Con trai 11 tuổi của tôi dạo này huyết áp lên rất cao, chạy nhanh là mặt đỏ gay, thở dốc. Cha tôi đã 2 lần đột quỵ vì cao huyết áp, tôi rất sợ con tôi cũng có nguy cơ.
Bạn đọc Hoàng Thanh Mai (nữ, 45 tuổi, quận 12, TP HCM) hỏi: Vừa rồi trong một đợt khám sức khỏe, con trai tôi đo huyết áp lên tới 140/90 mmHg, tôi nghĩ rằng do cháu đã đi bộ khá xa khi vào bệnh viện. Sau đó, tôi có lấy máy đo huyết áp cổ tay của cha tôi đo cho cháu, thì phát hiện nhiều khi huyết áp tâm thu của cháu lên tới 130, 140, 150, huyết áp tâm trương cũng là 80, 90. Hỏi một người bạn làm bác sĩ thì chị ấy bảo cháu bị cao huyết áp rồi. Tôi rất buồn và lo, bởi cha tôi cũng 2 lần đột quỵ vì cao huyết áp. Bác sĩ cho tôi hỏi rằng cao huyết áp ở trẻ em có khác gì người lớn, có nguy cơ biến chứng nặng không? BMI của cháu ở mức thừa cân gần béo phì, có ảnh hưởng gì?
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM) trả lời:
Cao huyết áp ít gặp ở trẻ em nhưng một số bé thuộc nhóm nguy cơ cũng có thể phát triển bệnh. Thừa cân, béo phì là một yếu tố nguy cơ. Béo phì ảnh hưởng đến thành mạch, làm các mạch máu không còn dẻo dai, kéo theo rối loạn chuyển hóa mỡ, tiểu đường, quá trình chuyển hóa nước – điện giải của thận vốn giúp ổn định huyết áp…. Đó đều là những vấn đề dẫn đến cao huyết áp ở trẻ.
Nhưng chị cũng không nên quá lo lắng, bởi cao huyết áp ở trẻ em thường là cao huyết áp triệu chứng và trẻ có thể khỏi bệnh nếu cố gắng giảm cân, sinh hoạt điều độ, tránh căng thẳng. Chị cũng nên đưa con đến bệnh viện nhi để được khám về chứng cao huyết áp này nếu chưa đi khám, để được tư vấn thêm và lên kế hoạch giúp bé thoát bệnh.
Nguy cơ đột quỵ và các biến chứng nặng khác do cao huyết áp ở trẻ em cũng thấp hơn người lớn nhiều. Tuy vậy, không nên chủ quan nếu bé mệt, nhức đầu nhiều, huyết áp đột ngột vọt lên quá cao. Khi đó nên đưa bé vào viện ngay.
Quan trọng nhất là chị hãy giúp con trai điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống. Như tôi đã nói, nếu điều chỉnh tốt, bệnh có thể khỏi. Ngược lại, nếu để tình trạng kéo dài quá lâu, bệnh có thể chuyển thành mạn tính, mai này bé sẽ thành một người lớn bị cao huyết áp. Mắc cao huyết áp quá sớm sẽ khiến bệnh dễ diễn tiến nặng hơn khi vào tuổi trung niên, cao niên; nguy cơ biến chứng nặng cao hơn, ảnh hưởng đến chất lượng sống.