Những câu truyện dân gian với nội dung đơn giản, nhưng phản ánh cuộc sống hàng ngày của người dân lao động.
Viên ngọc ước của quạ
Thuở ấy, có năm trời làm bão lụt liên miên, mùa màng mất trắng, nạn đói xảy ra ở khắp nơi. Trong xóm nhỏ ven đê có một nhà kia đã nghèo lại đông con, gặp lúc hoạn nạn nên càng khốn khó,
Đê là con trai cả của nhà ấy, đành đi ở đợ cho một lão trọc phú để kiếm thêm bát cơm đỡ cho đàn em qua cơn đói.
Lão chủ thấy Đê khỏe mạnh, nhanh nhẹn liền bắt anh phải chăn dắt cả đàn trâu nhà lão.
Một hôm, Đê sơ suất để lạc mất con trâu vốn được lão chủ yêu quý nhất. Anh hoảng hốt chạy bổ đi các nơi tìm kiếm. Đám bạn chăn trâu thấy vậy cũng xúm vào giúp Đe. Mọi người lặn lội hết đồng nọ đến đồng kia, đi từ xóm gần đến làng xa, leo lên tận các ngọn núi, vẫn chẳng thấy tăm hơi con vật đâu.
Đê sợ bị chủ bắt đền, phạt vạ nên không dám về nhà. Anh lang thang mãi đến mỏi rã đôi chân đành dừng lại nghỉ. Đê đang mơ màng chợt giật mình choàng tỉnh và thấy đau nhói khắp mặt mũi tay chân, còn bên tai thì vang lên tiếng đập cánh loạn xạ. Hóa ra lũ quạ tưởng anh đã chết nên kéo đến mổ xác.
Đê cứ nằm im, rồi bất ngờ vùng dậy, tóm được một con.
Quạ vội vàng van vỉ bằng tiếng người:
– Xin tha cho tôi, tôi sẽ biếu anh một vật quý.
Nói rồi, quạ nhả vào tay Đê một viên ngọc nhỏ sáng lấp lánh và dặn:
– Đây là viên ngọc ước màu nhiệm nhất thế gian. Anh muốn cầu xin việc gì sẽ được ngay việc đó. Xin hãy giữ gìn ngọc cẩn thận.
Ảnh minh họa.
Đê mải mê ngắm nghía viên ngọc, nên quạ bay đi từ lúc nào cũng không biết. Bỗng anh buột miệng nói:
– Ngọc ơi, ta muốn tìm thấy con trâu bị lạc để trả cho ông chủ.
Ngay lúc ấy, con trâu quý của lão trọc phú đã chậm rãi bước đến đứng ngay trước mặt Đê, khiên anh ngỡ ngàng không tin vào mắt mình.
– Ôi, quả là viên ngọc ước thần kỳ của quạ! Đúng là mình được trời thương rồi!
Đê mừng rỡ cất vội viên ngọc quý.
Từ ngày có ngọc quý, Đê trở nên sung sướng, giàu có. Anh xây nhà, mua ruộng, tậu bò cho cha mẹ, tìm thầy đồ về nhà dạy chữ cho đàn em.
Đê còn thường lấy viên ngọc ước của quạ ra ước có nhiều gạo tiền đem giúp bà con xóm giềng, khiến ai nấy không phải sống trong cảnh đói khổ như ngày trước nữa.
Thời gian cứ thế trôi qua, đã nhiều lần cha mẹ giục Đê cưới vợ, nhưng anh cứ khất lần, chưa chịu lấy ai. Một hôm, anh nói với viên ngọc:
– Ngọc ơi, ta muốn có một người vợ đẹp.
Lời ước vừa dứt thì ngoài ngõ đã có tiếng người gọi cửa. Đấy là một bà mối đến bảo Đê rằng:
– Ở làng bên, có nhà giàu đánh tiếng muốn gả con gái cho anh.
Đê theo bà mối sang nhà ấy, thấy cô gái mày ngài mắt phượng, thiên hạ khó có ai hơn, liền ưng thuận cưới cô gái ấy làm vợ.
Từ hôm về nhà chồng, cô vợ không chịu làm lụng gì, suốt ngày quanh quẩn bên Đê, cốt để dò la xem viên ngọc diệu kỳ giấu ở chỗ nào. Thấy Đê không chịu nói lộ chỗ giấu viên ngọc, một hôm, cô ta chuốc rượu cho chồng say bí tỉ. Trong cơn say, Đê lảm nhảm nói ra nơi để ngọc cho vợ biết. Cô vợ đợi chồng say ngủ mê man, mới lấy trộm viên ngọc, rồi lẻn về nhà cha mẹ.
Khi Đê tỉnh dậy không thấy vợ đâu, tìm đến ngọc thì ngọc đã biến mất. Anh vội sang nhà bố mẹ vợ để tìm, nhưng vừa đến cổng, bố vợ đã xua chó ra đuổi.
Đê buồn quá, thất thểu ra về, vừa đi vừa than:
– Lòng người quả là khó dò! Vợ mình còn thế nữa là người thiên hạ!…
Vừa lúc ấy, có một cụ già cầm trên tay một bông hoa trắng và một bông hoa đỏ, bước lại gần Đê, cất giọng ấm áp bảo anh:
– Con đừng buồn, hãy mang bông hoa trắng này gài vào cửa nhà bố mẹ vợ, rồi đợi khi nào họ cần thì đưa bông hoa đỏ ra giúp. Lúc đó, con sẽ lấy lại được vợ và viên ngọc.
Đê chưa kịp dứt lời cám ơn, cụ già đã phất tay áo biến mất.
Sáng sớm hôm sau, vợ Đê thấy có bông hoa lạ cài ở cửa. Mùi thơm ngát tỏa ra từ bông hoa khiến cô ngây ngất. Cô mang bông hoa vào nhà ngắm nghía. Bông hoa thật đẹp, những cánh hoa trắng lung linh kỳ ảo.
Căn nhà lập tức tràn ngập một mùi thơm kỳ lạ khiến ai nấy đều muốn cầm bông hoa để thưởng thức mùi thơm ấy. Mọi người ngửi hương hoa đều thấy cơ thể khỏe khoắn hơn, chỉ riêng vợ chồng lão chủ nhà giàu và cô con gái là bị đau đầu và ngứa mũi.
Họ ra sức gãi, nhưng càng gãi mũi càng sưng và dần mọc dài ra. Ba người nhìn nhau vô cùng hoảng sợ, vì mũi của họ cứ không ngừng dài ra mãi, lòng thòng như những cái vòi voi con. Hai mẹ con cô vợ Đê vội trốn vào buồng, tránh mặt kẻ hầu người hạ, tránh sự nhòm ngó của hàng xóm láng giềng.
Lão nhà giàu lo sợ, vội sai người đi mời thầy thuốc. Các thầy thuốc trong vùng lần lượt đến nhà, nhưng thấy căn bệnh lạ, ai nấy đều lắc đầu:
– Cái mũi này của cụ chỉ còn có nước phải cắt đi, nhưng cắt chưa chắc đã khỏi, e rằng không triệt được tận gốc, chỉ kích thích để nó mọc dài nhanh hơn thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Đê đợi cho bên nhà vợ rối ren, hoảng hốt, náo loạn cả lên mới lững thững bước vào. Vừa nhìn thấy cái mũi dài của bố mẹ vợ, anh không nhịn được, ngã lăn ra vì cười, hồi lâu mới nói được:
– Chỉ tại cha sai con gái lấy trộm viên ngọc ước của con mới nên nông nỗi này. Nếu cha trả ngọc, trả vợ con về nhà con thì cái mũi sẽ lành lặn lại như cũ.
Lão nhà giàu đành phải ưng thuận. Đê bèn đưa bông hoa đỏ ra cho họ ngửi, chỉ trong chốc lát, cái vòi dần dần co lại cho đến khi mũi trở lại nguyên hình như xưa.
Đê đưa vợ về, người vợ có ý hổ thẹn, cúi mặt lầm lũi bước theo chồng. Từ đó cô ta ngoan ngoãn, nghe lời chồng, chăm chỉ làm ăn. Họ sống với nhau đầm ấm thuận hòa.
Dân chúng trong vùng ai gặp khó khăn, lại tìm đến vợ chồng Đê nhờ viên ngọc ước của quạ cứu giúp.
Thời gian cứ thế trôi đi, khi Đê đã là một cụ già râu tóc bạc phơ thì con quạ năm xưa tìm đến và kêu to:
– Quạ đây, quạ đây! Mau trả ta viên ngọc! Trả ta viên ngọc!
Cụ Đê vội lấy viên ngọc ước ra trao cho quạ. Quạ ngậm ngọc lao vút lên cao, rồi bay đi mất. Từ đó đến nay đã bao nhiêu người đi tìm, nhưng chưa ai tìm lại được viên ngọc ước của quạ ấy.
Lọ nước thần - Ai mua hành tôi
Ngày xưa, có một chàng trai trẻ tuổi chưa có vợ, sống bằng nghề làm ruộng. Vào một ngày nọ, anh xách búa lên rừng đốn củi. Trong khi đang lúi húi chặt cây, anh trông thấy một con quạ tha một con chim sẻ tới đậu trên một phiến đá ở gần chỗ mình đang làm việc.
Nhìn thấy thế, anh bỗng động lòng thương con chim bé bỏng sắp sửa lọt vào miệng loài ác điểu. Anh bèn nhặt hòn đá ném con quạ. Quạ giật mình bỏ mồi vỗ cánh bay lên. Tức mình vì hỏng ăn, quạ chửi rủa om sòm. Anh nhặt đá ném thêm và mắng:
– Đồ chim dữ, hãy cút ngay!
Quạ hậm hực bay đi, miệng còn đe dọa sẽ báo thù.
Anh chàng chạy lại nhặt con chim sẻ đang thoi thóp, cố tìm cách ủ cho nó sống lại. Quả nhiên, chỉ chừng một lát sau, con chim sẻ đã hồi tỉnh và bay được. Nó cảm ơn anh và bảo anh ngồi chờ đấy, để nó đưa biếu một vật. Một lát sau, con chim đã bay trở lại, miệng ngậm một cái lọ bé xíu, đặt xuống bên cạnh và nói:
– Đây là lọ nước thần, có phép làm cho người già thì trẻ lại, vật nhỏ thì lớn thêm, trần gian không ai có.
Nói rồi nó vỗ cánh bay đi. Anh ngồi lại tần ngần mở nút ra xem, thì thấy đầy một lọ nước, mùi thơm ngạt ngào. Anh nghĩ bụng:
– Những thứ này chỉ để cho các bà quan làm đỏm, có đâu để hạng chúng ta dùng.
Rồi anh nút lọ lại cẩn thận, khi gánh củi về, treo lọ lên kèo nhà. Và rồi thời gian trôi qua, vì bận công việc làm ăn, anh cũng quên đi, không nghĩ tới cái lọ ấy nữa.
Ít năm sau đó, chật vật mãi anh chàng mới cưới được vợ. Vợ anh cũng con nhà nông, quanh năm chân lấm tay bùn, nên đen đủi, xấu xí. Nhưng được cái, hai vợ chồng thương yêu nhau rất mực.
Một hôm, chồng đi cày vắng, vợ ở nhà quét dọn khắp nơi. Thấy một cái lọ con treo trên kèo nhà, chị bèn bắc ghế lấy xuống, rồi mở nút ra xem. Khi ngửi thấy mùi thơm, chị ta thầm nghĩ đây là dầu thơm gội đầu. Lát sau, chị nấu nước tắm gội, rồi tiện tay đổ lọ nước ra, bôi khắp tóc tai mình mẩy.
Không ngờ sau khi bôi xong, chị ta tự nhiên trở nên xinh đẹp, trắng trẻo, nhan sắc mỹ miều ít ai sánh kịp. Nước thần trôi xuống mấy luống hành bên cạnh giếng, khiến cho những cây hành cũng tự nhiên lớn phổng lên một cách lạ thường: củ to như bình vôi, dọc dài bằng đòn gánh.
Khi người chồng đi cày về, nhìn mặt vợ thì ngẩn cả người, cứ tưởng là tiên sa xuống cõi trần. Nếu không có tiếng nói thì cơ hồ anh không nhận ra là vợ mình nữa.
Nghe vợ nhắc đến lọ nước thơm, anh mới sực nhớ tới chuyện báo đền của con chim sẻ ba năm về trước. Nỗi mừng biết lấy chi cân, anh ngắm vợ mãi không chán mắt, rồi kể lại câu chuyện lọ nước thần mà con chim đã tặng cho vợ nghe.
Ảnh minh họa.
Từ đấy, anh cứ quấn quýt lấy vợ không rời. Công việc đồng áng vì thế cũng mười phần bê trễ. Nhưng cứ ở nhà mãi thì đói mất nên anh đành phải đi làm. Để khỏi nhớ, anh thuê thợ vẽ hình vợ. Mỗi khi ra đồng làm việc, anh lại treo bức tranh ở bờ ruộng để nhìn cho thỏa.
Một hôm anh đang cày ruộng, bức tranh được treo lên một cái cọc cắm ở trên bờ. Vừa cày được mươi luống, tự nhiên con quạ năm xưa ở đâu sà xuống, quắp lấy bức tranh mang đi. Anh chàng ở bên kia bờ thấy vậy bèn hò hét đuổi theo nhưng không kịp nữa.
Quạ đã cất cánh bay cao và bay đi rất xa, chỉ một loáng đã mất hút. Báo thù việc anh ném đá giành mồi của nó ngày xưa, quạ mang bức tranh vào đến tận kinh đô, thả xuống ở sân rồng.
Bọn lính thị vệ thấy sự lạ lùng, bèn nhặt lên đem trình vua. Cầm lấy bức tranh vẽ, vua ngắm nghía mãi không chán mắt, bụng bảo dạ:
– Trong ba cung sáu viện của ta đã có nhiều người đẹp, nhưng chưa có người nào đẹp bằng người đàn bà trong bức tranh này. Hẳn là trời sai con quạ đến mách cho ta đây!
Lập tức vua ra lệnh cho một quan đại thần và một trăm thị vệ phải tìm cho được người đàn bà như đã vẽ trong tranh mang về. Quan đại thần cho người về các địa phương sục sạo khắp hang cùng ngõ hẻm.
Để việc tìm tòi có hiệu quả, chúng bày ra trò mở hội ở các vùng chúng đến để cho mọi người đổ về xem. Mỗi lần thấy dân tập hợp đông đúc, chúng đưa bức tranh ra giả vờ nói là tình cờ bắt được, người nào mất thì đến mà nhận.
Một hôm, chúng tới vùng quê hai vợ chồng anh chàng có lọ nước thần, và cũng bày trò mở hội ba ngày ba đêm. Quả nhiên anh chàng sa vào mưu gian. Khi nhìn thấy bức tranh, anh không đắn đo gì cả, lật đật bước tới để nhận. Nhưng anh không ngờ bọn lính chộp lấy anh như chộp con mồi.
Chúng theo anh về nhà và tìm thấy ngay người đàn bà trong tranh. Mừng quá, chúng vội đưa kiệu rước nàng về kinh đô, mặc kệ cho người chồng vật mình than khóc.
Sau khi bị bắt vào cung, người đàn bà không cười, không nói, áo đẹp không mặc, đầu không chải và không cho một ai đến gần. Đem được người đẹp về cung, nhà vua hết sức mừng rỡ, nhưng cũng hết sức buồn phiền, vì mọi thứ dỗ dành, dọa nạt đều không thể làm cho người ngọc nở một nụ cười hoặc nói lên một tiếng.
Vua bèn hạ lệnh, cho rao trong dân chúng, hễ ai có cách gì làm cho nàng cười nói lên được, thì sẽ ban thưởng cho quan cao lộc hậu.
Nghe tin này, có nhiều người, từ những vai hề nổi tiếng, những ông trạng cười cho đến các bậc lương y, các pháp sư, phù thủy, v.v… đua nhau đổ về kinh, hy vọng dùng tài phép của mình làm cho người đàn bà xinh đẹp ấy phải buột miệng nói cười để mong ân thưởng. Nhưng cho dù họ có cố gắng bao nhiêu cách đi nữa, thì kết quả vẫn không hề thay đổi.
Lại nói chuyện anh chồng, từ khi vợ bị quan quân bắt đi thì không còn thiết làm ăn gì nữa. Khi nghe tin loan báo ai làm cho người đẹp trong cung nói cười được thì vua sẽ ban thưởng. Anh biết là vợ mình đang ở cung vua, bèn quyết vào kinh tìm vợ.
Trước khi đi, anh nhổ mấy củ hành ở cạnh giếng buộc làm một gánh, quẩy theo. Đến kinh đô, anh quảy gánh của mình đi lại trước cửa hoàng cung, rao to lên những câu:
Dọc bằng đòn gánh,Củ bằng bình vôi,Ai mua hành tôi,Thì thương tôi với!
Tiếng rao của anh vọng vào cung mỗi lúc mỗi lớn. Nét mặt của vợ anh tự nhiên cũng mỗi lúc mỗi tươi. Cuối cùng, nàng quay lại bảo thị nữ:
– Hãy gọi người bán hành vào cho ta!
Khi nhìn thấy mặt chồng, vợ anh cười lên một tiếng. Thấy người đàn bà lần đầu tiên cười nói, vua sung sướng như mở cờ trong bụng. Lại thấy những cây hành to lớn lạ thường thì lấy làm kinh ngạc quá đỗi. Vua ngỡ là nhờ những cây hành kỳ lạ này mà người đẹp nói cười. Vua liền nảy ra ý nghĩ, muốn tự mình cải trang gánh hành để làm vui lòng người đẹp. Vua bảo anh chồng:
– Hãy đặt gánh hành lại đó và cởi áo ra mau!
Vui cởi áo long bào ra và mặc áo của anh vào. Vua còn bắt anh bày cho mình học thuộc câu rao, rồi quẩy gánh hành qua lại trước mặt người đàn bà, cất tiếng rao mới học được:
Dọc bằng đòn gánh,Củ bằng bình vôi,Ai mua hành tôi,Thì thương tôi với!
Thấy vậy, vợ anh hàng hành cười ngặt nghẽo. Vua thích thú lại càng làm nhiều hơn. Nhưng đột nhiên, người đàn bà bảo thị nữ thả đàn chó ra. Chó thấy vua ngỡ là người lạ, liền nhảy xổ tới cắn chết.
Người đàn bà vội giục chồng:
– Mình hãy mau mau mặc long bào lại, rồi trèo lên ngai vàng đi!
Anh chồng mặc xong long bào và lật đật trèo lên ngai vàng, đúng lúc ấy trăm quan và cung nữ vào triều dập đầu bái mạng. Kể từ đó, anh trở thành vua và ở bên người vợ xinh đẹp của mình đến trọn đời.
Cứu vật vật trả ơn - Cứu nhân nhân trả oán
Ngày xưa, có một anh chàng không có tài nghề gì cả, chỉ được cái hiền lành hay thương người. Từ lúc vợ chết, anh ta trở nên túng bấn tợn. Có dạo phải ngửa tay ăn xin. Thấy nghề này hèn hạ lại không nuôi nổi tấm thân, anh chàng mới xoay sang đi làm thuê.
Nhưng chỉ làm được một ngày anh đã thấy nhọc mệt và bị chủ la mắng nhục nhã, nên lại dự định làm nghề đi câu là nghề anh cho là thong thả tự do hơn. Chiều hôm đó, người ta trả công cho ba mươi đồng kẽm. Anh chàng bèn lấy số tiền đó làm vốn, mua lưỡi mua dây quyết chí làm ăn bằng nghề nghiệp mới.
Sáng hôm sau, anh ra ngồi ở bờ sông câu cá. Nhưng mãi đến trưa chả kiếm được một tý gì. Mồi cứ mất toi. Mãi đến chiều mới thấy phao chìm xuống, anh giật lên thì được một con rắn nước. Lấy làm bực mình, anh chàng gỡ con rắn ra rồi quẳng xuống sông.
Lần thứ hai giật lên thì lại chính con rắn nước hồi nãy mắc vào lưỡi. Anh than thở với rắn: “Rắn ôi! Tao nghèo lắm, chỉ được ba mươi đồng kẽm thôi.
Mày đừng hại tao hết cả mồi, rồi đây biết lấy gì kiếm ăn”. Anh chàng lại quẳng rắn xuống nước. Lần thứ ba cũng lại con rắn đó mắc lưỡi câu. Lần này hắn giận lắm không thả rắn xuống nước nữa mà nắm lấy cổ rắn định mang đi giết. Qua cửa đền bà thần Khai Khẩu, tự nhiên con rắn nước kêu lên:
-Đừng giết tôi. Tôi là con vua Thủy phủ, vì muốn đánh bạn với anh nên mới tự cắn câu nhiều lần như thế. Hãy cho tôi đi theo, tôi sẽ giúp anh vượt qua cảnh nghèo. Anh nghe lời, cho rắn theo mình. Từ đó hắn câu được nhiều cá: thứ ăn, thứ bán, cuộc sống rất dễ chịu. Anh chàng với rắn ngày một tương đắc.
Một hôm rắn cho anh biết chỉ ba ngày nữa sẽ có một trận lụt lớn xưa nay chưa từng có. Anh nghe lời rắn đóng một chiếc bè nứa để phòng tai nạn. Anh lại còn loan báo cho mọi người xung quanh biết. Nhưng chả một ai thèm nghe.
Ảnh minh họa.
Ba ngày sau, quả nhiên gió bão nổi lên đùng đùng, mưa to như trút, nước dâng lên như biển cả. Người, vật, đồ đạc và mùa màng, v.v… đều trôi băng băng mất tích. Mãi đến ngày cơn bão tạnh, anh mới dám chống bè tìm về chốn cũ. Thấy một cái tổ kiến đang lênh đênh trên dòng nước, con rắn bảo anh chàng:
- Anh hãy cứu chúng nó một chút. Anh trả lời:
- Vớt làm gì bầy kiến nhỏ mọn ấy để nó bò khắp bè. Nhưng rắn khẩn khoản:
- Không, anh hãy nghe lời tôi đi. Rồi chúng nó sẽ trả ơn anh. Nghe lời rắn, anh chàng vớt cái tổ kiến lên bè của mình. Đi được một đoạn, lại gặp một con chuột đang lội bì bõm sắp chết đuối. Rắn lại giục anh vớt lên. “ồ -hắn đáp
- Con chuột thì cho nó chết chứ cứu nó mà làm gì?” “Không, anh hãy nghe tôi đi. Rồi nó sẽ trả ơn anh”. Nghe lời rắn, anh chàng vớt con chuột lên bè của mình. Đến một chỗ khác họ lại gặp một con trăn đang nằm cuộn tròn trên một ngọn cây giữa dòng nước đợi chết. Rắn cũng giục anh giúp trăn thoát nạn: “ồ -hắn đáp.
- Con trăn kinh lắm, cứu nó mà làm gì? “
- “Không. Anh hãy nghe tôi đi. Rồi nó sẽ trả ơn anh”. Nghe lời rắn, anh chàng lại giúp cho con trăn lên bè. Sau cùng họ gặp một người đàn ông đang bám vào một cây gỗ nổi bập bềnh giữa dòng nước. Anh không đợi rắn bảo, định vớt lên bè, nhưng con rắn cản lại:
- Anh đừng vớt nó lên làm gì. Nó sẽ làm hại anh đấy. Anh đáp:
- Người ta thường nói cứu một người dương gian bằng một ngàn âm ti. Sao lại chỉ cứu vật mà không cứu người kia chứ. Nói đoạn, mặc kệ lời rắn can ngăn, anh nhất định thực hiện ý nghĩ của mình, vớt người sắp chết đuối đó lên bè, cho sưởi lửa ấm và cho ăn uống tử tế. Sau mấy ngày nước rút đi hết, anh thả tất cả những con vật lên bờ.
Còn người nọ vì gia đình phiêu bạt, nhà cửa trôi mất cả nên anh cho ở lại với mình cùng câu cá nuôi nhau và coi như em ruột.
Đến lúc con rắn nước trở về thủy phủ thì nó mời anh cùng đi theo xuống giang sơn của cha mình. Dọc đường, rắn bảo bạn: “Nếu cha tôi có cho gì thì anh nhớ đừng nhận, mà chỉ xin lấy cây đàn thất huyền. Đàn ấy nếu có giặc, gảy một bài là có thể làm cho giặc phải tan”.
Vua Thủy thấy có bạn của con tới chơi lấy làm mừng rỡ, đãi anh chàng rất hậu. Khi vua Thủy sai quân hầu mang vàng bạc châu báu đến biếu, anh nhớ lời rắn cố khước từ, chỉ xin có mỗi một chiếc đàn thất huyền. Vua Thủy nể chàng, thuận cho ngay. Anh trở về cõi đất, quý chiếc đàn vô hạn. Một hôm anh có việc phải đi xa.
Trước khi đi, anh giấu chiếc đàn thần dưới cót thóc, dặn người bạn chớ có bén mảng đến chỗ cót thóc đó. Nhưng người kia nghe dặn, đồ rằng dưới ấy tất có vật quý bèn cố tâm kiếm tìm, quả bắt được cây đàn. Hắn đã biết sự mầu nhiệm của chiếc đàn ấy bèn lấy trộm rồi trốn đến kinh đô để lập công danh.
Hồi ấy quân đội nhà vua phải đối địch với một nước láng giềng luôn luôn kéo quân sang quấy nhiễu bờ cõi. Hắn vào xin vua đi tiễu trừ giặc dữ. Nhờ có chiếc đàn thần, hắn đã làm cho quân đội của đối phương thua liểng xiểng. Lúc thắng trận trở về, hắn được nhà vua hết lời khen ngợi, phong làm đại tướng, ban lộc rất hậu.
Được giàu sang, hắn không còn nghĩ gì đến ân nhân của mình nữa. Nhà vua toan gả công chúa cho đại tướng nhưng vừa hứa hôn thì bỗng dưng công chúa bị câm. Vì thế hôn lễ đành phải hoãn lại chờ lúc công chúa lành bệnh mới cử hành.
Lại nói chuyện anh chàng câu cá khi trở về thấy mất bạn lại mất cả cây đàn thất huyền thì vội bỏ nhà đi tìm. Vào đến kinh đô, một hôm anh gặp người kia bây giờ đang ngồi trên kiệu sơn son thiếp vàng, có quân gia theo hầu đông nghịt.
Anh đón kiệu lại, cất tiếng hỏi thăm bạn cũ. Nhưng người kia vừa gặp ân nhân của mình đã vội thét lính bắt trói lại. Thế rồi, để khỏi lộ chuyện, hắn vu cho anh làm giặc, sai nhốt một chỗ kín đáo, không cho ăn, để chờ ngày đưa ra pháp trường.
Trong ngục tối, giữa khi anh chàng đang than thân trách phận thì bầy kiến ngày xưa đã tìm được cách lọt vào hỏi thăm: “Tại sao ông bị giam ở đây?”. Anh chàng ngơ ngác không hiểu tiếng ai hỏi mình, bèn hỏi lại: “Ai đó? Tại sao tôi chỉ nghe tiếng mà không thấy người?”
-“Chúng tôi là bầy kiến mà ông cứu khỏi nạn lụt ngày xưa, hiện đang ở dưới chân ông đây!”. Anh chàng cúi xuống tìm kiến rồi kể chuyện cho kiến nghe nông nỗi của mình. Kiến nói: “Chúng tôi không thể làm được gì nhưng để chúng tôi đi kiếm con chuột ngày ấy, may chuột có kế gì chăng”.
Lũ kiến bèn chia nhau mỗi con một phương đi kiếm chuột và báo tin không may của ân nhân cho chuột biết. Chuột bảo: “Bây giờ chắc ông ấy đói lắm, để tôi mang vào ngục một ít thức ăn đã. Rồi tôi sẽ đi kiếm con trăn xem thử nó có mưu mẹo gì chăng”. Chuột liền đưa khoai và bánh lấy trộm được của một nhà hàng vào ngục cho anh chàng ăn.
Anh tỏ lời cám ơn. Rồi cả gia đình nhà chuột lại kéo nhau đi tìm trăn. Lúc sắp đến nhà trăn, cả bầy chuột sợ trăn ăn thịt bèn trèo lên cây cao gọi xuống: “Bác trăn ơi! Bác trăn ơi!”. Khi trăn ra, một con chuột già đánh bạo xuống kể chuyện cho trăn biết.
Trăn nhả ra một viên ngọc bảo chuột đưa về cho ân nhân mà rằng: “Viên ngọc này mài ra thành bột có thể chữa lành câm. Nhân của chúng ta có thể đem chữa bệnh cho công chúa rồi nhờ đó mà thoát nạn”.
Khi được ngọc, anh chàng gọi người cai ngục đến nói mình có phép cứu công chúa khỏi câm. Người ta dẫn anh đến trước vua. Quả nhiên sau khi công chúa uống nước ngọc mài bỗng nói được, và câu đầu tiên của nàng là đòi lấy người cứu mình làm chồng.
Vua rất 85 86 khen ngợi, hỏi anh ta vì sao có thứ thuốc thần diệu đến thế. Anh chàng kể lại đầu đuôi câu chuyện, từ lúc câu được rắn, cứu được các con vật và người, cho đến lúc bị người phản bội, còn các con vật lại tìm cách trả ơn, trong đó có con trăn cho mình viên ngọc quý.
Vua nghe xong tắc lưỡi: “Thật là bụng dạ con người sâu hiểm hơn cả những con vật nguy hiểm!”. Lập tức vua sai lính bắt giam tên đại tướng bất nghĩa kia để chờ ngày phán xử. Còn anh chàng đi câu được vua cho làm quan và gả công chúa. Anh ta sống một cuộc đời sung sướng hơn trước.
Bài học hay từ truyện cổ tích dân gian
Những câu truyện dân gian với nội dung đơn giản, nhưng phản ánh cuộc sống hàng ngày của người dân lao động. Mỗi một câu chuyện đều mô tả nguồn gốc và các hình tượng nhân vật đời thường hoặc truyền thuyết, thể hiện ước của con người về chiến thắng của cái thiện với cái ác, hướng con người tới việc làm những điều thiện, những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Đồng thời, giúp các bé có một cái nhìn tốt đẹp hơn về cuộc sống, những bài học bổ ích và lý thú.
Truyện dân gian với nội dung đơn giản, nhưng giúp các bé có một cái nhìn tốt đẹp hơn về cuộc sống, những bài học bổ ích và lý thú.