Nếu cha mẹ không có phương pháp kỷ luật đúng đắn, những hành vi quá khích của trẻ ngay từ bé sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ khi trưởng thành.
Nhiều bậc cha mẹ lo lắng khi con của họ đột ngột từ một em bé đáng yêu như thiên sứ đột nhiên trở thành một đứa trẻ vô cớ nổi cơn giận dữ. Những hành vi quá khích, không đúng có thể ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ trong quá trình lớn lên.
Janet Lansbury, một chuyên gia nghiên cứu về quá trình phát triển của trẻ đã nhắc nhở các bậc cha mẹ rằng: "Không có đứa trẻ nào xấu, trẻ con trong quá trình lớn lên có sự thôi thúc mạnh mẽ để bước ra khỏi giới hạn, học được cách làm thế nào để an toàn”.
Lansbury nói thêm: “Chìa khóa để trẻ có sự kỷ luật và việc phạt con trở nên lành mạnh, hiệu quả phụ thuộc phần lớn vào thái độ của các bậc làm cha mẹ. Trẻ lớn lên bằng việc đi theo sự hướng dẫn của cha mẹ, do đó cha mẹ cần kiên định và đặt ra các giới hạn rõ ràng, nhất quán".
Janet Lansbury cũng gợi ý cho cha mẹ một số cách có thể phạt con mình mà không cảm thấy tội lỗi, đồng thời không khiến trẻ cảm thấy xấu hổ.
Giúp con hình thành những thói quen tốt
Các chuyên gia cho rằng hành vi của trẻ sẽ được cải thiện khi trẻ biết mình sẽ làm gì và niềm vui mà trẻ nhận được từ những hành động đó. Do đó việc cha mẹ dạy trẻ hình thành nề nếp, những thói quen tốt ngay từ khi còn nhỏ là nền tảng vững chắc cho việc trẻ tự nguyện tuân thủ các kỷ luật về sau.
Tiến sĩ Victoria Ang-Nolasco, bác sĩ Nhi khoa tại Trung tâm Y tế Cardinal Santos cho biết: “Trẻ em cần có những giới hạn hợp lý để cảm thấy an toàn và thói quen là một phần của việc thiết lập các giới hạn".
Kiềm chế cơn giận giữ
Nhiều trẻ mặc dù đã lớn nhưng có thói quen thức dậy lúc nửa đêm và làm phiền cha mẹ, thậm chí còn quấy khóc, điều này khiến một số cha mẹ cảm thấy khó chịu, không nén nổi cơn giận giữ.
Lisa Milligan - một nhà trị liệu tâm lý tại Strides Toronto nói: “Khi trẻ có những cảm xúc tiêu cực hay thể hiện sự chống đối, đó là lúc trẻ tìm kiếm sự giúp đỡ của cha mẹ để được xoa dịu cảm xúc bằng sự thông cảm và thấu hiểu".
Giữ thái độ kiên quyết
Lansbury cho biết: "Cha mẹ biết kiềm chế cơn giận giữ và giữ thái độ kiên quyết là hai việc hoàn toàn khác nhau, tùy vào tình huống mà cha mẹ nên có những phản ứng đúng đắn".
Khi trẻ còn nhỏ, nếu muốn phạt con để dạy con, điều quan trọng là cha mẹ phải bình tĩnh nhưng kiên quyết. Đừng tỏ ra hời hợt với việc phạt con vì khi trẻ cảm thấy cha mẹ thiếu kiên định, trẻ sẽ không coi trọng hành động bị phạt của cha mẹ.
Đừng phạt chỉ vì trẻ khóc
Khi trẻ khóc cha mẹ thường buông những câu quen thuộc như: “Đừng khóc nữa!” Hoặc “Nín ngay.” Theo Lansbury những câu nói mang tính áp đặt như trên là không nên, điều các bậc cha mẹ đang quên là trẻ cần được giúp đỡ để giải quyết vấn đề khiến trẻ bật khóc, và khóc là một trong những cách giao tiếp của trẻ trong những trường hợp như vậy.
“Trẻ cần các quy tắc về hành vi, nhưng đối với cảm xúc, cha mẹ cần hiểu được giới hạn của trẻ” - Lansbury cho biết.
Dành nhiều tình cảm cho con
Một số cha mẹ có xu hướng phớt lờ hoặc im lặng với con vì nghĩ rằng trẻ còn quá nhỏ để hiểu được những cảm xúc mà cha mẹ thể hiện. Nhưng Lansbury đã chỉ ra rằng việc này là một điều sai trái. Đừng chỉ yêu thương con nếu con làm tốt, làm giỏi và trở nên thờ ơ với con khi con làm sai, vì điều này có thể làm tổn thương trẻ.
Kiểu “nuôi dạy con có điều kiện” như thế này có thể khiến trẻ bực bội, không tin tưởng và không thích thái độ của cha mẹ. Trẻ có thể cảm thấy tội lỗi, xấu hổ và thiếu giá trị bản thân.
“Con cái của chúng ta xứng đáng nhận bị phạt để trẻ có thể hiểu rõ đúng và sai, đồng thời phát triển tính kỷ luật, hiểu được việc tôn trọng người khác và được người khác tôn trọng". Lansbury nói thêm.