Trẻ nhỏ thiếu hụt canxi trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển của xương, gây còi xương sớm, gù vẹo cột sống, chậm tăng chiều cao.
Canxi có vai trò quan trọng đối với sự phát triển chiều cao và sức khỏe xương của trẻ em. Không chỉ vậy, canxi là khoáng chất không thể thay thế cho sức khỏe răng miệng, tim mạch, sự tạo cơ, enzyme và các tế bào thần kinh, điều hòa nhịp tim.
Khi trẻ bị thiếu canxi, tùy thuộc vào mức độ nặng hay nhẹ mà dẫn đến những biểu hiện bệnh lý khác nhau. Trẻ sẽ có những vấn đề như cơn khóc thét, co cứng toàn thân, đỏ và tím mặt, đổ mồ hôi trộm… ngoài những biến chứng như trên thì về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến xương và gây còi xương sớm, biến dạng xương, gù vẹo cột sống, khiến trẻ chậm tăng chiều cao.
Dưới đây là 3 biểu hiện thường gặp nhất ở trẻ thiếu canxi, cha mẹ nên lưu ý để giúp con phát triển khỏe mạnh hơn.
Trẻ thường xuyên đổ mồ hôi trộm khi ngủ
Trẻ ra nhiều mồ hôi trộm khi ngủ thường được cha mẹ cho là biểu hiện bình thường vì khi bé nhỏ hơn 3 tuổi, quá trình trao đổi chất của cơ thể diễn ra nhanh hơn nhiều so với người lớn. Thế nhưng, nếu trẻ đổ quá nhiều mồ hôi, đến mức ướt đẫm quần áo kèm theo những biểu hiện bất thường khác thì có thể là dấu hiệu con đang thiếu canxi.
Canxi trong máu đóng vai trò quan trọng trong việc kìm hãm sự kích thích của thần kinh, bên cạnh đó canxi còn cần thiết cho sự phát triển của hệ xương khớp ở trẻ.
Trong khi đó, thành phần của mồ hôi lại chứa canxi nên nếu bé thường xuyên bị đổ mồ hôi trộm sẽ làm tăng nặng tình trạng thiếu hụt canxi khiến trẻ khó ngủ, hay quấy khóc, són phân, són nước tiểu…
Trẻ đổ mồ hôi trộm ban đêm có thể là dấu hiệu của việc thiếu canxi, khiến trẻ khó ngủ, hay quấy khóc mẹ cần lưu ý. (Ảnh minh họa)
Trẻ mọc răng muộn hơn các trẻ khác
Trên thực tế, bản thân sự thiếu hụt canxi có thể ảnh hưởng đến vấn đề răng miệng của trẻ. Nhiều trẻ bắt đầu mọc những chiếc răng đầu tiên từ 6 tháng tuổi và tùy vào gen di truyền, nếu bản thân thời điểm mọc răng của cha mẹ tương đối muộn thì chắc chắn thời gian mọc răng của trẻ sẽ bị chậm.
Tuy nhiên, nếu trễ hơn thời gian trên khá lâu mà con vẫn chưa có biểu hiện mọc răng thì lúc này các mẹ cần chú ý, vì đây có thể là biểu hiện của bé thiếu canxi.
Bởi thiếu thiếu canxi có thể khiến cho mầm răng của trẻ không thể phát triển dài ra để mọc lên. Đây là một trong những khoáng chất quan trọng nhất đối với trẻ sơ sinh. Nó cần thiết cho hoạt động của cơ bắp, hệ thống thần kinh và tim, phát triển xương và duy trì khối lượng xương ở trẻ sơ sinh.
Trẻ thiếu canxi thường mọc răng chậm hơn các trẻ khác. (Ảnh minh họa)
Rụng tóc hình vành khăn
Thiếu canxi có thể khiến trẻ dễ đổ mồ hôi hơn và rụng tóc, nhất là phần đầu phía sau, nơi tiếp xúc với gối. Mặc dù vậy, rụng tóc vành khăn cũng chưa hẳn là một dấu hiệu của thiếu hụt canxi, không nên cho bé bổ sung canxi không hợp lý mà chưa có sự cho phép của bác sĩ.
Muốn phân biệt tình trạng này, mẹ có thể đưa trẻ đến bệnh viện để xét nghiệm nguyên tố vi lượng, từ đó làm theo hướng dẫn của bác sĩ để điều trị cho phù hợp.
Ngoài những dấu hiệu sớm nêu trên, trẻ bị thiếu canxi trong thời gian dài có thể gây ra những dấu hiệu sau: Còi xương, thóp trán chậm liền lại sau 6 tháng tuổi, đầu bẹp, chậm phát triển các kỹ năng vận động như bò, lẫy, đi. Ở trẻ lớn hơn thường có những biểu hiện mệt mỏi, biếng ăn, gầy yếu, chóng mặt, ngủ không ngon giấc…
Rụng tóc hình vành khăn có thể là một trong số những dấu hiệu thiếu canxi ở trẻ. (Ảnh minh họa)
Để chẩn đoán chính xác mức độ trẻ thiếu canxi, trẻ cần được bác sĩ thăm khám, hoặc thậm chí là làm xét nghiệm kiểm tra. Bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên phù hợp cho các bậc phụ huynh về cách bổ sung canxi cho phù hợp, để phòng tránh thiếu canxi ở trẻ.
Vậy làm thế nào để nhận biết trẻ đang thiếu canxi và phải bổ sung như thế nào cho con? Cùng tìm hiểu thêm về tình trạng thiếu canxi ở trẻ nhỏ và lời khuyên của bác sĩ Nguyễn Khôi (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) bổ sung canxi cho trẻ một cách hợp lý.
Bác sĩ Nguyễn Khôi, chuyên khoa I - Nhi Khoa, Bệnh viện Đại học Y Dược cơ sở 2.
Canxi có vai trò như thế nào đối với sự phát triển của trẻ nhỏ?
Canxi là chất vi khoáng có vai trò quan trọng trong cấu tạo và điều hòa chức năng hoạt động của cơ thể con người, đặc biệt canxi cần nhu cao hơn bình thường khi trẻ đang trong giai đoạn phát triển của trẻ như trẻ sinh non, trẻ tuổi dậy thì cũng như người ở tuổi già,…
Canxi tham gia cấu tạo xương, khớp, răng, là thành phần chính tạo nên bộ khung xương của cơ thể. Phần lớn canxi tập trung ở xương, răng (99%), số ít còn lại nằm ở trong máu và dịch ngoại bào (1%).
Ngoài tạo xương, canxi còn giữ nhiều vai trò khác như dẫn truyền tế bào thần kinh, tham gia vào quá trình đông máu, sự bài tiết, cũng như chức năng co cơ. Nồng độ canxi trong máu phụ thuộc vào: sự tiết hóc môn tuyến cận giáp (PTH), sự hấp thu canxi trong khẩu phần ăn, sự hấp thu canxi ở thận, dự trữ canxi ở xương, tình trạng vitamin D.
Nhu cầu canxi của trẻ như thế nào ở từng độ tuổi?
Ở mỗi độ tuổi trẻ sẽ có nhu cầu canxi khác nhau, cụ thể:
- Trẻ non tháng: 120 -330 mg canxi/kg/ngày
- Trẻ đủ tháng: 250mg canxi/ngảy
- Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi sẽ cần 250 - 300mg canxi/ ngày.
- Trẻ từ 7 tháng tới 12 tháng tuổi cần 400 – 500 mg canxi/ ngày.
- Trẻ trong giai đoạn từ 1 đến 6 tuổi cần 500 - 600 mg canxi/ngày.
- Trẻ từ 7 đến 9 tuổi cần bổ sung 700 mg canxi/ ngày.
- Trẻ từ 10 tuổi trở đi hay tuổi dậy thì cần 1000 - 1200mg canxi/ ngày.
Nếu thiếu canxi, trẻ có thể bị ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và sự phát triển?
Như đã nói phần trên, khi cơ thể trẻ không được cung cấp đủ canxi sẽ ảnh hưởng cả cấu tạo cơ thể và chức năng hoạt động của con người:
Gây ra tình trạng còi xương, xương nhỏ, biến dạng, chậm lớn, lùn, răng mọc không đều, răng yếu, dễ bị sâu răng.
Ngoài ra khi thiếu canxi, hoạt động dẫn truyền thần kinh bị ức chế, nên trẻ thường có biểu hiện quấy khóc về đêm, hay giật mình khi ngủ, đổ mồ hôi trộm, rụng tóc.. thậm chí rối loạn chức năng vận động như co giật.
Bác sĩ đã từng điều trị những trường hợp trẻ thiếu hụt canxi chưa? Tình trạng này có phổ biến không?
Hiện nay, tình trạng dinh dưỡng của trẻ ở nước ta đã cải thiện đáng kể nên tình trạng thấp còi cũng giảm đi khá rõ rệt, tuy nhiên vẫn gặp các trường hợp thấp còi, thiếu canxi do biếng ăn và dinh dưỡng chưa hợp lý là hai nguyên nhân hay gặp nhất.
Biếng ăn: Trẻ biếng ăn có rất nhiều nguyên nhân như trẻ bị bệnh sau đó biếng ăn, do tâm lý, do thuốc như kháng sinh, hay sau tiêm chủng…tuy nhiên, cũng có loại biếng ăn do thiếu vi chất như thiếu sắt, kẽm dẫn đến ảnh hưởng đến những toàn thể trong đó có canxi và mage.
Dinh dưỡng chưa hợp lý: Hy vọng sau đọc bài này các bố mẹ sẽ có một số kiến thức cần thiết để điều chỉnh chế độ ăn uống cho hợp lý nhắm bổ sung canxi đúng và hiệu quả.
Đối với các trường hợp thấp còi khác như do gen hay nội tiết thì bố mẹ có thể liên hệ Bệnh viện Đại học Y Dược để được tham vấn và khám trẻ.
Vậy cha mẹ nên bổ sung canxi cho như thế nào là đúng cách để tránh tình trạng con bị thiếu canxi?
Chúng ta biết muốn nồng độ canxi trong máu ổn định ta chỉ có thể can thiệp được đó là khẩu phần ăn và tình trạng vitamin D của trẻ, còn những yếu tố như sự hấp thu canxi tại thận, hóc môn tuyến cận giáp … thì cần đến những chuyên gia trong lĩnh vực này.
Canxi có vai trò quan trọng với cơ thể của trẻ, do vậy việc bổ sung canxi cho bé đúng cách giúp trẻ phát triển khỏe mạnh là điều cha mẹ cần chú ý. Như ở trên, nhu cầu canxi ở mỗi độ tuổi là khác nhau, trẻ càng lớn nhu cầu bổ sung canxi càng cao. Vì vậy cha mẹ nên chú ý độ tuổi của con mình để bổ sung liều lượng canxi cho phù hợp.
Trong giai đoạn sơ sinh, sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ, tuy nhiên sữa mẹ thường thiếu canxi do đặc điểm chế độ ăn của mẹ trong giai đoạn này nên bố mẹ cần lưu ý bổ sung canxi trong trẻ ngoài việc phơi nắng để da trẻ tổng hợp vitamin D.
Trong trường hợp trẻ không phơi nắng được thì mẹ có thể bổ sung vitamin D dạng giọt (400UI/giọt) mà hiện nay có sẵn rất nhiều trên thị trường như: Aquadetrim, Sterogyl…Ngược lại những trẻ bú sữa công thức, thì việc bổ sung canxi là không cần thiết nếu trẻ phát triển tốt về chiều cao và cân nặng, vì trong đa số sữa công thức có hàm lượng canxi cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
Sau giai đoạn sơ sinh đến giai đoạn trẻ ăn dặm: những trẻ bú sữa mẹ sẽ tiếp tục bổ sung canxi theo hướng dẫn của nhân viên y tế và tiếp tục sử dụng vitamin D đến khi trẻ bắt đầu biết đi hoặc đến 12 tháng tuổi là tốt nhất. Sau giai đoạn này trẻ có thể chạy nhảy và thâm giai nhiều hoạt động ngoài trời thì có thể việc bổ sung không cần tính liên tục và chỉ gián đoạn.
Một giai đoạn quan trọng cần nhấn mạnh là giai đoạn trẻ dậy thì nhu cần canxi cho nhóm trẻ này rất cao do đó bố mẹ cần cho trẻ một chế độ ăn phù hợp để bổ sung canxi cho bé qua đường ăn uống cha mẹ có thể mua các loại thực phẩm như hải sản gồm cá, cua, tôm sò,… hay các loại rau cải xoăn, cần tây, bắp cải, diếp cá để tăng cường sức khỏe cho xương. và việc bổ sung canxi là rất cần thiết trong giai đoạn này nhưng cũng cần tham khảo nhân viên y tế tránh tình trạng quá mức dẫn đến các rối loạn trong cơ thể như táo bón, sỏi thận,…
Không chỉ đúng liều lượng mà cha mẹ còn chú ý đúng thời điểm để có thể đạt hiệu quả tốt nhất. Thời điểm bổ sung canxi cho trẻ tốt nhất là vào buổi sáng, sau bữa ăn khoảng từ 30 đến 60 phút. Đây là lúc trẻ được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, tổng hợp vitamin D và hấp thụ canxi tốt. Không cho trẻ uống canxi vào buổi tối hoặc buổi chiều sẽ khiến canxi bị lắng đọng trong cơ thể và gây khó ngủ.