Bất kỳ đứa trẻ nào cũng có mặt mạnh và mặt yếu, chưa nói có những đứa trẻ hiện tại cực kỳ khiến người lớn phiền chán nhưng trong tương lai ngược lại chúng lại vô cùng hứa hẹn đấy!
Quá trình phát triển và trưởng thành của mỗi đứa trẻ là một hành trình dài, chứa đựng nhiều sự thay đổi, biến hóa. Vì vậy, đừng bao giờ vội vã nhận xét về 1 đứa trẻ, nhất là những kết luận theo hướng tiêu cực. Bất kỳ đứa trẻ nào cũng có mặt mạnh và mặt yếu, chưa nói có những đứa trẻ hiện tại cực kỳ khiến người lớn phiền chán nhưng trong tương lai ngược lại chúng lại vô cùng hứa hẹn.
1. Đứa trẻ “mặt dày”
Các bậc cha mẹ thường đau đầu khi bản thân dù mắng con nhiều lần, thậm chí dùng đến đòn roi mà con vẫn “nhơn nhơn” ra, không hề sợ hãi hay cảm thấy xấu hổ chút nào. Điều đó khiến cha mẹ bực bội vô cùng, không rõ trẻ có tiếp thu những lời dạy dỗ của mình hay không, dần dà mà mất đi tin tưởng với đứa trẻ.
Một đứa trẻ “mặt dày” chưa chắc đã là không tốt. (Ảnh minh họa)
Nhưng thực tế, tính cách có phần đáng ghét đó của trẻ lại chứa đựng mặt tốt của nó. Chính bởi ngày nay trẻ nhỏ được cha mẹ, gia đình bao bọc quá kỹ, thành thử chúng khó chịu đựng được sự phê phán, chỉ trích từ người khác. Chúng có lòng tự trọng rất cao, dễ dàng bị tổn thương khi bị phê bình. Ngược lại, những đứa trẻ “mặt dày”, không biết xấu hổ kia lại mạnh mẽ hơn nhiều, có thể bình tĩnh, không suy sụp về mặt cảm xúc khi có chuyện gì đó diễn ra không đúng ý mình.
Ở giai đoạn trẻ học tiểu học, cha mẹ hẳn sẽ đau đầu với đặc điểm tính cách này của con. Nhưng khi trẻ dần lớn lên, những đứa bé như vậy sẽ vững tâm lý hơn trước áp lực học hành, thi cử. Sau này bước ra ngoài xã hội, cơ hội chắc chắn không dành cho những người hay ngượng ngùng, xấu hổ, dễ bị đả kích, chỉ một câu nặng nhẹ của người khác đã đau khổ và suy nghĩ lo âu.
Vì vậy mới nói, một đứa trẻ “mặt dày” chưa chắc đã là không tốt. Tương lai của chúng có khả năng rất hứa hẹn đấy!
2. Đứa trẻ lãnh đạo một nhóm bạn cùng lớp
Cha mẹ thường lo con đi học “kéo bè kéo cánh” nghịch ngợm, gây họa. Nhất là con mình còn là người cầm đầu nữa thì thực sự khiến cha mẹ phải phát sầu. Có rắc rối gì xảy ra, chắc chắn đứa trẻ nhà mình phải chịu tội nặng nhất, bị giáo viên và các phụ huynh khác kịch liệt lên án.
Có lẽ cha mẹ không biết, trẻ nhỏ tuy rằng nhỏ nhưng trẻ cũng có những mối quan hệ xã giao của riêng chúng. Nếu con bạn có thể cầm đầu 1 nhóm các bạn cùng lớp đồng nghĩa với việc con bạn khiến những đứa trẻ khác bội phục, tin tưởng. Đó thực sự là một năng lực của trẻ chứ chẳng phải vô duyên vô cớ.
Rõ ràng đứa trẻ như vậy có sự tự tin, lòng can đảm, khả năng làm việc nhóm và chắc chắn trong tương lai khả năng ấy sẽ được phát huy.
Có lẽ cha mẹ không biết, trẻ nhỏ tuy rằng nhỏ nhưng trẻ cũng có những mối quan hệ xã giao của riêng chúng.
3. Đứa trẻ có đủ thứ ý tưởng kỳ quặc
Những đứa trẻ này trong đầu chúng luôn chứa đựng vô số những ý tưởng kỳ quặc, khiến cha mẹ cảm thấy chẳng ra đâu vào đâu, càng không biết trả lời thế nào những câu hỏi tưởng chừng như bất tận của chúng. Thậm chí chúng còn phá hỏng đồ đạc, hết cái này đến cái khác.
Điều đó có thể gây khó chịu cho cha mẹ nhưng cha mẹ hãy kiên nhẫn hơn với trẻ, đừng thiêu rụi sự ngây thơ, hồn nhiên và động lực của con. Bởi những đứa trẻ như vậy là những đứa trẻ giàu sự sáng tạo. Cha mẹ cần đánh giá cao, khuyến khích đặc điểm đó ở trẻ, tương lai sẽ giúp ích cho con rất nhiều.