Theo giáo sư Li Meijin, đối với những đứa bé bắt đầu biết phản bác, cãi lại, điều quan trọng nhất chúng cần chính là sự định hướng của cha mẹ.
Hầu hết trẻ em sẽ dần bước vào giai đoạn nổi loạn từ lứa tuổi thiếu niên khoảng 10-12 tuổi, đây là thời điểm chuyển đổi tâm lý tất yếu trong quá trình trưởng thành của trẻ, ở giai đoạn này, ý thức độc lập và tự giác của trẻ bắt đầu tăng lên, mong muốn trở thành cá nhân khác biệt và thu hút sự chú ý của mọi người.
Đây cũng là thời điểm khó khăn nhất của cha mẹ trong việc tìm ra phương pháp giáo dục nhằm điều chỉnh trẻ đúng hướng. Vì vậy, các bậc cha mẹ nên quan tâm đến trẻ nhiều hơn trong giai đoạn này. Vậy làm thế nào để cha mẹ có thể nhận biết được con mình đã bước vào độ tuổi nổi loạn?
Trẻ mong muốn trở nên khác biệt trước mặt người khác
Đặc điểm dễ thấy nhất của trẻ lúc này là muốn người khác cảm thấy mình khác biệt và không muốn trở thành viên bình thường nhất trong đám đông.
Vì vậy, trẻ bắt đầu thể hiện lợi thế của mình bằng nhiều cách khác nhau, ngay cả khi đó là cách thể hiện sai lầm và hài hước.
Trẻ có quan điểm riêng về nhiều việc và không muốn nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ
Sau khi bước vào giai đoạn này, thay vì thường xuyên vâng lời như trước đây, trẻ sẽ bắt đầu có những quan điểm riêng về nhiều việc và những góc nhìn của các em rất độc đáo.
Cụ thể, trẻ không muốn nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ, cho rằng nhất định phải phá bỏ ràng buộc của cha mẹ để đạt được tự do, vì vậy lời nói của cha mẹ dường như không còn nhiều tác dụng như trước.
Trước sự kiểm soát của cha mẹ, trẻ thường thể hiện sự không hài lòng của mình thông qua việc nói lại
Trẻ ở giai đoạn này rất quan tâm đến việc cha mẹ kỷ luật bản thân, nên thường xuyên có sự phản kháng, cãi lại lời cha mẹ.
Khi con bắt đầu biết cãi lại, cha mẹ thường cho rằng con hỗn láo, ngỗ ngược và họ lo lắng cho tương lai của con. Trên thực tế, việc trẻ cãi lời cha mẹ thời kỳ nổi loạn là điều tất yếu cần xảy ra trong quá trình phát triển tâm lý.
Theo giáo sư Li Meijinn, giảng viên trường Đại học cảnh sát Trung Quốc cho biết, đối với những đứa bé bắt đầu biết phản bác, cãi lại, điều quan trọng nhất chúng cần chính là sự định hướng của cha mẹ để con hiểu được cách nói như thế nào cho đúng đắn.
Đặc biệt phản ứng trong thời điểm này là rất nhạy cảm đó, 4 câu nói sau của cha mẹ sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình điều chỉnh, định hướng tính cách đúng đắn cho trẻ.
"Con có thể nói những gì bản thân không thích, cha mẹ sẽ không ép buộc con"
Trẻ em dù ở độ tuổi nào đi chăng nữa thì cũng thực sự cần được tôn trọng, đặc biệt là thời điểm trẻ muốn thể hiện và khẳng định bản thân. Bởi trong lúc này, trẻ đang rất xúc động, thậm chí là kích động và việc cha mẹ nên làm không phải là ngắt lời, đàn áp con mà để cho con có cơ hội giãi bày hết câu chuyện.
Hãy là một người lắng nghe thật tốt để giúp con trút bỏ cảm xúc và để có một cái nhìn toàn diện hơn về câu chuyện của mình.
Sự thấu hiểu và ghi nhận cảm xúc này sẽ khiến cơn tức giận trong lòng trẻ dịu đi rất nhiều, và cũng có thể làm giảm khả năng trẻ nói lại.
Bằng cách này, trẻ em có thể cảm thấy rằng bản thân được cha mẹ đối xử bình đẳng, không có cảm giác bị trịch thượng, cho phép trẻ giao tiếp nhiều hơn với cha mẹ, để hiểu thêm về tâm ý của trẻ.
"Con đang cảm thấy tệ đúng không? Hãy nghỉ ngơi một chút, chúng ta sẽ nói chuyện khi con bình tĩnh trở lại nhé!"
Khi trẻ tức giận, một số từ ngữ không hay có thể bật ra, cha mẹ hãy giúp trẻ bình tĩnh và dạy trẻ hiểu được rằng không có gì là sai trái khi có cảm xúc như vậy, tuy nhiên cách mà con đang hành động thì không đúng đắn.
Chỉ ra cảm xúc của trẻ, giúp trẻ hướng đến cách bày tỏ cảm xúc tích cực, giải tỏa bức xúc là điều mà phụ huynh cần phải làm. Ví dụ: "Mẹ biết con đang cảm thấy tệ rất tệ, hãy nghỉ ngơi một chút, chúng ta sẽ nói chuyện khi con bình tĩnh trở lại nhé!"
Đứa trẻ thích cãi thực chất là muốn được cha mẹ mẹ chú ý và tôn trọng nhiều hơn. Vì vậy trong một số tình huống, cha mẹ không nên chỉ chú ý vào việc đặt ra các quy định theo ý mình mà hãy cho con quyền chủ động, khi đó, con sẽ tự tìm cách để giải quyết vấn đề.
Khi cha mẹ giao quyền quyết định cho con sẽ không làm mất quyền uy của phụ huynh, ngược lại cách này sẽ giúp con trở nên ngoan ngoãn, có trách nhiệm hơn.
"Hãy nói trực tiếp nếu con thấy không vui, nhưng con không thể nói chuyện với cha mẹ như thế này".
Khi không vui trẻ sẽ bộc lộ trực tiếp cảm xúc của mình, cảm xúc này nhiều khả năng xuất phát từ việc làm tổn thương người khác, chính vì vậy cha mẹ nên dặn trẻ không được giấu cảm xúc tiêu cực trong lòng nhưmh phải có nguyên tắc.
Khi hiểu được sự thật này, trẻ sẽ kiềm chế bản thân tốt hơn. Ngay cả khi không vui, trẻ vẫn có thể thực sự bày tỏ với cha mẹ và nghĩ về người khác, điều này sẽ cải thiện khả năng đối phó với vấn đề và kiểm soát cảm xúc của trẻ.
Trẻ đang trong thời kỳ nổi loạn của tuổi trẻ cần được an ủi và thấu hiểu nhiều hơn, cha mẹ nên tìm cách đi vào trái tim của trẻ chứ không nên đối đầu với trẻ, điều này sẽ chỉ khiến trẻ tăng khoảng cách với cha mẹ.
"Mẹ đang cảm thấy con không nghe lời, nếu con gặp điều gì khó khăn, hãy thoải mái nói với mẹ nhé"!
Cha mẹ là những người đầu tiên trong cuộc đời học chia sẻ và trò chuyện của trẻ, đây là yếu tố quan trọng để hình thành và củng cố mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Khi trẻ có thái độ nổi loạn, mẹ có thể nói với trẻ "Mẹ đang cảm thấy con không nghe lời, nếu con gặp điều gì khó khăn, hãy thoải mái nói với mẹ nhé"!
Đây cũng chính là chìa khóa để hình thành sự hiểu biết, tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau, là nền tảng để duy trì mối quan hệ này trong suốt cuộc đời.
Việc lắng nghe là bước gợi mở đầu tiên trong mỗi cuộc trò chuyện, việc cha mẹ chú ý lắng nghe sẽ giúp con trẻ tự tin bộc bạch, thổ lộ những suy nghĩ, cảm xúc, trải nghiệm của mình.
Hãy khuyến khích trẻ luôn sẵn sàng nói ra vấn đề, câu chuyện, bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của mình, chú ý tôn trọng, không cắt lời trẻ. Học cách lắng nghe trẻ một cách chăm chú và lịch sự, không nên ngắt lời trẻ khi trẻ đang cố kể câu chuyện của mình.