Cha mẹ nhiều khi bận rộn có thể đón con muộn, thậm chí các bạn cùng lớp đã được bố mẹ đón về hết chỉ còn mình bé ở lại với cô giáo.
Đến giờ tan học, ở cổng trường mẫu giáo luôn là cảnh tượng đông đúc, nhộn nhịp các bậc cha mẹ tới đón con về nhà sau 1 ngày bé ở nhà trẻ. Cha mẹ nhiều khi bận rộn có thể đón con muộn, thậm chí các bạn cùng lớp đã được bố mẹ đón về hết chỉ còn mình bé ở lại với cô giáo. Cha mẹ hẳn sẽ nghĩ rằng điều đó không phải vấn đề gì quan trọng nhưng thực chất việc đón con từ nhà trẻ sớm hay muộn lại có ý nghĩa lớn lao với trẻ. Chẳng đứa trẻ nào muốn mình là người cuối cùng được đón về cả!
Đừng để trẻ là đứa bé cuối cùng ở lại
Có một người mẹ, vì chồng cô đi công tác nên một mình cô ở nhà phải chăm sóc, đưa đón 2 đứa trẻ đến lớp. Gần đến giờ tan tầm công ty cô lại có việc đột xuất, thành ra cô tới đón các con khá muộn. Cả hai đứa trẻ nhà cô đều là người cuối cùng được đón về.
Cậu con trai lớn đang học tiểu học thì không mấy bận lòng, còn an ủi cô rằng sang năm cậu bé lớn có thể tự mình về nhà, cô chỉ cần đón em gái cậu là được. Nhưng con gái út của cô thì khóc ngặt đi như thể cô bé thật sự bị mẹ bỏ rơi. "Các bạn đều có bố mẹ tới đón, sao mẹ không tới?", "Mọi người đều về hết rồi!" - con bé vừa khóc tới sưng mọng mắt vừa chất vấn mẹ mình.
Chẳng đứa trẻ nào muốn mình là người cuối cùng được đón về cả! (Ảnh minh họa)
Người mẹ hết lời giải thích với con gái rằng cô có việc bận bất khả kháng nhưng cô bé còn quá nhỏ để hiểu những chuyện của người lớn. Bé chỉ biết mẹ đến đón mình muộn, làm bé trở thành đứa trẻ cuối cùng trong lớp được đón về. Thậm chí bé cho rằng mẹ không yêu mình, nếu yêu mình đã đến đón mình sớm. Kinh khủng hơn, bé còn nghĩ đến khả năng mẹ quên mất bé hoặc đã bỏ rơi bé.
Không ít bậc cha mẹ không hiểu tại sao chỉ là 1 việc nhỏ như bố mẹ đến đón muộn mà con mình có thể khóc lóc thê thảm tới mức ấy, sau đó còn chê trách con không ngoan, không hiểu cho sự vất vả của cha mẹ. Nhưng cha mẹ cũng đã đặt mình vào vị trí của con để thấu hiểu cho bé hay chưa?
Trẻ nhỏ mẫn cảm hơn người lớn tưởng rất nhiều. Cảm giác không an toàn sẽ ảnh hưởng lớn tới tâm lý của trẻ. Việc cha mẹ đón con muộn, để trẻ ở lại một mình trong khi các bạn đã về hết không nghi ngờ gì chính là một hành động khiến trẻ thiếu đi cảm giác an toàn.
Kể cả những đứa trẻ đã hiểu chuyện cũng không tránh được tủi thân
Có một cô bé đang học tiểu học, vì cha mẹ bé rất bận rộn, thường xuyên tăng ca nên bé luôn là người cuối cùng ở lại lớp. Thế nhưng bé không hề khóc lóc, náo loạn mà vô cùng ngoan ngoãn. Bé lần lượt tạm biệt các bạn cùng lớp được cha mẹ đón về trước, còn một mình ở lại bé sẽ quét tước lớp học giúp cô giáo, sau đó mang sách vở ra làm bài tập trong lúc chờ mẹ tới đón về.
Nhưng có 1 ngày, khi mẹ bé tới đón con, bé đột nhiên khóc váng lên. Thế mới biết, kể cả trẻ có tỏ ra ngoan ngoãn tới mức nào thì trong lòng trẻ vẫn chất chứa tủi thân. Bởi vì trẻ dù đã hiểu chuyện, biết thương bố mẹ thì bản chất vẫn chỉ là 1 đứa trẻ, chẳng hề mong muốn phải ở lại lớp sau cùng chút nào.
Kể cả những đứa trẻ đã hiểu chuyện cũng không tránh được tủi thân. (Ảnh minh họa)
Đừng coi đón trẻ là một nghĩa vụ
Cha mẹ là những người gần gũi nhất với trẻ, mang lại cảm giác an toàn cho chúng. Sự kết nối, ràng buộc giữa cha mẹ - con cái được xây dựng từ nhiều điều nhỏ nhặt, như một cái nắm tay khi đi qua đường hoặc như việc đón trẻ vào mỗi cuối ngày tan học. Cha mẹ hẹn nhưng không đến khiến trẻ cảm thấy lo lắng, đánh mất đi cảm giác an toàn trong mối quan hệ với cha mẹ.
Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng đón con chẳng khác gì một công việc, nghĩa vụ, đón lúc nào chẳng được, sớm muộn vài phút có sau đâu vì còn cô giáo mà. Ý nghĩ đó vô cùng sai lầm! Đón con không phải một nhiệm vụ, đó là một cách để cha mẹ hiểu thêm về trẻ khi trên đường về hỏi con vài câu đơn giản: “Hôm nay con ở trường thế nào?”, “Hôm nay các con ăn gì?”.
Và rõ ràng, việc đón trẻ có “chất lượng cao”, đón sớm một chút sẽ khiến đứa trẻ vô cùng hạnh phúc. Niềm vui của con trẻ nào phải cao xa gì đâu. Chỉ cần được cha mẹ nắm tay đi bộ trên quãng đường về mỗi ngày cũng đủ khiến bé trở thành đứa trẻ hạnh phúc nhất ở trường mẫu giáo!