Đến tuổi dậy thì bé trai cũng có những thay đổi đáng kể về thể chất cũng như tinh thần. Tuy nhiên, các bé lại thường ít chia sẻ với cha mẹ. Vì thế, phụ huynh cần chủ động quan tâm tới con và có cách nuôi dạy hợp lý ở thời điểm này.
Cha mẹ cần phải có những hiểu biết nhất định về lứa tuổi dậy thì nếu có con trai đang trong độ tuổi này. Như vậy mới có thể thấu hiểu, gần gũi và chăm sóc tốt cho con.
1. Tuổi dậy thì ở bé trai kéo dài bao lâu?
- Thông thường, tuổi dậy thì sẽ kéo dài khoảng từ 2-5 năm. Các bé trai sẽ bước vào tuổi dậy thì từ khoảng 9-14 tuổi.
- Vì mỗi người sẽ có cơ địa và thể chất rất khác nhau nên cũng khó có thể xác định một cách chính xác khi nào thì kết thúc tuổi dậy thì ở các bé trai. Tuy nhiên thường ở khoảng 16-18 tuổi nam giới sẽ kết thúc tuổi dậy thì.
Thông thường, tuổi dậy ở bé trai giới kéo dài từ 2-5 năm. (Ảnh minh họa)
2. Dấu hiệu tuổi dậy thì ở bé nam
- Cơ quan sinh dục: Sẽ tăng kích thước khoảng 8 lần cho đến khi nam giới đến độ tuổi 20. Các bé trai sẽ gặp phải tình trạng cương cứng thường xuyên hơn và thường bị mộng tinh khi ngủ.
- Mọc lông: Bước vào tuổi dậy thì, bé trai sẽ thấy xuất hiện lông ở một số bộ phận trên cơ thể như chân, ngực, nách, bụng….
- Giọng nói ồm hơn: Khi trẻ dậy thì, thanh quản được mở rộng ra. Điều này dẫn đến giọng nói của các bé trai sẽ trầm, trở nên nam tính và trưởng thành hơn.
- Xuất hiện mụn trứng cá: Các tuyến bã nhờn ở trên da hoạt động mạnh dẫn đến sự xuất hiện của mụn trứng cá. Đây là một trong những đặc điểm phổ biến nhất ở độ tuổi dậy thì của các bé trai.
- Cơ bắp tăng: Cơ bắp của bé được tăng lên. So với các bé gái, cơ bắp ở bé trai nhiều hơn đến 50%.
- Tăng chiều cao: Khung xương phát triển mạnh hơn do Testosterone tuổi dậy thì tăng cao làm chiều cao ở nam giới tuổi dậy thì tăng nhanh so với trước.
- Tăng ham muốn tình dục: Testosterone đánh thức ham muốn tình dục. Vậy nên các bé trai luôn có cảm xúc mạnh mẽ hoặc suy nghĩ về tình dục là điều bình thường khi bước vào độ tuổi dậy thì.
Ở tuổi dậy thì, do tuyến bã nhờn trên da hoạt động mạnh nên nam giới sẽ có mụn trứng cá. (Ảnh minh họa)
3. Tâm lý tuổi dậy thì ở bé trai
Ngoài những thay đổi về thể chất, sinh lý thì bé có những thay đổi về tâm lý, tính cách, hành vi ứng xử như sau:
- Tính độc lập: Bé sẽ có xu hướng tách ra, ít phụ thuộc vào cha mẹ hơn. Đôi khi, trẻ còn có biểu hiện chống lại các quan điểm của cha mẹ.
- Muốn khẳng định mình: Trẻ muốn khẳng định mình như một người lớn, có các hành vi bắt chước người lớn.
- Trái tim rung động: Bắt đầu học cách biểu lộ tình cảm và điều khiển cảm xúc, phát triển khả năng yêu và được yêu, rung động trước người khác giới
- Tính tích hợp: Tự bản thân bé sẽ quan sát, thu thập thông tin từ mọi người xung quanh như cha mẹ, bạn bè, thầy cô để tạo ra giá trị của bản thân.
- Trí tuệ: Ở độ tuổi này, con thường thích lập luận, nhìn sự vật theo quan điểm lý tưởng hóa.
Khi bước vào tuổi dậy thì, trẻ sẽ có xu hướng tách ra, ít phụ thuộc vào cha mẹ hơn.
4. Cách nuôi dạy con trai tuổi dậy thì
Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ
Lúc này, trẻ đang phát triển mạnh mẽ nên cha mẹ cần chú ý bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho trẻ. Để phát triển cơ bắp, bé cần một lượng chất đạm nhiều hơn người trưởng thành (chiếm từ 14-15 % tổng lượng thức ăn mỗi ngày). Ngoài ra, các loại thực phẩm chứa nhiều sắt, canxi, chất béo không bão hòa cũng rất cần thiết cho trẻ trong giai đoạn này.
Dạy con về giới tính
Khi con bước vào tuổi dậy thì, cha mẹ cần phải cởi mở nói chuyện với con về vấn đề giới tính. Hãy lắng nghe các thắc mắc của trẻ và cho con biết rằng những thay đổi của cơ thể ở giai đoạn này là điều bình thường và không cần phải lo lắng. Với các bé trai, phụ huynh nên giải thích cho bé về những hiện tượng xảy ra ở tuổi dậy thì như: xuất tinh, cương dương, mộng tinh….
Cha mẹ cần cởi mở nói chuyện với con về vấn đề giới tính. (Ảnh minh họa)
Dạy con về tinh thần trách nhiệm
Tinh thần trách nhiệm là điều cực kỳ cần thiết đối với mỗi một chàng trai. Vì thế cha mẹ phải giúp con hiểu được rằng trách nhiệm không chỉ dừng lại ở việc hoàn thành nhiệm vụ mà còn phải cố gắng để đạt mục tiêu cao nhất. Phụ huynh có thể dạy con bắt đầu từ những việc đơn giản nhất như: giữ gìn vệ sinh cá nhân, làm công việc nhà, dọn dẹp phòng... Nếu con làm tốt hãy khích lệ bé để trẻ thấy phấn khởi, hào hứng hơn.
Dạy con cách yêu thương, quan tâm mọi người
Cha mẹ hãy dạy con cách nhường nhịn, lễ phép với người lớn tuổi. Ngoài ra, con cũng luôn phải có sự yêu thương và tôn trọng mọi người. Hãy khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động xã hội, chương trình từ thiện... để con có tấm lòng bao dung và vị tha. Sau này cho đến khi trưởng thành, bé sẽ trở thành một người đàn ông tốt bụng và tinh tế.
Dạy con an ủi người khác
Đây là điều mà mỗi bậc cha mẹ nên dạy cho các bé trai đang độ tuổi dậy thì. Thông qua việc an ủi một ai đó khi đang gặp những chuyện không vui, con sẽ học được cách sẻ chia với người khác, biết lắng nghe, thấu hiểu và quan tâm tới mọi người. Việc này sẽ giúp ích cho những mối quan hệ xã hội về sau này của trẻ.
Phụ huynh nên dạy các bé cách an ủi người khác. (Ảnh minh họa)
Nghiêm khắc khi con vi phạm quy tắc
Vì các bé trai tuổi dậy thì sẽ có tâm lý thích khẳng định bản thân nên rất dễ bị bạn bè lôi kéo. Thế nên cha mẹ cần phải đặt ra những quy tắc với con như: không hút thuốc lá, không uống rượu bia, không đi chơi về trễ….Bên cạnh đó phân tích cho trẻ hiểu tại sao lại không được làm những điều đó. Nếu con có lỡ vi phạm thì cha mẹ cần có thái độ nghiêm khắc để sau này trẻ không lặp lại sai lầm nữa.
Vị tha hơn với con
Các cậu con trai ở tuổi dậy thì có mắc sai lầm khiến bố mẹ buồn phiền có lẽ là điều khó có thể tránh khỏi. Thay vì mắng mỏ thì phụ huynh nên phân tích cho con hiểu, nghiêm khắc bảo ban con nhưng cũng cần vị tha để bé sửa chữa sai lầm. Như vậy thì chắc chắn trẻ sẽ nghe theo và tôn trọng cha mẹ hơn.