Con gái phải đi cấp cứu, bố Hà Nội ngã ngửa khi biết nguyên nhân do chuyện dậy thì

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 08/11/2021 14:20 PM (GMT+7)

Trong giai đoạn tuổi dậy thì, trẻ có rất nhiều thay đổi về tâm sinh lý và hình thể. Đây cũng là giai đoạn bố mẹ cần đặc biệt quan tâm đến trẻ, bởi chỉ một sai lầm hoặc sự chủ quan sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tương lai của con.

Con nhập viện vì phụ huynh chủ quan không để ý đến kinh nguyệt

TS.BS Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết quá trình thăm khám tại khoa cho thấy có hai vấn đề thường gặp nhất liên quan đến vấn đề kinh nguyệt của trẻ nữ ở tuổi dậy thì. Thứ nhất, do bố mẹ quá lo lắng nên đưa con đi khám trong khi mọi thứ hoàn toàn bình thường. Thứ hai là phụ huynh chủ quan, đến lúc đưa con đi khám thì tình trạng đã rất nặng, thậm chí phải cấp cứu vì những vấn đề sinh lý ở tuổi dậy thì.

Điển hình như trường hợp một bé gái 13 tuổi ở Hà Nội được bố đưa đến viện trong tình trạng mệt mỏi, da xanh, lực học giảm sút... Tại bệnh viện, qua xét nghiệm cho thấy trẻ bị thiếu máu trầm trọng, phải nhập viện truyền máu.

Bố bệnh nhi cho biết trước đó vài tháng cháu vẫn khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, 3-4 tháng gần đây thấy cháu sụt cân, da xanh xao, học kém chú ý dù gia đình vẫn bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và cháu vẫn ăn được. 

Khi con đến tuổi dậy thì, nhất là các bé gái, bố mẹ cần quan tâm nhiều hơn. (Ảnh minh họa)

Khi con đến tuổi dậy thì, nhất là các bé gái, bố mẹ cần quan tâm nhiều hơn. (Ảnh minh họa)

Tại khoa Sức khỏe Vị thành niên, bệnh nhi chia sẻ đã có kinh nguyệt được 1 năm, vài tháng trở lại đây mỗi lần hành kinh bị ra máu rất nhiều. Trẻ nghĩ như vậy là bình thường nên trẻ không để ý. Còn bố mẹ bận đi làm nên cũng chủ quan không quan tâm đến vấn đề này, hàng ngày chỉ chăm lo việc ăn uống và học tập của con, đến khi thấy con xanh xao bất thường mới đưa đi khám.

“Sau khi nghe bệnh nhi chia sẻ và thăm khám, chúng tôi nhận định nguyên nhân gây thiếu máu trầm trọng là do bị mất máu quá nhiều trong các chu kỳ kinh nguyệt liên tiếp (đã thăm khám và loại trừ các nguyên nhân mất máu khác). 

Dù gia đình có bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, nhưng do lượng máu mất nhiều không kịp hồi phục từ đó khiến trẻ yếu dần, da xanh và mệt mỏi. Sau khi được truyền máu bổ sung, điều trị và hướng dẫn gia đình chăm sóc, quan tâm đến trẻ nhiều hơn, bệnh nhi đã ổn định trở lại”, TS Minh Loan chia sẻ.

Khi được bác sĩ thông báo về tình trạng của con, người bố vô cùng bất ngờ vì không nghĩ rằng những vấn đề tế nhị, tưởng chừng rất nhỏ lại ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe khiến con phải nhập viện cấp cứu, truyền máu.

TS Minh Loan khuyến cáo bố mẹ không nên quá hoang mang nhưng cũng không chủ quan mà cần quan tâm đúng cách khi trẻ đến tuổi dậy thì.

TS Minh Loan khuyến cáo bố mẹ không nên quá hoang mang nhưng cũng không chủ quan mà cần quan tâm đúng cách khi trẻ đến tuổi dậy thì.

10 tuổi đã có kinh nguyệt có đáng lo?

Ngoài những trường hợp như bệnh nhi trên trên, BS Loan cho biết có rất nhiều phụ huynh đưa con đến khám vì quá lo lắng đến vấn đề kinh nguyệt của con ở lứa tuổi dậy thì. 

“Có trường hợp trẻ 10-11 tuổi có kinh nguyệt, bố mẹ vội vàng đưa đến khám vì sợ con bị dậy thì sớm. Cũng có gia đình, con 12-13 tuổi chưa có kinh nguyệt, ngực chưa phát triển trong khi các bạn cùng lớp đã có những biểu hiện trên thì sợ con không dậy thì nên lo lắng và đưa con đi khám, nhờ can thiệp. Tuy nhiên, đây là vấn đề hết sức bình thường, không hề có dấu hiệu bệnh lý hay cần phải can thiệp”, BS Loan chia sẻ.

Theo BS Loan, các nghiên cứu cho thấy độ tuổi trung bình các bé gái có kinh nguyệt là từ 12 đến 13 tuổi. Tuy nhiên, cũng có trẻ có sớm hơn và muộn hơn. Thông thường với những trẻ từ 10 đến 15 tuổi có kinh nguyệt thì không cần phải can thiệp y học. 

Với những trẻ có kinh nguyệt trước 10 tuổi thì được cho là sớm, khi đó sẽ phải khám kỹ lưỡng để đưa ra quyết định có cần can thiệp hay không. Tương tự, với trẻ nữ trên 15 tuổi chưa có kinh thì cũng phải thăm khám kỹ để từ đó đưa ra can thiệp kịp thời, phù hợp.

Từ những phân tích trên, TS Loan khuyên bố mẹ cần quan tâm, chú ý đến con nhiều hơn trong độ tuổi dậy thì, không nên quá hoang mang, lo lắng nếu con có kinh nguyệt trong khoảng từ 10 đến 15 tuổi. Đồng thời cũng không nên quá chủ quan, nếu thấy con có dấu hiệu bất thường cần đưa đi khám.

Trẻ có kinh nguyệt bất thường, ảnh hưởng cả đến việc học cần đưa đi khám. (Ảnh minh họa)

Trẻ có kinh nguyệt bất thường, ảnh hưởng cả đến việc học cần đưa đi khám. (Ảnh minh họa)

Trường hợp nào cần đưa trẻ đi khám về vấn đề kinh nguyệt

TS Loan cho biết bố mẹ cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề kinh nguyệt khi trẻ nữ bước vào giai đoạn dậy thì. Khi có các biểu hiện dưới dây, cần đưa trẻ đi khám:

- Trẻ có kinh ở giai đoạn trước 10 tuổi hoặc sau 15 tuổi.

- Chu kì kinh nguyệt không đều hoặc thất thường. Với lứa tuổi dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt của trẻ có thể từ 21 đến 45 ngày. Khi trẻ có kinh sớm hơn hoặc muộn hơn chu kỳ trên thì cần đưa đi khám. 

- Thông thường trong chu kỳ kinh nguyệt, thời gian ra máu kinh sẽ dưới 7 ngày. Trường hợp kéo dài trên 7 ngày, lượng máu ra nhiều cần đi khám. 

- Ra máu bất thường không theo chu kỳ.

- Đau bụng bất thường đến mức không ăn uống được, ảnh hưởng đến sinh hoạt, không đi học được thì nên đi khám.

- Vô kinh nguyên phát (sau 15 tuổi chưa có kinh) hoặc vô kinh thứ phát (đã có kinh rồi nhưng sau đó 3-4 tháng không có kinh) thì cũng cần đi khám.

Xem thêm: 

Mẹ hoảng khi con gái 14 tuổi xem phim người lớn, vì sao bác sĩ khuyên "chẳng cần ngăn cấm"

Kích con cao tuổi dậy thì ai ngờ phản tác dụng, BS cảnh báo đừng thúc chiều cao cách này
Việc thúc ép con ăn để có chiều cao lý tưởng tuổi dậy thì tưởng tốt nhưng lại là một sai lầm có thể để lại những hệ lụy lâu dài cho sức khỏe.

Dậy thì

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề TS.Bs.Đỗ Minh Loan