Việc ngửa đầu lên khi thấy máu mũi chảy càng khiến tình trạng sức khỏe bé thêm trầm trọng.
Những đứa trẻ trong độ tuổi mầm non, mẫu giáo thường rất nghịch ngợm nên không thể tránh khỏi việc gặp nạn. Thậm chí có bé còn đổ máu mũi, máu miệng, nếu người lớn không biết cách cầm máu đúng có thể khiến tình trạng thêm nặng nề.
Chị Tiêu Tiêu có một con trai 4 tuổi. Chị cho biết mới đây chị nhận được cuộc điện thoại từ phía cô giáo con gọi thông báo con trai chị nhập viện do bị bạn đánh chảy máu mũi. Chị tức tốc chạy tới. Rất may lúc đó em bé đã qua nguy hiểm.
Tuy nhiên chị được bác sĩ dặn dò rất nhiều và nghe được câu chuyện của cô giáo. Theo đó, khi thấy học sinh ngã chảy máu mũi, cô giáo đã yêu cầu học sinh của mình ngửa cổ lên để ngăn máu không chảy. Tuy nhiên ai ngờ cách sơ cứu này lại khiến máu chảy ngược vào trong khí quản, con chị Tiêu Tiêu ho sặc sụa nên được các cô đưa vào bệnh viện.
Rất may bệnh viện gần trường học nên các bác sĩ điều trị rất nhanh, em bé qua cơn nguy hiểm. Vị bác sĩ sau khi biết về cách cầm máu của cô giáo liền mắng té tát và yêu cầu không được cầm máu theo cách đó nữa.
Cách xử lý ban đầu khi trẻ bị chảy máu cam
Theo Ts. Bs Phạm Diệp Thùy Dương - Giảng viên bộ môn Nhi - Đại học Y dược TP.HCM, các trường hợp trẻ bị ngã khiến mũi bị tác động và trúng mũi sẽ dẫn đến chảy máu cam.
Khi trẻ bị chảy máu cam cha mẹ không nên hoảng loạn kẻo làm con sợ. Mẹ hãy giữ bé ngồi hoặc đứng yên, đầu hơi cúi ra trước rồi dùng ngón cái và ngón trỏ bóp một lực vừa phải lên chóp mũi, giữ nguyên khoảng 10 phút. Đối với những trẻ đã ý thức được mẹ để bé tự làm.
Sau 10 phút, mẹ hãy buông tay ra và đợi để kiểm tra nếu máu tiếp tục chảy hãy lặp lại động tác nói trên. Trong 10 phút tiếp theo, nếu máu vẫn tiếp tục chảy mẹ hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Trong sơ cứu trẻ chảy máu cam mẹ tuyệt đối không để trẻ nằm xuống hoặc ngửa đầu ra sau. Trẻ sẽ nuốt phải máu dẫn đến ói mửa. Bên cạnh đó, lưu ý không nên nhét khăn giấy, gạc hoặc bất cứ vật dụng nào khác vào mũi trẻ.
Khi nào cần đưa trẻ đến bác sĩ?
Mẹ hãy đưa trẻ đi bác sĩ ngay lập tức trong các trường hợp:
- Sau sơ cứu dùng tay bóp mũi mà máu mũi trẻ vẫn tiếp tục chảy.
- Khi máu chảy quá nhiều và nghẹt mũi kéo dài.