Bố mẹ sử dụng phương pháp kỷ luận quá nghiêm khắc có thể ảnh hưởng đến phát triển tính cách và tâm lý của trẻ.
Một số bố mẹ cho rằng việc sử dụng đòn roi là cách để uốn nắn tính xấu, kỷ luật của trẻ. Họ tin rằng sự sợ hãi trước hình phạt sẽ khiến trẻ suy ngẫm và thay đổi hành vi sai trái.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc dùng đòn roi không chỉ không hiệu quả, mà còn có thể gây ra các tác hại về tinh thần và cảm xúc cho trẻ, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện.
Trẻ nhỏ, đặc biệt là trong giai đoạn phát triển quan trọng từ 0-6 tuổi, cần được nuôi dưỡng trong một môi trường ấm áp, an toàn và tràn đầy tình yêu thương.
Việc sử dụng đòn roi không chỉ khiến trẻ cảm thấy bị tổn thương, mà còn có thể ảnh hưởng đến sự gắn kết và lòng tin giữa bố mẹ và con cái. Trẻ có thể trở nên sợ hãi, ức chế cảm xúc, hoặc thậm chí phát triển các hành vi bạo lực trong tương lai.
Ảnh minh họa.
Trong khi đó, trẻ kỷ luật bằng tình yêu thường sẽ cảm thấy an toàn, được chấp nhận và tin tưởng vào bố mẹ. Trẻ học cách kiểm soát bản thân và ra quyết định đúng đắn thông qua sự hướng dẫn và lý giải.
Đồng thời, là tiền để tốt để phát triển tính cách tích cực như tự chủ, tự tin, và có trách nhiệm. Khi trưởng thành có xu hướng hình thành các mối quan hệ lành mạnh và tích cực với người khác.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng các phương pháp dạy dỗ không dùng vũ lực, như giải thích, hướng dẫn, khuyến khích, sẽ hiệu quả hơn trong việc hình thành nhân cách, rèn luyện hành vi tích cực cho trẻ.
Việc sử dụng đòn roi để dạy dỗ con cái là một chủ đề vấp phải tranh cãi trước đây. Dù cách tiếp cận nào, điều quan trọng là bố mẹ cần hiểu rõ tác động của mỗi phương pháp, và tìm ra cách thức phù hợp để giúp con trở thành những con người lành mạnh, có trách nhiệm và đạo đức.
Để bố mẹ hiểu hơn về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi đã đưa ra những kiến thức hữu ích, cũng như gợi ý phương pháp không dùng vũ lực, dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng, nhằm mang lại kết quả giáo dục tích cực và bền vững hơn cho trẻ.
Thưa chuyên gia, có ý kiến cho rằng, bố mẹ dù giận đến đâu cũng không nên đánh trẻ ở tuổi lên 3, chuyên gia nghĩ sao về điều này? Vì sao không nên dùng đòn roi với trẻ ở độ tuổi này?
Trong việc giáo dục con, thực ra ở lứa tuổi nào cũng không nên dùng đòn roi, vì việc dùng đòn roi chỉ cho thấy sự bất lực của bố mẹ trong việc giáo dục con.
Ở độ tuổi lên 3 thì lại càng không nên dùng đòn roi để dạy con. Bởi vì, trẻ lên ba đang trong quá trình hình thành cái tôi, trẻ đang trải qua giai đoạn khó khăn lớn được biết đến với cái tên quen thuộc là khủng hoảng tuổi lên 3, rất cần nhận được sự hỗ trợ tích cực của bố mẹ để vượt qua.
Ở độ tuổi này trẻ đang dần hình thành cái tôi độc lập với người khác và thể hiện sự hình ảnh bản thân độc lập ấy bằng việc muốn tự quyết định, tự làm, khẳng định cảm xúc cá nhân. Do đó, nhiều bố mẹ thấy trẻ giai đoạn này có sự nhạy cảm về cảm xúc, hay khóc lóc, ăn vạ hơn, khá bướng bỉnh, không chịu nghe lời như những giai đoạn trước và đây có thể là lý do khiến trẻ bị đòn nhiều hơn.
Tuy nhiên, nếu bố mẹ dùng đòn roi để giáo dục con thì rất có thể sẽ khiến trẻ xây dựng cái tôi không lành mạnh, cảm thấy mình không đáng yêu, không giá trị nên tự hạ thấp bản thân, không tự tin, dẫn đến việc trẻ thể hiện theo một trong 2 khuynh hướng tiêu cực: Rút lui và nhút nhát, hoặc ngược lại trở nên hung hăng khó bảo hơn.
Ngoài ra, trẻ có thể sao chép hành vi của bố mẹ trong cách giải quyết những tình huống bất như ý.
Trẻ em bị đánh đòn liệu có thể phát triển các hành vi bạo lực, hung hăng về sau không? Điều này ảnh hưởng như thế nào đến sự hình thành nhân cách của trẻ?
Như trên có đề cập, việc bố mẹ sử dụng đòn roi một cách bừa bãi có thể khiến trẻ phát triển các hành vi bạo lực để giải quyết những vấn đề phát sinh không theo ý muốn của trẻ.
Cụ thể, khi bố mẹ không có khả năng kiểm soát cảm xúc tốt, sử dụng đòn roi với trẻ mà không có bất kỳ giải thích hay thảo luận nào, vô tình cho trẻ thấy cách để giải tỏa cảm xúc cá nhân khi không hài lòng là sử dụng bạo lực, sau đó người kia phải khuất phục mà không có bất cứ hậu quả nào, thì trẻ có thể bắt chước cách hành xử này cho những tình huống tương tự.
Ví dụ, trẻ thích món đồ chơi của bạn khác, bạn không cho mượn, trẻ sẽ đánh bạn để giành món đồ chơi. Như thế, trẻ có thể tiếp tục sử dụng những hành vi bạo lực cho các tình huống khác và người khác, ngay cả khi đó là bố mẹ của trẻ.
Bởi vì trẻ đang trong giai đoạn nhạy cảm để hình thành nhân cách và các giá trị cá nhân cho nên việc bố mẹ thực hiện bất kỳ hành vi nào cũng có thể trở thành hình mẫu cho trẻ học hỏi, do đó, bố mẹ cần cẩn trọng trong hành vi cư xử với trẻ ở giai đoạn này.
Thay vì dùng đòn roi, các phương pháp kỷ luật tích cực như thể hiện tình yêu thương, lắng nghe và giải thích, tạo động lực... có tác dụng như thế nào trong việc dạy dỗ trẻ?
Trẻ cần được thấy tình yêu thương vô điều kiện của bố mẹ, nghĩa là dù con có làm sai, vẫn được yêu thương, trẻ sẽ hình thành cảm giác an toàn và sự tự tin là chính mình, từ đó hình thành nên hình ảnh cái tôi lành mạnh và giá trị tích cực để học hỏi và phát triển bản thân.
Khi trẻ lớn dần, trẻ có khả năng học hỏi và hiểu được những điều mang tính quy ước của xã hội, những giá trị tích cực mà văn hóa hướng tới, do đó, chỉ cần bố mẹ giải thích cho con hiểu lý do vì sao được làm hay không được làm điều gì đó, nó giúp cho trẻ có thể linh hoạt ứng phó với các tình huống sau đó mà không cần dùng đòn roi.
Ngoài ra, trẻ con có thể được tạo động lực để thể hiện hành vi tích cực nào đó như được khen ngợi, được thừa nhận, được ủng hộ, điều này giúp trẻ vừa xây dựng được những thói quen tốt, vừa hình thành cảm nhận bản thân có giá trị và được yêu thương, sẽ rất tốt cho sự phát triển của trẻ.
Làm thế nào để bố mẹ có thể dần bỏ thói quen dùng đòn roi và chuyển sang phương pháp kỷ luật tích cực? Bố mẹ cần lưu ý những điều gì trong quá trình này?
Điều đầu tiên mỗi bậc bố mẹ cần luôn nhắc nhở mình là “thương” không cần “cho roi cho vọt” và chúng ta có khả năng kiểm soát tốt cảm xúc của mình.
Thứ hai, bố mẹ cần luôn tâm niệm là con mình là một thực thể có cảm xúc, suy nghĩ và cách giải quyết vấn đề độc lập với mình, trẻ cũng là những người có khả năng học hỏi rất nhanh chóng, mỗi hành vi của mình đều có thể mang lại những điều tích cực hoặc tiêu cực với sự phát triển của con.
Sau đó, bố mẹ nên thực hành việc giảm cảm xúc mạnh như tức giận bằng cách tập hít thở, nhắc lại những suy nghĩ như điều số 1, sau đó mời gọi con tham gia thảo luận phân tích tình huống và mời gọi con tập giải quyết bằng những cách thức mới mà bố mẹ định hướng.
Sau khi con đã thực hiện giải pháp mới mà bố mẹ hướng dẫn thì cần ngồi lại phân tích kết quả. Đôi khi, bố mẹ cùng sẽ cho phép con được tự xử lý theo cách của mình và phân tích kết quả so với cách của bố mẹ, phân tích xem lý do vì sao bố mẹ lại muốn con làm theo cách A chứ không phải B để con tự học hỏi và rút kinh nghiệm cho tình huống sau.
Tóm lại, bố mẹ và con cái dù có khác biệt trong suy nghĩ và cách làm dẫn đến sự tức giận thì cái lý do gốc rễ đó là cả hai cùng có chung mục tiêu: sự phát triển lành mạnh của con.
Nếu làm được như vậy thì cả hai sẽ là đồng minh của nhau chứ không phải kẻ thù để dùng đòn roi và sự tức giận với nhau, và qua đó, trẻ cảm thấy được tôn trọng và yêu thương để có thể tin tưởng thực hiện theo những lời dạy bảo của bố mẹ mà ít có những phản ứng chống đối hơn.