Vì sao trẻ teen tự tử? 7 dấu hiệu cảnh báo nguy cơ, có điều ít người lớn nhận ra

Ngày 02/04/2022 16:07 PM (GMT+7)

Không bố mẹ nào muốn nghĩ đến tình huống con cái mình muốn kết thúc cuộc sống ở những năm tháng tuổi học trò hồn nhiên và tươi đẹp. Nhưng để ngăn chặn sự việc đau lòng này, phụ huynh càng cần hiểu rõ những nguyên nhân và dấu hiệu cảnh báo tình huống này c

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mặc dù tự tử xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng số liệu thống kê cho thấy đây là nguyên nhân gây tử vong thứ 4 ở trẻ 15-19 tuổi trên thế giới. Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) công bố, trên thế giới, trung bình mỗi ngày có khoảng 3.000 trẻ vị thành niên tự tử. 

Trên trang thông tin của Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố, Chuyên gia tâm lý Nhan Cẩm Nghi, Đơn vị Tâm lý của Bệnh viện chia sẻ: “Những suy nghĩ tiêu cực chắc hẳn là chuyện thường tình của người lớn. Nhưng khi chúng xuất hiện ở trẻ em, đặc biệt dưới những ý nghĩ liên quan đến tự tử, lại là tình huống mà các bậc phụ huynh không bao giờ mong đợi. Ba mẹ dường như đứng trước tình thế bối rối: “Chuyện gì đã xảy ra với đứa con còn “non dại” của mình?”… Một số phụ huynh khác có thể thảng thốt trước hành động của trẻ cho đến khi biết được ý tưởng tự tử đã xuất hiện trong con từ rất lâu”.

Những lý do gì khiến trẻ tìm đến tự tử?

Lý giải về nguyên nhân khiến trẻ muốn tự tử, theo chuyên gia, trong cuộc đời, hầu như ai cũng từng có lúc đối diện với những xung đột tâm lý, trong đó, không phải lúc nào cũng có thể giải quyết được. Đặc biệt, đối với trẻ - khi kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng thích ứng còn giới hạn - việc đối mặt với một số tình huống khó khăn nhất định có thể kích hoạt suy nghĩ tiêu cực và bùng nổ về cảm xúc, khiến trẻ tìm cách chấm dứt căng thẳng bằng phương án tự tử. 

Áp lực trong học tập hay bị bạn bè tẩy chay có thể khiến teen suy nghĩ tiêu cực. (Ảnh minh họa)

Áp lực trong học tập hay bị bạn bè tẩy chay có thể khiến teen suy nghĩ tiêu cực. (Ảnh minh họa)

Dưới đây là một số tình huống được nhà tâm lý đưa ra về những nguy cơ có thể làm tăng khả năng tự tử của trẻ:

- Rối loạn tâm lý/ tâm thần: trầm cảm, nghiện chất,…

- Bạo hành thể chất/ cảm xúc

- Lạm dụng tình dục

- Áp lực liên quan đến gia đình: gia đình mâu thuẫn, li dị, sự thiếu giao tiếp giữa ba mẹ và con cái, bị ba mẹ mắng, tiền sử tự tử của gia đình

- Áp lực liên quan đến nhà trường: bị điểm kém, thi trượt, bị bắt nạt, trêu chọc

- Áp lực trong việc đáp ứng kỳ vọng của xã hội về vai trò và hành vi chuẩn mực

- Những mất mát khác

Theo chuyên gia, những sự kiện trên có thể khiến trẻ buồn bã, thất vọng, chán nản, suy nghĩ tiêu cực và dẫn đến những hành vi gây tổn thương cho bản thân và lựa chọn con đường “tự giải thoát” trong lúc bế tắc.

7 dấu hiệu cảnh báo nguy cơ tự tử ở trẻ tuổi teen

Theo các chuyên gia của Tổ chức phòng chống tự tử quốc gia Mỹ, dưới đây là những dấu hiệu ở trẻ teen mà cha mẹ cần đặc biệt để mắt tới:

1. Trẻ không còn quan tâm tới những gì từng coi trọng

Chúng ta đều biết, trẻ có thể thay đổi sở thích thường xuyên, từ cờ vua sang bóng đá, từ thích truyện tranh sang nhạc trẻ, ừ mê thần tượng này chuyển sang ngôi sao khác… Nhưng khi trẻ mất quan tâm đến tất cả mọi thứ: từ bạn bè, gia đình, việc học tập, các sở thích giải trí trước đây… thì cần chú ý sát sao hơn.

Quan tâm tới con đúng cách và thường xuyên trò chuyện có thể giúp phụ huynh sớm nhận ra các dấu hiệu cảnh báo. (Ảnh minh họa)

Quan tâm tới con đúng cách và thường xuyên trò chuyện có thể giúp phụ huynh sớm nhận ra các dấu hiệu cảnh báo. (Ảnh minh họa)

2. Thể hiện sự vô vọng về tương lai

Kết quả học tập của trẻ giảm sút đột ngột, trẻ tỏ ra chán chường hay lảng tránh trả lời khi được hỏi về dự định tương lai… đó có thể là dấu hiệu trẻ đang có bất ổn trong lòng.

3. Trẻ quan tâm nhiều hơn đến cái chết

Trẻ có thể thường xuyên hỏi về cách những người thân, người quen biết từ biệt cuộc sống thế nào. Những câu chuyện về cái chết dường như luôn thu hút được sự chú ý của trẻ. Rất có thể đó là điều trẻ đang muốn trải nghiệm.

4. Trẻ khép kín, tự cách biệt mình với mọi người xung quanh

Nếu bấy lâu không hay trò chuyện với con, khi về nhà là mỗi thành viên trong gia đình một không gian và thiết bị, phụ huynh có thể khó nhận ra dấu hiệu khác biệt này.

5. Trẻ có các triệu chứng của trầm cảm như: Hay tức giận nổi nóng; Thường cảm thấy, thậm chí nói ra là mình vô dụng, vô giá trị; Buồn bã mà không rõ lý do; Thay đổi trong thói quen ngủ và ăn uống; Luôn cảm thấy mệt mỏi…

6. Trẻ sử dụng chất gây nghiện hoặc rượu

Đừng nghĩ rằng đây là một giai đoạn nổi loạn của trẻ. Trẻ có thể đang cố gắng để che giấu một vài nỗi đau, vì vậy hãy dành thời gian để điều tra.

7. Trẻ mất tập trung, thường xuyên nhầm lẫn

Nhiều phụ huynh thấy con có biểu hiện này thường chỉ mắng trẻ chểnh mảng học hành, vụng về… mà không biết đó có thể là kết quả của việc trẻ đang có vấn đề gì đó căng thẳng, lo lắng hoặc có ý nghĩ về việc tự tử. 

Ngoài ra, chia sẻ với báo Sức khỏe & Đời sống, TS Ngô Anh Vinh, Phó Khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng, nếu trẻ có những dấu hiệu nghi ngờ sau đây, cha mẹ cần chú ý, dành thời gian tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của trẻ để có biện pháp phòng ngừa và can thiệp sớm:

- Trẻ luôn than thở buồn chán, cảm thấy mình tội lỗi xấu xa và vô dụng.

- Trẻ có những tin nhắn dặn dò hoặc lời chào từ biệt với bạn bè thân thiết.

- Trẻ có ý định tàng trữ, cất giấu những vật dụng để thực hiện hành vi tự sát như: Tích trữ thuốc ngủ, chuẩn bị dây, dao,….

Theo chuyên gia, việc hiểu rõ những dấu hiệu cảnh báo sẽ giúp bố mẹ tìm cách giải quyết và ngăn ngừa kịp thời, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Nhà tâm lý Nhan Cẩm Nghi cho rằng, những mối quan hệ tích cực, hỗ trợ từ gia đình và xã hội đóng vai trò quan trọng bảo vệ trẻ khỏi vi-rút “tự tử”. Sự gắn kết vững chắc giữa ba mẹ và con cái tạo cảm giác an toàn và là tiền đề giúp trẻ phát triển nhận thức về giá trị bản thân: “Mình không đơn độc” “Mình xứng đáng nhận được tình yêu thương từ ba mẹ và mọi người xung quanh”… Bên cạnh đó, việc phát triển mối quan hệ tốt đẹp với nhà trường, bạn bè góp phần củng cố nguồn lực bên ngoài và sự tự tin bên trong của trẻ.

Ngoài ra, phụ huynh và thầy cô có thể hỗ trợ trẻ trong việc giáo dục các kĩ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng đưa ra quyết định và thích ứng với môi trường nhằm phòng ngừa và ứng phó với những tình huống khó khăn. Một chế độ sinh hoạt hợp lý, sự cân bằng giữa thể chất và tinh thần có thể giúp trẻ có những trải nghiệm sống lành mạnh và cái nhìn tích cực với bản thân cũng như những người xung quanh.

Nữ sinh tự tử vì bị viết bản kiểm điểm, bác sĩ chỉ lỗi rất nhiều phụ huynh mắc phải
Khi con ở giai đoạn "quá độ", phát triển từ trẻ con thành người lớn, nếu bố mẹ vẫn áp đặt, kiểm soát con có thể khiến tâm sinh lý trẻ bị ảnh hưởng, dẫn đến những hành vi nhiều nguy cơ, thậm chí là tự tử.

TS.Bs.Đỗ Minh LoanTS.Bs.Đỗ Minh Loan

Giám đốc Trung tâm Chỉ đạo tuyến Nhi khoa, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương.

MT (tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh lý trầm cảm