Trẻ teen “nổi loạn” - vì sao càng cố dập càng dễ phản tác dụng?

Ngày 14/04/2022 15:04 PM (GMT+7)

Tuổi teen có những thay đổi mà nhiều khi bố mẹ không thể lường hết được. Làm sao giúp con phát triển đúng hướng và vượt qua những tình huống khó? Trong chương trình livestream dưới đây, các chuyên gia, bác sĩ tâm lý sẽ cùng bố mẹ tháo gỡ.

Tuổi ô mai vẫn luôn được các nhà tâm lý, giáo dục cho là tuổi nổi loạn - giai đoạn trẻ có những thay đổi tâm, sinh lý mạnh mẽ do sự phát triển của các hoóc môn - nên cần được bố mẹ quan tâm, định hướng và chia sẻ đặc biệt. Muốn làm được điều đó, các bậc phụ huynh ngoài tình yêu thương con vô bờ bến, còn cần cập nhật kiến thức, sẵn sàng mở lòng để thấu hiểu và đón nhận những điều mới...

Để cùng phụ huynh hiểu hơn về đặc điểm lứa tuổi vị thành niên cũng như những áp lực, bất ổn tâm lý trẻ có thể gặp phải, Báo Sức khỏe Đời sống kết hợp với Trang tin điện tử Eva.vn tổ chức buổi livestream: "Trẻ teen nổi loạn - đáng giận hay đáng thương?" với sự tham gia của các chuyên gia:

- Tiến sĩ - Bác sĩ.Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi trung Ương

- Chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Đặng Hoàng Ngân.

Hai chuyên gia (đứng giữa) đã có mặt để bước vào buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: Tuấn Linh

Hai chuyên gia (đứng giữa) đã có mặt để bước vào buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: Tuấn Linh 

Hiểu con để cùng vượt qua "giai đoạn thử thách"

MC: Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ việc đau lòng liên quan tới trẻ tuổi vị thành niên. Điều đó khiến nhiều bố mẹ hoang mang lo lắng trên hành trình nuôi dạy và bảo vệ con vốn đã không hề dễ dàng, nhất là ở chặng đường khi con bước vào độ tuổi chuyển tiếp từ trẻ con lên người lớn này. Vậy, xin chuyên gia cho biết, trẻ tuổi vị thành niên, hay tuổi teen, có những đặc điểm tâm sinh lý gì khác biệt, đáng chú ý hơn so với trẻ ở các nhóm tuổi khác?

TS.BS Minh Loan: Có thể nói vị thành niên là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con sang người trưởng thành, đây là giai đoạn rất quan trọng trong cuộc đời mỗi con người, ví dụ như các con thay đổi về phát triển thể chất, tăng tốc phát triển chiều cao. Thứ hai là thay đổi đặc tính sinh dục, cuối cùng là sự thay đổi tâm lý của trẻ ví dụ như thể hiện tính độc lập, tách rời không phụ thuộc vào cha mẹ.

Trong giai đoạn thể hiện tính độc lập này, các con luôn muốn chứng minh mình không phụ thuộc vào người lớn và mở rộng quan hệ bạn bè, đặc biệt là rất dễ bị ảnh hưởng bởi các nhóm bạn. Ví dụ, nếu đi chơi với nhóm bạn tốt thì sẽ học được nhiều điều hay, nhưng nếu chơi với nhóm bạn xấu thì sẽ dễ bị lôi kéo, ảnh hưởng đến học tập, cuộc sống.

Một thay đổi cũng rất đáng chú ý trong giai đoạn này của trẻ vị thành niên đó là sự phát triển về trí tuệ, các con biết suy nghĩ, biết nhìn nhận về tương lai và đây là giai đoạn hình thành nhân cách. Nếu phát triển đúng hướng ở giai đoạn khi trở thành người lớn sẽ thành công dân tốt của đất nước, ngược lại nếu phát triển chệch hướng, không có định hướng đúng đắn thì tương lai sẽ rất là mù mịt.

MC: Thưa chuyên gia, vì sao trẻ tuổi vị thành niên thường có các hành vi bị người lớn coi là “hư”, “chống đối” hay như chúng ta thường gọi là “nổi loạn”?

TS Hoàng Ngân: Trước hết là xét về khía cạnh của cha mẹ. Nếu cha mẹ đánh giá rằng trẻ đang hư, đang chống chối hoặc nói những câu không đúng ý của cha mẹ, có nghĩa là cha mẹ luôn là người đi trước, có kinh nghiệm xã hội và mong muốn điều tốt cho con cái mình. Do vậy, trong niềm tin của cha mẹ sẽ luôn nghĩ rằng con cái phải làm điều tốt để tốt cho sự phát triển của con.

Tuy nhiên, ở góc độ của các con, các con chưa đến ngưỡng phát triển xã hội như cha mẹ, nên các con chưa thể đi đúng trên con đường mà sẽ tìm kiếm cái tôi, thể hiện phương diện bản thân.

Nhiều khi con nhận thấy điều bố mẹ nói là phải cân nhắc, nhưng suy nghĩ lại thì thấy vẫn chưa đúng và sẽ đặt câu hỏi: Tại sao lại phải như thế? Trong khi con muốn nhiều điều hơn thế và muốn thử hết các phiên bản khác nhau.

Mỗi khi như vậy, cha mẹ sẽ tiếp tục có những định hướng theo cách của mình và cứ như vậy, cha mẹ cho rằng con đang bướng, con đang hư và khó nói chuyện với nhau. Tuy nhiên, trong thâm tâm thì cả cha mẹ và con cái đều muốn tâm sự với nhau nhiều hơn thế nữa.

MC và TS tâm lý Hoàng Ngân tại buổi giao lưu trực tuyến.

MC và TS tâm lý Hoàng Ngân tại buổi giao lưu trực tuyến.

MC: Trẻ thường thể hiện sự “nổi loạn” đó như thế nào, thưa chuyên gia? Và thời nay, khi xã hội  hiện đại với sự nở rộ của mạng xã hội, internet, thì cách thể hiện sự nổi loạn của trẻ có những gì khác biệt so với trước đây?

TS Hoàng Ngân: Cách trẻ thể hiện sự nổi loạn chắc chắn cha mẹ cũng hiểu và biết khá rõ, vì ngày xưa chính cha mẹ cũng đã bước qua giai đoạn này. Đôi khi cha mẹ nói các con chọn cái A thì các con sẽ chọn cái B, vì con muốn thể hiện sự khác biệt, độc lập trong những quyết định của mình. Đó chính là sự nổi loạn của các con. Sự nổi loạn này chúng ta thường thấy nhất đó là các con thường phủ định những quyết định của bố mẹ, nhất quyết làm theo ý mình, có phần ngang bướng, mạnh mẽ.

Hiện nay trẻ có nhiều cách thể hiện biểu cảm của bản thân, có thể trẻ sẽ không tranh cãi, lý luận với bố mẹ, mà trẻ sẽ thực hiện ngay một số hành vi, ví dụ như là thể hiện một vài hành vi mạo hiểm như tập hút thuốc lá, thả tay khi đi xe, tìm kiếm điều hay bị cấm trên internet…

Thậm chí có những trẻ muốn thể hiện sự khác biệt từ ngoại hình như nhuộm tóc, ăn mặc đặc biệt một chút, sơn móng tay…Do vậy, bố mẹ cần phải hiểu và quan tâm đến con, nếu không sẽ không hiểu và không nhận ra sự thay đổi, nhất là thời đại mạng xã hội phát triển như hiện nay.

Ví dụ cụ thể nhất đó là nếu bố mẹ không tâm sự, các con có thể lên mạng xã hội lập các nhóm kín với nhau, tâm sự với nhau nhằm tìm tiếng nói chung, tìm một sự cắt nghĩa nào đó. Thế nhưng, điều này cũng rất nguy hiểm, bởi nhận thức của các con chưa đầy đủ, nếu không có sự hướng dẫn sẽ dễ dẫn đến những hành vi tiêu cực.

MC: Nhiều người cho rằng, trẻ ngày nay “hư” hơn, dễ “nổi loạn” hơn trước đây do được chiều chuộng hơn, tiếp xúc nhiều với mạng xã hội… chuyên gia nghĩ gì về nhận định này? Thực tế, những thay đổi trong đời sống xã hội, việc tiếp xúc với thế giới ảo ảnh hưởng tới tâm sinh lý trẻ thế nào?

TS.BS Đỗ Minh Loan đang giao lưu trực tuyến cùng độc giả Eva.vn

TS.BS Đỗ Minh Loan đang giao lưu trực tuyến cùng độc giả Eva.vn

TS.BS Minh Loan: Thời đại hiện nay nhiều người cho rằng trẻ dễ hư hơn, dễ nổi loạn hơn. Tuy nhiên, quan điểm của tôi về điều này chưa hẳn đã là vậy. Điều tôi nhận thấy đó là phương pháp giáo dục con thế hệ trước và nay đã khác nhau. Trước kia bố mẹ hay dùng quyền lực để áp đặt con để con tuân thủ. Ngày nay, sự thay đổi trong phương pháp nuôi dậy nên bố mẹ cũng có phương pháp giáo dục cởi mở hơn, để con có quyền thể hiện quan điểm của mình.

Thế nhưng, khi con nêu quan điểm trái ngược với quan điểm của bố mẹ thì dễ bị bố mẹ ghép vào là chống đối, nổi loạn. Điều này khiến mọi người nghĩ trẻ thời nay dễ hư, nổi loạn hơn.

Tôi cũng không phủ nhận quan điểm trên khi mà hiện nay, trong thế giới phẳng, với sự bùng nổ của internet trẻ được tiếp cận thông tin đa chiều thì rất dễ bị ảnh hưởng bởi các trào lưu trên mạng, nhất là trẻ ở lứa tuổi vị thành niên.

MC: Thực tế, ở cùng độ tuổi, nhưng không phải trẻ nào cũng nổi loạn? Có những yếu tố nào khác tác động đến việc trẻ có các hành vi này?

TS.BS Minh Loan: Hành vi nổi loạn của trẻ là phản ứng trước những tác động từ bên ngoài như gia đình, nhà trường, bạn bè. Vì thế, mỗi một trẻ có một cách phản ứng khác nhau, do vậy có trẻ nổi loạn, có trẻ không.

Qua thực tế lâm sàng tại khoa Sức khỏe Vị Thành niên (BV Nhi Trung ương), chúng tôi thấy trẻ nổi loạn phụ thuộc vào một số yếu tố như tính cách của từng cá nhân. Ví dụ như những bạn nào có tính cách vui buồn thể hiện ra luôn hay chúng ta còn gọi là nổi loạn như cãi lời, chống đối, ngang bướng, sử dụng bạo lực…

Còn với trường hợp các bạn ít nói, tính trầm hay còn gọi là tính hướng nội thì sẽ ít thể hiện, sẽ lầm lỳ và ngang bướng. Hay có những trẻ mềm mại hơn thì sẽ dung hòa các vấn đề khi gặp phải.

Một yếu tố tác động từ môi trường bên ngoài như cha mẹ, thầy cô giáo thì đó là yếu tố làm sự nổi loạn tăng lên hoặc giảm xuống. Có phụ huynh khi con mắc lỗi thì xử lý rất “cứng” bằng cách mắng, có lời nói nặng nề, tịch thu điện thoại hay bắt hạn chế giao tiếp…điều đó sẽ làm tăng lên tính nổi loạn của các bạn.

Tuy nhiên, cùng mắc lỗi nhưng cha mẹ lắng nghe lý do tại sao, giúp con gỡ rối thì sự nổi loạn sẽ giảm đi. Như vậy, sự tác động từ yếu tố môi trường sống bên ngoài sẽ quyết định khá nhiều đến sự nổi loạn của các bạn.

Cố dập tắt ngay hành vi "nổi loạn" của trẻ từ trong trứng nước: Hại nhiều, lợi ít!

MC: Theo chuyên gia, cha mẹ ngày nay thường nhìn nhận những cách hành xử “nổi loạn” của trẻ như thế nào và có phản ứng ra sao?

emChuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Đặng Hoàng Ngân./em

Chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Đặng Hoàng Ngân.

TS Hoàng Ngân: Có thể nói là mỗi gia đình sẽ có sự lựa chọn cách xử lý vấn đề khi con nổi loạn. Theo đó, sẽ có 3 nhóm cha mẹ chính khi con nổi loạn:

Thứ nhất là gia đình có tính áp đặt, sử dụng bạo lực như kỷ luật, áp đặt con để không mắc lỗi.

Thứ hai là gia đình có xu hướng dân chủ hơn, ngồi nói chuyện với con, tìm nguyên nhân của vấn đề. Sau khi lắng nghe xong, cha mẹ mới nói về quan điểm của mình. Chính sự dân chủ đó, hai bên sẽ có sự trầm lắng lại để nghe nhau, để thỏa thuận với nhau.

Thứ ba là nhóm cha mẹ có xu hướng tự do, cho rằng tuổi đó của con là như vậy, sau này lớn lên sẽ khác, để con tự do…Bố mẹ có xu hướng này ban đầu sẽ không gay gắt về các mối quan hệ với trẻ, nhưng nếu đi chặng đường dài sẽ không có ai định hướng cho trẻ và trẻ không tin tưởng khi trót sai lầm, vì không biết bố mẹ có chỉ ra hay hướng dẫn được cho mình hay không.

MC: Cách phản ứng như vậy có thể tác động ngược lại tới trẻ cũng như mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái như thế nào?

TS.BS Minh Loan: Chính cách phản ứng của bố mẹ sẽ tác động đến sự nổi loạn của trẻ, hơn nữa điều này còn tùy thuộc vào tính cách của từng trẻ. Do vậy, có những tác động thì tốt, nhưng có cách sẽ mang lại tác dụng ngược. Vì thế, để định hướng, giáo dục con được thì bố mẹ phải hiểu con, ít nhất là tính cách của con.

MC: Vậy theo chuyên gia, bố mẹ liệu có thể ngăn chặn những hành vi nổi loạn của con trẻ từ trong trứng nước? Nếu có thì đó là những cách nào? Nếu không thì vì sao vậy?

TS.BS Minh Loan: Quan điểm của tôi là ở tuổi vị thành niên trước hết cứ để trẻ thể hiện và bộc lộ, phải như vậy người lớn mới biết được trẻ cần gì, đang vướng ở đâu… Từ đó mới có được tư vấn chính xác nhất.

Còn trường hợp chúng ta can thiệp từ khi trẻ mới nhen nhóm thì vấn đề của trẻ sẽ bị chìm xuống dưới, trong khi sự chìm xuống này không có nghĩa là mất đi mà nó sẽ tích tụ lại, đến khi đủ ức chế nó sẽ bùng phát. Như vậy sẽ không đem lại được hiệu quả.

Một vấn đề nữa đó là qua thực tế lâm sàng chúng tôi thấy, với những trẻ bị bố mẹ áp đặt từ thời thơ ấu, trẻ tuân thủ một cách phục tùng thì sau này khi đi học, đi làm trẻ sẽ không đưa ra được ý kiến, quan điểm và không thể hiện được mình. Do vậy, vấn đề nổi loạn chỉ là phần ngọn, phần gốc là phải làm thế nào để các bạn không nổi loạn.

TS Hoàng Ngân: Hành vi nổi loạn của trẻ không được coi là đối tượng để bố mẹ ngăn ngừa, can thiệp càng sớm càng tốt. Như bác sĩ Minh Loan mới chia sẻ, sự nổi loạn, tính cách của trẻ đó là sự bộc lộ con người, cách định hình con người. Nếu trẻ không có chứng kiến, luôn nghe những gì người lớn nói thì sẽ không khác gì so với thế hệ trước.

Hơn nữa, có những điều rất mới đôi khi cha mẹ chưa biết hoặc đang nhầm thì bằng sự phản kháng của đứa trẻ nhưng bị o ép, áp đặt khi đó đứa trẻ sẽ yếu quyền lực hơn và sẽ bị gồng, giận dữ…Chính sự giận dữ đó nếu nhìn bề ngoài trông có vẻ gây hấn lắm, nhưng nếu nhìn với khía cạnh sẻ chia thì người lớn sẽ phát hiện ra thông điệp mà trẻ đang nổi loạn.  Do vậy, chúng ta cần nhìn trẻ nổi loạn giống như sự trao đổi giữa cha mẹ và con cái, là tiền đề và môi trường thật tốt để cha mẹ hiểu con cái hơn.

MC: Khi trẻ có những hành vi không như mong đợi của người lớn", việc đầu tiên phụ huynh nên thực hiện là gì, chưa chuyên gia? Có cần thiết phải lập tức tìm biện pháp "dẹp loạn"?, đưa con vào khuôn khổ, nề nếp?

TS Hoàng Ngân: Mỗi vị phụ huynh là con người khác nhau, nên không có chia sẻ chung cho tất cả mọi người, vì thế sự chia sẻ của tôi chỉ mang tính chất tham khảo.

Trường hợp thứ nhất với trẻ quá khích, làm bố mẹ bực tức thì điều đầu tiên là chúng ta không nên làm mọi cách để dập tắt sự nổi loạn của đứa trẻ. Bởi khi tức giận thì khó có thể sáng suốt để hỏi trẻ muốn gì, cần làm gì mà ngay lúc đó bố mẹ sẽ tìm cách trút cơn giận dữ. Do vậy, điều tốt nhất là bố mẹ hãy tách ra khỏi phòng riêng, ra ngoài hít thở, làm nguội cơn giận bản thân.

Trong khi làm nguội cơn giận thì hãy tự hỏi: Tại sao mình lại giận bản thân mình? Mình quay về trả lời câu hỏi của bản thân mình, rồi tiếp tục quay lại vấn đề của trẻ thì sẽ lường trước nguy cơ có thể xảy ra, tăng sự bao dung của bố mẹ với con.

Trường hợp thứ hai, đó là bố mẹ bao dung con rất lớn, chịu đựng con rất là nhiều, từ lần này qua lần khác khiến trẻ vi phạm ranh giới. Ở trường hợp này bố mẹ cũng cần phải tách riêng ra, và cũng đặt câu hỏi vì sao lại như thế? Có nghĩa là cha mẹ cần phải sáng suốt trước hành vi của đứa trẻ.

Với nhiều đứa trẻ, khi hiểu tính con thì cũng nên dùng biện pháp kỷ luật để đưa con vào khuân khổ. Tuy nhiên, như tôi đã nói là chúng ta phải tùy vào từng trường hợp cụ thể, chứ không phải cứ mắc lỗi là kỷ luật con.

Gỡ rối cùng cha mẹ: Nên làm gì khi con mê game, chểnh mảng học hành do yêu đương, hay đòi đi đánh ghen...?

MC: Thưa quý khán giả, trong suốt buổi livestream, chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi của quý khán giả gửi về cho chương trình. Sau đây, hai chuyên gia sẽ giải đáp  một số  tình huống cụ thể của các bậc phụ huynh. Ban tổ chức xin phép biên tập lại một số câu hỏi trùng nhau, để phần trả lời không bị lặp và dành thời gian trả lời những câu hỏi có nội dung mới.

emCác chuyên gia cùng giải đáp những thắc mắc độc giả gửi tới. /em

Các chuyên gia cùng giải đáp những thắc mắc độc giả gửi tới. 

MC: Câu hỏi gửi tới TS Hoàng Ngân của chị Phạm Thị Hoài (Ba Đình-Hà Nội): Con gái tôi 14 tuổi. Trước đây cháu rất ngoan hiền, ít nói, học giỏi, hay thủ thỉ với mẹ. Nhưng hơn một năm trở lại đây, cháu như thành người khác. Dễ nổi cáu với mẹ và em, không đồng ý điều gì là sầm mặt, vào phòng đóng sập cửa, thỉnh thoảng còn câng mặt thách thức cãi tay đôi với bố mẹ, gọi em là "mày-tao", đôi khi còn lẩm bẩm nói tục... Tôi càng cương thì cháu càng lảng xa, không còn hay gần gũi nói chuyện như trước. Tôi cảm thấy rất đau lòng và bất lực, không biết phải là sao?

TS Hoàng Ngân: Khi nghe tâm sự của chị tôi nhận thấy chị có một khát khao rất lớn để kết nối với con của mình. Tuy nhiên, chị đang gặp khó khăn cho một sự chuyển đổi khi mà con gái của mình từ một đứa trẻ trong mơ, nhưng giờ không còn như giấc mơ cũ nữa mà chuyển sang thực tế mới rồi. Tôi tin chắc chị đã chọn rất nhiều biện pháp chứ không chỉ là sự cương lên với cháu, tuy nhiên chắc mọi biện pháp đều thất bại nên chị mới cảm thấy bế tắc.

Trường hợp như thế này tôi thấy ở các vị phụ huynh, những người có kinh nghiệm vượt qua giai đoạn con cái chuyển đổi thì đều nói một câu: Tất cả chỉ là sự tạm thời, con cái mình có thể khác đi, nhưng có những giá trị cốt lõi và xuyên suốt và mình cần phải đánh giá lại những giá trị đó.

Ví dụ như chuyện học hành có thể cháu không thích một vài môn, nhưng tình yêu cho một vài môn học từ nhỏ cháu vẫn giữ được. Giá trị cốt lõi ở đây chính là việc thực học, có nghĩa là thích học những gì mình quan tâm. Khi biết được những giá trị cốt lõi mà cháu vẫn có được thì việc kết nối, chia sẻ sẽ dễ dàng hơn.

Vấn đề nữa là khi cháu gọi em bằng mày, nói tục thì nhìn theo một cách khác thì đây không phải vấn đề quá lớn ở độ tuổi vị thành niên. Ngôn ngữ này đôi khi chỉ là xả cơn bực tức, chứ không có ý muốn làm tổn thương người khác.

Bản thân tôi cảm thấy có thêm một điều trong chia sẻ của chị nữa, đó là trước đây cháu thường thủ thỉ với mẹ, nhưng giờ thì không. Vậy thì chị Hoài hãy thử tìm cách khác để tâm sự với con, ví dụ như dùng hộp thư gia đình, để các con viết thư tâm sự và bỏ vào đó, để tối mỗi cuối tuần bố mẹ mở hòm thư ra đọc. Bởi nhiều khi trẻ ở tuổi này không chia sẻ trực tiếp với bố mẹ, nhưng vẫn muốn tâm sự với bố mẹ theo một cách khác.

MC: Anh Chí Thành (Hải Dương): Con trai tôi lớp 6, rất mê chơi game từ hồi học online ở nhà. Sau nhiều lần thương thảo thời gian chơi game 1 tiếng mỗi ngày nhưng con không tuân thủ, tôi phạt, không cho chơi nữa thì cháu đòi tự tử. Gần đây đọc một số vụ trẻ em nhảy lầu, tôi đâm sợ. Nhưng chiều con thì hỏng. Tôi không biết nên làm thế nào.

TS.BS Minh Loan: Với kinh nghiệm của tôi, tôi có tư vấn như sau:

Thứ nhất con anh học lớp 6 và anh đã có thương thảo với con là thời gian chơi điện tử 1 tiếng, tôi không rõ việc này có sự đồng thuận của con không, hay là quy định bố mẹ đưa ra.

Kinh nghiệm làm việc chúng tôi thấy rằng, nếu trẻ đã đồng thuận thì rất ít khi phá vỡ nguyên tắc đưa ra. Vì thế, anh nên xem lại xem thỏa thuận là từ hai phía hay một phía.

Thứ hai, trong trường hợp bạn ấy phá vỡ nguyên tắc mà hai bố con đã đưa ra thì cần phải tìm hiểu xem nguyên nhân vì sao. Vì có trường hợp chơi game như một trò giải trí, nhưng có trường hợp chơi game vì ức chế tâm lý và lấy đó là cách để giải tỏa ức chế.

Ngoài ra, trong quá trình thỏa thuận thì cần đưa thêm tình huống nếu tuân thủ thì sẽ có sự động viên, khích lệ như thế nào. Và khi không tuân thủ sẽ có hình phạt nào. Đây chính là liệu pháp điều chỉnh hành vì ở lứa tuổi vị thành niên.

Thứ ba là có nên chiều con hay không? Phụ huynh không thể chiều hết ý của trẻ, vì nguyên tắc là chúng ta phải làm sao hướng trẻ đi đúng hướng, nhưng cũng không thoái quá để ảnh hưởng tâm lý trẻ. Đây chính là kỹ năng cha mẹ cần phải biết và có thông tin.

Khi chúng ta làm việc với trẻ vị thành niên, chúng ta tôn trọng trên nguyên tắc lắng nghe, chia sẻ, thỏa thuận. Đồng thời cần mềm mỏng để đạt mục tiêu hơn là cứng rắng.

MC: Bích Ngân (Nam Từ Liêm, Hà Nội): Con gái tôi lớp 8, trước ngoan và học giỏi. Mới đây cháu có người yêu và chểnh mảng học hành. Có lần còn bỏ cả buổi học, đi chơi với bạn trai. Tôi cảm thấy con như vượt ra khỏi vòng tay mình, giờ bối rối không biết nên chấp nhận chuyện cháu yêu đương rồi từ từ khuyên giải hay cần ngăn cấm ngay. Tôi cũng lo con quan hệ sớm…

TS.BS Minh Loan: Với lứa tuổi vị thành niên các con có sự phát triển về tâm lý cũng như sinh lý, nên chuyện có tình cảm tuổi học trò ở lứa tuổi này là phù hợp với lứa tuổi. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao để đi đúng hướng, vì có nhiều trẻ có tình cảm tuổi học trò những vẫn phát triển được. Ví dụ như các bạn yêu đương nhưng là “đôi bạn cùng tiến”, cùng giúp nhau học tập, đạt mục tiêu trong học tập.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp phát sinh chuyện tình cảm, yêu đương chểnh mảng trong học tập thì cần phải có trao đổi với con, định hướng cho con, chứ không nên ngăn cấm trong giai đoạn này.

Ở tuổi này, khi đã bị cuốn vào chuyện tình cảm, tình yêu sẽ rất khó dứt ra. Hơn nữa bố mẹ cần phải có thỏa thuận, cụ thể là không cấm đoán yêu đương, nhưng khi yêu cần phải đảm bảo việc học tập, khi can thiệp cần phải nhẹ nhàng để tránh sự nổi loạn từ phía các bạn.

MC: Minh Hòa (Hà Nội): Cháu gái tôi học cấp 2, thích nhóm nhạc nam Hàn Quốc, có bao nhiêu tiền mừng tuổi, được cho là mua đồ liên quan tới thần tượng, từ tranh ảnh tới lọ kẹo, móng tay, áo, son… Còn nhận là vợ của một sao nam, rồi tự ghép ảnh mình vào thành đôi, dùng làm ava khắp facebook tới zalo. Tôi thấy như vậy cũng bình thường nhưng bố rồi các cô chú cháu thì phản ứng gay gắt, gặp là nói, mắng, bình luận dưới ảnh, post… như thể con bé hư đốn lắm. Con phản ứng lại bằng cách block hết trên mạng, tránh gặp bên ngoài, gặp thì lầm lỳ, hỏi không đáp. Tôi nên làm gì trong tình thế này?

TS Hoàng Ngân: Với chia sẻ của chị thì gánh nặng trên vai chị là giải quyết mâu thuẫn trong gia đình, xuyên thế hệ khi một bên là con, một bên là các thành viên trong gia đình.

Qua chia sẻ tôi nhận thấy, chị là một người lắng nghe cháu, nên chị cho rằng sở thích của con là bình thường. Còn các thành viên trong gia đình họ suy nghĩ là gì? Trước hết là họ nhìn từ phía bề ngoài, sau đó họ sợ là cháu không được nữ tính, không giống như con gái theo kiểu truyền thống...

Hay ngay cả việc quản lý chi tiêu của cháu nữa…khi nghe kỹ các góp ý từ các thành viên trong gia đình thì chị có thể chia sẻ với nhóm người lớn, từ đó có thể phân tích, tiếp thu những gì tốt nhất rồi chia sẻ với con.

Còn riêng với con, việc có tình yêu với thần tượng là đúng, nhưng việc dùng khoản kinh phí là tiền mừng tuổi dành cho tình yêu cho thần tượng thì cần cân nhắc, quản lý lại. Việc block mọi người sẽ tăng thêm sự mâu thuẫn mà mẹ cũng không thể đi giải quyết với từng người, mà cần bố trí một buổi sinh hoạt chung toàn gia đình. Buổi nói chuyện đó tốt nhất không nói đến thần tượng, mà nói đến vấn đề khác để hiểu nhau hơn, gắn kết với nhau hơn.

MC: Vũ Thư (Bắc Ninh): Con tôi mới đi đánh ghen. Tôi sốc quá khi vô tình biết chuyện này. Cháu lớp 9. Theo lời bạn kể thì cháu phát hiện có bạn cùng trường nhắn tin cho “người yêu mình” nên rủ mấy đứa khác đến “dạy cho bài học”. Tôi không bao giờ tưởng tượng con mình lại như thế. Cháu còn coi việc có người yêu, đi đánh ghen thế là bình thường. Tôi phải dạy lại con thế nào đây.

TS.BS Minh Loan: Trong câu chuyện này tôi có băn khoăn vì chị không nói rõ là cháu trai hay gái, vì mỗi giới có tính cách, ứng xử khác nhau. Vấn đề nữa là chị Thư chia sẻ rằng rất là sốc khi con đi đánh ghen. Tôi muốn chị hãy kiểm soát cảm xúc của chị một chút, vì ở lứa tuổi này về bản năng con người luôn có ý muốn là sở hữu, khi cái mình muốn sở hữu bị lấy đi thì họ có bản năng đòi lại.

Với con chị đang học lớp 9, có người yêu và có thể đang bị lấy đi bởi một người khác thì phản xạ đánh ghen lấy lại quyền sở hữu thì phần nào có thể hiểu được. Tuy nhiên, phương pháp lựa chọn không phù hợp, điều này cũng đúng với tuổi của bạn ấy vì con   mới học lớp 9 thì kỹ năng xã hội, sự trưởng thành chưa có nên mới chọn phương pháp như vậy.

Trong tình huống này, chị nên ngồi lại trao đổi với con về vấn đề, chứ không đồng ý việc con đi đánh ghen. Ví dụ như tâm sự với con rằng, vì sao người yêu của mình lại chọn người khác không phải mình, mình yếu hơn họ điều gì?... Trên cơ sở đó con bạn có thể phấn đấu vươn lên để biến điểm yếu thành điểm mạnh, tạo nên sự cuốn hút chứ thay vì đánh ghen.

Hiện nay đánh ghen, kể cả người bị đánh và đi đánh ghen đều để lại hình ảnh xấu, chứ không giải quyết được vấn đề.

MC: Còn khá nhiều tình huống được gửi tới nhưng do thời lượng chương trình có hạn nên chúng tôi sẽ tiếp tục cùng các chuyên gia giải đáp các thắc mắc của độc giả tại mục Hỏi đáp Bác sĩ - Sức khỏe Eva.vn trong thời gian sớm nhất.

Thưa các chuyên gia, nếu có một điều quan trọng nhất, tâm huyết nhất các chị muốn nhắn gửi tới những phụ huynh đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình nuôi dạy con tuổi teen thì đó sẽ là gì ạ?

TS Hoàng Ngân: Tôi tin rằng việc làm cha mẹ là công việc khó nhất trên đời và không thể nghỉ hưu được, vì thế hãy chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các các con và chính bản thân bố mẹ thật tốt, hãy tìm thấy sự hỗ trợ xung quanh bản thân mỗi khi đối diện với vấn đề gặp phải. Điều rất đáng chú ý đó là, để các con phát triển tốt được thì trước hết bố mẹ phải khỏe mạnh trước hết là về tinh thần đã.

TS.BS Minh Loan: Tôi có 3 điều nhắn nhủ tới cha mẹ:

Trước hết là tôi đồng ý với TS Ngân về việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho cả phụ huynh và trẻ nhỏ, đặc biệt là giai đoạn trẻ vị thành niên. Bởi đây là giai đoạn rất quan trọng trong sự phát triển của trẻ.

Điều thứ hai là quá trình chăm sóc, hỗ trợ và nuôi dưỡng con cần chọn phương pháp phù hợp với con. Không áp đặt một phương pháp cho mọi lứa tuổi. Nguyên tắc chúng tôi thấy khá hiệu quả đó là hãy chia sẻ, lắng nghe, chia sẻ và thảo luận với nhau để tìm được phương án tốt nhất khi gặp vấn đề.

Thứ ba là bố mẹ hãy trang bị kiến thức cho mình để nhận diện những vấn đề bất ổn tâm lý về con trẻ của mình. Bởi khi trang bị tốt thì sẽ nhận biết sớm, đưa trẻ đi khám để không để lại hậu quả đau lòng. Bởi trong các vụ tự tử mà chúng tôi tiếp nhận tại bệnh viện thì phần lớn chỉ là giọt nước tràn ly, còn thực tế sự bất ổn tâm lý đã tích tụ từ rất lâu rồi.

Con gái teen bị gạ làm chuyện người lớn, chuyên gia bày mẹ cách xử trí ai cũng gật gù
Khi con gái yêu người hơn tuổi, lại bị gạ gẫm làm “chuyện người lớn”, bố mẹ cần xử lý thế nào? Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên (BV Nhi Trung ương) sẽ giải đáp.

TS.Bs.Đỗ Minh LoanTS.Bs.Đỗ Minh Loan

Giám đốc Trung tâm Chỉ đạo tuyến Nhi khoa, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Nhóm PV
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tâm sinh lý tuổi teen