Biết chị Hằng đã làm mẹ đơn thân của 2 con gái, anh Kolja Zlebacic Sørensen khá bất ngờ nhưng khi nghe chị kể chuyện về các bé, anh lại bị cuốn hút thực sự.
Bước qua cuộc hôn nhân không hạnh phúc, tan vỡ rồi trở thành người mẹ đơn thân, thế nhưng chị Trần Thị Thu Hằng (hiện đang sinh sống tại thủ đô Copenhagen của Đan Mạch) chưa bao giờ ngừng ước mong sẽ tìm thấy tình yêu dành cho mình một lần nữa. Để rồi duyên phận an bài, đưa chị Thu Hằng và anh Kolja Zlebacic Sørensen - người chồng hiện tại, gặp gỡ tại mảnh đất hình chữ S nhỏ bé. Họ cùng nhau "kết sợi tơ hồng", trở về Đan Mạch vun đắp một tổ ấm mới, cùng nhau nuôi dạy 2 cô công chúa nhỏ sinh đôi Bảo Linh - Bảo Nhi (5,5 tuổi).
Vợ chồng chị Thu Hằng - anh Kolja Zlebacic Sørensen bên 2 con.
Thừa nhận làm mẹ đơn thân ở lần gặp thứ 2
Xin chào chị Thu Hằng, không biết cơ duyên nào đã đưa chị và anh Kolja Zlebacic Sørensen gặp nhau vậy?
Xin chào độc giả quý báo!
Mình gặp anh hồi tháng 12/2016. Khi đó anh đang đi du lịch vòng quanh thế giới, dự tính là 1 năm, anh xin nghỉ việc 1 năm cho kế hoạch du lịch này. Lúc đó anh đã đi được khoảng 4 tháng thì gặp mình ở TP.HCM, mình là mẹ đơn thân sống và làm việc ở nơi này.
Cả hai biết nhau qua một ứng dụng hẹn hò mạng xã hội, mình chưa thích anh vì mải chạy theo mấy anh chàng lãng tử (cười).
Anh thì kiên trì theo đuổi và gửi tin nhắn mỗi ngày, sau khoảng 4 tháng thì chính thức hẹn hò, anh chuyển công việc từ Bỉ về Bangkok để gần nhau hơn. Và từ khi biết đến lúc kết hôn là khoảng hơn 2 năm, mình kết hôn tháng 5/2019 ở Đan Mạch.
Bao lâu thì chị để anh biết việc mình đang làm mẹ đơn thân?
Ngày đầu tiên hẹn hò anh không biết mình có con vì mình nghĩ khi không có cảm xúc với người này, mình sẽ không gặp nữa nên không cần phải "khai" chuyện con cái.
Lần 2 gặp vì mình nghĩ anh hiền lành có thể làm bạn được và mình dẫn anh vòng vòng Sài Gòn để biết đâu có sang Đan Mạch anh sẽ dẫn đi chơi (cười).
Lúc gặp lần 2 này thì mình nói có 2 đứa con gái sinh đôi từ cuộc hôn nhân trước. Anh khá bất ngờ, sau đó mình kể về tụi nhỏ thì anh rất thích nghe. Chuyện ngày thứ 2 anh mới biết mình có con làm sau này anh hay trêu là tại thích anh nên giấu giếm (cười).
Sau đó, vì sao chị lại quyết định đưa 2 con cùng anh sang Đan Mạch định cư?
Mình quyết định cùng anh ra nước ngoài định cư có nhiều lý do, chủ yếu là ở nơi anh. Anh làm việc ở Bangkok 1,5 năm và dự án thành công, nhưng nếu anh tiếp tục ở Châu Á thì anh phải làm việc ở Singapore, công ty anh không có văn phòng đại diện ở Việt Nam. Anh làm ở Đan Mạch quen, nơi có sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, trong khi Châu Á thì làm việc kiểu khác. Với vấn đề khói bụi ở Châu Á làm anh bị vấn đề về hô hấp. Mình với tụi nhỏ sẵn tính ham chơi, cứ thấy đi là đi thôi.
Thực ra mình biết môi trường giáo dục tốt, nếu qua mà không đi làm thì cũng đi học, 3 mẹ con đi học cho bớt "dốt" (cười). Thế là quyết định là xây dựng cuộc sống gia đình bên Đan Mạch.
Vậy những ngày đầu các con tiếp xúc với một người đàn ông, một người cha mới trong gia đình diễn ra như thế nào, thưa chị?
Những ngày đầu của anh và con tiếp xúc là lúc còn hẹn hò, khi đó con chưa biết nói tiếng Anh, không nói chuyện được nên họ chơi đồ chơi với nhau. Anh nắm tay con trên vỉa hè hoặc đẩy xích đu cho con khi đi chơi.
Con thì nó thấy vui khi có thêm người chơi với.
Mình kể anh nghe về những câu chuyện của các con. Khi đó mình cũng quyết định gửi con học mẫu giáo quốc tế để con nói được tiếng Anh, sau này thì các con và anh nói tiếng Anh với nhau. Giờ thì nói tiếng Đan Mạch với nhau.
"Cái gì cũng chờ ba về để kể, không thích nói cho mẹ nghe"
Trong cuộc sống đời thường, những hành động nào của ông xã dành cho các con khiến chị thực sự cảm động? Các bé đối với ba thế nào?
Để nói hết thì không đếm xuể nhưng những điều nhỏ nhặt như đọc sách/truyện cho các con mỗi tối, anh đều làm, trừ lúc anh đi công tác, còn ngoài ra không sót ngày nào. Anh dạy tụi nhỏ làm bánh, ép nước trái cây, làm đồ thủ công, anh gọi chúng í ới khi thấy máy bay nhỏ bay ngang hoặc có cần cẩu ngay gần cửa sổ.
Anh hay nói chuyện với các con bằng tiếng Đan Mạch mà mình nghe chẳng hiểu nhưng âm điệu của họ thì như thương nhau từ kiếp trước. Anh hay suy nghĩ là anh đã thích gì khi còn nhỏ thì sẽ tạo ra cho con, các trò chơi, những cuộc phiêu lưu trong mộng tưởng. Anh chở con bằng xe đạp, nói chuyện và làm điệu bộ như anh bằng tuổi chúng. Anh hăng hái đi họp phụ huynh và nói chuyện với giáo viên rất lâu về các con, luôn tự hào về các con.
Đáp lại sự quan tâm của ba, các con giờ hầu như chỉ muốn nói chuyện với anh thay vì với mẹ. Cái gì cũng chờ anh về để kể như chim hót. Anh đi công tác thì nhớ, để dành phần bánh của mình cho anh. Kể hết ra như thế này mình tự dưng thấy ghen tỵ quá (cười).
Dành hết tình cảm cho các bé, vậy anh dành cho vợ những gì?
Cũng có chứ, anh thường xuyên trông con cho vợ có không gian riêng tư, không ngại massage lúc vợ mệt, lúc sáng sớm. Anh đưa vợ đi khắp nơi để trải nghiệm mọi thứ. Khi thấy vợ quá lo lắng về các con, anh hay chia sẻ để tìm ra giải pháp tốt nhất. Vào những ngày kỉ niệm, anh hay mua hoa, cắt hình trái tim nho nhỏ để trang trí chung với các món quà.
Vậy có lúc nào trong cuộc sống gia đình hơn 1 năm qua, anh chị gặp khó khăn, xích mích khi nuôi dạy hai bé chưa, thưa chị?
Có nhiều chứ. Nhiều lúc mình nóng tính và thiếu kiên nhẫn, hay la mắng con, anh thì dịu dàng đợi nguội rồi giải thích tại sao không nên như vậy.
Lúc chưa luyện cho con thói quen đi ngủ sớm thì 2 vợ chồng không có thời gian dành cho nhau. Giờ con đi ngủ sớm, rất tốt cho sự phát triển chiều cao và trí não của con. Và vợ chồng có không gian riêng tư hơn.
Quan điểm nuôi dạy con cái của cả hai là không nói dối con, coi con như người lớn với những vấn đề về gia đình, cho con biết sự thật theo hướng tích cực. Trẻ hay quên nên nhiều lúc phải nhắc đi nhắc lại khi con thắc mắc những câu hỏi khác nhau.
Điều thứ 2, chơi là học. Để con chơi và có tuổi thơ dài nhất có thể. Kích thích trí tưởng tượng của con bằng cách tưởng tượng cùng con và đặt câu hỏi cho con suy nghĩ.
Và điều cuối cùng, quan tâm tới thể chất của con bằng thực phẩm cân bằng dinh dưỡng và hướng con vận động ngoài trời. Chỉ được xem hoạt hình 25 phút/ngày, ngoài ra không được chơi bất kỳ đồ điện tử nào.
"Sẽ sinh thêm một em bé để anh có cơ hội làm cha ruột của ai đó"
Hiện tại, một ngày trong gia đình chị thường diễn ra như thế nào?
Một ngày của gia đình mình bắt đầu lúc 6:30 gọi các con dậy cùng ăn sáng ở nhà. 8h anh đi làm, mình đưa con đi học xong thì đến lớp học tiếng Đan Mạch hoặc mình về nhà làm việc nhà, viết lách, tập thể dục, nấu ăn, đọc sách.
3:30 chiều, đi đón con về tắm gội cho con ăn. 6:30 anh về, vợ chồng ăn cơm chung xong anh sẽ dọn dẹp bát đĩa. 7:45 anh đọc truyện cho con. 8-8:15 tụi nhỏ đi ngủ, xong vợ chồng tắm gội. 10h tiếp tục ngủ.
Thứ 7, chủ nhật, gia đình thường đi tàu hoặc thuê ô tô ra ngoại ô ngắm biển và đi dạo trong rừng. Hôm nào thời tiết xấu thì ở nhà quây quần bên nhau.
Về vấn đề kinh tế trong gia đình thì sao, thưa chị?
Anh hiện tại đang là người duy nhất đi làm trong nhà. Tụi nhỏ được ba chúng trợ cấp tốt nên phần lương của anh sẽ chia ra 3 phần: 1 phần trả góp tiền mua nhà (coi là khoản đầu tư và có chỗ tử tế sinh sống), 1 phần cho sinh hoạt phí của gia đình, 1 phần đóng cho quỹ hưu trí và bảo hiểm để sau này về già vẫn có nguồn chăm sóc.
Hiện tại, mình chưa đi làm nên nấu nướng cho cả nhà vào trong tuần, anh nấu nướng cuối tuần. Nhà mình thường cùng làm, các con thì quét nhà gấp áo quần, anh dọn dẹp chén bát và đổ rác, mình nấu ăn.
Anh chị đã có kế hoạch sinh thêm em bé trong tương lai chưa?
Anh muốn sinh em bé, mình thì hơi ngần ngại vì sợ khổ. Ngày xưa mình làm ống nghiệm vì khó mang bầu, bầu thì nghén và doạ sảy vật vã, đẻ ra cân nặng tốt nhưng nuôi vật vã lắm. Rồi chuyện tình đổ vỡ với ba tụi nhỏ làm mình có suy nghĩ là mình sinh con ra là ích kỷ của bản thân khi việc giữ được gia đình cho con thì không nằm hoàn toàn ở mình.
Mình sợ con thiệt thòi về tinh thần và vật chất. Mình cũng sợ mình không đủ mạnh mẽ để nuôi dạy con. Nhưng nhiều lúc nghĩ lại thì cũng thấy anh thiệt thòi, anh đối xử rất tốt với vợ và các con nên mình nghĩ nếu cứ khăng khăng không đẻ cũng là một thiệt thòi cho anh. Mình tính là khi có việc làm ổn định mình sẽ để thả trong 1 năm nếu có thì là duyên. Cũng là cách cho anh một cơ hội làm cha ruột một ai đó.
Xin cảm ơn chị về những chia sẻ!