Trước diễn biến phức tạp của virus corona, nhiều tỉnh, thành cho học sinh nghỉ tránh dịch liên tiếp 2 tuần. Vậy chăm con ở nhà như thế nào để đảm bảo an toàn cho trẻ cũng là trăn trở của nhiều bậc phụ huynh.
Sinh hoạt của gia đình bị đảo lộn, các con ít được vận động
Kế hoạch quay trở lại công việc và sinh hoạt như bình thường của chị Đỗ Thị Tuyết Mai (38 tuổi) ở Hàng Bông, Hà Nội sau Tết đã thất bại khi nhận được thông báo từ cô giáo chủ nhiệm của hai con - bé Hiểu Linh (lớp 6B, trường THCS Nguyễn Du) và bé Thanh Hải (lớp 2A, trường Tiểu học Thăng Long), nhà trường sẽ tiếp tục cho các em học sinh nghỉ thêm một tuần từ ngày 10/2 đến hết 16/2 để phòng lây lan virus corona.
Trước đó một tuần khi nhận được thông báo học sinh toàn thành phố nghỉ học từ 3/2 đến 9/2 để phòng dịch nCoV, chị Mai đã phải giảm bớt khối lượng công việc của mình để chăm sóc cơm nước cho các bé.
Cả hai con chị Mai đều được ở nhà để chống dịch. Ảnh: Bill Bong
Chị Mai cho biết: “Ngoài tư vấn bảo hiểm nhân thọ, mình còn mở một cửa hàng mỹ phẩm, công việc hằng ngày vốn rất bận rộn nên hai vợ chồng ít khi ăn bữa sáng và trưa ở nhà. Tuy nhiên, từ khi các con được nghỉ học để phòng dịch bệnh thì mình và chồng thay nhau chuẩn bị bữa sáng và bữa trưa ở nhà cho các con. Tuần đầu hai vợ chồng còn lo chu đáo được cho các con chứ nghỉ tiếp thêm một tuần này nữa thì đúng là “khốn đốn”. Các con nghỉ học ở nhà để phòng dịch song cũng khiến sinh hoạt của gia đình bị đảo lộn ít nhiều”.
Biết không thể thay đổi tình thế, chị Mai sắp xếp lại công việc và coi đây là dịp tốt nhất để chị và các con trao đổi, hiểu nhau nhiều hơn. Vì có con gái đang chuẩn bị bước vào độ tuổi dậy thì nên chị đã nói chuyện với bé nhiều hơn về những thay đổi trong tâm sinh lý cơ thể, còn bé trai của gia đình còn đang phải học những phép tính cơ bản nhân chia trong toán học nên đây cũng là lúc bố mẹ ngồi động viên con học kỹ hơn.
Ngoài giờ học, các bé của nhà chị Mai được mẹ cho ngồi máy tính để vừa giải trí và kết hợp học tiếng Anh online. Ảnh: Bill Bong
Theo lời chị Mai, trong đợt nghỉ chống dịch bệnh này, hằng ngày sau khi làm xong các bài tập cô giáo giao, các con sẽ được ra cửa hàng của mẹ chơi, chị sẽ cho mỗi bé 30 phút ngồi máy tính để giải trí kết hợp học tiếng Anh online, sau đó bé Hiểu Linh sẽ đọc sách, truyện tranh còn bé Thanh Hải lắp ghép đồ chơi lego. “Bình thường bé nhà mình sẽ chơi bóng cùng các bạn ở ngõ nhưng đang dịch bệnh nên mình cũng hạn chế cho con đến nơi công cộng. Ở nhà chúng như bị cùm chân, nhiều khi thấy tội lắm, chỉ mong dịch đi qua để các con được quay lại trường” – mẹ 8X nói.
Nhìn hai bé co cụm trong không gian chật hẹp giữa phố cổ, với mong muốn các con được vận động nhiều hơn nên tuần nghỉ thứ 2 trong đợt phòng chống dịch corona, chị Mai đã cho hai con về quê để chúng thỏa thích vui chơi, vận động. Trước khi về quê, chị không quên dặn các con ở với ông bà phải ngoan ngoãn, nghe lời và đặc biệt đi ra ngoài phải sử dụng khẩu trang, hạn chế tiếp xúc nơi đông người, và không quên phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước.
Một mình quản 8 đứa trẻ, mẹ bỉm sữa cho các con “thỏa thuận” chơi và học rõ ràng
May mắn hơn chị Mai, chị Đặng Quyên (39 tuổi) ở Hà Nội đang trong kỳ nghỉ thai sản nên không ảnh hưởng đến công việc khi một lúc quản lý và tổ chức sinh hoạt cho 8 đứa trẻ (4 bé là con và 4 bé là cháu).
Mẹ bỉm sữa nói: “Mình tin là nhiều cha mẹ có chung quan điểm với mình khi ưu tiên sự an toàn của các con lên trên hết. Hầu như dịp hè nào mình cũng tập hợp cả đội quân con, cháu cho chúng nó ăn, ở, vui chơi cùng nhau nên không mấy khó khăn việc tổ chức sinh hoạt cho lực lượng này trong dịp nghỉ chống dịch”.
Trong những ngày nghỉ ở nhà, bé lớn của nhà chị Quyên vẫn tham gia các chương trình học trực tuyến do lớp và trường tổ chức. Ảnh: Đặng Quyên
Đợt dịch này, chị Quyên ngoài việc nhắc các con thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng sau khi chơi, lau tay bằng khăn giấy tẩm cồn 70 độ, thực đơn ăn tăng cường rau xanh, ăn nhiều hoa quả... thì hàng ngày chị đều cho các bạn lớn đọc cập nhật các tin tức liên quan đến dịch bệnh, cùng nhau thảo luận để các con ý thức thêm về sự cần thiết phải bảo vệ sức khỏe. Cùng với đó chị cũng không quên cho các con đọc cả những tin mang yếu tố tích cực trong việc nghiên cứu và điều trị virus corona để các con không bị hoang mang.
Thời gian biểu sau khi điều chỉnh phù hợp, các bên nhất trí ký thoả thuận. Ảnh: Đặng Quyên
Chị Quyên cho biết, với đội quân con cháu “hùng hậu” đó, chị biết chúng rất thích ở cùng nhau những dịp hè, lễ, Tết nên chị sẽ yêu cầu chúng tự xây dựng thời gian biểu trình cho mẹ xét duyệt, sau khi điều chỉnh cho phù hợp, các bên sẽ cùng nhất trí ký vào bản thoả thuận và lấy đó làm căn cứ thực thi.
Trong những ngày nghỉ ở nhà chống dịch, quân số nhà chị Quyên tăng lên gấp đôi, bao gồm 4 bé là con của chị và 4 bé là cháu. Ảnh: Đặng Quyên
Tuy vậy, dù là “mực đen giấy trắng” rõ ràng nhưng để kế hoạch không bị đổ bể, vai trò giám sát, khuyến khích và đồng hành là rất quan trọng. “Trong 2 tuần nghỉ phòng chống dịch, bé lớn của nhà mình vẫn học trực tuyến theo chương trình của trường. Các bạn nhỏ thì cũng phải đôn đốc ôn bài theo hướng dẫn của cô giáo, và vẫn cùng nắm tay nhau đi qua những ngày bão corona chứ tình hình này cũng chưa dám nghĩ đến việc cho các con đi chơi hay đi du lịch” – chị Quyên cho biết.
Mẹ nhàn tênh vì được ông bà hỗ trợ “chống dịch”
Chị Tào Nga (Hà Đông, Hà Nội) có hai cô con gái hiện đang học lớp 3 (8 tuổi) và một bé hơn 4 tuổi. Trong đợt dịch viêm phổi do virus corona, nhà trường đồng loạt cho học sinh nghỉ học nên vợ chồng chị Nga bắt đầu lên kế hoạch chăm con và phòng dịch được chu đáo nhất.
Chị Tào Nga và 2 con.
May mắn là công ty nơi chị Nga làm việc tạo điều kiện cho những nhân viên có con nhỏ được nghỉ làm online ở nhà nhưng vẫn hưởng nguyên lương. Vì thế, chồng chị Nga đi làm bình thường còn 3 mẹ con quyết định có chuyến du lịch dài ngày về quê ngoại ở Thanh Hóa.
Quê ngoại và quê nội ở gần nhau nhưng vì nhà nội gần chợ, đông người nên 3 mẹ con chị Nga ít khi sang, thường ở bên nhà ngoại.
"Về nhà có ông bà lo cơm nước, cho cháu ăn, giặt giũ và chơi với các bé nên về cơ bản, mẹ cũng không gặp khó khăn nhiều, ôm chiếc máy tính ngồi làm việc từ lúc mở mắt cho đến nửa đêm.
Khoảng không gian nhà ông bà cũng rộng và khá tách biệt nên các bé chơi thích lắm, không sợ lây bệnh. Thi thoảng lôi xe đạp ra nghịch hoặc hai chị em tự chơi với nhau chứ không đòi hỏi gì nhiều.
Nhà ngoại có khoảng sân rộng rãi nên hai con chị Nga vui chơi không biết chán.
Tuy nhiên, cũng có lúc mẹ đang làm việc thì con chốc lại đòi uống sữa, đòi đi vệ sinh, leo lên người mẹ, bám đầu bám cổ, đòi ngồi vào lòng... cũng điên đầu.
Nghỉ học được 1 tuần, chị lớn thì đã kêu chán, muốn được đi học để được gặp bạn gặp bè nhưng em bé thì vẫn thích ở nhà để được gần mẹ" - chị Tào Nga chia sẻ.
Chị Nga dự định, nếu tình hình dịch bệnh vẫn kéo dài, các con vẫn được nghỉ học thì chị buộc phải trở lại công ty làm việc, hai vợ chồng thay nhau về thăm con. Về tình hình học tập của các bé thì vẫn bình thường, tuy không lên lớp nhưng bé vẫn làm bài do cô giáo giao hàng ngày, hôm nào đi học trở lại thì cô giáo sẽ kiểm tra.