ bề ngoài thay vì chú ý đến chất liệu và kích cỡ quần áo trẻ. Thậm chí, một số ông bố bà mẹ còn sẵn sàng mặc cho bé những bộ quần áo quá ngột ngạt hoặc quá chật, bỏ qua việc ưu tiên sự thoải mái nhất cho con.
Bên cạnh đó, cũng có một số bố mẹ mặc quần hở đáy cho con để tiện lợi, nhưng việc mặc quần hở đáy lại dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và khiến trẻ bị viêm âm đạo.
Do bé ngồi hoặc bò dưới đất khi vui chơi, hay dùng ngón tay chạm vào vùng kín, thậm chí đưa vật lạ vào trong rãnh khiến âm hộ, âm đạo bị ô nhiễm và gây nên tình trạng viêm âm đạo.
Quần áo bó sát sẽ khiến cho vùng kín trẻ bị ngột ngạt, không thoáng khí và tạo cơ hội để vi khuẩn sinh sôi.
Làm thế nào để bảo vệ vùng kín của trẻ khỏe mạnh, sạch sẽ?
Vệ sinh vùng kín đúng cách
Bố mẹ có thể rửa âm hộ của bé gái bằng nước ấm, để rửa sạch các chất bám dính và vi khuẩn trên bề mặt. Sau đó dùng khăn hoặc gạc sạch để lau khô nước. Bố mẹ lưu ý phải giữ tay sạch sẽ trong quá trình giúp trẻ vệ sinh vùng kín. Cách chăm sóc hàng ngày này có thể phát huy tác dụng làm sạch rất tốt.
Đối với trẻ dùng bỉm, tốt nhất nên rửa vùng kín bằng nước ấm từ trước ra sau mỗi lần đi tiêu. Không sử dụng bất kỳ loại dung dịch tẩy rửa hoặc xà phòng dành cho trẻ em, thậm chí là sử dụng của người lớn để rửa vùng kín cho trẻ. Vì điều này có thể làm mất cân bằng axit-bazơ của chính bé.
Tuy nhiên, bố mẹ cũng đừng vệ sinh vùng kín cho trẻ với tần suất quá thường xuyên. Bởi vì sạch sẽ không đúng lúc sẽ phản tác dụng, khiến cho vùng da nhạy cảm của trẻ thường xuyên ma sát với khăn, gạc gây mẩn đỏ, đau rát.
Ngoài ra, khi trẻ lớn hơn và chuyển từ dùng bỉm sang quần lót thì quần lót của trẻ nên được thay hàng ngày, nếu không vết nước tiểu để lại rất dễ khiến trẻ bị nhiễm trùng bên ngoài. Đặc biệt là các bé gái, càng phải chú ý vệ sinh hàng ngày.
Làn da nhạy cảm của trẻ chưa thích hợp để sử dụng bất kỳ loại dung dịch tẩy rửa nào.
Chọn trang phục thoải mái
Khi bé lớn mặc quần lót, nên chọn quần lót cotton nguyên chất rộng rãi, thoải mái, không mặc quần bó sát cho bé. Ngoài ra, cố gắng cho trẻ mặc quần ít hở đáy, nếu không sẽ dễ dẫn đến nhiễm trùng vùng kín của đứa trẻ.
Việc xử lý vùng kín đúng cách có vai trò quan trọng đối với sức khỏe sinh sản của trẻ, đồng thời sức khỏe sinh sản cũng sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc cả đời của bé sau này.
Vì vậy, các bậc bố mẹ nên vệ sinh vùng kín cho trẻ đúng cách, không lạm dụng một số sản phẩm tẩy rửa, có biện pháp phù hợp để phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Bố mẹ không dùng chung đồ cá nhân với trẻ
Sức đề kháng của da và khả năng miễn dịch của trẻ tương đối yếu, vì vậy bố mẹ không nên dùng chung đồ cá nhân với trẻ, việc tắm chung lại càng không nên. Trẻ cần có đồ dùng rửa riêng.
Bởi vì, một số bố mẹ bản thân bị viêm nhiễm hoặc mắc bệnh ngoài da, không chú ý cách ly kịp thời mà dùng chung khăn tắm hoặc chậu rửa với trẻ,… sẽ vô tình lây nhiễm vi khuẩn cho trẻ.
Vấn đề về giặt giũ quần áo cũng thế, quần áo của người lớn nên giặt riêng với quần áo trẻ em, quần áo lót và tất cũng nên giặt riêng để tránh lây nhiễm chéo.
Để làm sạch quần lót của bé, mẹ hãy cố gắng chọn loại bột giặt chuyên dụng có độ pH trung tính hoặc tính axit yếu, thành phần dịu nhẹ, không chứa chất huỳnh quang, chất bảo quản paraben và chất giải phóng formaldehyde.
Quần lót giặt xong phải phơi nắng cho khô, không phơi trong phòng tắm, nếu không rất dễ sinh vi khuẩn. Ngoài ra, tốt nhất là bạn nên thay một đợt quần lót mới cho bé khi được khoảng 4 tháng.
Nếu bố mẹ đang mắc bệnh phụ khoa, cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe trẻ là hạn chế dùng đồ cá nhân chung.