Chăm tập thể thao và hầu như cả năm không phải uống thuốc, chị Minh Giang từng chủ quan “từ từ mới chích vắc xin” vì nghĩ mình sẽ không thể mắc bệnh, mà nếu có thì cũng như mắc cúm thôi. Sau hơn nửa tháng chống chọi với COVID, giờ gặp ai chị nhắc ngay “Hã
Cú sốc "dương tính" của người từng nghĩ "Mình khỏe, sợ chi COVID-19"
Vài tháng trước, khi công ty có đợt tiêm vắc xin ngừa COVID-19, chị Nguyễn Thị Minh Giang, 37 tuổi, Tổng giám đốc Mekong Capital (TP. HCM) còn thủng thẳng: “Mọi người cứ tiêm trước, chị chích sau cũng được”. “Mình lúc nào cũng tự tin về sức khỏe của bản thân. Tuần tập gym 3 cữ, leo núi, trekking các kiểu, cũng không có bệnh nền chi hết. Tụi nhân viên trong công ty vẫn chọc ‘Minh Giang là người đàn ông cộng thêm của chị em’ mà”, chị Giang chia sẻ.
Không riêng chị, anh xã và hai con (bé gái 12 tuổi, bé trai 10 tuổi) đều chăm tập thể thao, ăn uống, ngủ nghỉ điều độ, lành mạnh. Cả gia đình bảo vệ sức khỏe rất kỹ. Suốt hơn hai tháng làm việc ở nhà, chị Giang chỉ ra ngoài duy nhất một lần trong vòng 45 phút, gặp đúng 4 người rồi về, và biết rõ cả 4 người đó đều đã được xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Bởi vậy, chị Giang không hề nghĩ tới một ngày mình và cả gia đình bị COVID-19 ghé thăm và hành cho “lên bờ xuống ruộng”. Tới giờ, khi đã vượt qua được những ngày mà có lúc “tưởng như banh xác”, chị mới thở phào và luôn muốn nhắn nhủ tới mọi người: “Để chiến thắng COVID-19: Lạc quan thì tốt, bi quan tí cũng không sao nhưng nhất định không chủ quan và tự tin quá đà”.
Chị Giang chia sẻ về hành trình 17 ngày chiến đấu với COVID-19 của gia đình mình, cùng bức ảnh món quà thân thương một em nhỏ tại chung cư gửi tặng cũng như phiếu xét nghiệm âm tính chị mới nhận được.
Kể về khởi đầu “cuộc chiến” của gia đình mình, chị Giang nhớ lại, người đầu tiên có triệu chứng sốt, đau họng... là chồng chị - người đàn ông 38 tuổi - một Ironman - đều đặn tập luyện 3 môn phối hợp bơi lội - đạp xe - chạy bộ. Một ngày sau đó, khi thức dậy, chị Giang cũng có triệu chứng y như chồng. Lúc này, cả hai vẫn nghĩ mình chỉ bị cúm thôi nên tích cực súc miệng nước muối, nghỉ ngơi, ngủ đủ. Nhưng cảm giác mệt không bớt mà tăng lên, rồi bắt đầu lả người.
“Hôm sau quyết định đi xét nghiệm thì đúng là tối sầm mặt mày: hai vợ chồng đều kết quả Dương Tính. Về nhà, việc đầu tiên là cho 2 đứa nhỏ vô một phòng riêng, thông báo cho bên phường, chung cư... và sẵn sàng để đi cách ly, nhưng vì đông quá nên không ai tới hốt. Sốc, hoảng loạn vài tiếng… hai vợ chồng nhìn và ôm nhau thật chặt: Giờ mình chiến đấu nha em! Ừ, thì chiến đấu... còn chiến đấu sao thì không biết. Khoá chặt cửa và bắt đầu vô trận chiến”, chị Minh Giang chia sẻ lại những khoảnh khắc không thể nào quên trên trang cá nhân.
Theo lời chị kể, sau khi quyết tâm tự trị bệnh tại nhà, để phòng lây cho các con, anh chị thuê một căn hộ khác trong khu chung cư cho hai bé ở riêng rồi nhờ một người thân tới chăm các cháu. Nhưng chỉ 3 hôm sau, hai bé cùng cô ruột bắt đầu có triệu chứng bệnh và xét nghiệm dương tính. Tất cả lại về chung một nhà “trị thương”. Vợ chồng chị không dám cho hai bên nội ngoại biết chuyện vì “sợ các cụ ở quê nghe tin, không giúp được gì mà chắc vỡ mật và đau tim”.
Mặc dù đóng chặt cửa ở nhà tự trị bệnh nhưng gia đình chị không đơn độc. Chòm xóm cùng chung cư, người thân, bạn bè biết chuyện đều chung tay hỗ trợ, động viên mỗi ngày.
“Một số người thân yêu đã bắt đầu lên chiến dịch tiếp tế: Lá xông, chanh đào mật ong, tất cả các thể loại thuốc: Hạ sốt, C-sủi, 2 thùng nước muối sinh lý chứa bào tử lợi khuẩn để xịt mũi, nước súc miệng cho đến cháo gói, sữa… Trong vòng 3 tiếng nhà mình biến thành tiệm tạp hoá. Bà chị thương yêu nhắn tin ‘Chị không ngủ, để điện thoại 24/7, có gì gọi chị’. Một bà chị khác ‘Chị đã hỏi bác sĩ, chuẩn bị rồi... có gì trở nặng, em sẽ được đưa vô viện’.
Cả chung cư cùng nhau xúm lại: Xung phong nấu cơm, cháo và đưa lên cho cả nhà. Thấy may mắn được sống chung trong một cộng đồng ‘siêu dễ thương’ và đoàn kết”, chị Giang xúc động khi viết lại những yêu thương, quan tâm, chăm lo mọi người dành cho mình và gia đình trong những ngày bước vào “cuộc chiến”.
Chị Nguyễn Thị Minh Giang mong chia sẻ của mình có thể giúp mọi người hiểu thêm về sự nguy hiểm của COVID-19, tránh chủ quan và sẵn sàng tiêm ngừa ngay khi có thể.
“Cuộc chiến này thật không cân sức, cái con virus đó nó xảo quyệt và linh hoạt vô cùng. Mình cũng phải thay đổi chiến thuật liên tục, mặc dù giữ vững chiến lược ‘luôn bình tĩnh, không hoảng loạn. Ngày 1-2 sốt cao, mình uống hạ sốt thông thường vô thì đỡ, sang ngày thứ 3 vẫn thuốc đó không xi nhê gì, phải đổi sang loại khác theo bác sĩ tư vấn. Sau gần 2 tuần chiến đấu, ông xã sút 7 kg, mình cũng tụt 4kg”, chị Minh Giang kể.
Chị cho biết, ngay khi biết bệnh, gia đình chị đã đăng ký dịch vụ bác sĩ khám từ xa và xe cấp cứu… Hằng ngày, cả nhà chị được bác sĩ “khám” qua Zoom rồi động viên, tư vấn cho từng người, mỗi người được kê loại thuốc khác nhau.
COVID-19 không phải là cúm - Đừng chủ quan!
Thực sự thành F0, chị Giang mới thấy những suy nghĩ trước đây của mình về COVID là siêu chủ quan khi cho rằng nó chỉ như cúm xoàng. Trong bài viết trên trang cá nhân, chị chia sẻ những trải nghiệm “te tua” khi đấu lại với loại virus đang tung tác này:
“Đêm đầu tiên, vừa sốt vừa đau họng. Nuốt nước lọc mà y như có ai cầm cái dao lam cứa vào cổ họng. Nhưng vẫn cố gắng lết uống hết hộp sữa và cứ 30 phút là xịt mũi cho chảy xuống cổ và để thở được. Bị sốt cao, nên đầu óc bắt đầu bị lơ mơ, thấy mình đang vung tay, vung chân "quýnh” con Covid. Lúc này, bắt đầu thấy sợ, mở nhạc Chú Đại Bi lên nghe và tụng theo… Một lúc sau cũng chìm vô giấc ngủ, và đêm đó, sốt thêm vài chập nữa, kéo theo ho.
Qua ngày thứ 2 mất mùi, mất vị, đều đặn các triệu chứng những ngày sau đó: Ho, sốt, tức ngực... đo nồng độ Oxy trong máu liên tục, cứ 30 phút là đo… Có những lúc thấy nó rớt xuống rồi tít liên hồi, mình lại không đo nữa, vì sợ nhìn vào lại thêm hoảng loạn. Cứ mỗi lần thấy số bị rớt, mình lại ngồi và hít thở, cố gắng nghĩ tích cực "Mình ăn ở hiền lành nên sẽ qua thôi”.
Mấy ngày liên tiếp cứ duy trì: Đau mấy vẫn phải ăn cháo và uống thêm sữa để không mất sức. Ăn không có vị hay không muốn ăn nhưng vẫn phải cố. Có ngày ngán cháo quá thì lấy cơm trộn nước canh và húp. Nhất định không bỏ bữa”...
Sốt thì nằm nhưng khỏe là lại đi hay kiếm cái gì đó vận động nhẹ. Mở cửa phòng, gió lồng lộng, sáng là phơi nắng. Xông hơi bằng lá thuốc, viên tràm, mỗi lần xông là há miệng và hít thở. Xịt mũi liên tục… Uống nước nóng pha nước ngâm chanh đào mật ong thay nước lọc”.
Mặc dù luôn nhắc mình phải bình tĩnh, suy nghĩ tích cực nhưng đến giai đoạn “đỉnh” - ngày thứ 7-8-9 của đợt bệnh, khi sốt giảm nhưng ho “muốn banh cái ngực” rồi hụt hơi liên tục, có những lúc, chị Giang thấy sợ hãi: Sợ mình chết, sợ nhỡ làm sao thì con cái sau này ra sao. May có một niềm an tâm là tụi nhỏ tuy cũng có đủ triệu chứng nhưng nhẹ hơn, vẫn ăn, vẫn chơi và mau vượt lên.
“Thực sự tới giờ phút này, khi cơn nguy hiểm đã qua rồi, mình cũng không dám ‘chém’ là nhờ đâu mà vượt qua được những ngày đó. Nói thiệt là ‘hên, xui, do mình còn may mắn. Có những bạn mình quen, thanh niên trai trẻ, vài ba ngày đầu nói vẫn khỏe khoắn lắm, mà đến ngày 7-8-9 là trở nặng nặng, rồi phải vào nằm thở Ecmo”, chị Giang chia sẻ.
Chị cho biết, đến những ngày 10, 11, 12 chị vẫn duy trì đều đặn những việc đã làm, dùng thuốc theo bác sĩ hướng dẫn, ăn 3-4 bữa, trái cây, thường xuyên uống nước cam… Tới ngày thứ 12 thì chị bắt đầu cảm nhận lại được mùi, vị… Đến hôm nay, hầu như mọi người trong gia đình đều đang dần hồi phục, riêng chị còn ho nhiều, cảm thấy cơ thể vẫn yếu ớt. Hiện tại, chị Giang và con trai đã xét nghiệm âm tính lần một. Chồng chị cùng con gái và em gái anh vẫn dương tính nhưng nồng độ rất thấp, nhiều khả năng sẽ nhận kết quả âm tính trong lần trả kết quả sắp tới.
“Giang muốn chia sẻ trải nghiệm của bản thân để mong đừng ai chủ quan như mình, có cơ hội chích vắc xin thì chích ngay, đồng thời hãy luôn chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý và thể chất trước những tình huống có thể xảy ra. Cố gắng xây dựng cho mình một nền móng sức khỏe vững vàng, sức đề kháng tốt bằng chế độ ăn uống, ngủ nghỉ và tập luyện đều đặn, để nếu có lỡ mắc bệnh còn có sức mà chiến đấu”, chị Minh Giang nhắn gửi.
Hướng dẫn chăm sóc F0 tại nhà của Sở Y tế TP.HCM: F0 chăm sóc tại nhà cần mang khẩu trang thường xuyên, trừ khi ăn uống, vệ sinh cá nhân; thay khẩu trang hai lần một ngày, khử khuẩn bằng cồn trước khi loại bỏ khẩu trang; thường xuyên khử khuẩn tay, các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo... Đo thân nhiệt tối thiểu hai lần mỗi ngày hoặc khi cảm thấy sốt. Khai báo y tế mỗi ngày ít nhất một lần hoặc khi có triệu chứng bất thường qua ứng dụng "Khai báo y tế điện tử". Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước. Tập thể dục tại chỗ, tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày. Lưu số điện thoại của nhân viên y tế để liên hệ khi cần tư vấn, hỗ trợ như Số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh phường, xã, thị trấn, quận, huyện, thành phố Thủ Đức... Khi có một trong các triệu chứng như sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, tiêu chảy, mất mùi vị, đau ngực, nặng ngực, cảm giác khó thở, liên hệ nhân viên y tế qua tổng đài "1022" bấm số "3" để được tư vấn từ Hội Y học TP HCM, hoặc số 4 để được tư vấn từ "Thầy thuốc đồng hành", hoặc gọi số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh phường, xã, quận, huyện để được tư vấn và hướng dẫn xử trí. Khi có dấu hiệu chuyển nặng như khó thở (thể hiện bằng việc thở hụt hơi, thở nhanh trên 30 lần một phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi, đau chi, SpO2 < 95%), liên hệ ngay tổng đài "115" hoặc số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh phường, xã, quận, huyện để được cấp cứu và vận chuyển đến bệnh viện điều trị kịp thời. Trong thời gian theo dõi tại nhà, F0 nên chuẩn bị các thuốc thiết yếu cần có như thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng gồm vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng, các thuốc y học cổ truyền. Ngoài ra có thể bổ sung các thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống trong một số tình huống có triệu chứng sớm của suy hô hấp và chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hỗ trợ… Các thuốc này cần được bác sĩ kê toa và hướng dẫn sử dụng. |