Trò chuyện cùng cô Hoàng Thị Tuyết Nhung, giáo viên trường tiểu học Lý Cảnh Hớn (Quận 5, TP. HCM) để biết thêm về những “hành trang” quan trọng mà mẹ cần trang bị cho con trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 này.
Trẻ bước vào học lớp 1 là khoảng thời gian “chuyển giao” vô cùng quan trọng. Nếu như ở bậc mầm non, các con chủ yếu hoạt động vui chơi, các kiến thức được cô truyền đạt theo cách nhẹ nhàng và vui vẻ.
Khi vào lớp 1, bậc học đầu tiên trong hành trình học tập chính quy của trẻ khiến các con phải thích nghi với chương trình học, giờ giấc của trường, việc học kiến thức diễn ra nghiêm túc hơn, giờ giấc quy củ hơn, kết quả học tập được đánh giá một cách bài bản.
Do đó, nếu không được chuẩn bị tốt về mặt tinh thần và kỹ năng, sự thay đổi này có thể là một thử thách không nhỏ với các con.
Đặc biệt, trong giai đoạn tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp ở một số nơi có thể làm gián đoạn quá trình học tập của trẻ, rất cần sự quan tâm của cha mẹ, chuẩn bị đầy đủ những hành trang cần thiết để trẻ có thể dễ dàng hòa nhập từ những ngày đầu tiên tới trường.
Có thể nói chuyển giao từ mẫu giáo lên lớp 1 có rất nhiều thay đổi không khỏi khiến trẻ bỡ ngỡ. (Ảnh minh họa)
Vậy cha mẹ cần chuẩn bị những gì cho con sắp vào lớp 1 trong bối cảnh năm học mới 2021-2022 sắp bắt đầu. Trò chuyện cùng cô Hoàng Thị Tuyết Nhung, giáo viên trường tiểu học Lý Cảnh Hớn (Quận 5, TP. HCM) để biết thêm về những “hành trang” quan trọng mà mẹ cần trang bị cho con trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 này.
Cha mẹ cần chuẩn bị gì cho con vào lớp 1?
Tìm trường học cho con: Công tác tuyển sinh học sinh lớp 1 đã và đang diễn ra tại một số nơi, việc cha mẹ tìm hiểu và lựa chọn trường học cho con cũng là một bước chuẩn bị quan trọng.
Cha mẹ không nên quá chú trọng trường “trọng điểm” hay đặt nặng danh tiếng của các trường tiểu học, thay vào đó là nên quan tâm đến các yếu tố khác như phù hợp với điều kiện gia đình (chẳng hạn như về mức học phí, điều kiện bán trú...), thuận lợi cho việc đưa đón, có không gian thoáng đãng...
Chuẩn bị cảm xúc, tâm lý cho con: Có thể nói chuyển giao từ mẫu giáo lên lớp 1 có rất nhiều thay đổi không khỏi khiến trẻ bỡ ngỡ. Cha mẹ nên dạy trước cho con tâm lý sẵn sàng, tạo cho con một bầu không khí vui vẻ, hứng khởi và tích cực nhất có thể mỗi khi nói về chuyện vào lớp 1.
Ngoài ra, dạy trẻ những tình huống khó khăn có thể xảy ra, dạy con cách tự chăm sóc bản thân, những kỹ năng cần thiết như giao tiếp cùng cô giáo, bạn bè trong lớp…
Tập cho con quen trước với nề nếp và lịch sinh hoạt mới, giống như một ngày đi học bình thường. (Ảnh minh họa)
Chuẩn bị cho sự thay đổi giờ giấc sinh hoạt của trẻ: Tập cho con quen trước với nề nếp và lịch sinh hoạt mới, giống như một ngày đi học bình thường. Con nên đi ngủ sớm, ngủ đủ (10 – 11 tiếng/ ngày), và thức dậy sớm để kịp giờ học buổi sáng.
Phụ huynh cũng cần tính toán giờ giấc cần thiết chuẩn bị để trẻ có đủ thời gian ăn sáng, ăn trưa, ngủ nghỉ… Con nên được chuẩn bị và biết trước những gì sẽ diễn ra trong một ngày, và làm quen dần với các trình tự đó.
Chuẩn bị cho con chỗ học tập riêng, quần áo, sách vở và đồ dùng học tập: Cùng với việc chuẩn bị tâm lý, cảm xúc cho trẻ là lúc cha mẹ cần chuẩn bị “trang thiết bị” để con có cảm giác mình sắp vào lớp 1. Sắp xếp cho con một bàn học riêng, phù hợp với chiều cao của trẻ, điều kiện ánh sáng và đừng quên để trẻ tham gia vào quá trình chuẩn bị này.
Ngoài ra, cần chuẩn bị đồng phục, sách vở… phần lớn đều do nhà trường quy định. Những dụng cụ khác như tập vở, bút chì, bút màu, cặp sách… hãy hỏi ý kiến của cô giáo để tránh sự lãng phí không cần thiết.
Việc trẻ có thể phải học online ở nhà trong thời gian giãn cách xã hội cần có sự quan tâm của các bậc phụ huynh. (Ảnh minh họa)
Có nên dạy con trước mặt chữ, luyện chữ, tập đọc trước?
Theo cô giáo Hoàng Thị Tuyết Nhung, không nên dạy trẻ trước chương trình khi chưa vào lớp 1. Nhiều trẻ khi vào lớp 1 đã biết đọc, biết viết thường thời gian đầu bé rất tự tin vì cái gì cũng đã biết nên có thái độ học tập không đúng đắn, khiến các con dễ chểnh mảng về sau.
Đặc biệt, lớp 1 là giai đoạn tiền đề, không chỉ dạy trẻ về kiến thức mà kỹ năng, phương pháp học tập đều rất quan trọng. Nhưng ngược lại, với những bé vào lớp 1 thiếu sự chuẩn bị đầy đủ của cha mẹ thì cả giáo viên và học sinh đều rất vất vả.
Cha mẹ nên dạy con trước một số kỹ năng để trẻ không bị chậm nhịp trong quá trình học tập. (Ảnh minh họa)
Do vậy, để con chuẩn bị tốt tâm lý khi bước vào lớp 1, cha mẹ chỉ nên dạy con trước một số kỹ năng để trẻ không bị chậm nhịp trong quá trình học tập, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 có thể khiến trẻ phải học online ở nhà, sẽ càng khó hòa nhập với môi trường học tập tại trường hơn.
Do đó, việc chuẩn bị trước một số kiến thức cũng là cần thiết. Vậy cha mẹ nên dạy trẻ trước những gì để đảm bảo kịp tiến độ của con khi vào lớp 1, cùng lắng nghe phần tư vấn của cô giáo Hoàng Thị Tuyết Nhung.
Cô giáo Hoàng Thị Tuyết Nhung, giáo viên trường Tiểu học Lý Cảnh Hớn.
Trẻ sắp vào lớp 1, cha mẹ ở nhà có thể dạy con trước những gì để đảm bảo kịp tiến độ của trẻ trên lớp?
Trẻ sắp vào lớp 1, cha mẹ ở nhà có thể cho trẻ làm quen trước với bảng chữ cái, ghép một số tiếng đơn giản, làm quen với các con số và những phép tính đơn giản để khi bước vào lớp 1, trẻ không bị bỡ ngỡ. Phụ huynh cũng có thể cho trẻ luyện chữ tuy nhiên cần chú ý đến tư thế và cách cầm bút của trẻ.
Hiện nay có rất nhiều phụ huynh cho trẻ tập viết trước khi vào lớp 1 nhưng cách cầm bút của trẻ sai dẫn đến khi bắt đầu học thực tế, giáo viên phải sửa lại cho bé.
Nên dạy con tập đọc, luyện chữ và làm toán như thế nào để trẻ có thể bước đầu tiếp cận với các kiến thức và quá trình học tập của trẻ ở trường?
Rèn tính tập trung cho con: Việc này không hề dễ dàng vì ở trường mẫu giáo, trẻ chạy nhảy thoải mái và thường khó ngồi yên tại chỗ một lúc lâu. Tuy nhiên khi đi học tại trường, con phải ngồi học nghiêm túc cả buổi nên cha mẹ cần rèn cho con tính tập trung.
Đúng giờ giấc (tối nhất là giờ học tại lớp), hãy hướng dẫn con ngồi vào bàn học để trẻ dần quen, mỗi ngày 10-15 phút. Ngoài ra còn dạy con cách ngồi trên bàn học cho đúng tư thế để tránh các tình trạng vẹo cột sống...
Hướng dẫn con cách cầm bút đúng: Cách cầm bút chính xác là giữ bút bằng ba ngón tay (Ngón trỏ, ngón cái và ngón giữa). Trong đó ngón cái và ngón trỏ dùng để giữ chặt hai bên bút. Nhiệm vụ của ngón giữa là đỡ bút. Khi viết, không để bé dựng thẳng đứng bút, khoảng cách từ đầu bút đến các ngón tay là 2,5 cm...
Luyện viết cho con một số nét cơ bản: Đừng vội vàng dạy chữ và tập viết cho trẻ, vì theo cô Hoàng Thị Tuyết Nhung, có rất nhiều phụ huynh cho trẻ tập viết trước khi vào lớp 1 nhưng hướng dẫn sai cách khiến khi vào lớp 1, rất khó để sửa lại cho bé. Hãy để con luyện viết nét chữ thành thạo như các nét thẳng, móc, xiên, ngang… Sau khi đã viết thành thạo mới cho con học viết chữ cái.
Tập đọc tại nhà: Vào lớp 1 con sẽ bắt đầu học đọc, con sẽ được dạy học ít nhất 150 từ và khi học hết lớp 1 phải đọc được trôi chảy từng chữ và hiểu được những chữ đó. Bố mẹ hãy hướng dẫn các mặt chữ cho bé biết, khái niệm tập đọc và ghép vần đồng thời kiểm tra khả năng phát âm của con có đúng không (nói ngọng, nói lắp…) để chỉnh từ bây giờ.
Làm quen với mặt chữ cái và từ vựng: Hãy sử dụng chính những quyển sách quen thuộc và yêu thích của con, con sẽ thấy hứng thú hơn khi nhận diện các mặt chữ. Ngoài ra, đừng quên khuyến khích con rèn luyện kỹ năng kể chuyện, bố mẹ chính là khán giả của con, cùng con thảo luận xoay quanh các câu chuyện con đọc như “Tạo sao nhân vật trong chuyện lại làm như thế” “hành động của cô bé trong chuyện đúng hay sai” …
Cho trẻ làm quen với môn toán: Ở trường các con sẽ được học đếm, viết, đọc và sắp xếp các số theo thứ tự từ 1 – 100. Ngoài ra các con cũng được học cách so sánh và sử dụng các dấu lớn hơn, nhỏ hơn và bằng, phép cộng và trừ.
Ngoài ra, các loại hình như vuông, tròn, chữ nhật, tam giác… trẻ đều được dạy để nhận diện. Đừng quên sử dụng các hình ảnh trực quan khi dạy, có thể giúp các con hứng thú hơn khi đọc, sẽ nhớ lâu hơn và hơn thế là con sẽ phát triển khả năng tư duy, phân tích và đánh giá sự việc.
Cha mẹ nên chuẩn bị sách vở và đồ dùng học tập nào cho trẻ sắp vào lớp 1?
Đối với trẻ chuẩn bị bước vào lớp 1, đồ dùng học tập của bé có thể đăng ký mua ở trường được. Ba mẹ cần mua thêm cho trẻ những đồ dùng khác như: Bảng con, phấn, bút chì, gôm, màu sáp, gọt bút chì vì giai đoạn đầu trẻ sẽ được tập viết bằng bút chì.
Chuẩn bị tâm lý cho con như thế nào nếu trẻ chuyển từ học online sang trực tiếp tại trường sau khi hết giãn cách xã hội vì Covid?
Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến ngày một phức tạp thì hình thức học trực tuyến cũng là một giải pháp đáng được cân nhắc đến. Tuy nhiên phụ huynh cũng đừng quá lo lắng khi sợ con mình không tiếp cận kịp với hình thức này vì trẻ con học rất nhanh. Cha mẹ lúc này chỉ cần phối hợp hết sức cùng với giáo viên để hướng dẫn con mình thao tác trên các thiết bị thông minh cùng với việc đôn đốc trẻ học bài là được.
Những ngày đầu, giáo viên cùng học sinh và phụ huynh nên có những quy ước hay còn gọi là nội quy lớp học để cả lớp cùng thực hiện. Và trong quá trình truyền tải kiến thức, giáo viên nên kết hợp thêm những hoạt động hoạt náo hay những trò chơi để khuấy động không khí, khơi gợi hứng thú và sự tập trung của trẻ.
Thông thường, khoảng 1-2 tuần đầu sau khi học sinh quay lại trường học sẽ là thời gian để ôn tập lại những kiến thức học sinh đã học trực tuyến nên phụ huynh cũng không phải lo lắng việc học sinh bỡ ngỡ hoặc không theo kịp nhịp học tại trường.