Bé 1 tuổi nuốt nhầm cục pin gây tiếng nổ lớn, khói trắng và máu bốc ra từ miệng

Ngày 29/05/2020 18:39 PM (GMT+7)

Khi gia đình chạy đến thì cảnh tượng trước mắt vô cùng đau lòng.

Trẻ nhỏ chưa ý thức được những mối nguy hiểm xung quanh mình. Chính vì thế, mọi thứ trong cuộc sống dù là đơn giản nhất cũng rất dễ trở thành "sát thủ" gây hại đến tính mạng bé. Mới đây, câu chuyện về bé hơn 1 tuổi ở Sơn Đông, Trung Quốc nuốt nhầm cục pin số 7 khiến nhiều người khá bàng hoàng.

Bé 1 tuổi nuốt nhầm cục pin gây tiếng nổ lớn, khói trắng và máu bốc ra từ miệng - 1

Theo đó, khi bé trai (có tên thường gọi ở nhà là Beibei) đang chơi một mình trong phòng nhà ở Dương Tín, Tân Châu (Sơn Đông) thì những người thân đang ở phòng bên cạnh bất ngờ nghe thấy một tiếng nổ, sau đó là tiếng khóc của đứa trẻ.

Khi gia đình chạy đến, họ thấy có khói trắng bốc ra từ miệng em bé, một lượng lớn bột đen hòa lẫn với máu chảy ra từ miệng, vỏ rỗng của cục pin thứ 7 cũng rơi xuống đất thiếu mất phần kim loại cực âm.

Bé 1 tuổi nuốt nhầm cục pin gây tiếng nổ lớn, khói trắng và máu bốc ra từ miệng - 2

Biết đứa trẻ đã nuốt nhầm cục pin nên mới xảy ra tai nạn này, gia đình lập tức đưa bé đến bệnh viện. Bác sĩ chẩn đoán đứa trẻ bị thương rất nặng, niêm mạc bị bỏng, bé khó thở và khóc lớn. Rất may, sau khi được các bác sĩ tích cực điều trị, Beibei đã qua cơn nguy kịch. Đứa trẻ hơn 1 tuổi được chuyển đến phòng chăm sóc chuyên sâu PICU và phải dùng đến ống thông dạ dày rồi mới được xuất viện.

"Trẻ nhỏ khoảng 1 tuổi đang trong giai đoạn tò mò, muốn khám phá mọi thứ bằng miệng để thỏa mãn trí tò mò đó. Các bé sẽ cho vào miệng tất cả những thứ gì mà bé nhìn thấy, cầm được và bị hấp dẫn" - bác sĩ điều trị cho Beibei nói thêm.

Bé 1 tuổi nuốt nhầm cục pin gây tiếng nổ lớn, khói trắng và máu bốc ra từ miệng - 3

Trên thực tế, như bác sĩ đã nói ở trên thì tình huống trẻ nhỏ nuốt nhầm các dị vật vào trong bụng là chuyện thường xảy ra và có trường hợp nguy hiểm đến tính mạng. Không chỉ ở nước ngoài mà ngay tại Việt Nam, trường hợp cậu bé 5 tuổi từng bắt chước ảo thuật gia trên truyền hình nên đã nuốt luôn chùm chìa khóa vào bụng cũng khiến nhiều người bàng hoàng.

Theo đó, bệnh nhi là bé trai ở quận 7, TP.HCM. Người nhà kể lại, khi người lớn tìm không thấy chìa khóa tủ, vặn hỏi thì cậu con trai cho biết đã nuốt vào bụng rồi. Cậu bé kể rằng em làm theo trò ảo thuật được biểu diễn trên truyền hình, trong đó, ảo thuật gia đã làm biến mất chùm chìa khóa. Thấy vậy cậu bé làm biến mất chùm chìa khóa bằng cách nuốt trôi vào bụng.

Nghe con kể dứt lời, gia đình liền đưa cậu bé vào một phòng khám tư và được bác sĩ ở đây khuyên về nhà chờ thử 2 ngày, để chìa khóa "đi ra" bằng con đường tự nhiên khi đại tiện. Tuy nhiên, sau 2 ngày chờ đợi nhưng không thấy chìa khóa được thải ra ngoài, gia đình vội đưa cậu bé đi bệnh viện.

Bé 1 tuổi nuốt nhầm cục pin gây tiếng nổ lớn, khói trắng và máu bốc ra từ miệng - 4

Hình ảnh chùm chìa khóa khi còn nằm trong dạ dày cậu bé.

Tại bệnh viện, sau khi siêu âm và chụp X-quang các bác sĩ phát hiện vùng bụng của bệnh nhi có dị vật là chùm chìa khóa có 2 chìa, nếu để lâu trong bụng bị thức ăn quấn quanh sẽ trở thành lõi, khối bã thức ăn lớn dần gây hẹp môn vị, có thể gây tắc ruột. Nguy hiểm hơn, chùm chìa khóa rỉ sét dễ gây viêm nhiễm hoặc áp xe, tổn thương đường ruột, thậm chí gây thủng ruột, hoại tử ruột nguy hiểm đến tính mạng…

Xác định mức độ nguy hiểm của tình trạng hóc dị vật ở bệnh nhi, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiến hành nội soi cho bệnh nhi. Hình dạng dị vật khá phức tạp song chùm chìa khóa được kéo ngược lên thành công mà không làm trầy xước bên trong cơ thể. Tuy nhiên, chìa khóa cũng đã rỉ sét, sau khi được xử trí, sức khỏe của bé sau đó đã ổn định và ăn uống tốt, đi vệ sinh bình thường và đã được xuất viện về nhà về nhà.

Hướng dẫn xử trí khi trẻ nhỏ gặp tai nạn hóc hoặc nuốt dị vật

Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở, tùy từng trường hợp mà có cách xử trí hợp lý. Cần giữ bình tĩnh, tránh cố gắng móc dị vật ra khỏi miệng trẻ vì chưa chắc lấy ra được mà có khi đẩy vào sâu hơn. Hơn nữa, việc móc họng có thể dẫn đến nôn ói, trẻ hít sặc lại chất ói lại càng nguy hiểm hơn.

- Nếu trẻ vẫn tỉnh táo, hồng hào, không khó thở, vẫn khóc được nói được thì giữ nguyên tư thế ngồi, nhanh chóng mang đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, nếu đúng dị vật đường thở sẽ lấy ra.

- Nếu trẻ có biểu hiện tím tái, khó thở nặng, ngưng thở, không khóc được, không nói được thì sau khi gọi xe cấp cứu, cần phải tiến hành thủ thuật can thiệp kịp thời trong thời gian đợi xe tới.

- Với những bé còn tỉnh táo, nói được, cha mẹ nên để trẻ đứng thẳng. Một người đứng ra sau lưng, ôm ngang thắt lưng bé, một tay tạo thành nắm đấm ấn mạnh lên vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ.

Có 2 loại thủ thuật can thiệp

Đối với trẻ dưới 2 tuổi

- Cho trẻ nằm sấp, một tay giữ bé, một tay dùng lòng bàn tay vỗ thật mạnh 5 – 7 cái vào lưng bé, chỗ giữa hai xương bả vai. Hành động này sẽ khiến áp lực trong lồng ngực trẻ tăng lên để tống đẩy dị vật ra ngoài.

- Sau khi thực hiện xong mà trẻ vẫn khó thở và tím tái, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa, dùng hai ngón trỏ ấn nhanh, mạnh, đột ngột vào xương ức. Làm các động tác này tới khi nào bé thấy đỡ hơn, tỉnh táo hơn. Song song với việc đó là gọi xe cấp cứu.

- Nếu thấy cháo, sữa, canh… chảy từ mũi, miệng ra, cha mẹ cần hút sạch để thông đường thở cho con. Việc này cần làm sớm để tránh sữa không ứ đọng trong mũi, miệng.

Đối với trẻ trên 2 tuổi

- Trường hợp trẻ hôn mê, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, nắm 2 bàn tay thành 2 nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh liên tiếp tới khi nào bé tỉnh. Sau đó đưa bé ngay vào viện.

Lưu ý: Sau các bước sơ cứu, nếu dị vật hóc ra được thì vẫn cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện để kiểm tra, đề phòng dị vật còn sót lại ở đường thở.

Tưởng dịch nhầy trong mũi con, mẹ Hà Nội giật nảy người khi thấy thứ chui ra từ mũi bé
Nếu không kịp thời phát hiện và lấy dị vật ra, chị Hà không dám nghĩ là chuyện gì sẽ đến với con mình.
Theo Chi Chi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trẻ hóc dị vật