Khi nói đến ung thư phổi, mọi người đều nghĩ đến việc hút thuốc. Tuy nhiên trên thực tế, tỉ lệ người mắc bệnh và tử vong vì bị ung thư phổi không chỉ liên quan đến người thường xuyên hút thuốc mà còn gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác.
Chàng trai Tiểu Vĩ, 18 tuổi không hút thuốc, không uống rượu, cũng không có thói quen xấu, nhưng anh bị chẩn đoán mắc ung thư phổi ở giai đoạn giữa. Không ít người đều cảm thấy khó tin, ngay cả bác sĩ cũng nói, bệnh nhân trẻ như vậy đã mắc ung thư phổi là rất hiếm, nhưng các bác sĩ cũng không ngạc nhiên. Bởi các bác sĩ đều biết rằng ung thư phổi không chỉ liên quan đến việc hút thuốc mà còn liên quan đến rất nhiều nguyên nhân khác.
Bác sĩ Lương Hiệu Dân, phó Khoa lồng ngực của Bệnh viện tư nhân thành phố Thanh Đảo, người điều trị trực tiếp cho Tiểu Vĩ nhắc nhở mọi người, nhất định không được cho rằng ung thư phổi chỉ liên quan đến hút thuốc, những yếu tố dưới đây đều có thể dẫn đến ung thư phổi.
1. Khói thuốc lá thụ động
Khói thuốc được coi là chất độc hại nhất trong môi trường cư trú. Khói thuốc cấu tạo từ một hỗn hợp khí và bụi. Theo Tổ chức Y tế Quốc tế (WHO), trong khói thuốc có khoảng 4000 chất hóa học, trong đó có 40 được xếp vào loại gây ung thư, gồm những chất như nicotin, oxide carbon, hắc ín và benzene, formaldehyde, ammonia, acetone, arsenic, hydrogen cyanide ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết gây ra những bệnh tim mạch, giảm trí nhớ và các bệnh ung thư, tiêu biểu là ung thư phổi.
2. Ô nhiễm không khí
Có nhiều chất gây ô nhiễm trong không khí gây thiệt hại cho môi trường hoặc sức khỏe con người. Các chất ô nhiễm chính bao gồm ozone, nitrogen dioxide, các hạt vật chất và sulfur dioxide. Các tác động của ô nhiễm không khí trên đường hô hấp phụ thuộc vào sự pha trộn các chất ô nhiễm với nhau, nồng độ trong không khí, thời lượng tiếp xúc, lượng chất gây ô nhiễm được hít vào và lượng chất gây ô nhiễm thâm nhập vào phổi của con người.
Các triệu chứng phổi có thể được nhìn thấy ngay sau khi tiếp xúc với mức độ ô nhiễm cao, bao gồm kích ứng đường hô hấp, khó thở và tăng nguy cơ lên cơn suyễn. Thời gian dài tiếp xúc với chất gây ô nhiễm không khí sẽ làm tăng sự xuất hiện của bệnh ung thư phổi.
3. Khói bếp
Khói phát sinh khi nấu nướng ở nhiệt độ càng cao. Ở nhiệt độ khoảng 60 độ C, dầu ăn sẽ bắt đầu quá trình ôxy hóa. Trên 100 độ C, các axít béo bắt đầu phân hủy thành nhiều hợp chất có hại, glycerin sẽ tổng hợp thành acrolein, chính là khói dầu có vị cay nồng. Độc tính của dầu ăn sẽ trở nên mạnh hơn ở mức trên 200oC đến mức dầu bốc lửa. Người hít phải khói này chắc chắn sẽ rất hại sức khoẻ. Hầu hết các món rán đều phải để dầu sôi nhiệt độ cao, việc khói dầu lan tỏa trong nhà, đặc biệt là nhà kín, tiềm ẩn nhiều nguy hại.
Khói nấu nướng phóng ra từ dầu ăn có vị cay nồng, kích thích niêm mạc mũi, mắt, họng, làm tổn thương tổ chức tế bào của đường hô hấp, có thể dẫn đến các bệnh đường hô hấp như viêm mũi, viêm họng, viêm khí quản. Thường xuyên hít phải loại khói dầu ăn này còn có thể dẫn đến hen suyễn, từ đó tăng cao nguy cơ ung thư phổi.
Trong không gian kín của bếp, các chất khí độc hại như CO2, CO, NO2 từ các nguyên liệu đốt trong nhà bếp như khí than, hơi gas, khói bốc lên từ dầu ăn khiến người nấu ăn cảm thấy choáng váng, mệt mỏi. Khói nóng thậm chí có thể gây bỏng thanh quản khi hít phải.
4. Tiếp xúc lâu dài với bụi công nghiệp, amiăng
Nếu thỉnh thoảng tiếp xúc với bụi công nghiệp thì không ảnh hưởng nhiểu đến sức khỏe, nhưng nếu làm việc thời gian dài trong môi trường nhiều bụi và các biện pháp bảo vệ không được đảm bảo, hoặc thường xuyên tiếp xúc với amiăng, sơn, thuốc trừ sâu,… rất dễ bị ung thư phổi.
5. Chất lượng giấc ngủ kém và tâm trạng không thoải mái
Nếu chất lượng giấc ngủ không cao, tâm trạng mệt mỏi, cơ thể không được nghỉ ngơi một cách hiệu quả, dẫn đến suy nhược tinh thần, sức đề kháng yếu, nguy cơ nhiễm khuẩn tương đối cao. Thời gian dài cơ thể mệt mỏi, và tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh ung thư, nguy cơ mắc ung thư rất lớn.