Trải nghiệm đi đẻ tại một trong những bệnh viện sản phụ tuyến đầu, mẹ bầu đã có chuyến đi đẻ như đi chơi tại đây.
Gần 2 tháng trước, mẹ bỉm Dứa Dứa (Hà Nội) đã trải qua một chuyến đi đẻ nhẹ nhàng mà trước đó có nằm mơ chị cũng không nghĩ lại như đi chơi như thế.
Nhập viện khi có dấu hiệu chuyển dạ sinh
Trước 2 ngày dự sinh, chị Dứa Dứa có dấu hiệu bị ra nhiều dịch màu nâu nhạt hơn. Hôm sau mẹ bầu này bắt đầu có những cơn co tử cung. Lúc đầu cứ vài tiếng xuất hiện 1 cơn và về sau cơn co tử cung càng mau hơn khoảng 1 tiếng 1 cơn.
Biết đã có dấu hiệu chuyển dạ nên mẹ bầu chuẩn bị tắm rửa sạch sẽ, ăn no để sẵn sàng chờ đợi cơn đau chuyển dạ. Cho tới đêm các cơn đau xuất hiện nhiều hơn, đỉnh điểm là 2h sáng cơn gò cứ 3-5 phút xuất hiện nên 2 vợ chồng trẻ bắt đầu xách đồ đi đẻ.
Nhiều sản phụ quyết định đi đẻ tại những bệnh viện chuyên khoa tuyến đầu để yên tâm.
Vào thẳng nhà B phòng 101 khám và làm thủ tục vì chọn đẻ dịch vụ
Vì chọn sinh dịch vụ nên mẹ bầu này vào thẳng nhà B phòng 101 (Phòng cấp cứu). Tại đây mẹ bầu được đi khám (đo xem mở mấy cm), còn anh xã chị sẽ ở bên ngoài làm thủ tục nhập viện.
Các thủ tục nhập viện gồm: Bản photo căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế kèm bản gốc, sổ khám, đăng ký bác sĩ (nếu không đăng ký sẽ là bác sĩ trực đỡ), hồ sơ sinh (trước đó chị đã làm hồ sơ sinh tại phòng khám có liên kết với bệnh viện nên đưa sổ là có luôn), nộp tạm ứng 30 triệu.
“Em chọn đẻ thường dịch vụ nên nộp tạm ứng chừng đó. Sau khi nộp xong, người nhà phải giữ lại tất cả các hóa đơn để khi ra viện còn thanh toán”, mẹ bầu Dứa Dứa nhắc.
Sản phụ được chuyển lên tầng 3, khoa dịch vụ D3 theo dõi và vượt cạn
Sau khi khám trong, thấy đã có dấu hiệu chuyện dạ nên chị Dứa Dứa được phát quần áo và được đưa lên phòng theo dõi tại tầng 3, nhà D (khoa dịch vụ D3 - Khoa đẻ theo yêu cầu).
Lúc này người nhà sẽ ở bên ngoài còn mẹ bầu sẽ được theo dõi máy monitor. Những mẹ bầu đăng ký tiêm giảm đau (gây tê màng cứng) sẽ được tiến hành làm luôn. Mẹ bầu Dứa Dứa đăng ký gây tê màng cứng nên không còn bị đau chuyển dạ nữa. Chị ngủ 1 mạch mạch từ 3h đến 8h sáng mới dậy.
“8h sáng, bác sĩ khám là em đã mở được 8 phân và bắt đầu xuất hiện các cơn đau. Vì thế nếu không làm giảm đau, em sẽ sẽ phải chịu cơn đau từ 3h-8h sáng chắc sẽ không còn sức mà đẻ nữa. Tới gần 9h sáng, cổ tử cung của em đã mở đủ 10 phân nên được bác sĩ bấm ối và chuẩn bị rặn đẻ. Ê kíp đỡ đẻ gồm 2 bác sĩ, 3 hộ tá. Suốt quá trình rặn đẻ, em làm theo bác sĩ chỉ dẫn. Sau khi có cơn đau, em rặn 2 cơn đã thấy con oe oe cất tiếng khóc chào đời rồi”, sản phụ này nhớ lại.
Theo sản phụ mới sinh này cho biết, vì được gây tê nên khi đẻ không thấy đau đớn. Sau sinh, bé được da kề da với mẹ. Thậm chí lúc rạch và khâu tầng sinh môn, sản phụ này cũng không hề đau đớn. Suốt cả quá trình từ lúc chuẩn bị rặn đẻ tới khi chuẩn bị về phòng đều có chồng bên cạnh.
Về phòng theo dõi sau đẻ, cả mẹ và bé đều được chăm sóc hàng ngày
Sau khi sinh xong, sản phụ sẽ được đưa về phòng theo dõi được tắm khô, chiếu tia plasma, hỗ trợ cho bé ti,...
“Đẻ xong em được uống sữa nóng, nghỉ 2h là đã dậy đi vệ sinh được. Nhưng chị em lưu ý trước khi dậy thì ngồi lên tầm 15 phút nếu không chóng mặt mới đứng dậy và tốt nhất nên có người nhà đi kèm vì sau sinh dễ bị chóng mặt, ngất xỉu”, mẹ bỉm dặn dò cẩn thận.
Do ở phòng 3,8 triệu có chăn gối cho mẹ và người nhà, có ấm đun nước tại phòng, bộ đồ vệ sinh cá nhân, chuông đầu giường ấn cái có người phụ trách liền.
Sau sinh, ngày mẹ bỉm được vệ sinh vùng kín 3 lần, đêm thì gửi bé cho các cô y tá chăm nên 2 vợ chồng được ngủ. Cần hỏi, nhờ giúp gì cũng được các y tá hỗ trợ nhiệt tình.
Về ăn uống mỗi bữa sẽ có bảng menu món ăn tại phòng, gọi món cụ thể là sẽ có người mang tới tận nơi.
Lưu viện 1 ngày, hôm sau thăm khám là có thể xuất viện
Do đẻ thường lại khỏe mạnh nên sản phụ Dứa Dứa chỉ lưu viện 1 ngày, hôm sau con sơ sinh được đi sàng lọc còn mẹ đi siêu âm xong là được xuất viện.
Chia sẻ về trải nghiệm chuyến đi đẻ tại bệnh viện phụ sản tuyến đầu, sản phụ này khẳng định, cá nhân chị thấy đẻ dịch vụ tại đây rất nhẹ nhàng, không đau đớn, đẻ xong thấy người nhẹ hẳn, không còn nặng nề nữa.
Đặc biệt dù dùng đầy đủ các dịch vụ, xét nghiệm trước, trong và sau sinh nhưng khi thanh toán, vợ chồng Hà Nội vẫn dư hơn 5 triệu mang về nhà.
“Các cụ bảo chửa là cửa mả mà cũng chẳng đẻ được mấy lần nên nếu có điều kiện các mẹ bầu cứ chọn bệnh viện và dịch vụ tốt nhất cho yên tâm. Nếu có sinh lần sau chắc chắn em vẫn chọn nơi này”, mẹ bỉm Dứa Dứa nói.
Trải nghiệm chuyến đi đẻ và đón con yêu ở đây, sản phụ Hà Nội nhẹ nhàng như đi chơi.
Ngoài ra, sản phụ sau sinh này cũng cho biết thêm, trước đó dù đã đọc rất nhiều review để mang đồ theo đúng nhu cầu của viện nhưng bản thân chị Dứa Dứa vẫn rút ra những đồ cần thiết để mang vào viện khi đi đẻ như sau:
+ Đồ của mẹ: 1 Bộ quần áo mặc khi ra viện, bỉm cho người già, quần lót, băng vệ sinh loạn ban đêm 40cm (đóng bỉm rất bí, 1 ngày sẽ vệ sinh thay bỉm 3 lần nên nếu bí quá thay ra băng vệ sinh cũng được, không nhất thiết phải dùng bỉm vì nó dán không được chắc chắn mà mặc cũng khó chịu), 1 hộp sữa bột nhỏ (đẻ xong họ sẽ yêu cầu uống sữa bột pha nóng cho ấm người nên có thể chuẩn bị sẵn để đỡ phải mua ở căng tin), 1 đôi tất, mũ đội đầu, 1 thỏi son (bôi trán lúc bế con về và cho mẹ dùng).
+ Đồ cho con: 1 bộ quần áo mặc ra viện, bỉm (5-7 cái), khăn sữa (2-3 cái), khăn voan, 1 bộ bao tay chân, khăn ướt (cẩn thận thì dùng khăn khô đa năng, sau đó nhúng nước ấm vệ sinh cho con để con đỡ lạnh chứ rét mà lau khăn ướt con lạnh sẽ khó chịu), khăn quấn (dùng khăn tắm cũng được, mang 2 cái), 1 chai nước muối nhỏ mắt, sữa thanh, bình sữa.
+ Đồ cho người nhà: Chuẩn bị tiền mặt hoặc thẻ (bệnh viện không nhận chuyển khoản), 1 bộ đồ vệ sinh cá nhân.
“Trải nghiệm sinh nở luôn là thứ gì đó khó quên nhất cuộc đời. Vì thế em chia sẻ trải nghiệm đi đẻ của bản thân để các mẹ bầu khác chuẩn bị lên bàn đẻ cũng nhẹ nhàng và có tâm lý tốt hơn, chuẩn bị tốt hơn để đi đẻ không đau, an toàn, mẹ tròn con vuông”, sản phụ mới sinh nói.