Trẻ nhỏ dù rất nhanh quên nhưng cũng cực kỳ nhạy cảm, một số câu nói vô tình của bố mẹ có thể khiến trẻ bị tổn thương và nhớ mãi không quên.
Bố mẹ nào cũng có tấm lòng yêu thương con cái, nhưng đôi khi những lời nói bình thường của người lớn có thể khiến trẻ tổn thương sâu sắc mà chúng ta không hề hay biết.
Trẻ nhỏ dù rất nhanh quên nhưng con cũng cực kỳ nhạy cảm, những gì khiến con bị tổn thương thì có thể nhớ mãi không quên.
Các chuyên gia tâm lý đã tổng hợp 6 câu nói phổ biến mà bố mẹ thường sử dụng khi nói về con cái. Phụ huynh cần thực sự thận trọng trong việc sử dụng ngôn từ, để tránh gây ra những hiểu lầm hay tổn thương khó có thể hàn gắn trong tâm trí con trẻ.
"Sao con chẳng biết làm gì khác ngoài chơi vậy?"
Bản chất của trẻ em thích vui chơi, trẻ luôn bị hấp dẫn bởi nhiều thứ lạ mắt mà đôi khi quên mất mình phải làm gì. Trong tình huống này nhiều bậc phụ huynh nóng giận, vô tình buông câu "Sao con chẳng biết làm gì khác ngoài chơi vậy?", điều này lâu dần khiến trẻ cảm thấy tự ti, bản thân thật vô dụng.
Trên thực tế, cha mẹ chỉ cần sử dụng những nguyên tắc tử tế và vững chắc trong "Kỷ luật tích cực" để cùng con hình thành các quy tắc, thời gian vui chơi trong ngày.
Đồng thời, để trẻ không chỉ tận hưởng niềm vui khi chơi mà còn học được tính tự chủ, sự quản lý của cha mẹ cũng không tạo cảm giác quá áp đặt mà khiến trẻ tự nguyện thực hiện.
"Con chẳng biết gì cả, thật ngu ngốc và vô dụng"
"Sao con chẳng biết gì vậy, thật ngu ngốc" đây là một câu bạo lực bằng lời nói có thể khiến trẻ tổn thương lòng tự trọng, lâu dần trẻ tự cho mình là một kẻ ngốc bẩm sinh và không có tài năng gì đặc biệt.
Đồng thời, trẻ nhỏ không biết gì nên hay bắt chước lời nói và hành động của cha mẹ, những ngôn từ mà cha mẹ thường xuyên sử dụng sẽ khiến trẻ mặc định rằng bản thân mình cũng được phép nói.
Không những vậy, khi trẻ bị cha mẹ chê trách quá nhiều, trẻ sẽ có xu hướng quay lại “soi” hành vi của cha mẹ và bạn bè. Và điều rất có thể xảy ra là khi cha mẹ mắc lỗi thì trẻ cũng sẽ gọi cha mẹ là “kẻ ngốc”.
Tốt nhất, nếu không hài lòng điều gì ở trẻ, cha mẹ hãy cẩn thận chỉ bảo cho trẻ để trẻ làm tốt hơn và đừng quên một vài lời động viên tới trẻ. Bởi con người chúng ta vốn dĩ thích được khen ngợi, và trẻ em lại càng thích vậy.
"Mẹ thực sự thấy hối hận khi sinh ra con"
Khi cha mẹ nói câu này, trong lòng trẻ sẽ nghĩ, mình có nên được sinh ra trên thế giới này không, sẽ nghĩ mình là người thừa, là gánh nặng, từ đó tạo ra áp lực tâm lý rất lớn.
Trong một số trường hợp, nuôi dưỡng con bằng những câu nói mang tính chất sỉ nhục, khích tướng hay chỉ trích có thể giúp đứa trẻ thành công, nỗ lực hơn nhưng chắc chắn đó không phải đứa trẻ hạnh phúc.
Mang một áp lực tâm lý như vậy, đứa trẻ sống khép kín, khó hòa nhập với bạn bè, và mặc cảm tự ti. Câu nói của cha mẹ làm tổn thương tâm lý trẻ và theo con đi đến suốt cuộc đời, luôn cho rằng bản thân kém cỏi nên mới làm cha mẹ phải hối hận khi sinh ra mình.
"Con đừng khóc nữa, mau đi ra khỏi đây"
Có những đứa trẻ vì một điều nhỏ nhặt, một lời nhận xét thường tình cũng có thể khóc không ngừng, có khi cha mẹ chán nản mà ném lời, nếu con lại khóc thì hãy cút ngay khỏi đây.
Thực tế, nhiều đứa trẻ dùng tiếng khóc để thu hút sự chú ý của cha mẹ và thể hiện cảm xúc của mình, thậm chí người lớn cũng cần phải khóc để giải tỏa áp lực.
Trong cuốn sách "Khoa học về não bộ giải nén", các thí nghiệm đã chứng minh rằng hiệu quả giải tỏa áp lực của việc khóc tốt hơn nhiều so với việc cười, tác giả cũng đưa ra gợi ý nên khóc mỗi tuần một lần.
Vì vậy, khi trẻ quấy khóc, cha mẹ không nên nóng nảy mà mắng mỏ, hãy để trẻ dùng tiếng khóc thỏa thích, giải phóng cảm xúc của mình.
"Có gì đáng sợ đâu, con thật là hèn nhát"
Mỗi người đều có một nỗi sợ hãi, ám ảnh trong lòng khác nhau và trẻ nhỏ cũng vậy. Các bé thường sợ ma, sợ sâu bọ hay bất cứ một thứ gì có hình thù kỳ lạ.
Trước những nỗi sợ hãi của con mẹ nên an ủi và nói chuyện với con về nỗi sợ đó và giúp con vượt qua. Đừng vội nói câu "Có gì đáng sợ đâu, con thật là hèn nhát", nói với trẻ điều này chẳng giúp con bớt sợ đi được.
Sự bỏ mặc của cha mẹ và những lời chỉ trích ác ý sẽ chỉ khiến trẻ trở nên tiêu cực và kém tự tin hơn, đồng thời sẽ ghi dấu mình là kẻ thất bại, hèn nhát và kém cỏi trong tâm hồn.
"Bố mẹ là người lớn, con phải biết nghe lời"
Câu nói này của bố mẹ vừa làm tổn thương tâm lý trẻ, vừa khiến con trở nên rụt rè, nhút nhát, không dám thể hiện tư tưởng, suy nghĩ của mình. Một số phụ huynh luôn có tư tưởng mặc định rằng bố mẹ luôn đúng, người lớn luôn đúng, không cho con lên tiếng phản bác.
Kể cả khi con bị oan ức nhưng bố mẹ cũng chỉ nghe người khác nói và mặc định điều đó là đúng, không cho con được giải thích. Thực tế, bản thân trẻ cũng đã có nhận thức, có chính kiến, có suy nghĩ của riêng mình, trẻ cũng có nhu cầu được thể hiện bản thân.
Việc phụ huynh luôn kiểm soát, áp đặt suy nghĩ lên con, không con phát biểu ý kiến, kể cả khi con đúng sẽ hình thành tâm lý luôn lo sợ mỗi khi con muốn làm điều gì đó. “Liệu mình có được phép làm điều này không, liệu mình có nên lên tiếng không, mẹ sẽ không mắng mình chứ?”.
Tất cả những tâm tư này cứ xoay quanh tâm trí mỗi khi trẻ nhìn thấy một sự việc nào đó không phù hợp, nhưng thường kết quả là trẻ sẽ im lặng và không tham gia vì sợ bố mẹ.